Lời cảm ơn: Trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Tôi viết mấy dòng cảm nhận từ đáy lòng của mình và thay mặt gia đình, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành, tấm lòng tri ân và lời chúc sức khỏe nhân dịp năm mới Xuân Tân Mão 2011 đến tất cả đội ngũ y bác sĩ, những người làm công tác quản lý, các tổ chức từ thiện và cá nhân...đã tham gia chữa bệnh và giúp đỡ Mẹ chúng tôi nói riêng và những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo khác trong cơn bạo bệnh thời gian vừa qua. Những năm tháng vào nuôi Mẹ trong bệnh viện, tôi cảm nhận và chia sẻ với những áp lực công việc thật nặng nề của đội ngũ y tá, bác sĩ ở bệnh viện Ung bướu TP HCM. Họ tận tâm và chia sẻ với các bệnh nhân bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc. Cảm ơn bác sĩ An, cảm ơn y tá Thời, cảm ơn tất cả... đã cho cuộc đời những mùa xuân trọn vẹn...Một ai đó đã nói: " Đôi khi phép chia không cho ra thương nhỏ hơn, như là: Chia nụ cười - và nhận về vô số niềm vui... Chia vòng tay - và nhận về mênh mông ấm áp... Chia quan tâm - và nhận về bao la yêu thương... Chia yêu thương - và nhận về rất nhiều hạnh phúc !" Cảm ơn tất cả vì những điều đó! Thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những bệnh nhân không may mắn nơi đây bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho những giấc mơ và mùa Xuân trọn vẹn với mọi nhà...
MỘT MÙA XUÂN NỮA LẠI VỀ VỚI MẸ.
Vừa chạy xe về đến ngõ, đứa em gái tôi nước mắt đỏ hoe :
- Sao điện thoại anh không nghe máy, em vừa chở mẹ đi khám bệnh về. Các bác sĩ nói mẹ bị ung thư vòm họng giai đoạn hai, họ nói phải đi Sài Gòn gấp, nếu không bệnh tiến triển đến giai đoạn ba thì chết. - Nó nói trong nước mắt, và xoè tờ giấy “Tử thần” cho tôi xem.
- Thật vậy sao? Mọi chuyện đâu còn có đó, bình tĩnh…Mẹ đâu rồi ? - Tôi tự thầm trách mình một “Gã nghệ sỹ nữa mùa” ham chơi đến vô tâm! Lẽ ra sáng nay tôi định đưa mẹ đi khám bệnh nhưng lại đùn đẩy cho đứa em gái. Những cuộc chơi có lúc kéo dài đến tàn cuộc ngã nghiêng tôi mới trở về nhà.Tôi sững sờ, choáng váng…
- Thế mẹ đã biết chưa ? - Tôi hỏi.
- Mẹ biết rồi! Chuyện hệ trọng lúc đầu bác sĩ nói riêng với em thôi, nhưng không thể giấu được mẹ được, trước sau gì mẹ cũng biết mà…
Mẹ tôi ngồi lặng im thẩn thờ trong góc phòng căn phòng cấp bốn dột nát và ẩm thấp. Nước mắt mẹ như vỡ vụn chảy vào trong. Đôi mắt mẹ u buồn nhìn xa xăm. Tôi biết giờ này mẹ tôi đang nghĩ gì.
- Mẹ an tâm, để con nói em Tuyến đưa mẹ vào Sài Gòn khám lại xem sao. Có khi họ chẩn đoán nhầm !- Tôi cố động viên mẹ tôi bằng những lời nói dối nhưng thực sự trong lòng rối bời một cảm xúc thật lạ. Tôi biết cơ hội sống cho mẹ không còn nhiều, nhất là với căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ và tra tấn mẹ.
Tất thảy mọi người kể cả dâu, rể đều đã có mặt ở nhà đông đủ. Mọi người nhìn mẹ với con mắt đỏ hoe như sắp khóc. “ Trời gọi ai người đó thưa, biết làm sao được !”. Chẳng tránh được số mệnh, ung thư như một "Bản án tử hình" treo lơ lửng trên đầu mẹ rồi còn gì.
- Thôi bây giờ để mẹ nghỉ. Sáng ngày mai em Tuyến sẽ đưa mẹ vào Sài Gòn khám lại xem sao - Tôi phân công đứa em trai.
- Mẹ lại làm khổ các con. Đi cũng chết mà ở nhà cũng chết. Tốn tiền lắm con ơi, mà tiền đâu mà đi bây chừ…- Mẹ tôi nói bằng giọng Nghệ An đặc sệt, rồi thở dài.
- Tiền nong mẹ không phải lo, mẹ cứ yên tâm…Nếu mẹ không chữa thì chuyển qua giai đoạn ba thì chết, còn nước còn tát…Sáng mai mẹ đi Sài Gòn cùng với em -Tôi nói cho mẹ an tâm - Bây giờ Tuyến ra ga mua vé tàu cho kịp sáng mai đi sớm, còn anh ở ngoài này lo giấy tờ chuyển viện cho mẹ.
Ở đời chẳng trốn tránh được định mệnh. Một không khí nặng nề bao trùm tất thảy làm đảo lộn sự ấm áp, bình yên vốn mong manh. Cuộc đời dài rộng thế, thân phận con người thì nhỏ bé. Ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau vốn rất mong manh! Chẳng ai nói với nhau điều gì bầu không gian tĩnh mịch nặng trĩu , em gái tôi lặng lẽ sắp xếp đồ đạc cho mẹ. Một cuộc họp gia đình nhanh chóng diễn ra sau đó với sự phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong gia đình, kể cả đóng góp tiền nong cho những chuyến đi của mẹ - Tôi biết sẽ lâu dài - Mọi người đóng góp tùy khả năng kinh tế của mình để cùng lo cho mẹ. Tôi biết, nếu thực sự mẹ bị ung thư K vòm họng ở giai đoạn hai như bác sĩ ở bệnh viện Quảng Ngãi đã nói thì mọi chuyện không đơn giản chút nào. Thầm mong, một hy vọng rất mong manh…
******
Mẹ tôi là người Nghệ An - Một mẫu người phụ nữ truyền thống theo mẫu người phụ nữ phương Đông - Ba tôi là người Quảng Ngãi ( Đức Phổ) tập kết ra Bắc năm 1954 gặp “ Người con gái TNXP Xứ Nghệ ” rồi nên duyên vợ chồng. " Cha ở đàng trong, mẹ ở đàng ngoài '' khi còn nhỏ tôi rất thích bài thơ này do thấy cả hoàn cảnh của mình trong đó. Gia đình tôi vốn là quân nhân, nhiều thế hệ cùng đi lính, ba tôi đi bộ đội biền biệt theo các chiến trường ở miền Bắc. Mẹ tôi sống lặng lẽ với những vất vả và gian nan, hy sinh, chịu đựng, sau nhiều lần mang nặng đẻ đau Mẹ sinh được sáu người con. Ngày còn nhỏ mẹ thường dạy cho anh em chúng tôi tính tình ôn hoà, nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, mẹ thường dạy :"Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"...Đó là những bài học đầu tiên mẹ dạy anh em chúng tôi cách làm người và đối nhân xử thế.
Mẹ nói khi còn nhỏ tôi thuộc dạng " Khó nuôi ", thường xuyên "đau ốm dặt dẹo" quanh năm. Lúc tôi lên bốn tuổi ( 1972) trong một tai nạn ở nhà trẻ, tôi bị gãy tay phải bó bột và nhiễm trùng, ngày đó còn chiến tranh gian nan lắm mẹ tôi bảo : Mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi phải phẩu thuật nhiều lần do nhiễm trùng, do chiến tranh ở sơ tán nên xa bệnh viện, thuốc men và điều kiện y tế đều thiếu thốn và cả trình độ chuyên môn của bác sĩ ...Có những lúc, bác sĩ bảo phải cắt bỏ cái tay nếu không sẽ hoại tử, mẹ tôi khóc lóc van xin bác sĩ còn nước còn tát đừng cắt bỏ cánh tay của con tôi ...Sau nhiều lần phẩu thuật và nằm bệnh viện hơn một năm trời, may thay tôi vẫn còn giữ được cánh tay phải của mình dù không được như người bình thường nhưng dẫu sao còn may mắn. Sau này nghe ba tôi kể lại ngày đó mẹ tôi vất vả nhiều lắm. Mẹ thương tôi nhiều hơn vì mẹ bảo "tôi là người thiệt thòi nhất nhà! Tôi gánh cho những đứa khác trong nhà !" Tôi thương mẹ vì những hy sinh, vất vả vì “Lũ chúng tôi” khi còn thơ ấu. Cả cuộc đời Mẹ luôn khổ vì chồng, vì con cái.
Sau năm 1975 - Hơn 20 năm đất nước đau thương bị chia cắt và oằn mình dưới bom đạn - Ba tôi phục viên rồi chuyển nghành sang xây dựng, như những niềm mong mỏi sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc của những người tham gia kháng chiến, ba tôi đưa cả gia đình "Một tiểu đội" ngũ quỷ ( 6 người con: 5 trai, 1 gái ) trở về Quê Hương - Quảng Ngãi. Thời gian" Như thoáng chim bay". Sau hơn 20 năm xa Quê, khi đi là người trai tráng khi trở về mái tóc ba đã hoa râm vì màu thời gian. Ngày đất nước thống nhất ba trở về sau 20 năm xa Quê, tưởng mong gặp được người thân. Nhưng " Người xưa nay còn đâu ": Người mất, người hy sinh trong chiến tranh, người phiêu bạt tứ xứ ...Gia tài ba mang về xứ Quảng là " Lũ chúng tôi". - "Đó là gia tài quý nhất của ba mẹ !"- Ba vẫn thường nói như vậy với chúng tôi.
Những ngày tháng sau giải phóng thật khổ và cơ cực. Để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi học…Bố mẹ tôi vất vả trăm bề. Đó là cả những ngày vất vả và cực nhọc của mẹ. Mẹ tôi ngày làm việc cơ quan, tối làm rất nhiều việc bán thời gian: Làm mành trúc, làm hàng thủ công mỹ nghệ, bán gánh hàng rong vào ban đêm ở rạp chiếu bóng Hòa Bình, chạy chợ... Những tháng ngày tần tảo, vất vả thức khuya dậy sớm làm một người phụ nữ xinh đẹp như mẹ tôi già sọm hẳn đi, bàn tay mẹ trở nên thô ráp và nhăn nheo, những nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt của mẹ. Trong cái thời bao cấp " Đói thối mồm" đó, Mẹ tôi ngày đi làm, tối tần tảo và đảm đang làm thêm nhiều công việc khác cũng không đủ trang trãi nuôi sáu "Cái tầu há mồm" đang tuổi ăn tuổi lớn. Khổ lắm ! Tem phiếu lương thực, thực phẩm chỉ đủ ăn trong vòng nữa tháng cầm hơi, còn lại là độn toàn mì , bo bo và cả ăn cháo... Những ngày bao cấp với những kỷ niệm buồn đau... Cơ cực và đói khổ, có cả những " Cơn đói " cồn cào không ngủ được, có những cái lạnh thấu xương vì không đủ ấm, quần áo anh em tôi mặc vá víu chẳng mấy chốc đã chật chội vì sức trẻ. Mẹ làm đủ mọi thứ tìm kế sinh nhai, nuôi dưỡng đàn con nhỏ, với niềm tin hy vọng con mình sẽ nên người và có cuộc sống mới tốt hơn cuộc sống của mẹ. Những đêm tối, mẹ trở mình vì đàn con đói khổ và nheo nhóc. Những khi Trời trở gió có đứa bị đau, Mẹ ngồi thức cả đêm dài vì lo cho con. Chú Khâm ở cạnh nhà, bà con ở quê thỉnh thoảng cho vài ký gạo, bao củ lang khô, bát canh cua…để chia sẻ và giúp đỡ, vì thấy gia đình tôi quá vất vả và cơ cực. Ngày đó mọi người đều khổ cả nên mọi người hồn nhiên, phác thực và tốt bụng với nhau hơn thì phải ! Thế nhưng thật lạ, anh em chúng tôi mặc dù ăn uống kham khổ nhưng đứa nào cũng to con và cao lớn, trông như những " Vệ sĩ thứ thiệt". Cũng chính vì thế, nên sau này hai anh và em tôi đi bộ đội đều được tuyển vào những " Lực lượng đặc biệt ". Ba tôi thường tự hào vì điều đó. Những người xung quanh xóm bảo với mẹ tôi : “ Trời nuôi con nhà chị !”. Mẹ chỉ cười hiền lành, khuôn mặt thật phúc hậu và rạng ngời hạnh phúc vì những đứa con của Mẹ trong bần hàn, cơ cực rồi cũng đã đến tuổi trưởng thành.
Thế rồi, anh em tôi lần lượt vào đời thoát ly gia đình để đỡ đần cho cha mẹ, hai anh lớn của tôi đều đi bộ đội ở chiến trường K. May mắn thay, sau bao năm lăn lộn ở chiến trường K khốc liệt, hai anh tôi đều nguyên vẹn trở về nhà. Mẹ thầm thì" Ông bà phù hộ độ trì cho gia đình !".Tôi và em trai làm đủ nghề lao động chân tay kể cả lao động nặng nhọc nhất để phụ giúp gia đình, có đứa phải nghỉ học giữa chừng vì kinh tế gia đình khó khăn trong thời bao cấp, có đứa đi học CĐ-ĐH xa nhà…Nhìn mái tóc nhuốm bạc của ba mẹ theo dòng thời gian vì những lo toan, muộn phiền trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn vì con cái. Cho đến mãi sau này tôi càng thương ba mẹ nhiều hơn, càng nghĩ nhiều hơn về đấng sinh thành của mình với khoảng đời cơ cực và gian nan.
Lũ chúng tôi lớn lên, trưởng thành rồi lập gia đình mới thấu hiểu được tấm lòng của cha mẹ với con cái. Căn nhà ba mẹ tôi đang ở được ngăn làm hai, một vài đứa có gia đình riêng phải thuê nhà ở với lận đận và long đong cảnh nhà thuê. Nghèo là hèn! Hèn lắm. Anh em tôi cố “Quẩy đạp” mong thoát khỏi cảnh nghèo khó, gian nan nhưng rồi cũng vô vọng. Tôi vài lần cố thử thời vận bằng cuộc mưu sinh ở Sài Gòn, thuê nhà mặt phố mở dịch vụ quảng cáo, in lụa...nhưng rồi cũng thất bại trong sự thụ động và cầu toàn. Những ý tưởng, những dự định, sự năng động tan biến trong một giấc mơ huyền hoặc. Cam chịu với cuộc sống đã an bài, tự an ủi và vỗ về chính mình “ Nghèo tiền, nghèo bạc chứ không nghèo Tâm là được rồi !”
Tôi biết, trong nhà sáu người con có đứa ngỗ ngược, bất hiếu, nói lời không phải làm ba mẹ buồn lòng. Có đứa còn chì chiết cả ba mẹ vì " Sự lương thiện" nên nghèo vì thế mà con cái khổ, sự xung đột giữa quan niệm sống, nếp nghĩ và ý thức hệ giữa các thế hệ trong gia đình cũng là những nguyên nhân gây mâu thuẩn... Ô hay! Nghèo đâu phải là cái tội ? Có ai muốn " Nghèo" kia chứ ?...Anh em tôi mất đoàn kết cũng vì những xung đột trong quan niệm sống và lối tư duy khác biệt... Tôi luôn đứng về phía ba mẹ. Tôi biết, ba tôi nhói đau và khổ tâm, mẹ tôi trào nước mắt mỗi khi đêm về. Đây là điều ba mẹ tôi buồn lòng nhất trong cuộc đời. Mẹ thở dài “ Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài…Ba mẹ sinh con nhưng Trời sinh tính… Với ba mẹ điều quan trọng nhất là anh em hòa thuận, đoàn kết, đùm bọc nhau là cuối đời ba mẹ đã viên mãn rồi.”
Năm 2003, ba tôi mất trong một cơn bạo bệnh, lần đó anh em chúng tôi cũng không lo được cho ba một cách trọn vẹn nhất nên vẫn còn nhiều day dứt. Điều duy nhất chúng tôi chỉ làm được theo nguyện vọng của ba trước khi chết là đưa ba về quê nằm cạnh ông bà tổ tiên. Trước khi mất ba tôi nói: “ Ba mẹ nghèo nên con cái khổ, chẳng có gì để lại cho con cái ngoài cái lý lịch trong sạch của gia đình. Các con hãy tự hào vì điều đó. Hãy sống như thế hệ của ba mẹ đã từng sống như thế! Hãy sống với cái Tâm trong sáng của mình và không hổ thẹn với cuộc đời. ” Lời dạy của ba tôi vẫn theo tôi đi suốt cả cuộc đời. Một ký ức đẹp nhưng đau buồn lăn tăn luôn sống trong tâm tưởng của tôi, rất thánh thiện...
Sau khi ba tôi mất, mẹ hụt hẫng một thời gian rồi cũng quen với cuộc sống mới. Mẹ siêng đi lễ chùa hơn vì con cái đã lớn không còn nhiều vướng bận. Người về già vốn thế, họ luôn tin vào tâm linh và mong muốn trở về với nguồn cội. Vợ chồng tôi dành nhiều thời gian về thăm mẹ. Khi thì mua cho mẹ ít quà, khi thì tấm áo, lúc thì cho mẹ ít tiền…Mẹ vui lắm, mẹ vui vì được con cái quan tâm. Niềm vui của mẹ “ Như đứa trẻ được quà”. Người già vốn như con trẻ! Rồi mẹ lại sử dụng số tiền đó mua quà cho bầy cháu nội, ngoại của mẹ. Chẳng dành cho mình một chút gì. Thấy mẹ vui mỗi khi được con cái quan tâm lòng tôi cảm thấy ấm áp nhiều hơn.
Thương mẹ, nhiều năm đi biền biệt theo chồng về xứ Quảng chỉ một lần duy nhất về thăm quê, một vài lần tôi gợi ý cho tiền và đưa mẹ về thăm quê ở Nghệ An, về thăm mồ mả ông bà ngoại, các cậu và dì… Hay tổ chức mừng thọ cho Mẹ. Mẹ đều gạt đi “ Đi tốn kém của các con. Mẹ già rồi, đi đường xá xa xôi mỏi mệt lắm, hơn nữa con để dành tiền mà mua đất làm nhà, không lẽ ở nhà tập thể mãi thế sao !”.Tính mẹ tôi vốn thế, gần như cả cuộc đời mẹ luôn luôn hy sinh vì chồng, vì con cái. Đến tận bây giờ Mẹ tôi vẫn giữ nếp nghĩ của" Thời bao cấp" với cả sự chất phác, đôn hậu và thánh thiện. Tôi thương mẹ! Một mẫu người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những vất vả, gian nan, và đức hy sinh thầm lặng vì con cháu. Kể cả sau này khi con cái đã lập gia đình, mẹ vẫn dõi theo cuộc sống riêng tư của từng người con. Mẹ thương con và kỳ vọng nhiều ở con cái, mong muốn con cái của mẹ được hạnh phúc trọn vẹn. Mẹ khổ tâm kể cả khi con cái đã lớn, mẹ lo lắng khi con cái bị vấp ngã trong cuộc đời, mẹ buồn đến cả bỏ ăn khi vợ chồng của một đứa con nào đó cãi cọ hay mâu thuẩn nhau…Mẹ vui một cách hồn nhiên với niềm vui của con cháu trong nhà.
Trong tâm hồn mỗi con người đều có một " Khoảng lặng", đó là nơi con người sống thực với chính mình...Cho đến bây giờ ngày càng lớn tuổi hơn, có gia đình, có con…với những sự trãi nghiệm sâu sắc, biết lắng nghe và thấu hiểu mọi thế thái nhân tình, tôi càng nghĩ nhiều đến gia đình của tôi ngày xưa, nghĩ đến ba và mẹ. Khi tôi đã kịp nếm trải tất cả mọi thứ kể cả ngọt ngào và cay đắng, đã trải nghiệm và trưởng thành để hiểu cuộc đời trầm luân dâu bể như thế nào thì cũng là lúc tôi bắt đầu biết cảm thông cho mẹ, thương mẹ nhiều hơn vì cả cuộc đời mẹ là dành cho đàn con thân yêu của mình.
Kí ức như đông cứng lại ! Trong một phần nhỏ của ký ức gian nan, khổ cực nhất, thỉnh thoảnh vẫn tràn về làm làm tâm hồn tôi tê dại, ấy là lúc tôi nghĩ đến ba mẹ và người thân xung quanh …Len lỏi trong lòng có cả những niềm đau và tình thương vô bờ với công ơn sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ. Chợt nhớ lại câu ca “Mẹ già như chuối chín cây...” tự dưng nước mắt tôi rưng rưng.
******
Khoa học là khoa học! Làm sao có sự nhầm lẫn kia chứ. Mẹ tôi bị ung thư thật rồi. Đứa em trai từ bệnh viện ung bướu TP HCM điện thoại nóng cho tôi hay. Nỗi đau như một khối đá hoá thạch trong tâm hồn tôi. Số phận mẹ tôi đã an bài.
Sau lần đầu tiên em trai tôi đưa mẹ từ Sài Gòn trở về, mẹ tôi khác hẳn. Mẹ ít nói hơn, trầm tư hơn. Mẹ đã bình tâm, không còn sợ hãi phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã. Tôi cố " Tư vấn" cho mẹ nhưng bất lực đến vụng về. Tôi biết mẹ rất buồn.
- Mẹ biết, bệnh của mẹ là bệnh nan y, dù chữa cũng không bớt nên thôi con ạ, sẽ tốn kém tiền bạc của con cái, anh em đứa nào cũng vất vả cả…nên thôi: Nếu chết mẹ sẽ chết ở nhà, không đi đâu hết - Mẹ nói giọng trầm đục.
- Mẹ cứ đi không phải lo gì hết! Còn nước còn tát mà. Mẹ đi chữa bệnh rồi sẽ khỏi thôi mà, Mẹ cố sống với con cháu vài năm nữa cho vui mẹ ạ! - Tôi cố động viên mẹ nhưng cổ họng tắc nghẹn.
- Nếu mẹ không đi thì anh em con cảm thấy day dứt vì không lo được cho mẹ. Dù thế nào đi nữa anh em con cũng sẽ lo cho mẹ đến tận cùng. Còn nếu mẹ vẫn cương quyết không đi chữa bệnh thì con sẽ đưa mẹ về quê Ngoại thăm mồ mả ông bà tổ tiên và người thân, vì đã lâu mẹ không về quê mà. Mẹ đồng ý không để con sắp xếp công việc ? - Tôi nói.
Mẹ ngồi lặng im. Nhìn mẹ, tôi không khỏi xót xa và thương mẹ đến vô cùng.
Anh em tôi xúm lại khuyên nhủ nhiều lần, có đứa còn giận dỗi cả mẹ. Rồi mẹ cũng quyết định đi thật. Bạn bè thâm giao, hàng xóm xung quanh, người thân cùng đến chia sẻ và động viên: Người cho quà, người cho chút tiền đi uống nước…với cả tấm lòng nhưng ai cũng ái ngại cho Mẹ. Mẹ cảm động lắm! Mẹ cần lắm nhưng yêu thương, bù đắp...một sự sẻ chia không giới hạn của con cái và mọi người xung quanh. Người già vốn dĩ thế !
Sắp xếp công việc giảng dạy trong trường, lận “ Trong lưng” mười mấy triệu , khoác trong mình cái áo da đen cũ nát và cái quần bạc màu vai đeo balô bộ đội trông dáng vẻ bụi bặm hơn là một “Giáo Thứ” thường ngày, tôi đưa mẹ vào Sài Gòn lần thứ hai với tâm trí rối bời và lo lắng. Tất thảy, mọi việc đều phải làm lại từ đầu : Khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm máu, tim mạch…đến phác đồ điều trị: Hóa trị và xạ trị.
Mẹ nằm điều trị ở tầng bốn. Vào đây mới thấy ranh giới giữa cái chết và sự sống thật mong manh. Nằm cùng giường với mẹ tôi là một cô sinh viên xinh xắn mới tốt nghiệp ĐH kinh tế đi làm chừng vài tháng thì phát hiện bị ung thư máu, cạnh giường là bà Năm bị ung thư đại tràng…đầu ai cũng trọc không một sợi tóc. Mỗi người một hoàn cảnh, một thân phận chẳng ai giống ai. Vào đây xem như tận cùng của cái chết. Một cái chết được báo trước. Người bệnh bị ung thư nằm chật như nêm. Mùi mồ hôi, mùi thuốc tẩy, mùi ete thật khó chịu…Người khỏe vào đây nhìn thấy đã muốn đau! Tất cả nhuốm một màu ảm đạm, lạnh lẽo đến chết chóc. Mỗi lần vào nhập viện và điều trị, căn phòng mẹ tôi nằm lại có một giường trống: Một người nào đó đã ra đi…Thật thương xót! Vào đây mới thấy áp lực công việc thật nặng nề đối với đội ngũ y tá, bác sĩ ở bệnh viện ung bướu TP HCM. Họ tận tâm và chia sẻ với các bệnh nhân bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc...Người quen của tôi và học trò nghe tin vào thăm mẹ và chia sẻ. Mẹ tôi cảm động và vui lắm vì cảm thấy ấm áp. Tôi thương mẹ vô cùng :
- Mẹ có đau không? Mẹ cảm thấy trong người như thế nào?- Tôi nắm lấy bàn tay mẹ như là một phần của thân thể, của cuộc sống của mình.
- Mẹ thấy bình thường thôi, chờ thứ sáu “Vào thuốc” rồi về nhà con nhé. Mẹ đã lấy chổi quét ở hành lang trước cửa phòng và trãi chiếu ở đó, tối con ra đó ngủ, khi nào cần mẹ gọi. Buổi tối không có gì con xuống dưới khuôn viện bệnh viện ngồi cho thoáng, thỉnh thoảng lên với Mẹ thôi. Tiền bạc cẩn thận con nhé …- Mẹ bảo. Tôi biết Mẹ sợ tôi buồn nên nói thế.
- Con xuống dưới mẹ nhé, khi nào cần mẹ gọi, ở trên này ngột ngạt quá - Tôi nói.
- Ừ ! Con đi đi - Mẹ nói và nhìn tôi trìu mến.
Như những bà mẹ khác, mẹ luôn quan tâm và lo lắng cho con cái cả lúc bị đau.” Người đau lại lo cho người khỏe”- Tôi thầm nghĩ. Vào nuôi mẹ trong bệnh viện Ung bướu TP HCM để giành giật sự sống cho mẹ, không chỉ tôi mà nhiều người nhà bệnh nhân khác phải chấp nhận cuộc sống vạ vật nơi ghế đá, khuôn viên bệnh viện. Người ốm nằm đã khổ, người thân đi nuôi bệnh cũng chẳng sung sướng gì! Khuôn mặt ai nấy đều phờ phạc vì mệt mõi, lo lắng và mất ngủ. Trên ghế đá, một người đàn ông gầy gó, khắc khổ quấn chăn quanh người nằm ngủ ngon lành. Thỉnh thoảng một vài con chuột chạy qua gặm chiếu chăn, thậm chí gặm cả chân người nằm đó nhưng ông vẫn ngủ khá say. Không gian khá yên tĩnh vì nhiều người đã quá mệt mõi, thỉnh thoảng bị xé toang bởi tiếng ồn của xe cấp cứu, tiếng bác sĩ, tiếng khóc của người nhà bệnh nhân : “ Lại một người nữa ra đi! Tội nghiệp. Thôi đi cho nhẹ nhõm… ” - Ai đó lẩm bẩm. Không gian như chùng xuống, im ắng đến lạ thường. Thương cho một kiếp nhân sinh ! Xót xa cho một thân phận con người !
Tôi lang thang đi khắp bệnh viện không chủ định, ghế đá chẳng còn một chỗ trống. Người nhà bệnh nhân trãi chiếu nằm la liệt. Vào đây nhiều lần nên ai tôi cũng thấy như quen biết…Những lúc rãnh rỗi tôi thường xuống đây ngồi đọc báo, có khi là đánh cờ tướng với những người nhà đi nuôi bệnh nhân, cũng chỉ để giết thời gian nhàn rỗi.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM chẳng có khu nhà dành cho người nhà bệnh nhân vì khuôn viên quá chật hẹp, và hơn nữa là sự quá tải của bệnh viện, người dân từ mọi nơi đổ về : Từ miền Trung xa xôi, từ đồng bằng sông Cửu Long, và cả người dân ở nước bạn Campuchia…cũng qua đây để chữa bệnh. Mỗi giường bệnh phải nằm từ 2 đến 3 người xoay đầu vào nhau. Không chỉ riêng tôi mà những người nhà đi nuôi bệnh nhân đều chui cả xuống gầm giường để ngủ, cả hành lang bệnh viện cũng đầy rẫy người nhà đi nuôi bệnh nhân, họ sinh hoạt và ngủ dưới chân cầu thang, cạnh một thùng rác… Họ chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Sinh hoạt, ngủ vạ vật đâu đó để tiết kiệm… 50.000 nghìn đồng. “Mỗi ngày 50.000 nghìn, 1 tháng là một con số không nhỏ với người lao động phổ thông. Trong khi đó, mỗi tháng đã phải chi tiêu trăm khoản cho người nhà ở viện, nào thuốc thang, nào ăn uống cho người nhà ốm đau nằm đó...
- Ngồi xuống đây uống nước em, em đi nuôi ai à ?- Một người phụ nữ nhỏ thó, với khuôn mặt khắc khổ nói với tôi bằng giọng Nam Bộ.
- Dạ, em đi nuôi mẹ chị à, mẹ em bị ung thư vòm họng giai đoạn hai - tôi đáp.
- Tội nghiệp bà già! Mình khỏe thì đành ngủ ở đây cũng được em à, mỗi tháng cũng bớt được một khoản kha khá, thôi thì giảm được khoản nào hay khoản ấy. - Chị chia sẻ. Nhìn sâu trong đôi mắt chị tôi thấy cả sự đồng cảm lẩn khuất.
- Chị cũng vào nuôi mẹ à ? - Tôi hỏi.
- Không chị vào nuôi anh và hai đứa trẻ…- Đôi mắt chị u buồn.
- Anh bị đau sao hả chị ? - Tôi tò mò
- Anh là nạn nhân của chất độc da cam em ạ, khi con trẻ đi bộ đội ở chiến trường K đóng quân trong những cánh rừng bạt ngàn ở Campuchia, bị ảnh hưởng bởi nguồn nước do chất độc da cam còn sót lại thời chống Mỹ. Khi trở về lập gia đình sáu năm sau mới biết bị nhiễm chất độc Đioxin. Hai đứa trẻ lần lượt ra đời đều bị chứng bệnh như thế, bệnh viện cũng chỉ nói chung chung thế thôi. Cả gia đình chị sống trong bệnh viện này đã gần mười năm nay nhờ tiền của Hội cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ, những nhà hảo tâm…- Chị Lan nghẹn ngào tâm sự.
Trong bóng tối lờ mờ tôi thấy khuôn mặt của chồng chị Lan thật khinh khủng. Toàn bộ mặt và cơ thể người là những khối u to nhỏ mọc dày đặc chồng lấn nhau. Anh nằm lặng im, mặt quay vào trong tường với cả sự cam chịu của một kiếp người. Những đứa nhỏ con anh vẫn chơi đùa với những bệnh nhân nhí trong một khoảng sân nhỏ trong bệnh viện một cách hồn nhiên và vô tư. Tiếng cười đùa của lũ trẻ khiến không gian thêm ấm áp. Tôi muốn nói một điều gì đó với chị nhưng cổ họng tắc nghẹn…
Nhìn ra ngoài cổng bệnh viện là một khoảng sáng trắng của ánh đèn về đêm Sài Gòn. Trái ngược với những thân phận nhỏ bé trong khuôn viên bệnh viện ngoài cổng kia là một thế giới hoàn toàn khác, sôi động, ồn ào và xô bồ, đầy rẫy sự bon chen...của người đời. Đêm Sài Gòn...Trong những vũ trường sôi động, quán Bar sang trọng nào đó có những cô teen, cậu quý tử vẫn mải mê thâu đêm suốt sáng với những cuộc chơi ném tiền và tương lai của mình qua cửa sổ...
Đêm Sài Gòn...Là những góc khuất cuộc đời, là những đêm không ngủ của những người cơ nhỡ, những lao động nhập cư, những mảnh đời đầy đau khổ và nước mắt của đồng loại trong cái bệnh viện nhỏ bé này...Nếu có thể, dù chỉ một lần đến nơi đây để cảm nhận và trải nghiệm, hẳn chúng ta sẽ ngẫm nghĩ ra nhiều điều tưởng chừng như rất giản đơn về ý nghĩa của cuộc sống.
******
…Vượt quảng đường hơn 800 km, anh em tôi phải thay phiên nhau đưa mẹ đi Sài Gòn nhiều lần để chữa bệnh. Kể từ khi lấy chồng chưa bao giờ Mẹ có những chuyến đi xa như thế. Những chuyến đi xa đầy âu lo và bất trắc...Sau lần vào thuốc hóa trị lần thứ sáu, tóc mẹ rụng hết, những cục hạch nổi ở vòm họng bắt đầu di căn thì phải. Mẹ nằm vật vã trên giường, khuôn mặt xanh xao, ốm yếu…Người quen, bạn bè của mẹ, những quan hệ xã hội của anh em chúng tôi tranh thủ đến thăm mẹ lần cuối cùng với cả tấm lòng.
- Mẹ biết... Mẹ sẽ không qua khỏi. Có gì con lo cho em nhé, nếu mẹ chết đưa mẹ về quê nằm cạnh ba là mẹ mãn nguyện rồi…Không được xây mộ cho mẹ tốn kém con nhé…- Mẹ thều thào trong hơi thở đứt quảng.
- Mẹ cứ lo xa, không sao đâu mẹ. Mẹ sống thêm một ngày cho con cháu vui, cố lên mẹ nhé…- Tôi nắm lấy tay mẹ, cố trấn an mẹ nhưng lòng đầy lo lắng.
Một nỗi lo sợ mơ hồ trong tôi “ Liệu mẹ có qua khỏi cơn bạo bệnh không ?”. Thì thôi, lo cho mẹ trọn vẹn đến đâu hay đến đó. Mệnh trời tránh sao khỏi !
Tôi sắp xếp công việc trong nhà, tranh thủ lúc mẹ tỉnh, tôi bàn với mẹ việc hôn nhân cho đứa em. Mẹ đồng ý và giao hết trách nhiệm cho tôi. Nhiều “ Cú điện thoại nóng” được gọi ra Bắc cho những người bà con phía ngoại vào thăm mẹ lần cuối cùng và dự đám cưới của cháu. Dì Lương, dì Hương từ Hà Tây, Hải Dương xa xôi “hội quân” về Nghệ An, cùng dì Toàn, mợ Khiển lục tục khăn gói vào thăm mẹ lần cuối. Các dì, mợ ôm mẹ khóc vì thương chị vất vả và đớn đau…Mẹ tôi hàn huyên tâm sự với các dì và mợ... Người gội đầu cho Mẹ, người đi chợ mua đồ ăn bồi dưỡng cho Mẹ nhưng mẹ nào có ăn được gì đâu “ Các em vào thăm chị và dự đám cưới của cháu là chị vui rồi. Nếu chết chị cũng thấy mãn nguyện.” Mọi người đều khóc khi nghe mẹ nói. Dì Lương ( Vốn là bác sĩ ) trao đổi với đứa em gái tôi về một vài phương thuốc Nam để kết hợp chữa bệnh cho Mẹ. Tôi xúng xính trong bộ Vest đi “ Đàm phán” với phía nhà gái trong một ngày trời mưa tầm tả. Một “ Đám cưới chạy tang” được tổ chức tại nhà hàng Cẩm Thành liền ngay sau đó, tất nhiên là đầy đủ mọi nghi lễ từ : Thăm nhà, đám hỏi…đến đám cưới được tổ chức trong một thời gian ngắn. Bà con ở Đức Phổ ra khá đông, tôi mời vợ chồng bác Năm ( Bà con trong Nội ) làm chủ hôn cho đám cưới của em trai út của tôi.
Ngày đám cưới của em tôi, mặc dù đang là mùa mưa nhưng thời tiết rất đẹp…Chú rể bảnh bao trong bộ Vest, cô dâu xúng xính tươi cười trong bộ đồ áo cưới. Nghi lễ được tổ chức tại nhà một cách truyền thống. Hạnh phúc như vỡ òa! Trong ngày " Đám cưới chạy tang" của em tôi, Mẹ tôi khóc vì hạnh phúc của con, các dì đều khóc, mọi người xung quanh hàng xóm đều xúc động…Tôi cố nén những giọt nước mắt chực trào ra. Tôi biết, hôm nay Mẹ rất vui vì hạnh phúc của đứa con trai út của mẹ nay 38 tuổi cũng đã yên bề gia thất. Mọi người đều vui với niềm vui chung của cả gia đình.
- Ô hay! Hôm nay ngày vui của em sao Mẹ lại khóc.- Tôi nói đùa với Mẹ. Mẹ chỉ cười
- Các dì và mợ rất vui và xúc động khi còn khó khăn nhưng các cháu lo được cho mẹ và em trọn vẹn như thế này là tốt rồi, trong các chị em gái mẹ cháu là người khổ nhất vì con đông, vì hoàn cảnh…Mẹ vất vả và hy sinh nhiều lắm, dì biết thế nên các cháu phải thương mẹ nhiều hơn. Anh em cố đùm bọc, hòa thuận, bảo ban nhau mà sống cho mẹ cháu vui…- Dì Lương nắm tay tôi nói.
Sau đám cưới em tôi hơn một tuần, các dì và mợ bịn rịn chia tay " Đại gia đình chúng tôi" rồi trở về Bắc. Tôi lại sắp xếp công việc đưa mẹ lội ngược vào Nam…Lần này phác đồ điều trị khác với liều thuốc mạnh hơn rất nhiều được các bác sĩ áp dụng điều trị cho Mẹ. Tôi rùng mình khi thấy những lọ thuốc độc 0,5 ml lít hết màu xanh rồi đến màu hồng lần lượt tiếp tục được truyền vào cơ thể Mẹ tôi, kết hợp với uống thuốc Tây với liều lượng rất cao. Mẹ tôi khi thì nằm thiêm thiếp, lúc vật vã vì đau trên giường bệnh.Tính mạng Mẹ như ngàn cân treo sợi tóc, những ngày nằm viện thể trạng Mẹ gầy sút gần chục ký, da dẻ xanh xao, ho tức ngực nhiều, không ăn uống gì được, chỉ uống sữa và nước. Bác sĩ điều trị nói cho tôi biết tiên lượng bệnh của Mẹ rất xấu, có nguy cơ khó qua khỏi...Khả năng là chín phần chết một phần sống. Điều này làm cho tôi không tránh khỏi mủi lòng cho bệnh tật hiểm nghèo của Mẹ mà trong lòng ngổn ngang bao suy nghĩ...Tôi nhìn mẹ, quằn quại trong đau đớn mà như đứt từng khúc ruột.
Tôi tay chân lóng ngóng đến vụng về, chỉ biết xoa tay xoa chân cho Mẹ, khi nào hoảng quá thì cầu cứu bác sĩ trực. Nhiều phương án được dự kiến trong đầu tôi, kể cả trường hợp xấu nhất xảy đến cũng đã được tính đến...
...Những lần vào thuốc hóa trị sau này, biết được hoàn cảnh khó khăn của Mẹ, bệnh viện đã miễn giảm toàn bộ tiền thuốc cho Mẹ. Phải mất một năm trời, anh em chúng tôi thay phiên nhau đưa Mẹ đi Sài Gòn mười mấy lần, uống đủ loại thuốc Đông tây kết hợp với vào thuốc hóa trị, xạ trị bệnh mẹ tôi dần thuyên giảm. Mặc dù phác đồ điều trị của mẹ còn dài nhưng mẹ cương quyết không đi Sài Gòn " Đi làm gì kia chứ, để truyền thuốc độc vào người mẹ à ! Nếu chết mẹ chết ở nhà thôi. "- Mẹ nói. Anh em chúng tôi chuyển qua chữa bệnh cho Mẹ bằng thuốc Nam, thuốc Bắc...Ai chỉ loại thuốc gì cũng tìm về cho mẹ. Mẹ uống đủ loại thuốc...Mẹ đã khỏe nhiều hơn trước, tóc mẹ đã mọc lại dày hơn.
Mẹ tôi như người từ cõi chết trở về. Thật kỳ diệu! Mọi người mừng vui không kể xiết. Anh em tôi đều bất ngờ và kinh ngạc đến tột cùng. Chẳng lý giải được vì sao ???
- Trời ,Phật, tổ tiên ông bà phù hộ con ơi! Ở hiền rồi sẽ gặp lành mà, ông bà xưa nói có sai đâu…- Mẹ luôn nói với chúng tôi và mẹ tin cuộc đời nhân quả sẽ như thế.- Mẹ nói giọng xứ Nghệ.
- Ngày trước mẹ vất vả nhiều vì anh em chúng con rồi. Mẹ cố sống thêm vài năm nữa với con cháu cho vui mẹ nhé. Mẹ còn chờ ẳm cháu Nội của Mẹ nữa chứ - Tôi nói đùa với mẹ trong niềm vui.
- Ừ ! Mẹ cũng mong được như thế. Còn nữa tháng nữa là đến Tết rồi con nhỉ! Thời gian trôi nhanh thật. Mẹ như cây mai già cỗi kia thôi, khi nào ông Trời gọi thì mẹ đi về gặp ba con và ông bà tổ tiên. Thế thôi…số mạng hết cả thôi con ạ. - Mẹ cười mãn nguyện và chỉ cây mai vàng trước ngõ nhà tôi.
Ngoài sân, một cây mai già cỗi sừng sững như một tượng đài của mùa xuân. Cây mai nay đã quá già cỗi. Nó đã chứng kiến những biến cố trong gia đình chúng tôi và gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời với mọi người trong nhà. Mùa Xuân này cây mai không còn trổ bông như những mùa xuân trước. Nó đã quá già cỗi, nhưng từ trong những vỏ cây sần sì và những cành cây khẳng khiu đó như một sức sống mãnh liệt trường tồn, một nguồn nhựa vẫn lặng thầm chảy lặng lẽ. Từ những nguồn nhựa đó một vài bông mai vàng hé nở khoe sắc thắm, những chồi non nhú lên xanh mơn mởn mang lộc xuân đến làm đẹp cho đời.
Một mùa xuân nữa lại về với cuộc đời, với mọi nhà, với mọi người…Một mùa xuân nữa lại về với… Mẹ. "Thế thái nhân tình rồi cũng thế, lòng ta thoang thoảng cánh mai vàng". Cảm ơn cuộc đời ! Cảm ơn Mẹ ! Một mùa Xuân nữa lại về với Mẹ...
Quảng Ngãi, 25/01/2011
QHN
TB : Ghi chép tặng Mẹ tôi.
Hình1: Mẹ tôi ( Đứng giữa ) cùng các dì Hương, dì Lương, dì Toàn và mợ Khiển
Hình 2: Ngày đám cưới em trai tôi tại nhà hàng Cẩm Thành
Hình 3 : Dì Hương và dì Lương vào dự đám cưới của em trai tôi.
Vạn cổ tình thâm ơn cúc dục
Trả lờiXóaThiên thu nghĩa trọng đức sinh thành.