Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.

Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.



1. Những quan điểm cơ bản

Ngay ở thời cổ đại, Platon đã nhận thấy sự tác động của nghệ thuật vào thế giới tình cảm của con người. Ông đặc biệt chú ý đến sự tác động của bi kịch, - cái, mà theo ông làm ảnh hưởng xấu đến tình cảm công dân trong vương quốc cộng hòa lý tưởng mà ông xây dựng. Bởi, khi đề cập đến sự hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, Platon nêu lên quan điểm quí phái của mình: Nữ thần nghệ thuật không được phép đem lại sự thích thú cho bất cứ ai, mà chỉ đem lại cho hạng người ưu tú nhất, đã từng kinh qua một qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn. Nếu gạt bỏ tính chất duy tâm, thần bí trong quan niệm này, thì chúng ta thấy cái ẩn dấu đằng sau “qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn” trong quan niệm của Platôn, thì ông đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn, đó là chủ thể thưởng thức phải có một trình độ giáo dục nhất định. Ngược lại, Arixtốt đã coi nghệ thuật như là phương tiện thanh lọc tình cảm con người. Sự cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật làm con người trở nên cao quí, làm cho tâm hồn con người trở nên thanh khiết(chữ Hy Lạp: Katarxix)hơn, tác phẩm nghệ thuật có thể giải phóng tâm hồn con người khỏi một tình cảm tầm thường, thấp hèn, mọi cái xấu và cái tiêu cực. Sở dĩ ông nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật với hoạt động đạo đức, vì ông thấy được nhân thức nghệ thuật là một cơ chế tổng hợp cảm xúc, mà trước hết là đạo đức. Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng lý tưởng đạo đức của ông là một kiểu “hoạt động trầm tư của lý trí”, - hoạt động này hình như không không theo đuổi một mục đích thực tiễn rõ rệt nào cả.



Ở phương Đông cổ đại, Khổng tử cho rằng nghệ thuật có khả năng kiểm soát cảm xúc, căn cứ vào một tiêu chuẩn đạo đức và mỹ học nhất định, rằng nghệ thuật phải đem lại cho con người niềm thích thú và tươi vui. Trong “Luận ngữ”[1], say sưa với một bài dân ca, Khổng tử ra lời tán thưởng của mình : “Tính chất đoan chính của bài ca gợi nên ở con người sự thỏa mãn đầy đủ, một niềm khoái lạc chân chính”. Ong cũng khẳng định rằng nghệ thuật có thể là một phương tiện tốt để giáo dục đạo đức. Đặc biệt, ông chú ý rất nhiều tới mặt nhận thức của nghệ thuật, bởi nghệ thuật có khả năng mở rộng thêm mọi sự hiểu biết của con người về cuộc sống, để mang lại cho con người những kiến thức mới. Ong nói: “Vì sao mà thanh niên ít học thi ca nhỉ?” – ông hỏi. “Thi ca gợi cảm cho con người, gìn giữ cho y khỏi lặp lại nhưng sai lầm của kẻ khác, dạy cho y cách xây dựng quan hệ với những kẻ khác, chỉ cho y cách đánh vào thứ chính trị ngu ngốc, soi sáng cho y về cách ăn ở trong nhà với cha mẹ, khuyên bảo y cách đối xử ở cung đình với quốc vương, và ngoài ra, học thi ca, có thể hiểu biết được nhiều thảo mộc và cầm thú”[2].


Ở một hình thức khác, trong lý luận nghệ thuật của đạo Bàlamôn, quan trọng bậc nhất là học thuyết về “Raxa”- về những cảm xúc, với ý nghĩa cao đẹp và thâm thúy của danh từ này. “Raxa” là sức mạnh chói lọi bởi sự an lạc của ý thức, khi mà ý thức không gặp trở ngại nào nữa để tự biểu hiện; niềm an lạc này biểu hiện qua tình yêu và qua những cảm xúc. Hơn thế nữa “raxa” còn được coi là niềm hưng phấn tới cực độ, biểu lộ ra bằng nhiều cảm xúc. Tám cảm xúc được coi là lẽ thường tình:

1. Tình yêu;

2. Tâm hồn cao thượng;

3. Sự phẫn nộ;

4. Niềm vui sướng;

5. Nỗi kinh ngạc;

6. Sự sầu bi;

7. Sự bình thản;

8. Sự bất mãn;

Tác phẩm nghệ thuật phải chủ động thể hiện vai trò đặc thù của nó là khêu gợi “raxa”; và người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật phải có khả năng thấu hiểu “raxa”, cảm xúc nó, thức tỉnh nó trong bản thân mình. Sở dĩ như vậy, bởi người An độ tự cho mình là một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên và vũ trụ, do đó các loại hình nghệ thuật đều nhằm đến mục đích tối thượng là tạo điều kiện giúp vào việc gợi nên một “raxa” thích hợp để đạt tới sự tự giải phóng – sự tự do.

Thời kỳ trung cổ, trong khoảng thời gian đầu tiên, sau khi phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã tan rã, chúng ta nhận thấy một sự sụp đổ của nền kinh tế, nền kỹ thuật, nền thương mại, của các thành thị và của các nền văn hoá. Ph. Angghen đã có nhận xét rằng: “Thời trung cổ đã từng phát triển trên một cơ sở hoàn toàn nguyên thủy. Nó đã xóa hoàn toàn nền văn minh cổ đại, vốn triết học, chính trị học và pháp luật cổ đại, để xây dựng lại tất cả mọi mặt, ngay từ bước đầu. Điều duy nhất mà nó mượn của thế giới cổ đại đã chết, là Cơ đốc giáo và một số thành thị đã bị phá hủy tới phân nửa và đã mất hết tất cả văn minh trước kia của chúng. Kết quả (kết quả của tình trạng ấy, N.D thêm), - như thường xảy ra ở tất cả giai đoạn mở đầu quá trình phát triển, - là độc quyền về học vấn do các giáo sĩ nắm, và cũng chính do đấy mà bản thân học vấn này chủ yếu mang tính chất thần học”[3]. Cho nên, đặc điểm nổi bật của tổ chức chính trị xã hội thời kỳ này là hệ thống phức tạp về đẳng cấp của xã hội phong kiến và nhà thờ. Cũng chính vì vậy, đời sống tinh thần thời kỳ này là sự thống trị tuyệt đối của thần học, nghệ thuật chính thống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo. Trong nghệ thuật, người ta đã tìm cách cố gắng biện luận cho thế giới đồ vật có quyền được làm khách thể, thể hiện trực tiếp quyền lực của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, theo Tômát Đacanh[4]: “Mọi sinh vật được sinh ra đều làm Chúa vui sướng, bởi vì mọi thứ đang tồn tại đều theo ý Chúa”. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng về nghệ thuật trong thời kỳ này xét về vai trò của nó trong thế giới tình cảm là sự hoà quyện giữa tình cảm nghệ thuật – tình cảm tôn giáo mà thực chất là xúc cảm về tâm linh.

Với một mức độ khái quát hơn, Hêghen đã đứng trên quan điểm lịch sử để giải quyết sự tác động của nghệ thuật đối với thế giới tình cảm của con người. Ông nêu lên một ý tưởng hết sức độc đáo: Chúng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật có nhiệm vụ biến cái hiện tượng trên tất cả các điểm và bình diện của nó thành con mắt, nó sẽ là nơi trú ẩn của tâm hồn và là biểu hiện của tinh thần. Nếu tước bỏ yếu tố duy tâm trong tư tưởng đó, thì nhận xét của Hêghen thật sắc xảo: hoạt động thẩm mỹ, trong đó có hoạt động nghệ thuật liên quan trực tiếp đến cái “Tôi” tinh thần, và có trách nhiệm tự do bên trong của chủ thể. Và ông nhấn mạnh: “…sức mạnh đặc thù của nghệ thuật là ở chỗ nghệ thuật thức tỉnh ở ta mọi tình cảm, làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập những nội dung khác nhau của cuộc sống, và gợi lên những cảm nghĩ này bằng cái vẻ giống thực lừa dối chúng ta”[5].

Trong sự phát triển của mỹ học mácxít, nhiều nhà khoa học gắn rất chặt nghệ thuật với tâm lý học. N.X.Vưgốtxki – nhà tâm lý học nghệ thuật, đã nhấn mạnh rằng sự khảo sát mácxít về nghệ thuật, nhất là các hình thức phức tạp nhất của nó, cần phải bao gồm cả sự nghiên cứu tác động tâm sinh lý của tác phẩm nghệ thuật. Sau N.X. Vưgotxki, thì Lêôntiép và P.V. Ximônốp, v.v... đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Điều đó có lý do của nó, bởi vì trong khi xét đến các cấp độ của hình tượng nghệ thuật thì tâm lý là một cấp độ hết sức quan trọng.

Những vấn đề trình bày trên đây cho thấy cần phải nghiên cứu bản chất của cảm xúc, sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ và vai trò của nghệ thuật trong thế giới tình cảm của con người.

2. Cảm xúc – cảm xúc nghệ thuật

Cảm xúc (theo tiếng la tinh êmôxêô - tôi cảm động, tôi xúc động) đó là sự rung động từ phía bản thân con người đối với hiện thực, cũng như sự rung động của trạng thái chủ quan nảy sinh trong qúa trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong qúa trình thỏa mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, cũng như các hoạt động ý chí khác, trong cảm xúc biểu hiện đặc biệt rõ nét tính tích cực của sự phản ánh tâm lý. Nếu so sánh mối liên hệ về hoạt động tâm lý giữa con người và động vật, thì chúng ta thấy ở động vật cũng có những mầm mống của cảm xúc.

Ở thời đại mình, Đácuyn đã giải thích một cách khoa học bản chất của các hành động diễn cảm (biểu hiện cảm xúc) của con người và động vật. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, ở con người đằng sau kích thích của cảm xúc, không chỉ có yếu tố sinh lý mà có cả kinh nghiệm của lịch sử loài người, là tất cả những kinh nghiệm của những quan hệ xã hội, bao gồm cả sự tự nhận thức cá nhân.

Đácuyn đã chỉ rõ rằng các biểu hiện bên ngoài của cảm xúc là những động tác diễn cảm cảm của con người xuất hiện không theo dự định trước mà mang tính chất cố định với những dấu hiệu thường gặp đối với những cảm xúc khác nhau. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc, bản chất và phân loại cảm xúc, ông đã xây dựng nên ba nguyên tắc cơ bản của toàn bộ lý thuyết sinh vật học về cảm xúc và biểu hiện bên ngoài của nó. Đó là các nguyên tắc:

1. Nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích;

2. Nguyên tắc đối lập;

3. Nguyên tắc hành động do cơ cấu của hệ thần kinh quyết định

Trong ba nguyên tắc biểu hiện bên ngoài của cảm xúc nói trên thì nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích chiếm vị trí cơ bản trong lý thuyết di truyền học của cảm xúc. Nguyên tắc đó có liên quan trực tiếp với các tư tưởng của học thuyết tiến hoá của Đáuyn về nguồn gốc của loài người. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nguyên tắc này có thể được coi là một trong những cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu cảm xúc nghệ thuật dưới góc độ tâm lý học nghệ thuật hay không? Rằng, nhân thức nghệ thuật có phải là một cơ chế tổng hợp cảm xúc nói chung của con người?

Trong hệ thống những cảm xúc của con người thông qua sự tác động của nghệ thuật, không chỉ đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, được thể hiện với tích cách là một cảm nghĩ - cảm xúc, mà còn là cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người. Cố nhiên, không chỉ có nghệ thuật, mà các hình thái khác của nhận thức cũng có khả năng tổng hợp cảm xúc của con người. Nhưng chỉ có điều ở nghệ thuật thì khả năng ấy diễn ra thông qua hệ thống hình tượng toàn vẹn – cảm tính như là một qui luật của tình cảm. Điều này có thể được xác định thông qua tính mục đích của hoạt động con người, khi con người khách thể hóa tính mục đích của mình ở trong đối tượng phản ánh. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: “Trong lịch sử xã hội, nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những người có ý thức, hành động có suy nghĩ có nhiệt tình và theo đuổi những mục đích nhất định”[6]. Sự khách thể hóa này của mục đích được thực hiện dưới hình thức ý nghĩa của khách thể. Khi ý nghĩ cá nhân liên tưởng tới một ý nghĩa nào đó của xã hội làm nảy sinh cảm nghĩ về giá trị của tình huống hay của khách thể, điều đó làm cho chủ thể của tư duy tri giác được tình huống hay khách thể với tích cách thế giới quan cá nhân. Khi nhấn mạnh tính tích cực của cảm xúc và nhận thức, Ph. Angghen còn chỉ ra rằng ý chí được xác định bởi sự say mê, hoặc sự ngẫm nghĩ cũa con người. Như vậy, cảm xúc như là sự rung động ở nơi tâm hồn con người bởi sự tác động nào đó của hiện thực và nó có đặc điểm là mang tính chủ quan.

Trong tâm lý học hiện đại vẫn chưa có được một sự phân loại cảm xúc nào được công nhận rộng rãi. Song người ta có thể phân chia chúng một cách chính xác hơn thành các loại cảm xúc khác nhau, trên cơ sở các thành phần, các dấu hiệu đặc trưng về cường độ của rung động tâm lý, những cái thể hiện về mặt tâm trạng thông qua tình cảm của con người. Căn cứ vào nội dung và nguyên nhân phát sinh sự rung động, tâm trạng của cảm xúc con người, mà tình cảm được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, tình cảm sinh học nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học, còn tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm tôn giáo, v.v… thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người. Trong đó, tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ là nhóm tình cảm cấp cao. Với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc, thì trước hết và chủ yếu là sự tác động của nghệ thuật vào nhóm tình cảm cấp cao đó.

3. Cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật

Cơ chế tác động của nghệ thuật vào tình cảm của con người theo lẽ tự nhiên vươn tới khoái cảm thẩm mỹ và nó là một trong những nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển của nghệ thuật cũng như đối với sự phát triển thế giới tình cảm của con người. Nhưng tại sao khoái cảm thẩm mỹ với tư cách là yếu tố cái đẹp lại có khả năng tác động mạnh mẽ như một cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người? Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất của mỹ học - tâm lý học; và cho đến nay về vấn đề đó vẫn chưa có một quan điểm thống nhất nào có tính thuyết phục. Cái đẹp vẫn thường được quan niệm như một sự hài hòa, như một sự hoàn chỉnh, có khả năng điều tiết những ham mê và tình cảm của con người. Thật vậy, cái chân – cái thiện – cái mỹ là những phương tiện tốt nhất để con người đạt được sự hài hòa, hoàn chỉnh các phẩm chất cao qúi nhất của tâm hồn, trong đó, sự tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật mang lại cho con người một một khoái cảm tinh thần – một sự tổng hợp cảm xúc.

- Thứ nhất, các tình cảm thẩm mỹ thể hiện trong hoạt động nghệ thuật đều có ảnh hưởng một cách tích cực, thậm chí có thể tối ưu hoá mọi quá trình tâm sinh lý của con người, phát huy mọi năng lực nhận thức của con người, kể cả trong khoa học. Nghệ thuật tác động vào tình cảm và trí tuệ, đem lại cho con người loại “tri thức” mà không một khoa học nào có thể đem lại. Đây không chỉ là cảm thụ tính thực tế, đây còn là tri thức về cuộc đời, sự xâm nhập những điều bí ẩn của tồn tại con người. Bởi lẽ, cái đẹp đưa chúng ta tới gần chân lý hơn và chân lý là một điều kiện của cái thiện. Sự hiểu biết, sự hiền minh là một trong những cội nguồn của khoái cảm thẩm mỹ, và đến lượt nó khoái cảm thẩm mỹ do nghệ thuật đem lại là điều kiện giúp cho con người nắm bắt được tri thức. Rõ ràng, nghệ thuật đem lại cho người cảm thụ một loại trí tuệ hòa với tình cảm, một loại tình cảm hòa với trí tuệ hoặc có thể gọi là tình cảm trí tuệ.

Bản chất phức tạp bởi những mâu thuẫn và tính sinh động của cuộc sống con người là một cái gì đó rất khó cho phép chúng ta đưa vào những khái niệm lôgíc trừu tượng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học có khả năng nghiên cứu sâu sắc hơn những qui luật và những phương diện khác nhau của cuộc sống; nhưng biết đến qui luật của cuộc sống chưa có nghĩa là thể nghiệm đúng những bí ẩn của cuộc sống con người, nếu khoa học không quan tâm hơn nữa đến tình cảm trí tuệ của cái đẹp.

Tình cảm trí tuệ do sự hưởng thụ nghệ thuật, giúp cho con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn của cuộc sống. Nghệ thuật đạt đến điều này bằng cách trình bày những qui luật khái quát những tình huống hình tượng nghệ thuật cụ thể. Tình cảm trí tuệ được thực hiện thông qua chức năng nhận thức của nghệ thuật chính là lý tưởng thẩm mỹ - xã hội được thể hiện ở nội dung tư tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật chân chính có khả năng cung cấp cho con người về những giá trị của chính bản thân cuộc sống.

- Thứ hai, trong nghệ thuật, việc phản ánh những quan hệ đạo đức giữa người với người, phong thái đạo đức của cá tính có một ý nghĩa to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật được gọi là bức hoạ về nhân cách, về phong tục. Người HyLạp cổ đại đã xây dựng khái niệm “con người cao quí” (Kalox - Kagatox) - Khái niệm chung đúc hữu cơ cái thiện (lòng dũng cảm) với cái đẹp. Đối với người Hy Lạp cổ đại, cái đẹp được coi là một đức hạnh. Cái đẹp nâng con người lên trở thành cao qúy. Nó làm xuất hiện ở con người những sở thích, nguyện vọng, niềm tin, ước mơ, sự đam mê cuồng nhiệt và nó cũng có thể làm lay chuyển thói quen tâm lý, lòng tin cố hữu vào những tập tục đã lạc hậu của nếp sống cũ, định hướng giáo dục và cổ vũ lối sống mới tốt đẹp hơn. Về phương diện này, có thể nói cái đạo đức không những là nhân tố tất yếu của cái đẹp, mà bản thân cái đẹp cũng là một phương tiện giáo dục đạo đức đối với con người. Các tác phẩm nghệ thuật không những chỉ tái hiện phạm vi đạo đức, mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định lý tưởng đạo đức.

Do ảnh hưởng của những tình cảm thẩm mỹ, nghệ thuật có khả năng diễn giải và hình thành cá tính con người về mặt xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, khi thì chú ý tác động đến tình cảm, khi thì tác động đến trí tuệ, nhưng kết quả của sự tác động này bao giờ cũng rất toàn vẹn, bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần. Trên cơ sở đó nghệ thuật có khả năng làm thức tỉnh trong cá nhân con người những cảm xúc phong phú, gắn liền với sự thống nhất nội tại bên trong cái “Tôi”của họ. Chính trong qúa trình này, nghệ thuật tạo điều kiện cho con người nhận thức ý nghĩa cuộc sống của mình.

Nhận thức bằng phương tiện nghệ thuật có một yếu tố đặc biệt, là nó bao gồm một chuỗi liên tục các khâu: tự ý thức về bản thân, nhận thức về những người khác, về cuộc sống, về hiện thực, từ đó mỗi cá nhân nhận ra bản thân mình trong những khía cạnh muôn mầu, muôn vẻ của cuộc sống; đồng thời khẳng định năng lực, phẩm chất và tự điều chỉnh hành vi của mình về mặt nhân cách.

- Thứ ba, trên cơ sở những dấu hiệu đặc trưng của các rung động cảm xúc, nghệ thuật vừa thể hiện là phương tiện nhận thức và đồng thời là phương tiện giao tiếp xã hội. Trong các phương diện này, nghệ thuật gắn bó trực tiếp với các nhu cầu thẩm mỹ và cảm xúc thẩm mỹ, gắn bó với thế giới tinh thần con người trong chừng mực các nhu cầu thẩm mỹ không thể nào thỏa mãn bởi bất kỳ một hoạt động tinh thần nào khác, mà phải chính là nghệ thuật. Bởi vì, khi tác động vào thế giới tình cảm, nghệ thuật mang lại cho con người cảm xúc về tính nhậy cảm đối với cái đẹp của các đường nét, hình dáng, âm thanh, mầu sắc, v.v., của hiện thực cuộc sống được khái quát hóa, điển hình hóa bằng hình tượng (nghệ thuật) ở các tác phẩm nghệ thuật. Và qua đó, từ các tình cảm thẩm mỹ của con người xuất hiện những năng lực rung cảm và sự hòa quyện giữa các cảm xúc, để con người có khả năng cảm thụ cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cuộc sống và trong nghệ thuật.

Các cảm xúc thẩm mỹ có khả năng tự tiếp nối, kết hợp và đan xen vào hệ thống những cảm xúc nói chung của con người một cách tinh tế và hết sức phức tạp. Niềm tin và khát vọng, nụ cười và nước mắt, tình yêu và lòng căm thù, thiện cảm và ác cảm, hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, v.v... tất cả những cảm xúc này thông qua tình cảm thẩm mỹ đều được nghệ thuật kết hợp một cách độc đáo, bổ sung, cân bằng, hạn chế và thanh lọc lẫn nhau để con người biết sống xứng đáng với chính mình vì một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.

Thật vậy, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ. Trong nghệ thuật chứa đựng những đặc tính, những phẩm chất, những nhu cầu và khả năng cao nhất, hoàn thiện nhất đối với sự hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Dưới các hình thức khác nhau, thì mỗi con người đều tham gia hoạt động nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong chính những hoạt động xã hội của mình. Cho nên, được hoà vào thế giới nghệ thuật, đặc biệt tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật là hình thức tốt nhất để phát huy những tư chất, năng khiếu thẩm mỹ, hình thành và phát triển tri thức thẩm mỹ, văn hoá thẩm mỹ, thì sẽ trở thành những chủ thể thẩm mỹ đích thực. Nghệ thuât có khả năng to lớn trong sự tác động tình cảm, tư tưởng con người, giúp con người tự xây dựng cho mình những tư tưởng đúng, tình cảm đẹp, làm cơ sở cho hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, hướng tới một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.

Khi tác động vào con người thì nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới tình cảm của con người. Cho nên, trong giáo dục thẩm mỹ, chiếm vị trí hàng đầu là xây dựng văn hoá thẩm mỹ của các cảm quan và quá trình đó phải kể đến vai trò của nghệ thuật. Quá trình này cũng phải được tiến hành thông qua sự tác động tình cảm của cả thiên nhiên, xã hội mà quan trọng hơn là có sự góp phần tác động trực tiếp của các tác phẩm nghệ thuật.

Ưu thế của nghệ thuật trong sự tác động của nó tới người cảm thụ là ở chỗ, nó cảm hoá người cảm thụ bằng cái đẹp thông qua hình tượng chân – thiện – mỹ. Cho nên, giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật là một hình thức không chỉ mang tính hấp dẫn bởi tính đặc thù của nó mà còn có khả năng đi vào lòng người, khơi dậy nơi tầng sâu của ý thức, tâm hồn con người cái sức mạnh tiểm ẩn của con người. Do đó, nó đi vào tâm hồn con người một cách tự nguyện và cũng như chính sự tự nguyện của con người khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ hướng theo cái đẹp mà nghệ thuật khẳng định, định hướng hoặc mang lại. Nếu nghệ thuât là công cụ sắc bén của giáo dục thẩm mỹ, thì giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật giúp cho con người sử dụng công cụ đó để làm phong phú thế giới tinh thần của mình và hoàn thiện mình một cách tốt nhất.

Như vậy, nghệ thuật tái tạo và chiếm hữu một cách tinh tế thế giới và cuộc sống hiện thực, đồng thời hình thành một thế giới độc đáo của đời sống tinh thần, nó bao chứa sự thống nhất nội tại những cá tính của con người. Nhưng sự tái hiện đặc thù thế giới hiện thực với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật chỉ được thể hiện thông qua nguồn năng lượng xã hội đã được tích lũy, đồng thời nó chỉ được gìn giữ thông qua những kinh nghiệm xã hội của loài người. Về mặt này, nghệ thuật đóng vai trò là một trí nhớ xã hội.





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Khổng Tử: Luận ngữ, chương Thái Hà, đoạn 15.

[2] Như trên, chương Dương Hoá, đoạn 8.

[3] C. Mác và Ph. Angghen: Toàn tập (tiếng Nga), tập 7, M. 1956, tr. 360.

[4] Thomas d’ Aquin (1225 – 1274), Nhà thần học đạo Thiên chúa.

[5] Hêghen: Mỹ học, tập 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 121.

[6] C. Mác & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 647 – 648.


Đào Duy Thanh GV trường ĐH Luật TPHCM--------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét