Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong tư tưởng mĩ học Hegel


BIỆN CHỨNG CỦA SÁNG TẠO VÀ THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT
TRONG TƯ TƯỞNG MĨ HỌC HEGEL

- “Ngay ham muốn đầu tiên của đứa bé cũng đã chứa đựng ở nó một sự thay đổi thực tiễn các sự vật bên ngoài. Cậu bé ném hòn đá xuống sông và khoái chí nhìn những vòng tròn tan dần ra trên mặt nước, đồng thời ngắm sự sáng tạo của mình”.
Hegel. Mĩ học.
- “Nhưng thao tác viết bao hàm thao tác đọc trong sự tương liên biện chứng và hai hành vi liên quan này cần hai tác nhân riêng biệt”.
Sartre. Văn chương là gì?

1. Trong lịch sử, mối liên hệ giữa sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đã được các nhà triết học, mĩ học ít nhiều đề cập đến trong phạm vi lĩnh vực của mình. Từ ý kiến của Aristote trong Nghệ thuật thi ca cho rằng bản thân con người vốn thích thú mô phỏng và thưởng thức những hình thức kỹ xảo của sản phẩm mô phỏng, ý kiến của Hegel trong quyển Mĩ học cho rằng con người thích tự ngắm mình trong ví dụ nổi tiếng về cậu bé ném hòn đá xuống sông, đến ý kiến của Marx trong Lời nói đầu bản thảo kinh tế 1857-1858 về sức hấp dẫn trong bản tính trẻ thơ của nền nghệ thuật Hy Lạp… đều là những gợi ý quan trọng cho việc tìm hiểu mối liên hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật.
Trong những ý kiến trên, Hegel thể hiện ra là người có mối quan tâm sâu sắc nhất về vấn đề này trong phạm vi đường hướng triết học của ông. Tôn trọng tư tưởng biện chứng của Hegel trong nhận thức mĩ học, bài lược thuật này, chúng tôi chỉ trình bày lại mối quan hệ trên dưới hình thức phép biện chứng của Hegel [1].
2. Mĩ học trong tư tưởng Hegel là một chặng đường mà tinh thần tự nhận thức, quan niệm về mình để vươn đến tinh thần tuyệt đối. Trong đó, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là những hoạt động thực tiễn cơ bản, xuyên suốt, gắn kết một cách biện chứng, cùng là mắt khâu trọng yếu trên con đường tinh thần tự nhận thức và quan niệm về mình.
Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là hai quá trình diễn ra nối tiếp, liên đới. Đó là hai quá trình thuộc về bản chất hoạt động thực tiễn của con người. Điều này được Hegel nêu ra qua một ví dụ nổi tiếng: “Ngay ham muốn đầu tiên của đứa bé cũng đã chứa đựng ở nó một sự thay đổi thực tiễn các sự vật bên ngoài. Cậu bé ném hòn đá xuống sông và khoái chí nhìn những vòng tròn tan dần ra trên mặt nước, đồng thời ngắm sự sáng tạo của mình” [2]. Đây cũng là hai quá trình có mối liên hệ tùy thuộc. Sáng tạo là khách quan hóa cái chủ quan, thưởng thức là chủ quan hóa cái khách quan. Chúng có mối quan hệ gần gũi nhưng không tương đồng. Hegel viết: “Con người có niềm khao khát sản sinh ra chính mình ở trong cái mình nghe và thấy trực tiếp và tồn tại đối với mình như một cái gì ở bên ngoài, đồng thời nhận thức được mình cả ở trong cái hiện thực bên ngoài này [3]”.
Nhưng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không đơn thuần diễn ra như việc ném một hòn đá rồi sau đó tự ngắm nghía kết quả. Vì sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không đơn thuần là một trò chơi, vốn là một điều do sở thích đồng bóng dẫn đến [4]. Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật bắt nguồn từ một ham muốn cao quý hơn, nhằm thỏa mãn nhu cầu cao nhất của con người: nhu cầu sáng tạo từ bản thân mình và cho bản thân mình. “Nhu cầu của toàn thể mọi người và tuyệt đối làm nảy sinh nghệ thuật (với mặt hình thức của nó) tóm lại ở sự kiện sau đây: con người là một ý thức biết tư duy, tức là sự sáng tạo từ bản thân mình và cho bản thân mình, để chứng minh rằng y tồn tại và mọi vật tồn tại. Các sự vật nếu là những sản phẩm của tự nhiên thì chỉ tồn tại một lần và trực tiếp mà thôi; nhưng con người với tính cách tinh thần lại nhân đôi mình lên. Trong khi tồn tại với tính cách một đối tượng của tự nhiên, đồng thời y còn tồn tại cả cho mình nữa: y tự ngắm nhìn mình, quan niệm về mình, suy nghĩ và chỉ qua cái hoạt động tồn tại vì mình như thế y mới là tinh thần” [5].
Chính trong mục đích nhân đôi mình, quan niệm về mình, tự ngắm nhìn mình của con người, sáng tạo nghệ thuật nằm trong thưởng thức nghệ thuật. Sáng tạo chính là một hình thức thưởng thức, quan niệm về mình; ngược lại thưởng thức cũng là sáng tạo lại bản thân mình, và cuối cuộc hành trình cũng là để quan niệm, thưởng thức mình. “Y đạt được mục đích này bằng biện pháp thay đổi đối tượng bên ngoài, bằng cách để lại ở đấy dấu ấn cuộc sống của y và lại tìm thấy ở đấy những đặc trưng của riêng mình [6]”. Khách quan hóa cái chủ quan và chủ quan hóa cái khách quan đặt cơ sở trong nhau.


Nhưng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không chỉ cho thấy cách con người quan niệm về mình, nhìn ngắm mình, tự thưởng thức mình trên cơ sở và trong quan hệ với cái khác mình. Sáng tạo và thưởng thức còn là hành trình tinh thần quay trở về mình để nhận thức mình, khẳng định “lí tính tự do” của con người trên con đường hướng đến tinh thần tuyệt đối, hướng đến một cái biết toàn thể. “Nhu cầu chung về nghệ thuật là xuất phát từ cái cố gắng hợp lí của con người muốn nhận thức một cách tinh thần cái thế giới bên ngoài và cái thế giới bên trong, bằng cách hình dung nó là một đối tượng ở đấy y nhận ra cái ‘tôi’ của y. Mặt khác, y làm cho nhu cầu này về tự do tinh thần được thỏa mãn bằng cách nhận thức cái tồn tại là cho mình, và mặt khác, ở chỗ y thể hiện ra ngoài cái tồn tại ấy vì mình, và bằng cách nhân đôi mình lên làm cho cái tồn tại ở trong nội tâm của y trở thành trực quan và có thể nhận thức được đối với y và đối với người khác. Lý tính tự do của con người là ở đấy, đấy là nguồn gốc của nghệ thuật cũng như của mọi hành động và hiểu biết” [7].
3. Ở góc độ mĩ học, biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật phản ánh biện chứng của nội dung và hình thức trong lịch sử kinh nghiệm thẩm mĩ của con người. Ở góc độ triết học, biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật phản ánh biện chứng của con người và tự nhiên, con người và chính mình. Tác phẩm nghệ thuật nằm ở trung gian giữa con người và tự nhiên, con người và lịch sử của chính mình, và do đó cũng là trung gian giữa con người và chính bản thân mình.
Hình thức của tác phẩm nghệ thuật không phải là cái hình thức-chất liệu độc lập, xa lạ, trần trụi; hình thức tác phẩm là một hình thức thực hiện nội dung mà con người cần phải thẩm thấu, chiếm lĩnh và vượt qua nó trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật: “trong khi không có một nội dung vô-hình thức cũng như không có một chất liệu vô-hình thức thì cả hai (nội dung và chất liệu) khác nhau ở chỗ: chất liệu, tuy tự mình không phải không có hình thức, nhưng tự cho thấy là dửng dưng trong sự tồn tại-hiện có của nó đối với hình thức, trong khi đó, nội dung chỉ là nội dung nhờ vào việc nó chứa đựng hình thức-đã-phát-triển ở bên trong nó” [8]. Nội dung có được là trong quan hệ với hình thức, sự phát hiện nội dung trong thưởng thức nghệ thuật tương ứng với trình độ của khả năng tri giác hình thức đối tượng của con người. Vì tình cảm đặc thù của cái đẹp có được từ khả năng tri giác tương ứng, và khả năng tri giác này có được là do sự bồi dưỡng văn hóa để hình thành năng lực nhận thức thẩm mĩ [9]. “Bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì đối với đôi tai không biết thưởng thức nhạc, nó không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự biểu hiện của một trong những năng lực của tôi” [10]. Cảm xúc thẩm mĩ gợi nên từ tác phẩm nghệ thuật không phải là từ cái hình thức mới lạ đơn thuần; mà chủ yếu là từ cái hình thức mà từ nó và xuyên qua nó, con người trải nghiệm lại được cái hành trình khắc phục, tạo tác tự nhiên kết đọng trong năng lực thẩm thấu và chiếm lĩnh hình thức đối tượng của chính mình. Con đường đi đến nội dung là con đường mà tinh thần vượt qua bản tính xa lạ, trần trụi của hình thức. Đó cũng là con đường mà tinh thần vượt khỏi cái tự nhiên, cái cá nhân, thâm nhập vào tính hiện tượng của cái khác và tính tinh thần của kẻ khác, thực hiện sự tự do về tinh thần của mình. Đó là hành trình gian khổ và chông gai mà tinh thần vượt qua để vươn đến tinh thần tuyệt đối được Hegel phác họa trong Hiện tượng học tinh thần [11].
Nhưng nội dung chỉ là nội dung trong thưởng thức nghệ thuật khi con người vừa xem sự tồn tại của tác phẩm là độc lập, vừa vượt bỏ hình thức cảm quan bên ngoài để đi vào thế giới tinh thần của nó, thỏa mãn hứng thú tinh thần của mình. “Bởi vì các hình ảnh cảm quan và các âm thanh này xuất hiện trong nghệ thuật không những là vì bản thân và vì sự xuất hiện trực tiếp của chúng, mà còn nhằm mục đích dùng hình thức này đặng thỏa mãn các hứng thú tinh thần cao hơn, cho nên chúng có khả năng thức tỉnh và lay động tất cả chiều sâu của ý thức và gây nên tiếng vọng của chúng ở trong tinh thần” [12]. Chính vì nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm mình, quan niệm về mình của con người, nên có thể cũng lí giải vì sao một tác phẩm trong quá khứ xa xôi, với hình thức đã quá quen thuộc, như sử thi Hy Lạp, vẫn còn hấp dẫn con người ở những thế hệ mai sau. “Nhưng lẽ nào người lớn lại không vui thích trước sự ngây thơ của trẻ con, và lẽ nào người đó lại không được mong muốn diễn lại, trên một mức độ cao hơn, cái bản chất chân chính của mình? Lẽ nào trong bản chất của trẻ con, ở mỗi một thời kỳ, cái bản tính của nó lại không sống lại trong cái sự thực tự nhiên của nó hay sao? Và tại sao thời niên thiếu của xã hội loài người, trong lịch sử ở nơi nào mà nó đạt tới một một sự phát triển đẹp đẽ nhất, lại không được có một sức hấp dẫn mãi mãi với chúng ta, với tư cách là một giai đoạn không bao giờ lắp lại nữa” [13].
Sức hấp dẫn muôn đời của tác phẩm nghệ thuật là do con người nhận thấy được và mong muốn được thực hiện bản chất người của mình, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. “Những hệ tư tưởng kế tiếp sẽ được hiểu trong phần chân lý lịch sử của chúng, và sự hiểu biết này sẽ cho phép ta rút ra giá trị vĩnh cửu của các thời cứ ưu việt, khi loài người biết gửi gắm lâu dài vào bao kiệt tác văn hoá ý nghĩa của bản chất người - cái bản chất vẫn còn là của chúng ta trong chừng mực chúng ta còn nhận thấy mình trong đó, như chúng ta thực là nó hiện nay, và như chúng ta vẫn luôn luôn mong mỏi là nó dù trong một phong cách hoàn toàn đổi mới” [14].
Sáng tạo thể hiện qua việc con người tác động đến đối tượng, thay đổi hình thức cảm quan, in dấu ấn của mình, trong lúc ấy, con người cũng nhìn ngắm mình, quan niệm về mình. Thưởng thức thể hiện qua việc con người xuyên qua hình thức cảm quan của đối tượng, chủ quan hóa đối tượng, nhưng thực ra là nhìn ngắm cái hiện thực tinh thần của mình in dấu ấn lên đối tượng. Đó là thực ra là con người tự nhìn ngắm mình và tìm kiếm cái bản chất người của mình trong những hình thể vật chất vô tri của tác phẩm như gỗ, đá, màu sắc, âm thanh, kí tự…. Đó cũng có nghĩa là con người nhận thức và trình bày mình trong cái-khác-mình, và tự thực hiện mình bằng cách đi vào cái-khác-mình xuyên qua hình thức cảm quan của đối tượng. Đi vào cái-khác-mình cũng là để nhận thức về mình-trong-cái-khác.
Biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không chỉ cho thấy tính lịch sử trong hành trình con người khắc phục cái tự nhiên, mà còn thể hiện con đường con người khắc phục bản thân mình để vươn lên, vì con người không chỉ là một ý thức tự nhận thức, mà còn là một tinh thần khát khao hướng về cái biết tuyệt đối. Chính do đó, lịch sử nghệ thuật là lịch sử con người khắc phục chất liệu làm cho chất liệu nói tiếng nói của mình; đồng thời tác phẩm nghệ thuật là điểm trung giới trong hành trình biện chứng, mà ở đó, tinh thần con người thể hiện khát vọng vươn đến tự do tuyệt đối. “Lịch sử thế giới là sự tiến bộ trong ý thức về Tự do” (Hegel).
4. Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong mĩ học triết học của Hegel là giai đoạn đầu của quá trình tinh thần vươn đến cái biết tuyệt đối, cái đúng thật – giai đoạn tinh thần tự quay về mình, nhìn nhận lại mình, ngắm nghía mình trong thế giới hiện tượng do mình tạo ra. Nghệ thuật do đó nằm trên ranh giới giữa lĩnh vực hiện thực chất liệu và thế giới tinh thần, là nơi tinh thần nhận thức mình trong quan hệ với tự nhiên và với tinh thần phổ biến, lí tưởng. Ngoài tính duy lí và tính toàn thể quy về cái lí tính có phần cực đoan, những ý niệm trên vẫn còn giá trị gợi mở cho hướng nhìn nhận mối quan hệ xuyên suốt các vấn đề của lí luận về văn học - với tư cách một nghệ thuật - trong phạm vi của mĩ học triết học. Đó cũng là hướng nhìn mang tính nhân bản sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với nghệ thuật, với tự nhiên và với chính mình, một hướng nhìn mà mĩ học, lí luận văn học hiện nay đang dần hướng đến.




2006 - 2008




--------------------------------------------------------------------------------

[1] Vấn đề phép biện chứng Hegel, vấn đề mặt duy tâm của triết học Hegel, đã được nhiều nhà nghiên cứu triết học bàn đến. Chính do đó, và cũng vì những vấn đề trên không phải đối tượng tiếp cận, nên trong bài viết này chúng tôi không nêu ra. Trong phạm vi mối quan tâm, chúng tôi chỉ cố gắng trình bày tư tưởng của Hegel như nó vốn có.
[2] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học, 1999, t 1, tr 98.
[3] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[4] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 96.
[5] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[6] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[7] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 98.
[8] Hegel, Bách khoa thư các khoa học triết học I, Khoa học Lôgíc, tiểu mục: “nội dung và hình thức”, phần giảng thêm, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Nxb Tri thức, 2008, tr 527,
- Xem thêm: Bakhtin, ‘Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ’, in trong Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb GD, 2007.
[9] Hegel, Mĩ học, tlđd, tr 101.
[10] Marx, Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, dẫn lại theo: Trần đức Thảo, Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, w.w.w.viet-tudies.org.
[11] Hegel, Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nxb Văn học, 2006.
[12] Hegel, Mĩ học, tlđd, tr 109.
[13] Marx, ‘Lời nói đầu, Bản thảo kinh tế 1857-1858’, C.Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, HN, 1993, tập 12, tr 891.
[14] Trần Đức Thảo, Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, w.w.w.viet-tudies.org.

http://blog.yume.vn/xem-blog/sang-tao-va-thuong-thuc-nghe-thuat-trong-tu-tuong-mi-hoc-hegel.hoangphongtuan.35AB409B.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét