Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Khoa học và nghệ thuật

Khoa học và nghệ thuật
Nguyễn Quân
Ghi chú về nghệ thuật - NXB Trẻ



(Tác phẩm nhiếp ảnh)

Hai từ này hay được đặt cạnh nhau trong thời chúng ta tưởng như chưa bao giờ có khoa học vậy. Thực ra đấy đã là một cặp đối thoại từ xửa xưa. Có điều ngày nay ông bạn khoa học to lớn và sang trọng tới mức át hết cả các bạn ngồi cùng bàn. Một nhà sử mỹ thuật có nói: thời Trung cổ người ta mộ đạo như thời Phục Hưng người ta sùng bái nghệ thuật (nhất là mỹ thuật) và người thời nay đối với khoa học.
Những điểm giống nhau và khác nhau giữa khoa học và nghệ thuật có thể trình bày theo hai cột sau:
Khoa học
- Lao động tinh thần trên cơ sở tư duy logic - tư biện.
- Biện pháp chính là trừu tượng hóa.
- Sinh ra sản phẩm vật chất cụ thể
- Các sản phẩm tinh thần chỉ là trung gian.
- Đoạn đường trung gian này càng ngày càng ngắn.
- Kinh nghiệm tri thức là nền tảng
- Cần có óc tưởng tượng phi thường và khả năng chăm chú thế giới.
- Tách xa các quan niệm triết học - độc lập với các quan hệ này - vì đối tượng của khoa học là tự nhiên.
- Có cơ chế sáng tạo gần gũi với sáng tạo nghệ thuật (thí dụ như những vấn đề đặt ra trong Heuristik - phát hiện học rất đúng với quá trình sáng tác) .
- Nhà khoa học có thể làm việc độc lập với các biến động và sinh hoạt xã hội.
- Sự cô đơn tính chất độc lập, cá tính sáng tạo là cần thiết.
- v v Nghệ thuật
- Lao động tinh thần trên cơ sở cảm quan hình tượng.
- Biện pháp là nhập cảm kết hợp với suy đoán trừu tượng.
- Sinh ra sản phẩm tinh thần không có con đường tác động trực tiếp vào sản xuất vật chất như khoa học.
- Con đường gián tiếp này càng ngày càng dài ra.
- Kinh nghiệm xúc cảm là nền tảng.
- Cần có óc tưởng tượng phi thường nhờ khả năng liên tưởng "vô qui tắc" - cần khả năng chăm chú thế giới.
- Gắn chặt với các quan niệm triết học - đối tượng là con người với tư cách là sản phẩm của xã hội và của tự nhiên (vế thứ hai này hay bị lãng quên một cách vô thức).
- Có cơ chế sáng tạo gần gũi với sáng tạo khoa học.
- Nghệ sĩ chỉ có thể làm việc sáng tạo khi hòa nhập mình với đời sống xã hội - sự ở ẩn chẳng qua là một cách tổ chức công việc mà thôi.
- Sự cô đơn trong suy nghĩ, tính độc lập của nhân cách và cá tính sáng tạo là cần thiết.
- v v
Trên đây là những điểm chung, chúng ta còn có thể kéo dài bảng so sánh trên. Và những điểm nêu trên đã có từ hàng ngàn năm nay. Vậy tại sao thời đại ta lại đặt ra vấn đề này. Nó có một số nguyên nhân:
- Thời đại ta (thế kỷ 20) đẻ ra một loạt ngành khoa học chuyên biệt. Một ngành hóa học bị chẻ ra làm hàng trăm bộ môn khác nhau. Từ một ngành vật lí vỡ ra hàng trăm mảnh đẹp các ngành vật lí trừu tượng nhất, rộng nhất và các ngành vật lí thực nghiệm di chuyển sâu nhất vào một đối tượng hẹp. Sinh học, y học, toán học… đều như vậy. Khoa học tự nhiên vốn là cái con người cho rằng sờ thấy được, cầm nắm được, cụ thể là không phụ thuộc vào ý nghĩ vốn hay lông bông của con người. Nó tạo nên hình ảnh thật nhất của thế giới. Nếu cả thời trung cổ dài giặc chỉ có môn giả kim thuật - và không mấy ai tin vào việc làm ăn của các nhà khoa học này - thì ngày nay hàng trăm ngành đa hóa, ngành nào cũng buộc người ta phải tin riệt vào các kết quả hiển nhiên của chúng. Các ngành khoa học chuyên biệt phân chia tự nhiên ra thành từng mảnh rời rạc - hình ảnh bao quát bị "đập vỡ", một hình ảnh toàn cục của thế giới quan làm người ta hoang mang, lo sợ và hăm hở đi sâu vào những con đường mới lạ.
- Thế kỷ 20 đẻ ra một loạt ngành khoa học cơ bản mới. Đó là những môn học can thiệp vào bất kỳ một ngành thực nghiệm nào và mọi lĩnh vực khác nhau. Thông tin khoa học điều khiển học, phân tâm học, toán học hiện đại, thuyết của Einstein và vật lý hiện đại… Các ngành khoa học này nâng toàn bộ hiểu biết của con người về tự nhiên lên một bình diện mới. Trên mặt phẳng mới được thiết lập nhờ các bộ môn này, con người nhìn thể giới với con mắt khác. Gián tiếp hay trực tiếp nó thay đổi thế giới quan, quan niệm sống của con người tận gốc rễ. Hình ảnh thế giới bị đảo lộn và làm người ta chóng mặt.
- Sự kết hợp giữa các ngành khoa học đi ngược lại xu hướng tản ra thành các ngành chuyên biệt cũng rất lớn. Ở ranh giới của các ngành khoa học cũ liên tục xuất hiện các ngành mới. Hóa sinh, hóa lý, toán hóa, toán sinh, phỏng sinh học, vật lý chất rắn Nhiều môn khoa học tự nhiên can thiệp sâu vào các môn khoa học xã hội và biến đổi tính chất của các môn này như: toán kinh tế, thông tin học kinh tế, kinh tế học nghệ thuật, khoa học quản lý... Mối dây nhằng nhịt giữa các ngành khoa học càng làm cho hình ảnh thế giới và quan niệm về đời sống con người thêm phức tạp.
- Khoa học can thiệp trực tiếp vào sản xuất trở thành một sức sản xuất trực tiếp - thành một khâu của chu kỳ sản xuất. Năng suất lao động tăng gần như hoàn toàn nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Niềm tin ở cái cụ thể, ở sự sử dụng chế ngự tư duy tình cảm của con người. Khoa học đã chiếm lĩnh thực tại một cách huy hoàng và do đó nó cũng có địa vị chế ngự đối với các ngành sản xuất tinh thần - theo ý nghĩa của Mác.
- Khoa học và kỹ thuật gắn làm một. Thay đổi toàn bộ đời sống của con người. Các tiện nghi, phương tiện tiêu dùng và dịch vụ mỗi sớm ngày ra lại thay đổi. Sự sản xuất hàng loạt làm cho ngay bản thân sản phẩm mất cá tính đặc sắc. Con người - kỹ thuật - hưởng thụ trở thành một đơn vị thống nhất đáng sợ. Ở Nam Mỹ, Hồng Kông, New York hay Paris... người thuộc đủ mọi giống nòi sống rất giống nhau và rất gần nhau. Các sản phẩm tiêu thụ và phương tiện dịch vụ này thay đổi như vũ bão mọi thói quen thị giác của con người. Tâm lý thị giác bị xáo động, khả năng hình thành thói quen truyền thống bị hủy hoại, con mắt có một thói quen mới là nhìn sự đổi thay, thói quen đổi thay là thói quen đặc trưng của thời này. Máy bay, ô tô, kính hiển vi, vô tuyến truyền hình, máy ảnh, nhà cao tầng, tầu ngầm, đồ nhựa, thép không rỉ ... đã mở rộng tầm mắt của con người, thay đổi tầm mắt của con người làm con mắt họ tinh ra rất nhiều và phần nào làm cho họ bị "loạn thị". Với quy mô xâm nhập như vậy, khoa học và tư duy khoa học có ảnh hưởng lớn dưới nhiều dạng khác nhau ở cấp độ triết học, mỹ học chung nhất, ở cấp độ tâm lý con người và ở cấp độ thấp nhất trong thói quen trực giác hàng ngày.
Thời kỳ cách mạng kỹ thuật lần thứ I, khoa học và kỹ thuật chưa có đặc tính trên nên mối quan hệ giữa nó với nghệ thuật chưa phức tạp và gần gũi như hiện tại.
Mối quan hệ đó cần được lý giải như thế nào?

Mũi tên đậm hơn thể hiện cường độ của chiều tác động. Nghệ thuật thất thiệt ở hai chiều đối với đời sống và với khoa học.
Văn hóa tư tưởng có sức ỳ truyền thống lớn hơn nên thường chạy sau thực tại. Tuy nhiên nếu cho rằng thực tại ở thế kỷ này thay đổi (ở bề ngoài nhìn thấy được) với một tốc độ mà tư tưởng văn hóa chỉ cố mà chụp nhanh lấy thôi để đừng hụt bước và thực tại sẽ vượt qua văn hóa tư tưởng thì đó là sự ngộ nhận lớn. Có một vài cách lý giải chỉ đúng ở hình thức về ảnh hưởng của khoa học đối với nghệ thuật. Cách này đặt những hiện tượng khoa học và nghệ thuật ngang hàng nhau rồi quy cho cái gạch nối đó một quan hệ nhân quả mà khoa học là nguyên nhân - hiện tượng nghệ thuật là kết quả.
Khoa học
- Phát sinh về ánh sáng
- Phát hiện vai trò của tốc độ bởi thuyết tương đối.
- Phân tâm học, việc tìm ra cái libido và tiềm thức. Nghệ thuật
- Chủ nghĩa ấn tượng coi ánh sáng là đối tượng mô tả, coi trọng khoảnh khắc và sự khúc xạ ánh sáng.
- Chủ nghĩa vị lai đòi hội họa tương lai phải coi tốc độ là đối tượng mô tả.
- Chủ nghĩa lập thể - Phân tích sự vật ra nhiều góc nhìn khác nhau.
- Chủ nghĩa siêu thực v.v...
Rõ ràng đây là một lối giải thích thô thiển - và nhiều hiện tượng sẽ không giải thích nổi. Tuy nhiên một quan hệ gián tiếp tinh vi và mù mờ hơn giữa các hàng ngang giữa hai cột trên là một thực tế khó chối cãi.
Cách thứ hai cũng ở cấp độ như vậy đòi hỏi nghệ thuật liên tục thay đổi hình thức thể hiện - nhanh như sự phát triển của khoa học tự nhiên - Thần tượng của thế lý XX. Kiến thức toán học cứ 10 năm lại tăng gấp đôi - và hóa học ở những ngành hiện đại năm năm đã nhân đôi khối lượng kiến thức. Máy ảnh mấy chục năm mới từ lý thuyết đến tay người sử dụng thì tia laser trải qua quãng đường đó trong 3-4 năm. Đó là lý do dẫn tới sự thay đổi liên tục của các trào lưu phong cách. Lập thể trong vòng 10 năm, vị lai, đa đa cũng vậy... bao nhiêu thứ chủ nghĩa ra đời mà cuộc đời của chúng cộng lại không kéo dài hơn cuộc đời của chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa cổ điển của thế kỷ trước. Sự đặt tên, sự áp đặt hai hiện tượng song song nói trên trong hai quan hệ nhân quả, sự ngộ nhận cái nhìn thấy được là cái thực, cái đẹp ... chỉ là những nhận định hời hợt mà thôi. Đó là sự nhầm lẫn ở quan niệm xem xét còn bản thân các thứ chủ nghĩa nêu trên tự thân nó công bằng mà nói có những hạt nhân chân lý và bộc lộ chân thật một khía cạnh của con người thế kỷ này - kể cả sự tù túng, hoang mang, cuồng nộ hay bi quan của họ.
Một quan niệm nữa bất chấp hiện thực là khi khoa học tác động lên mọi hoạt động xã hội và mọi lĩnh vực tinh thần của con người mà cứ đòi khư khư bám lấy những hình thức thể hiện cũ của một thứ chủ nghĩa tự nhiên và kinh viện tầm thường. Họ phản đối sự đổi mới tất yếu của hình thức thể hiện. Họ đòi vẽ theo kiểu của Rêpin về những con người đi vào vũ trụ và điều khiển máy tính điện tử, ở trong những căn nhà cao tầng đầy tiện nghi, đi lại bằng máy bay phản lực, sử dụng các chất nhựa hóa học... trong khi kinh nghiệm tâm lý thị giác của họa sĩ - của nhân vật của cả người xem đều đã đổi thay khác hẳn tâm lý thị giác của những người kéo thuyền trên sông Vonga - nghèo khổ rách rưới, ở nhà gỗ thấp, đèn dầu tù mù. Họ tưởng như vậy là bảo vệ chủ nghĩa hiện thực trong khi đẩy nó về tới tự nhiên chủ nghĩa tầm thường bởi hiện thực đã hoàn toàn thay đổi, hiện thực thấm đượm hơi thở của khoa học. Hiện thực bị mổ xẻ bởi những lưỡi dao tinh vi và sắc bén của khoa học còn nghệ thuật kiểu này cứ chờn vờn phía ngoài một cách bất lực.
(Tác phẩm hội họa của TQ)




Khoa học thâm nhập thẳng vào đời sống tinh thần, vào thế giới quan, vào nhân sinh quan, vào tâm lý và tình cảm con người, thâm nhập gián tiếp nhưng có tính chất căn bản vào tình cảm con người qua việc làm biến đổi môi trường thị giác của họ, tạo ra những thói quen thị giác mới trong thực tại đời sống. Khoa học đã tác động phức tạp và đa dạng vào sáng tác nghệ thuật và đòi hỏi có hình ảnh của nó in dấu trên tác phẩm, tức có góp phần sinh ra các hình thức mới của nghệ thuật. Sự tác động này không một chiều thô thiển mà phải được coi như sự đối thoại sinh động - nhiều hình thức nghệ thuật tưởng như là sự đồng thanh tương ứng với thực tại thấm đẫm ảnh hưởng khoa học - kỹ thuật. Trong khi nhiều hình thức lại như sự phản ứng ngược chiều với các tác động khoa học kỹ thuật đang thực sự làm suy bại bản chất con người ở những điều kiện sống nhất định. Chỉ xin nêu một ví dụ: chất naiv - ngây thơ mở đầu ở ông viên chức thuế quan Pháp Henri Rousseau – dần dần trở thành một trường phái và hơn thế nữa ở mọi thứ "chủ nghĩa" ta đều thấy dòng chảy của chất thơ ngây này. Những con rắn, đóa hoa của Rousseau, con chim, con dê, con gà, mái nhà của M.Chagall, những người da đỏ của D.Rivera... vừa khác nhau vừa rất giống nhau ở chất ngây thơ - như là khát vọng vĩnh hằng muốn trở về với tuổi thơ. Phải chăng đây cũng là một sự phản ứng lại đời sống thực dụng cụ thể và bó buộc, sự nghèo nàn của đời sống công nghiệp hiện đại tưởng rất phóng túng và giàu có?
(Nguồn: Ghi chú về nghệ thuật - NXB Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét