Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Mỹ học hậu hiện đại


Mỹ học hậu hiện đại được hình thành và phát triển trên cơ sở, nền tảng của những lý luận, quan điểm của triết học hậu hiện đại, đặc biệt là những tư tưởng sau:
- Sự đồng thuận chỉ là một chân trời.
- Thiết lập sự công bằng (cơ chế công bằng) thay cho những nhận thức luận dựa vào tư duy duy lý của khoa học hiện đại cũng như những tư tưởng duy ý chí, bảo thủ, giáo điều của nhiều hệ tư tưởng đang tồn tại.
- Phát triển tính tích cực của "Thuyết nghịch luận" (Paralogie) mà nòng cốt là khái niệm "Tranvaluation" (lật ngược giá trị)
- khái niệm này được lấy lại từ Nietzsche - hiểu với tinh thần của nhận thức luận trong triết học hậu hiện đại là: Lật ngược lại những lý luận cũ, những giá trị cũ, kể cả những tư tưởng đã được coi là "Chân lý ngàn đời", xem xét, nghiên cứu, đánh giá lại một cách sâu sắc thấu đáo để chỉnh sửa, để bổ sung nhằm đưa ra được những lý luận mới, những giá trị mới, những tư tưởng mới hợp thức, hợp thời, hợp lòng (tính nhân văn) của đời sống xã hội đương đại (thực tế đó là một lý thuyết phản biện mới).

Có nhiều chủ đề mỹ học hậu hiện đại bàn đến, bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề "Đối tượng của mỹ học". Điều cần phải nói ngay rằng mỹ học hậu hiện đại vẫn là mạch nối khăng khít với những lý luận tư tưởng, quan điểm của mỹ học truyền thống (cổ điển) mỹ học hiện đại, được thể hiện ở sự kế thừa và phát triển, chúng ta thấy có nhiều lý luận tư tưởng, quan điểm của mỹ học truyền thống, mỹ học hiện đại vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là những tư tưởng nền tảng, thí dụ như vấn đề "Bản chất của nghệ thuật", "Tiêu chuẩn của nghệ thuật", "Giá trị của nghệ thuật"… Minh họa của Lê Phương. Trong mỹ học truyền thống, mỹ học hiện đại vẫn không thay đổi. Chỉ có những vấn đề mỹ học cũ nào thấy còn chưa ổn mới được mỹ học hậu hiện đại đưa ra những quan điểm mới. Và như vậy "Đối tượng của mỹ học" là một trong số những vấn đề mà mỹ học hậu hiện đại muốn làm lại. Đối tượng mỹ học cốt lõi nhất được bàn đến của mỹ học truyền thống và mỹ học hiện đại là "Cái đẹp". Và nghệ thuật lại là một lĩnh vực quan trọng nhất, liên quan nhiều nhất khi bài về "Cái đẹp".
Nói một cách khác nghệ thuật là đối tượng đặc biệt quan trọng để mỹ học tìm hiểu, nghiên cứu. Mỹ học hậu hiện đại đã chỉ ra những điều hạn chế, bất ổn của mỹ học truyền thống và mỹ học hậu hiện đại là đã không tuân thủ một cách triệt để, rốt ráo những lý luận tư tưởng của mình, điều này được thể hiện khi bàn về nghệ thuật (một đối tượng của mỹ học) lại chỉ khuôn vào, chỉ dừng lại ở một số loại hình nghệ thuật được coi là quan trọng, sáng giá đúng nghĩa, đúng tư cách nhất là đối tượng của mỹ học để nghiên cứu. Như vậy, đã không làm đúng những điều đã được khẳng định rằng: Đối tượng của mỹ học sẽ là tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng, mọi điều mà con người cho là đẹp, gây được những cảm hứng thích thú đối với con người trong đời sống (Danh từ mỹ học (Ethétique) được khởi nguồn từ danh từ gốc tiếng Hy Lạp là Aisthésis có nghĩa là tính nhạy cảm, cảm hứng, sự thích thú…). Và như vậy, đối tượng của mỹ học sẽ rất rộng, chỉ nói riêng trong lĩnh vực nghệ thuật thôi, thì theo các nhà mỹ học hậu hiện đại không nên chỉ khuôn vào một số loại hình nghệ thuật được coi là chính thống như văn chương (thơ ca, tiểu thuyết), âm nhạc, hội họa, kịch, sau này là điện ảnh, mà còn nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa gây được cảm hứng, sự thích thú cho con người phải được coi là những đối tượng của mỹ học. Và quan trọng hơn phải được đánh giá, được đối xử một cách trân trọng, công bằng như những đối tượng mỹ học khác. Như vậy, trong lĩnh vực nghệ thuật, đối tượng của mỹ học không chỉ là những loại hình nghệ thuật văn chương, âm nhạc, hội họa, kịch, điện ảnh, mà còn bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Nghệ thuật ẩm thực (nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật uống trà…), nghệ thuật vườn, nghệ thuật cây cảnh, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật nước hoa, nghệ thuật thời trang… và còn nhiều hình thức, loại hình được coi là "nghệ thuật" khác nữa đã làm cho con người thấy hứng khởi, thích thú. Xuất phát từ tư tưởng "Đồng thuận chỉ là một chân trời", và "Tính công bằng", "cơ chế công bằng", các nhà mỹ học hậu hiện đại đã thu nạp, đã đôn lên nhiều hình thức, loại hình nghệ thuật vào hàng ngũ của những đối tượng mỹ học. Nhiều người đã tán thành quan điểm này, nhưng vẫn còn không ít người chỉ tán thành có một nửa. Những người này cho rằng đối tượng mỹ học được mở rộng cho tất cả các loại hình nghệ thuật như vậy là hợp lý, nhưng cần phải có sự xếp loại các loại hình nghệ thuật. Sẽ có những loại hình nghệ thuật được xếp là loại hình nghệ thuật lớn
- loại hình nghệ thuật nhỏ, loại hình nghệ thuật cao
- loại hình nghệ thuật thấp. Theo họ: Những loại hình nghệ thuật được xây dựng lên, được tác thành của các khả năng, phương tiện của các giác quan thuộc về thính giác, thị giác sẽ được xếp ở những loại hình nghệ thuật lớn, nghệ thuật cao như thơ ca, âm nhạc (thính giác), hội họa (thị giác)… còn các loại hình nghệ thuật được xây dựng lên, được tác thành của các giác quan như vị giác, khứu giác, xúc giác (thuộc thế giới mùi, thế giới vị, thế giới va chạm, cầm nắm: như nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật uống trà, nghệ thuật nước hoa, nghệ thuật xiếc… thì phải được xếp ở loại hình nghệ thuật nhỏ, nghệ thuật thấp vì những giác quan này có tính năng thẩm mỹ yếu hơn những giác quan thính giác và thị giác. Nhưng những nhà mỹ học hậu hiện đại đã bác bỏ mạnh mẽ những quan điểm, những tư tưởng như vậy. Họ cho rằng phải lên án hệ tôn ti đó về trật tự trong các loại hình nghệ thuật và cho đó là sự phân chia giả tạo và khẳng định rằng mọi loại hình nghệ thuật đều bình đẳng, không có nghệ thuật lớn, nghệ thuật nhỏ, nghệ thuật cao siêu, nghệ thuật thấp kém. Theo họ thế giới mùi (khứu giác), thế giới vị (vị giác) và thế giới của xúc giác cũng như mọi giác quan khác của con người đều thuộc những dữ kiện mỹ học quan trọng, bền vững như nhau. Dựa trên quan điểm mở rộng những đối tượng của mỹ học như vậy, chúng ta thử phác ra một bảng tổng sắp về các loại hình nghệ thuật, tất nhiên trên tinh thần của mỹ học này là mọi loại hình nghệ thuật đều hay, đều tốt, đều có những sự độc đáo riêng và đều được trân trọng như nhau và như vậy chúng ta sẽ có:
- Nghệ thuật thính giác: Âm nhạc, thơ văn.
- Nghệ thuật thị giác: Hội họa, điêu khắc, kiến trúc.
- Nghệ thuật tổng hợp thính giác, thị giác: Sân khấu, điện ảnh.
- Nghệ thuật tổng hợp thính giác, thị giác, xúc giác, cơ: Múa, khiêu vũ thể thao, trượt băng nghệ thuật, nghệ thuật xếp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật xiếc…
(xin lưu ý xiếc ở các nước phương Tây trước đây không được coi là một môn nghệ thuật, mãi đến năm 1978, Bộ Văn hóa và Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Pháp mới công nhận xiếc là một loại hình nghệ thuật. Chỉ khi được thừa nhận là một môn nghệ thuật, nhà nước mới cấp kinh phí mở trường đào tạo, trước đó nghề xiếc hoạt động theo từng nhóm gia đình, từng lò xiếc, theo cơ chế nghiệp đoàn, phường hội).
- Nghệ thuật khứu giác: Nghệ thuật nước hoa… - Nghệ thuật tổng hợp khứu giác, vị giác: Nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật uống trà… Những người quan tâm nhiều đến vấn đề này của nghệ thuật có thể tự bổ sung vào từng phần hay kéo dài thêm bảng tổng sắp này, vì tinh thần triết học hậu hiện đại và mỹ học hậu hiện đại, luôn luôn ưa thích một cơ chế mở cho mọi vấn đề.
Mặt mạnh, mặt tích cực nhất của mỹ học hậu hiện đại là đã lấy tính công bằng, sự dân chủ làm điểm tựa cho việc tìm hiểu, nghiên cứu cũng như cho những đánh giá kết luận khoa học của mình, chẳng hạn lấy tư tưởng "Sự đồng thuận chỉ là một chân trời" để giúp cho việc đánh giá về cái đẹp nói chung cũng như những vấn đề của nghệ thuật nói riêng là hoàn toàn đúng. Thật ra điều này không có gì mới; bởi lẽ từ lâu Kant đã nêu ra cho những thí dụ sinh động về điều này khi trình bày sở thích (gout) chính là vị thẩm phán chắc chắn nhất cho sự phán quyết về cái đẹp cũng như cái hay của nghệ thuật. Đã nói đến sở thích thì là một cái gì rất chủ quan, rất riêng tư không có mẫu số chung cho tất cả mọi người. Cái tích cực, cái mạnh của triết học và mỹ học hậu hiện đại là đã thổi thêm những làn gió mới mạnh mẽ cho tư tưởng này, cũng như đã đưa ra được những giải pháp hợp lý, thực tế, thiết thực cho tư tưởng đó của Kant như chỉ ra rằng: "Sự đồng thuận" vẫn có thể có, nhưng chỉ thực hiện được những đối tác hay trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể nhất định, với một lý luận rất mới: lý thuyết "Hiệp ước tạm thời" (Contrat Provisoire) mà trong khuôn khổ của một bài báo chúng tôi không thể trình bày được. Sự hạn chế của mỹ học hậu hiện đại chính lại là từ một cực khác của những điều đã tạo ra mặt mạnh, mặt tích cực làm nên. Nhiều người do hiểu, tiếp nhận tinh thần của triết học hậu hiện đại, mỹ học hậu hiện đại một cách thoảng qua, hời hợt, méo mó, đã quá nhấn mạnh và quá câu nệ vào tính công bằng, sự dân chủ nên đã ngại nói đến, đã lên án những công việc xây dựng, thiết lập những nguyên tắc, những chuẩn mực, sự đánh giá, phân định đẳng cấp trong nghệ thuật, dẫn tới một thứ "chủ nghĩa cào bằng" và nếu thiếu nền tảng, ít kiến thức, năng lực còn sinh thêm thứ "Chủ nghĩa ấu trĩ" trong việc nhận thức, sáng tạo nghệ thuật, rồi lại cộng với việc cổ vũ quá đà cho "những giải pháp mở", "những cách nhìn mở" đã tạo ra "chủ nghĩa đa nghệ thuật", "chủ nghĩa đa văn hóa" đang được phát triển mạnh mẽ trong xã hội đương đại: Cái gì cũng được coi là nghệ thuật, cái gì cũng được coi là văn hóa. Người người làm nghệ thuật, làm văn hóa. Nhà nhà làm nghệ thuật, làm văn hóa. Đủ mọi loại cá nhân, đủ mọi loại nhóm, đủ mọi loại tổ chức, đủ mọi loại kiểu Hội… tự phát, liều mạng, cao hứng, bốc đồng thi nhau làm nghệ thuật, làm văn hóa, lại có được bệ đỡ, sự giúp sức của những phương tiện, những kỹ thuật của ngành Thông tin truyền thông đang rất phát triển nên đã thả sức tự do bộc lộ, thể hiện
- thực trạng đó cũng có những cái hay, những mặt tốt, những mặt tích cực nhưng vì thiếu nền tảng, thiếu tri thức, thiếu phương hướng đã dẫn đến tình trạng loạn nghệ thuật, loạn văn hóa, loạn nghệ sĩ đang diễn ra hiện nay. Rất nhiều thứ nghệ thuật, rất nhiều thứ văn hóa, rất nhiều loại nghệ sĩ, nhưng những thứ nghệ thuật, văn hóa, nghệ sĩ đích thực thì lại rất khan hiếm… Có lẽ thực trạng này cũng giống như thực trạng trong lĩnh vực khoa học ở nước ta: loạn bằng cấp, loạn chức danh. Đủ loại bằng cấp, đủ loại chức danh, rất oai, rất chính thống nhưng lại không chính cống. Đánh giá khoa học cũng như nghệ thuật người ta không nhìn vào những mác, những biển hiệu, những cái vỏ được tô vẽ, những lời quảng bá hay những cái được gọi là chính thống mà người ta chỉ nhìn vào những cái đích thực, những cái chính cống...
Nguyễn Hào Hải
--------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét