Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Giới thiệu tranh của họa sĩ Lê Ngọc Tường

ARTIST LE NGOC TUONG - TEL :0914230975

Born in 1970 in Ha Noi .

Graduated from Fine Arts Industrial University in Hue 1998 .

Professor in paintings of Fine Arts Industrial University in Hue .

Group exhibition :

2002 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville, France

2003 Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore .

2005 Exhibition at Alliance Francaise de Malaysia, Kuala Lumpur

Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore

2006 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville , France

Exhibition at Galerie Anh Tuyet in Toulouse, France

Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore

Exhibition at Galerie Keller , Zurich

2007 : Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France

Exhibition at Dragonfly Design Decor in Washington DC, USA

Exhibition at Towson University in Maryland, USA

Exhibition at Gallery Brigitte in Virginia, USA

Exhibition at Drama Centre National Library in Singapore

Exhibition at Alliance Francaise in Singapore

Exhibition at Tours in France

2008 Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France

Exhibition at Alliance Francaise in Singapore


His works were chosen and collected in Singapore , Italy , France , USA , Korea, Zurich , Malaysia , Australia , Japan















Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.

Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.



1. Những quan điểm cơ bản

Ngay ở thời cổ đại, Platon đã nhận thấy sự tác động của nghệ thuật vào thế giới tình cảm của con người. Ông đặc biệt chú ý đến sự tác động của bi kịch, - cái, mà theo ông làm ảnh hưởng xấu đến tình cảm công dân trong vương quốc cộng hòa lý tưởng mà ông xây dựng. Bởi, khi đề cập đến sự hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, Platon nêu lên quan điểm quí phái của mình: Nữ thần nghệ thuật không được phép đem lại sự thích thú cho bất cứ ai, mà chỉ đem lại cho hạng người ưu tú nhất, đã từng kinh qua một qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn. Nếu gạt bỏ tính chất duy tâm, thần bí trong quan niệm này, thì chúng ta thấy cái ẩn dấu đằng sau “qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn” trong quan niệm của Platôn, thì ông đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn, đó là chủ thể thưởng thức phải có một trình độ giáo dục nhất định. Ngược lại, Arixtốt đã coi nghệ thuật như là phương tiện thanh lọc tình cảm con người. Sự cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật làm con người trở nên cao quí, làm cho tâm hồn con người trở nên thanh khiết(chữ Hy Lạp: Katarxix)hơn, tác phẩm nghệ thuật có thể giải phóng tâm hồn con người khỏi một tình cảm tầm thường, thấp hèn, mọi cái xấu và cái tiêu cực. Sở dĩ ông nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật với hoạt động đạo đức, vì ông thấy được nhân thức nghệ thuật là một cơ chế tổng hợp cảm xúc, mà trước hết là đạo đức. Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng lý tưởng đạo đức của ông là một kiểu “hoạt động trầm tư của lý trí”, - hoạt động này hình như không không theo đuổi một mục đích thực tiễn rõ rệt nào cả.



Ở phương Đông cổ đại, Khổng tử cho rằng nghệ thuật có khả năng kiểm soát cảm xúc, căn cứ vào một tiêu chuẩn đạo đức và mỹ học nhất định, rằng nghệ thuật phải đem lại cho con người niềm thích thú và tươi vui. Trong “Luận ngữ”[1], say sưa với một bài dân ca, Khổng tử ra lời tán thưởng của mình : “Tính chất đoan chính của bài ca gợi nên ở con người sự thỏa mãn đầy đủ, một niềm khoái lạc chân chính”. Ong cũng khẳng định rằng nghệ thuật có thể là một phương tiện tốt để giáo dục đạo đức. Đặc biệt, ông chú ý rất nhiều tới mặt nhận thức của nghệ thuật, bởi nghệ thuật có khả năng mở rộng thêm mọi sự hiểu biết của con người về cuộc sống, để mang lại cho con người những kiến thức mới. Ong nói: “Vì sao mà thanh niên ít học thi ca nhỉ?” – ông hỏi. “Thi ca gợi cảm cho con người, gìn giữ cho y khỏi lặp lại nhưng sai lầm của kẻ khác, dạy cho y cách xây dựng quan hệ với những kẻ khác, chỉ cho y cách đánh vào thứ chính trị ngu ngốc, soi sáng cho y về cách ăn ở trong nhà với cha mẹ, khuyên bảo y cách đối xử ở cung đình với quốc vương, và ngoài ra, học thi ca, có thể hiểu biết được nhiều thảo mộc và cầm thú”[2].


Ở một hình thức khác, trong lý luận nghệ thuật của đạo Bàlamôn, quan trọng bậc nhất là học thuyết về “Raxa”- về những cảm xúc, với ý nghĩa cao đẹp và thâm thúy của danh từ này. “Raxa” là sức mạnh chói lọi bởi sự an lạc của ý thức, khi mà ý thức không gặp trở ngại nào nữa để tự biểu hiện; niềm an lạc này biểu hiện qua tình yêu và qua những cảm xúc. Hơn thế nữa “raxa” còn được coi là niềm hưng phấn tới cực độ, biểu lộ ra bằng nhiều cảm xúc. Tám cảm xúc được coi là lẽ thường tình:

1. Tình yêu;

2. Tâm hồn cao thượng;

3. Sự phẫn nộ;

4. Niềm vui sướng;

5. Nỗi kinh ngạc;

6. Sự sầu bi;

7. Sự bình thản;

8. Sự bất mãn;

Tác phẩm nghệ thuật phải chủ động thể hiện vai trò đặc thù của nó là khêu gợi “raxa”; và người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật phải có khả năng thấu hiểu “raxa”, cảm xúc nó, thức tỉnh nó trong bản thân mình. Sở dĩ như vậy, bởi người An độ tự cho mình là một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên và vũ trụ, do đó các loại hình nghệ thuật đều nhằm đến mục đích tối thượng là tạo điều kiện giúp vào việc gợi nên một “raxa” thích hợp để đạt tới sự tự giải phóng – sự tự do.

Thời kỳ trung cổ, trong khoảng thời gian đầu tiên, sau khi phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã tan rã, chúng ta nhận thấy một sự sụp đổ của nền kinh tế, nền kỹ thuật, nền thương mại, của các thành thị và của các nền văn hoá. Ph. Angghen đã có nhận xét rằng: “Thời trung cổ đã từng phát triển trên một cơ sở hoàn toàn nguyên thủy. Nó đã xóa hoàn toàn nền văn minh cổ đại, vốn triết học, chính trị học và pháp luật cổ đại, để xây dựng lại tất cả mọi mặt, ngay từ bước đầu. Điều duy nhất mà nó mượn của thế giới cổ đại đã chết, là Cơ đốc giáo và một số thành thị đã bị phá hủy tới phân nửa và đã mất hết tất cả văn minh trước kia của chúng. Kết quả (kết quả của tình trạng ấy, N.D thêm), - như thường xảy ra ở tất cả giai đoạn mở đầu quá trình phát triển, - là độc quyền về học vấn do các giáo sĩ nắm, và cũng chính do đấy mà bản thân học vấn này chủ yếu mang tính chất thần học”[3]. Cho nên, đặc điểm nổi bật của tổ chức chính trị xã hội thời kỳ này là hệ thống phức tạp về đẳng cấp của xã hội phong kiến và nhà thờ. Cũng chính vì vậy, đời sống tinh thần thời kỳ này là sự thống trị tuyệt đối của thần học, nghệ thuật chính thống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo. Trong nghệ thuật, người ta đã tìm cách cố gắng biện luận cho thế giới đồ vật có quyền được làm khách thể, thể hiện trực tiếp quyền lực của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, theo Tômát Đacanh[4]: “Mọi sinh vật được sinh ra đều làm Chúa vui sướng, bởi vì mọi thứ đang tồn tại đều theo ý Chúa”. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng về nghệ thuật trong thời kỳ này xét về vai trò của nó trong thế giới tình cảm là sự hoà quyện giữa tình cảm nghệ thuật – tình cảm tôn giáo mà thực chất là xúc cảm về tâm linh.

Với một mức độ khái quát hơn, Hêghen đã đứng trên quan điểm lịch sử để giải quyết sự tác động của nghệ thuật đối với thế giới tình cảm của con người. Ông nêu lên một ý tưởng hết sức độc đáo: Chúng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật có nhiệm vụ biến cái hiện tượng trên tất cả các điểm và bình diện của nó thành con mắt, nó sẽ là nơi trú ẩn của tâm hồn và là biểu hiện của tinh thần. Nếu tước bỏ yếu tố duy tâm trong tư tưởng đó, thì nhận xét của Hêghen thật sắc xảo: hoạt động thẩm mỹ, trong đó có hoạt động nghệ thuật liên quan trực tiếp đến cái “Tôi” tinh thần, và có trách nhiệm tự do bên trong của chủ thể. Và ông nhấn mạnh: “…sức mạnh đặc thù của nghệ thuật là ở chỗ nghệ thuật thức tỉnh ở ta mọi tình cảm, làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập những nội dung khác nhau của cuộc sống, và gợi lên những cảm nghĩ này bằng cái vẻ giống thực lừa dối chúng ta”[5].

Trong sự phát triển của mỹ học mácxít, nhiều nhà khoa học gắn rất chặt nghệ thuật với tâm lý học. N.X.Vưgốtxki – nhà tâm lý học nghệ thuật, đã nhấn mạnh rằng sự khảo sát mácxít về nghệ thuật, nhất là các hình thức phức tạp nhất của nó, cần phải bao gồm cả sự nghiên cứu tác động tâm sinh lý của tác phẩm nghệ thuật. Sau N.X. Vưgotxki, thì Lêôntiép và P.V. Ximônốp, v.v... đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Điều đó có lý do của nó, bởi vì trong khi xét đến các cấp độ của hình tượng nghệ thuật thì tâm lý là một cấp độ hết sức quan trọng.

Những vấn đề trình bày trên đây cho thấy cần phải nghiên cứu bản chất của cảm xúc, sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ và vai trò của nghệ thuật trong thế giới tình cảm của con người.

2. Cảm xúc – cảm xúc nghệ thuật

Cảm xúc (theo tiếng la tinh êmôxêô - tôi cảm động, tôi xúc động) đó là sự rung động từ phía bản thân con người đối với hiện thực, cũng như sự rung động của trạng thái chủ quan nảy sinh trong qúa trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong qúa trình thỏa mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, cũng như các hoạt động ý chí khác, trong cảm xúc biểu hiện đặc biệt rõ nét tính tích cực của sự phản ánh tâm lý. Nếu so sánh mối liên hệ về hoạt động tâm lý giữa con người và động vật, thì chúng ta thấy ở động vật cũng có những mầm mống của cảm xúc.

Ở thời đại mình, Đácuyn đã giải thích một cách khoa học bản chất của các hành động diễn cảm (biểu hiện cảm xúc) của con người và động vật. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, ở con người đằng sau kích thích của cảm xúc, không chỉ có yếu tố sinh lý mà có cả kinh nghiệm của lịch sử loài người, là tất cả những kinh nghiệm của những quan hệ xã hội, bao gồm cả sự tự nhận thức cá nhân.

Đácuyn đã chỉ rõ rằng các biểu hiện bên ngoài của cảm xúc là những động tác diễn cảm cảm của con người xuất hiện không theo dự định trước mà mang tính chất cố định với những dấu hiệu thường gặp đối với những cảm xúc khác nhau. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc, bản chất và phân loại cảm xúc, ông đã xây dựng nên ba nguyên tắc cơ bản của toàn bộ lý thuyết sinh vật học về cảm xúc và biểu hiện bên ngoài của nó. Đó là các nguyên tắc:

1. Nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích;

2. Nguyên tắc đối lập;

3. Nguyên tắc hành động do cơ cấu của hệ thần kinh quyết định

Trong ba nguyên tắc biểu hiện bên ngoài của cảm xúc nói trên thì nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích chiếm vị trí cơ bản trong lý thuyết di truyền học của cảm xúc. Nguyên tắc đó có liên quan trực tiếp với các tư tưởng của học thuyết tiến hoá của Đáuyn về nguồn gốc của loài người. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nguyên tắc này có thể được coi là một trong những cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu cảm xúc nghệ thuật dưới góc độ tâm lý học nghệ thuật hay không? Rằng, nhân thức nghệ thuật có phải là một cơ chế tổng hợp cảm xúc nói chung của con người?

Trong hệ thống những cảm xúc của con người thông qua sự tác động của nghệ thuật, không chỉ đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, được thể hiện với tích cách là một cảm nghĩ - cảm xúc, mà còn là cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người. Cố nhiên, không chỉ có nghệ thuật, mà các hình thái khác của nhận thức cũng có khả năng tổng hợp cảm xúc của con người. Nhưng chỉ có điều ở nghệ thuật thì khả năng ấy diễn ra thông qua hệ thống hình tượng toàn vẹn – cảm tính như là một qui luật của tình cảm. Điều này có thể được xác định thông qua tính mục đích của hoạt động con người, khi con người khách thể hóa tính mục đích của mình ở trong đối tượng phản ánh. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: “Trong lịch sử xã hội, nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những người có ý thức, hành động có suy nghĩ có nhiệt tình và theo đuổi những mục đích nhất định”[6]. Sự khách thể hóa này của mục đích được thực hiện dưới hình thức ý nghĩa của khách thể. Khi ý nghĩ cá nhân liên tưởng tới một ý nghĩa nào đó của xã hội làm nảy sinh cảm nghĩ về giá trị của tình huống hay của khách thể, điều đó làm cho chủ thể của tư duy tri giác được tình huống hay khách thể với tích cách thế giới quan cá nhân. Khi nhấn mạnh tính tích cực của cảm xúc và nhận thức, Ph. Angghen còn chỉ ra rằng ý chí được xác định bởi sự say mê, hoặc sự ngẫm nghĩ cũa con người. Như vậy, cảm xúc như là sự rung động ở nơi tâm hồn con người bởi sự tác động nào đó của hiện thực và nó có đặc điểm là mang tính chủ quan.

Trong tâm lý học hiện đại vẫn chưa có được một sự phân loại cảm xúc nào được công nhận rộng rãi. Song người ta có thể phân chia chúng một cách chính xác hơn thành các loại cảm xúc khác nhau, trên cơ sở các thành phần, các dấu hiệu đặc trưng về cường độ của rung động tâm lý, những cái thể hiện về mặt tâm trạng thông qua tình cảm của con người. Căn cứ vào nội dung và nguyên nhân phát sinh sự rung động, tâm trạng của cảm xúc con người, mà tình cảm được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, tình cảm sinh học nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học, còn tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm tôn giáo, v.v… thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người. Trong đó, tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ là nhóm tình cảm cấp cao. Với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc, thì trước hết và chủ yếu là sự tác động của nghệ thuật vào nhóm tình cảm cấp cao đó.

3. Cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật

Cơ chế tác động của nghệ thuật vào tình cảm của con người theo lẽ tự nhiên vươn tới khoái cảm thẩm mỹ và nó là một trong những nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển của nghệ thuật cũng như đối với sự phát triển thế giới tình cảm của con người. Nhưng tại sao khoái cảm thẩm mỹ với tư cách là yếu tố cái đẹp lại có khả năng tác động mạnh mẽ như một cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người? Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất của mỹ học - tâm lý học; và cho đến nay về vấn đề đó vẫn chưa có một quan điểm thống nhất nào có tính thuyết phục. Cái đẹp vẫn thường được quan niệm như một sự hài hòa, như một sự hoàn chỉnh, có khả năng điều tiết những ham mê và tình cảm của con người. Thật vậy, cái chân – cái thiện – cái mỹ là những phương tiện tốt nhất để con người đạt được sự hài hòa, hoàn chỉnh các phẩm chất cao qúi nhất của tâm hồn, trong đó, sự tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật mang lại cho con người một một khoái cảm tinh thần – một sự tổng hợp cảm xúc.

- Thứ nhất, các tình cảm thẩm mỹ thể hiện trong hoạt động nghệ thuật đều có ảnh hưởng một cách tích cực, thậm chí có thể tối ưu hoá mọi quá trình tâm sinh lý của con người, phát huy mọi năng lực nhận thức của con người, kể cả trong khoa học. Nghệ thuật tác động vào tình cảm và trí tuệ, đem lại cho con người loại “tri thức” mà không một khoa học nào có thể đem lại. Đây không chỉ là cảm thụ tính thực tế, đây còn là tri thức về cuộc đời, sự xâm nhập những điều bí ẩn của tồn tại con người. Bởi lẽ, cái đẹp đưa chúng ta tới gần chân lý hơn và chân lý là một điều kiện của cái thiện. Sự hiểu biết, sự hiền minh là một trong những cội nguồn của khoái cảm thẩm mỹ, và đến lượt nó khoái cảm thẩm mỹ do nghệ thuật đem lại là điều kiện giúp cho con người nắm bắt được tri thức. Rõ ràng, nghệ thuật đem lại cho người cảm thụ một loại trí tuệ hòa với tình cảm, một loại tình cảm hòa với trí tuệ hoặc có thể gọi là tình cảm trí tuệ.

Bản chất phức tạp bởi những mâu thuẫn và tính sinh động của cuộc sống con người là một cái gì đó rất khó cho phép chúng ta đưa vào những khái niệm lôgíc trừu tượng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học có khả năng nghiên cứu sâu sắc hơn những qui luật và những phương diện khác nhau của cuộc sống; nhưng biết đến qui luật của cuộc sống chưa có nghĩa là thể nghiệm đúng những bí ẩn của cuộc sống con người, nếu khoa học không quan tâm hơn nữa đến tình cảm trí tuệ của cái đẹp.

Tình cảm trí tuệ do sự hưởng thụ nghệ thuật, giúp cho con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn của cuộc sống. Nghệ thuật đạt đến điều này bằng cách trình bày những qui luật khái quát những tình huống hình tượng nghệ thuật cụ thể. Tình cảm trí tuệ được thực hiện thông qua chức năng nhận thức của nghệ thuật chính là lý tưởng thẩm mỹ - xã hội được thể hiện ở nội dung tư tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật chân chính có khả năng cung cấp cho con người về những giá trị của chính bản thân cuộc sống.

- Thứ hai, trong nghệ thuật, việc phản ánh những quan hệ đạo đức giữa người với người, phong thái đạo đức của cá tính có một ý nghĩa to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật được gọi là bức hoạ về nhân cách, về phong tục. Người HyLạp cổ đại đã xây dựng khái niệm “con người cao quí” (Kalox - Kagatox) - Khái niệm chung đúc hữu cơ cái thiện (lòng dũng cảm) với cái đẹp. Đối với người Hy Lạp cổ đại, cái đẹp được coi là một đức hạnh. Cái đẹp nâng con người lên trở thành cao qúy. Nó làm xuất hiện ở con người những sở thích, nguyện vọng, niềm tin, ước mơ, sự đam mê cuồng nhiệt và nó cũng có thể làm lay chuyển thói quen tâm lý, lòng tin cố hữu vào những tập tục đã lạc hậu của nếp sống cũ, định hướng giáo dục và cổ vũ lối sống mới tốt đẹp hơn. Về phương diện này, có thể nói cái đạo đức không những là nhân tố tất yếu của cái đẹp, mà bản thân cái đẹp cũng là một phương tiện giáo dục đạo đức đối với con người. Các tác phẩm nghệ thuật không những chỉ tái hiện phạm vi đạo đức, mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định lý tưởng đạo đức.

Do ảnh hưởng của những tình cảm thẩm mỹ, nghệ thuật có khả năng diễn giải và hình thành cá tính con người về mặt xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, khi thì chú ý tác động đến tình cảm, khi thì tác động đến trí tuệ, nhưng kết quả của sự tác động này bao giờ cũng rất toàn vẹn, bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần. Trên cơ sở đó nghệ thuật có khả năng làm thức tỉnh trong cá nhân con người những cảm xúc phong phú, gắn liền với sự thống nhất nội tại bên trong cái “Tôi”của họ. Chính trong qúa trình này, nghệ thuật tạo điều kiện cho con người nhận thức ý nghĩa cuộc sống của mình.

Nhận thức bằng phương tiện nghệ thuật có một yếu tố đặc biệt, là nó bao gồm một chuỗi liên tục các khâu: tự ý thức về bản thân, nhận thức về những người khác, về cuộc sống, về hiện thực, từ đó mỗi cá nhân nhận ra bản thân mình trong những khía cạnh muôn mầu, muôn vẻ của cuộc sống; đồng thời khẳng định năng lực, phẩm chất và tự điều chỉnh hành vi của mình về mặt nhân cách.

- Thứ ba, trên cơ sở những dấu hiệu đặc trưng của các rung động cảm xúc, nghệ thuật vừa thể hiện là phương tiện nhận thức và đồng thời là phương tiện giao tiếp xã hội. Trong các phương diện này, nghệ thuật gắn bó trực tiếp với các nhu cầu thẩm mỹ và cảm xúc thẩm mỹ, gắn bó với thế giới tinh thần con người trong chừng mực các nhu cầu thẩm mỹ không thể nào thỏa mãn bởi bất kỳ một hoạt động tinh thần nào khác, mà phải chính là nghệ thuật. Bởi vì, khi tác động vào thế giới tình cảm, nghệ thuật mang lại cho con người cảm xúc về tính nhậy cảm đối với cái đẹp của các đường nét, hình dáng, âm thanh, mầu sắc, v.v., của hiện thực cuộc sống được khái quát hóa, điển hình hóa bằng hình tượng (nghệ thuật) ở các tác phẩm nghệ thuật. Và qua đó, từ các tình cảm thẩm mỹ của con người xuất hiện những năng lực rung cảm và sự hòa quyện giữa các cảm xúc, để con người có khả năng cảm thụ cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cuộc sống và trong nghệ thuật.

Các cảm xúc thẩm mỹ có khả năng tự tiếp nối, kết hợp và đan xen vào hệ thống những cảm xúc nói chung của con người một cách tinh tế và hết sức phức tạp. Niềm tin và khát vọng, nụ cười và nước mắt, tình yêu và lòng căm thù, thiện cảm và ác cảm, hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, v.v... tất cả những cảm xúc này thông qua tình cảm thẩm mỹ đều được nghệ thuật kết hợp một cách độc đáo, bổ sung, cân bằng, hạn chế và thanh lọc lẫn nhau để con người biết sống xứng đáng với chính mình vì một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.

Thật vậy, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ. Trong nghệ thuật chứa đựng những đặc tính, những phẩm chất, những nhu cầu và khả năng cao nhất, hoàn thiện nhất đối với sự hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Dưới các hình thức khác nhau, thì mỗi con người đều tham gia hoạt động nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong chính những hoạt động xã hội của mình. Cho nên, được hoà vào thế giới nghệ thuật, đặc biệt tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật là hình thức tốt nhất để phát huy những tư chất, năng khiếu thẩm mỹ, hình thành và phát triển tri thức thẩm mỹ, văn hoá thẩm mỹ, thì sẽ trở thành những chủ thể thẩm mỹ đích thực. Nghệ thuât có khả năng to lớn trong sự tác động tình cảm, tư tưởng con người, giúp con người tự xây dựng cho mình những tư tưởng đúng, tình cảm đẹp, làm cơ sở cho hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, hướng tới một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.

Khi tác động vào con người thì nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới tình cảm của con người. Cho nên, trong giáo dục thẩm mỹ, chiếm vị trí hàng đầu là xây dựng văn hoá thẩm mỹ của các cảm quan và quá trình đó phải kể đến vai trò của nghệ thuật. Quá trình này cũng phải được tiến hành thông qua sự tác động tình cảm của cả thiên nhiên, xã hội mà quan trọng hơn là có sự góp phần tác động trực tiếp của các tác phẩm nghệ thuật.

Ưu thế của nghệ thuật trong sự tác động của nó tới người cảm thụ là ở chỗ, nó cảm hoá người cảm thụ bằng cái đẹp thông qua hình tượng chân – thiện – mỹ. Cho nên, giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật là một hình thức không chỉ mang tính hấp dẫn bởi tính đặc thù của nó mà còn có khả năng đi vào lòng người, khơi dậy nơi tầng sâu của ý thức, tâm hồn con người cái sức mạnh tiểm ẩn của con người. Do đó, nó đi vào tâm hồn con người một cách tự nguyện và cũng như chính sự tự nguyện của con người khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ hướng theo cái đẹp mà nghệ thuật khẳng định, định hướng hoặc mang lại. Nếu nghệ thuât là công cụ sắc bén của giáo dục thẩm mỹ, thì giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật giúp cho con người sử dụng công cụ đó để làm phong phú thế giới tinh thần của mình và hoàn thiện mình một cách tốt nhất.

Như vậy, nghệ thuật tái tạo và chiếm hữu một cách tinh tế thế giới và cuộc sống hiện thực, đồng thời hình thành một thế giới độc đáo của đời sống tinh thần, nó bao chứa sự thống nhất nội tại những cá tính của con người. Nhưng sự tái hiện đặc thù thế giới hiện thực với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật chỉ được thể hiện thông qua nguồn năng lượng xã hội đã được tích lũy, đồng thời nó chỉ được gìn giữ thông qua những kinh nghiệm xã hội của loài người. Về mặt này, nghệ thuật đóng vai trò là một trí nhớ xã hội.





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Khổng Tử: Luận ngữ, chương Thái Hà, đoạn 15.

[2] Như trên, chương Dương Hoá, đoạn 8.

[3] C. Mác và Ph. Angghen: Toàn tập (tiếng Nga), tập 7, M. 1956, tr. 360.

[4] Thomas d’ Aquin (1225 – 1274), Nhà thần học đạo Thiên chúa.

[5] Hêghen: Mỹ học, tập 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 121.

[6] C. Mác & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 647 – 648.


Đào Duy Thanh GV trường ĐH Luật TPHCM--------------------------------------------------------------------------------

Mỹ Thuật Đương Đại

Sứ mệnh lịch sử, cao cả của nghệ thuật nói chung, một tác phẩm mỹ thuật nói riêng phải đề cập trúng và giải quyết tốt những vấn đề hiện thực cuộc sống bức xúc của dân tộc và thời đại.
Xét theo quan điểm lịch sử, đó chính là tính đương đại của nghệ thuật, thiếu nó khó tạo nên cái đẹp, cái hấp dẫn và không đủ khả năng đối thoại của nghệ thuật. Tất nhiên, trong cuộc đời và nghệ thuật nói chung và mỗi tác giả nói riêng, cũng như tính đương đại của nghệ thuật luôn có tính đa chiều:
Có quá khứ để hồi tưởng
Có hiện tại để nếm trải
Có tương lai để ước mơ
Tính đương đại là một phẩm chất nghệ thuật cực kỳ quý hiếm, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm mỹ thuật của bất kỳ lịch sử dân tộc và thời đại nào, thuộc nhiều xu hướng, loại hình, loại thể mỹ thuật nào, xét theo quan điểm lịch sử mỹ thuật đều có tính đương đại.
Có điều, từ những năm cuối thế kỷ 20 đến những năm đầu của thế kỷ 21 trên các phương tiện thông tin đại chúng, cá biệt có một số họa sĩ, nhà phê bình ưa dùng cụm từ “Mỹ thuật đương đại”, nói rộng ra là nghệ thuật đương đại. Cứ tưởng như thế mới tạo được vị thế “tiền phong” của mình, nếu không muốn nói quá lạm dụng để đánh bóng tên tuổi của mình, tiếp thị các chương trình văn hóa nghệ thuật, các triển lãm mỹ thuật,… cho thêm phần hấp dẫn không đúng với thực chất và nhất là không đúng với khái niệm đương đại.
Trong tiếng Việt ai cũng hiểu từ “đương” là đang diễn ra, còn “đương đại” là đang diễn ra trong thời đại mình đang sống và lao động nghệ thuật. Chuyện tưởng rõ như ban ngày, ấy thế mà một số vị lại quan niệm mỹ thuật đương đại được xác định cho một vài xu hướng, thể loại mỹ thuật mới du nhập vào nước ta như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art v.v. Hỏi tại sao lại thế? Thì được trả lời: “Thế giới người ta gọi là nghệ thuật đương đại”. Đó mới là nghệ thuật thời thượng, nghệ thuật tiền phong, còn tranh giá vẽ là lỗi thời, “Thế giới bây giờ người ta có làm như ta đâu?” E rằng vài chuyến đi công cán nước ngoài của các vị đó không khéo theo kiểu “Thầy bói xem voi”, mới sờ được vào tai hay đuôi voi đã vội đồn rằng đó là một chú voi to đùng. Còn phải tiếp tục nghiên cứu. Mới đây, được tiếp xúc với các họa sĩ Nhật bản, Trung Quốc, Ác-hen-ti-na, v.v. tôi có đem câu hỏi: “thế giới bây giờ làm như ta đâu”? được các bạn trả lời: “bằng chứng chúng tôi đem tranh giá vẽ, tranh đồ họa sang trưng bày và trao đổi với các bạn”. Một hoạ sĩ Nhật Bản thì trả lời thẳng thừng: ở nước tôi những người làm sắp đặt, trình diễn không phải là họa sĩ! Các họa sĩ Trung Quốc nói cũng có những triển lãm sắp đặt, trình diễn nhưng chưa nhiều, còn chúng tôi sống bằng tranh, bằng các thiết kế đồ họa, v.v. một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỹ thuật của đông đảo công chúng yêu mỹ thuật.



VŨ DÂN TÂN. Mặt nạ. Vẽ trên bao thuốc lá đặt trong hộp kính

Quả thật “không nên lấy ngoài đo trong” nếu không muốn sai lầm về phương pháp luận trong sáng tác- thẩm định- hưởng thụ nghệ thuật. Ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật là yêu cầu tự thân mỗi nghệ sĩ, hưởng thụ nghệ thuật cũng theo “yêu cầu tự thân” của người, không ai ép được ai.
Sự khác nhau trong sáng tác-thẩm định- hưởng thụ nghệ thuật tất cả đều tùy thuộc vào “cái thích”, cụ thể “cái gu” của mỗi người, có như vậy nghệ thuật mới trăm hoa đua nở. Đó chính là lẽ sống của nghệ thuật. Không nên vì mình thích nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art,… mà từ bỏ nghệ thuật giá vẽ, “thế giới bây giờ người ta có làm như ta đâu?”. Liều lĩnh hơn còn dám gọi tranh đề tài là “tranh cúng cụ!”. Trớ trêu thay, 18 danh họa của chúng ta được giải thưởng Hồ Chí Minh và 32 tác giả mỹ thuật tên tuổi được giải thưởng Nhà nước, tác phẩm của họ phần lớn đều là tranh đề tài. Hơn thế, Đảng và nhà nước ta đã và đang đầu tư tiền tỉ cho thể loại tranh đề tài. Buồn thay cho mấy vị cứ tưởng mình đang đứng đầu “chủ nghĩa tiền phong” của giới mỹ thuật dám xổ toẹt tranh đề tài. Chẳng lẽ các họa sĩ, nhà điêu khắc đang sống những năm của thế kỷ 21 vẽ một bức tranh giá vẽ, nặn một bức tượng tròn, làm một thiết kế đồ họa của sinh viên không phải là mỹ thuật đương đại? Triển lãm các bài học thiết kế đồ họa của sinh viên khoa Mỹ thuật Ứng dụng trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, các bài học về thiết kế đồ họa trong triển lãm đích thực là mỹ thuật đương đại, đã đề cập và giải quyết tốt, kịp thời nhu cầu nền kinh tế thị trường. Còn đẹp- xấu ư? Xin dành cho một dịp khác, một bài viết khác của tôi.



KHỔNG ĐỖ TUYỀN. Dòng chảy




Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, nhất là những tác phẩm đẹp, tiêu biểu cho từng thời kỳ lịch sử đều được coi là mỹ thuật đương đại, đúng hơn đều có tính đương đại của nó, bất kể nó thuộc loại hình, thể loại mỹ thuật nào, bất kể nó thuộc xu hướng, khuynh hướng, các isme nào, chúng đều có tên gọi của nó như Nghệ thuật cổ điển, Nghệ thuật phục hưng, Nghệ thuật ấn tượng. Hay các isme cũng vậy: Chủ nghĩa lập thể, Chủ nghĩa siêu thực, Chủ nghĩa biểu tượng trừu tượng và trừu tượng người ta có hàm hồ gọi là mỹ thuật đương đại đâu. Theo tôi, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art đó là tên gọi đúng, đích thực của các trào lưu, thể loại mỹ thuật mới du nhập vào nước ta. Không nên đánh bóng nó bằng tên gọi Mỹ thuật đương đại như một số vị, không đúng với bản chất của các loại hình nghệ thuật đó.
Còn nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, video art có là mỹ thuật đương đại, là thời thượng, là tiên phong hay không? Chúng ta hãy cùng trao đổi, xác định cho được một quan niệm đúng.




Mưa. Bài tập sắp đặt lớp Mỹ thuật Ứng dụng IV trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM
Một khi sáng tác mỹ thuật là “yêu cầu tự thân” của mỗi họa sĩ thì nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art đã và đang hiện diện trong đời sống mỹ thuật của chúng ta. Các cuộc chơi nghệ thuật tốn kém và vô tư đó được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, các trường đại học mỹ thuật Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Gớt, Trung tâm Văn hóa Pháp v.v. thậm chí đã diễn ra tại Hồ Gươm, Văn Miếu.
Các họa sĩ Trần Lương, Bảo Toàn, Anh Khánh, Đặng Thị Khuê, Đinh Gia Lê, v.v. đã có triển lãm cá nhân ở trong và ngoài nước. Câu lạc bộ họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc chơi về loại hình mỹ thuật này. Tôi còn được biết ở mỗi trường đại học đều có một nhóm sinh viên hàng tháng, hàng quý đều có một cuộc chơi sắp đặt- trình diễn. Đó là một yêu cầu tự thân của anh chị em, chúng ta phải thật sự tôn trọng.
Song, mỗi khi có một xu hướng nghệ thuật mới xuất hiện, một tác phẩm mới ra đời đều có những “dị ứng”, những ý kiến nhiều chiều khen- chê trong giới mỹ thuật và công chúng yêu mỹ thuật. Âu cũng là lẽ thường tình.
Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art ra đời đều có cái lý của nó. Đó là một nhu cầu giãi bày, đối thoại của họa sĩ đối với công chúng, không nên, không được phép phủ nhận nó. Thực tiễn thời gian qua, các cuộc chơi sắp đặt, trình diễn đều có một lớp công chúng của nó. Không nhiều, nhưng đã có một lớp công chúng riêng.
Có điều, cần cùng nhau xác định một quan niệm đúng và đầy đủ về loại hình mỹ thuật sắp đặt, trình diễn, video art cho cả người chơi- tác giả sáng tác- trình diễn và người thưởng thức- công chúng yêu mỹ thuật.
Từ góc nhìn hình thức- chất liệu trong mỹ thuật, tôi tiếp cận loại hình nghệ thuật này.
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn có cần cho cuộc sống con người Việt Nam không?
Khi con người thoát khỏi cảnh ăn sống, ở hang cùng với tiến trình lịch sử, con người đã hình thành ý thức sắp đặt trong gia đình và ngoài xã hội. Ai mà chẳng biết tổ chức không gian trong nhà sao cho đẹp và tiện dụng. Những ngày lễ, ngày tết bày bàn thờ tổ tiên, phòng khách trong nhà ngoài ngõ sao cho đẹp. Rộng lớn hơn, những ngày hội làng, đình chùa, nhất là những đám rước trong các lễ hội tổ chức, sắp xếp làm sao cho đẹp, tạo được một không gian văn hóa phù hợp với tập tục mỗi làng. Đó chẳng phải là nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ư? Có gì là đương đại, là mới? Có khác chăng chúng chưa trở thành một xu hướng, một thể loại nghệ thuật như hôm nay. Chuyện đâu còn đó, không nên quá bức xúc một khi nội lực của chúng ta chưa hội đủ.
Trước hết phải xác định cho được ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art,…
1. Ngôn ngữ tổng hợp
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thường sử dụng đồng bộ nhiều ngôn ngữ loại hình, thể loại mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc, trang trí, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng,... Nếu là nghệ thuật trình diễn còn sử dụng cả ngôn ngữ sân khấu- điện ảnh, múa, v.v.
Có một xu thế sáng tác mỹ thuật hôm nay là sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp. Ngay tranh giá vẽ, sơn dầu, sơn mài của các họa sĩ trẻ, có tác phẩm đã sử dụng yếu tố nét làm phương tiện tạo hình chủ đạo, mà nét là đặc trưng ngôn ngữ của đồ họa nói chung, tranh khắc nói riêng. Còn tranh khắc là khai thác được cách hình, điền màu của hội họa, dù muốn hay không đã làm mới hình thức tạo hình. Đặc biệt một số họa sĩ trẻ trong tranh sơn mài của mình không chỉ mài- phẳng-bóng-trong và độ sâu thăm thẳm của màu… mà còn phủ-đắp màu, gắn đá, đồng xu, chăng dây,… thậm chí gắn cả một đầu rồng lên mặt tranh. Không còn là tranh sơn mài nữa, là tranh sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp mà rồi gọi là sơn Phú Thọ tổng hợp. Đúng thế!
Tất nhiên, ngôn ngữ tổng hợp không phải là “con số cộng” mà là sử dụng ngôn ngữ loại hình, thể loại với tư cách là một phương tiện, một yếu tố tạo hình biểu hiện kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên một ngôn ngữ, một thể loại mỹ thuật mới- nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật tổng hợp, ngôn ngữ tổng hợp loại trừ tính tự nhiên nguyên hình của từng loại hình, thể loại- ngôn ngữ đặc trưng của từng loại hình, thể loại. Tất cả tạo nên một thể loại mỹ thuật mới, một ngôn ngữ mới. Một khi sử dụng nhiều ngôn ngữ để xây dựng một hình tượng nghệ thuật thường xảy ra: độ vênh ít hay nhiều, hay hài hòa giữa các ngôn ngữ loại hình, thể loại. Tất cả tùy thuộc vào tài năng của mỗi họa sĩ sắp đặt, trình diễn.




Buôn bán phụ nữ
2. Chất liệu tổng hợp
Nghệ thuật sắp đặt trình diễn thường sử dụng nhiều chất liệu trong một tác phẩm, một công trình, một cuộc chơi. Có thể là những sản phẩm sẵn có trong cuộc sống như chum, vại, gáo dừa, mành mành, đồ hàng mã, đồ mỹ thuật, bại,… và cả rơm, sỏi đá,… nói chung những gì sẵn có trong cuộc sống làm sáng tỏ ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Có thể dùng nguyên mẫu hay chế tác lại.
Tất nhiên, không thể thiếu những hình tượng, mô típ, tác phẩm do tác giả sáng tác… tất cả tạo nên một hình tượng nghệ thuật của một tác phẩm, một cuộc trình diễn,… đủ hài hòa giữa nhiều chất liệu quả thật không đơn giản chút nào.
3. Không gian rộng và đông
Sự khác nhau giữa các loại hình, thể loại mỹ thuật do cách chiếm lĩnh không gian khác nhau như: hội họa chiếm lĩnh không gian ba chiều trên một mặt phẳng, còn trang trí là không gian hai chiều trên một mặt phẳng, điêu khắc là khối với không gian ba chiều.
Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn chiếm lĩnh một không gian rộng và đông. Có thể là một phòng triển lãm, một ngôi nhà, một khu vườn, một đường phố, có khi chiếm lĩnh cả một công trình kiến trúc, cả một triền đồi, đường phố- một không gian sống động, bắn bó với đời sống con người.
Một không gian có nhiều chiều thời gian, một không gian gắn với hoạt động của con người, con người được sống, tắm mình trong không gian rộng lớn đó.
Đó chính là ba nét đặc thù để xác định ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt- trình diễn.
Một khi hiểu được ngôn ngữ và đặc trưng ngôn ngữ chắc không ai gọi nó là mỹ thuật đương đại- nghệ thuật đương đại. Xét theo quan điểm lịch sử tất cả các xu hướng, trào lưu, thể loại mỹ thuật ra đời theo tiến trình lịch sử đều có tính đương đại của nó, chúng đều có tên riêng của nó: hội họa giá vẽ, đồ họa độc lập, tượng tròn, phù điêu, thiết kế đồ họa, v.v. và các isme: lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng,… Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, v.v. chính tên gọi đích thực của nó, đúng với bản chất vốn có của nó. Không cần thiết phải cho nó cái tên- Mỹ thuật đương đại mới cao hơn, sang hơn đâu.
Tài năng mỹ thuật đâu có phụ thuộc vào tranh đề tài hay tranh không đề tài, đâu có phụ thuộc vào tranh giá vẽ hay nghệ thuật sắp đặt, trình diễn. Tất cả đều thuộc “cái tạng” nghệ thuật của mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc cộng với tài năng sẽ niềm vui lớn cho đời.
Tựu trung, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn là một loại hình kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp và chiếm lĩnh không gian rộng và động, thuộc dòng nghệ thuật tổng hợp như sân khấu- điện ảnh,... Còn có nên coi nghệ thuật sắp đặt- trình diễn là nghệ thuật đương đại không? Không nên nhầm lẫn giữa nội dung phản ánh với hình thức phản ánh. Các tác phẩm văn học sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đề cập và giải quyết tốt những vấn đề hiện thực đời sống với… đang sống đều là nghệ thuật đương đại. Còn Mỹ thuật đương đại trên một số vị chỉ là nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn. Một sự nhầm lẫn đáng trách lấy hình thức phản ánh: loại hình, loại thể, trào lưu mỹ thuật làm nội dung phản ánh, xét theo quan điểm lịch sử tất cả các loại hình, loại thể, trào lưu mỹ thuật ra đời theo diễn trình lịch sử mỹ thuật đều có tính đương đại, đều là những hình thức phản ánh mới. Quyết không có chuyện cũ- mới, lỗi thời và thời thượng ở đây.
Nghệ thuật luôn như một quan niệm. Mỗi dân tộc, thời đại, thậm chí mỗi tác giả đều có một quan niệm riêng, không ai có thể áp đặt được ai. Chỉ có đối thoại và đối thoại thẳng thắn với cái tâm của mình mới xác định được quan niệm đúng với “cái tạng” nghệ thuật của mình. Hơn thế, đúng với tâm lý cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật của dân tộc và thời đại. Đó chính là “lẽ sống” của nghệ thuật.
Có điều phải đứng vững trên mảnh đất hiện thực và truyền thống dân tộc. Càng không được phép “lấy ngoài đo trong”. Chẳng phải chúng ta đã có một quan niệm đúng được coi như một đường lối, phương châm trong sáng tạo nghệ thuật “xưa và nay”, “ngoài và trong” đó sao? Một bài học vỡ lòng mỗi khi cầm bút vẽ, mỗi khi đưa ra những quan điểm để thẩm định nghệ thuật, nếu không muốn sai lầm về phương pháp luận, đưa ra những quan niệm không xuất phát từ đời sống thực tiễn mỹ thuật dân tộc.


L.Q.B.
http://www.hcmufa.edu.vn/vn/Tap-Chi/Thong-Tin/GJYEZK091121/UADFYS014933/

sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong tư tưởng mĩ học Hegel


BIỆN CHỨNG CỦA SÁNG TẠO VÀ THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT
TRONG TƯ TƯỞNG MĨ HỌC HEGEL

- “Ngay ham muốn đầu tiên của đứa bé cũng đã chứa đựng ở nó một sự thay đổi thực tiễn các sự vật bên ngoài. Cậu bé ném hòn đá xuống sông và khoái chí nhìn những vòng tròn tan dần ra trên mặt nước, đồng thời ngắm sự sáng tạo của mình”.
Hegel. Mĩ học.
- “Nhưng thao tác viết bao hàm thao tác đọc trong sự tương liên biện chứng và hai hành vi liên quan này cần hai tác nhân riêng biệt”.
Sartre. Văn chương là gì?

1. Trong lịch sử, mối liên hệ giữa sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đã được các nhà triết học, mĩ học ít nhiều đề cập đến trong phạm vi lĩnh vực của mình. Từ ý kiến của Aristote trong Nghệ thuật thi ca cho rằng bản thân con người vốn thích thú mô phỏng và thưởng thức những hình thức kỹ xảo của sản phẩm mô phỏng, ý kiến của Hegel trong quyển Mĩ học cho rằng con người thích tự ngắm mình trong ví dụ nổi tiếng về cậu bé ném hòn đá xuống sông, đến ý kiến của Marx trong Lời nói đầu bản thảo kinh tế 1857-1858 về sức hấp dẫn trong bản tính trẻ thơ của nền nghệ thuật Hy Lạp… đều là những gợi ý quan trọng cho việc tìm hiểu mối liên hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật.
Trong những ý kiến trên, Hegel thể hiện ra là người có mối quan tâm sâu sắc nhất về vấn đề này trong phạm vi đường hướng triết học của ông. Tôn trọng tư tưởng biện chứng của Hegel trong nhận thức mĩ học, bài lược thuật này, chúng tôi chỉ trình bày lại mối quan hệ trên dưới hình thức phép biện chứng của Hegel [1].
2. Mĩ học trong tư tưởng Hegel là một chặng đường mà tinh thần tự nhận thức, quan niệm về mình để vươn đến tinh thần tuyệt đối. Trong đó, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là những hoạt động thực tiễn cơ bản, xuyên suốt, gắn kết một cách biện chứng, cùng là mắt khâu trọng yếu trên con đường tinh thần tự nhận thức và quan niệm về mình.
Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là hai quá trình diễn ra nối tiếp, liên đới. Đó là hai quá trình thuộc về bản chất hoạt động thực tiễn của con người. Điều này được Hegel nêu ra qua một ví dụ nổi tiếng: “Ngay ham muốn đầu tiên của đứa bé cũng đã chứa đựng ở nó một sự thay đổi thực tiễn các sự vật bên ngoài. Cậu bé ném hòn đá xuống sông và khoái chí nhìn những vòng tròn tan dần ra trên mặt nước, đồng thời ngắm sự sáng tạo của mình” [2]. Đây cũng là hai quá trình có mối liên hệ tùy thuộc. Sáng tạo là khách quan hóa cái chủ quan, thưởng thức là chủ quan hóa cái khách quan. Chúng có mối quan hệ gần gũi nhưng không tương đồng. Hegel viết: “Con người có niềm khao khát sản sinh ra chính mình ở trong cái mình nghe và thấy trực tiếp và tồn tại đối với mình như một cái gì ở bên ngoài, đồng thời nhận thức được mình cả ở trong cái hiện thực bên ngoài này [3]”.
Nhưng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không đơn thuần diễn ra như việc ném một hòn đá rồi sau đó tự ngắm nghía kết quả. Vì sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không đơn thuần là một trò chơi, vốn là một điều do sở thích đồng bóng dẫn đến [4]. Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật bắt nguồn từ một ham muốn cao quý hơn, nhằm thỏa mãn nhu cầu cao nhất của con người: nhu cầu sáng tạo từ bản thân mình và cho bản thân mình. “Nhu cầu của toàn thể mọi người và tuyệt đối làm nảy sinh nghệ thuật (với mặt hình thức của nó) tóm lại ở sự kiện sau đây: con người là một ý thức biết tư duy, tức là sự sáng tạo từ bản thân mình và cho bản thân mình, để chứng minh rằng y tồn tại và mọi vật tồn tại. Các sự vật nếu là những sản phẩm của tự nhiên thì chỉ tồn tại một lần và trực tiếp mà thôi; nhưng con người với tính cách tinh thần lại nhân đôi mình lên. Trong khi tồn tại với tính cách một đối tượng của tự nhiên, đồng thời y còn tồn tại cả cho mình nữa: y tự ngắm nhìn mình, quan niệm về mình, suy nghĩ và chỉ qua cái hoạt động tồn tại vì mình như thế y mới là tinh thần” [5].
Chính trong mục đích nhân đôi mình, quan niệm về mình, tự ngắm nhìn mình của con người, sáng tạo nghệ thuật nằm trong thưởng thức nghệ thuật. Sáng tạo chính là một hình thức thưởng thức, quan niệm về mình; ngược lại thưởng thức cũng là sáng tạo lại bản thân mình, và cuối cuộc hành trình cũng là để quan niệm, thưởng thức mình. “Y đạt được mục đích này bằng biện pháp thay đổi đối tượng bên ngoài, bằng cách để lại ở đấy dấu ấn cuộc sống của y và lại tìm thấy ở đấy những đặc trưng của riêng mình [6]”. Khách quan hóa cái chủ quan và chủ quan hóa cái khách quan đặt cơ sở trong nhau.


Nhưng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không chỉ cho thấy cách con người quan niệm về mình, nhìn ngắm mình, tự thưởng thức mình trên cơ sở và trong quan hệ với cái khác mình. Sáng tạo và thưởng thức còn là hành trình tinh thần quay trở về mình để nhận thức mình, khẳng định “lí tính tự do” của con người trên con đường hướng đến tinh thần tuyệt đối, hướng đến một cái biết toàn thể. “Nhu cầu chung về nghệ thuật là xuất phát từ cái cố gắng hợp lí của con người muốn nhận thức một cách tinh thần cái thế giới bên ngoài và cái thế giới bên trong, bằng cách hình dung nó là một đối tượng ở đấy y nhận ra cái ‘tôi’ của y. Mặt khác, y làm cho nhu cầu này về tự do tinh thần được thỏa mãn bằng cách nhận thức cái tồn tại là cho mình, và mặt khác, ở chỗ y thể hiện ra ngoài cái tồn tại ấy vì mình, và bằng cách nhân đôi mình lên làm cho cái tồn tại ở trong nội tâm của y trở thành trực quan và có thể nhận thức được đối với y và đối với người khác. Lý tính tự do của con người là ở đấy, đấy là nguồn gốc của nghệ thuật cũng như của mọi hành động và hiểu biết” [7].
3. Ở góc độ mĩ học, biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật phản ánh biện chứng của nội dung và hình thức trong lịch sử kinh nghiệm thẩm mĩ của con người. Ở góc độ triết học, biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật phản ánh biện chứng của con người và tự nhiên, con người và chính mình. Tác phẩm nghệ thuật nằm ở trung gian giữa con người và tự nhiên, con người và lịch sử của chính mình, và do đó cũng là trung gian giữa con người và chính bản thân mình.
Hình thức của tác phẩm nghệ thuật không phải là cái hình thức-chất liệu độc lập, xa lạ, trần trụi; hình thức tác phẩm là một hình thức thực hiện nội dung mà con người cần phải thẩm thấu, chiếm lĩnh và vượt qua nó trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật: “trong khi không có một nội dung vô-hình thức cũng như không có một chất liệu vô-hình thức thì cả hai (nội dung và chất liệu) khác nhau ở chỗ: chất liệu, tuy tự mình không phải không có hình thức, nhưng tự cho thấy là dửng dưng trong sự tồn tại-hiện có của nó đối với hình thức, trong khi đó, nội dung chỉ là nội dung nhờ vào việc nó chứa đựng hình thức-đã-phát-triển ở bên trong nó” [8]. Nội dung có được là trong quan hệ với hình thức, sự phát hiện nội dung trong thưởng thức nghệ thuật tương ứng với trình độ của khả năng tri giác hình thức đối tượng của con người. Vì tình cảm đặc thù của cái đẹp có được từ khả năng tri giác tương ứng, và khả năng tri giác này có được là do sự bồi dưỡng văn hóa để hình thành năng lực nhận thức thẩm mĩ [9]. “Bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì đối với đôi tai không biết thưởng thức nhạc, nó không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự biểu hiện của một trong những năng lực của tôi” [10]. Cảm xúc thẩm mĩ gợi nên từ tác phẩm nghệ thuật không phải là từ cái hình thức mới lạ đơn thuần; mà chủ yếu là từ cái hình thức mà từ nó và xuyên qua nó, con người trải nghiệm lại được cái hành trình khắc phục, tạo tác tự nhiên kết đọng trong năng lực thẩm thấu và chiếm lĩnh hình thức đối tượng của chính mình. Con đường đi đến nội dung là con đường mà tinh thần vượt qua bản tính xa lạ, trần trụi của hình thức. Đó cũng là con đường mà tinh thần vượt khỏi cái tự nhiên, cái cá nhân, thâm nhập vào tính hiện tượng của cái khác và tính tinh thần của kẻ khác, thực hiện sự tự do về tinh thần của mình. Đó là hành trình gian khổ và chông gai mà tinh thần vượt qua để vươn đến tinh thần tuyệt đối được Hegel phác họa trong Hiện tượng học tinh thần [11].
Nhưng nội dung chỉ là nội dung trong thưởng thức nghệ thuật khi con người vừa xem sự tồn tại của tác phẩm là độc lập, vừa vượt bỏ hình thức cảm quan bên ngoài để đi vào thế giới tinh thần của nó, thỏa mãn hứng thú tinh thần của mình. “Bởi vì các hình ảnh cảm quan và các âm thanh này xuất hiện trong nghệ thuật không những là vì bản thân và vì sự xuất hiện trực tiếp của chúng, mà còn nhằm mục đích dùng hình thức này đặng thỏa mãn các hứng thú tinh thần cao hơn, cho nên chúng có khả năng thức tỉnh và lay động tất cả chiều sâu của ý thức và gây nên tiếng vọng của chúng ở trong tinh thần” [12]. Chính vì nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm mình, quan niệm về mình của con người, nên có thể cũng lí giải vì sao một tác phẩm trong quá khứ xa xôi, với hình thức đã quá quen thuộc, như sử thi Hy Lạp, vẫn còn hấp dẫn con người ở những thế hệ mai sau. “Nhưng lẽ nào người lớn lại không vui thích trước sự ngây thơ của trẻ con, và lẽ nào người đó lại không được mong muốn diễn lại, trên một mức độ cao hơn, cái bản chất chân chính của mình? Lẽ nào trong bản chất của trẻ con, ở mỗi một thời kỳ, cái bản tính của nó lại không sống lại trong cái sự thực tự nhiên của nó hay sao? Và tại sao thời niên thiếu của xã hội loài người, trong lịch sử ở nơi nào mà nó đạt tới một một sự phát triển đẹp đẽ nhất, lại không được có một sức hấp dẫn mãi mãi với chúng ta, với tư cách là một giai đoạn không bao giờ lắp lại nữa” [13].
Sức hấp dẫn muôn đời của tác phẩm nghệ thuật là do con người nhận thấy được và mong muốn được thực hiện bản chất người của mình, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. “Những hệ tư tưởng kế tiếp sẽ được hiểu trong phần chân lý lịch sử của chúng, và sự hiểu biết này sẽ cho phép ta rút ra giá trị vĩnh cửu của các thời cứ ưu việt, khi loài người biết gửi gắm lâu dài vào bao kiệt tác văn hoá ý nghĩa của bản chất người - cái bản chất vẫn còn là của chúng ta trong chừng mực chúng ta còn nhận thấy mình trong đó, như chúng ta thực là nó hiện nay, và như chúng ta vẫn luôn luôn mong mỏi là nó dù trong một phong cách hoàn toàn đổi mới” [14].
Sáng tạo thể hiện qua việc con người tác động đến đối tượng, thay đổi hình thức cảm quan, in dấu ấn của mình, trong lúc ấy, con người cũng nhìn ngắm mình, quan niệm về mình. Thưởng thức thể hiện qua việc con người xuyên qua hình thức cảm quan của đối tượng, chủ quan hóa đối tượng, nhưng thực ra là nhìn ngắm cái hiện thực tinh thần của mình in dấu ấn lên đối tượng. Đó là thực ra là con người tự nhìn ngắm mình và tìm kiếm cái bản chất người của mình trong những hình thể vật chất vô tri của tác phẩm như gỗ, đá, màu sắc, âm thanh, kí tự…. Đó cũng có nghĩa là con người nhận thức và trình bày mình trong cái-khác-mình, và tự thực hiện mình bằng cách đi vào cái-khác-mình xuyên qua hình thức cảm quan của đối tượng. Đi vào cái-khác-mình cũng là để nhận thức về mình-trong-cái-khác.
Biện chứng của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật không chỉ cho thấy tính lịch sử trong hành trình con người khắc phục cái tự nhiên, mà còn thể hiện con đường con người khắc phục bản thân mình để vươn lên, vì con người không chỉ là một ý thức tự nhận thức, mà còn là một tinh thần khát khao hướng về cái biết tuyệt đối. Chính do đó, lịch sử nghệ thuật là lịch sử con người khắc phục chất liệu làm cho chất liệu nói tiếng nói của mình; đồng thời tác phẩm nghệ thuật là điểm trung giới trong hành trình biện chứng, mà ở đó, tinh thần con người thể hiện khát vọng vươn đến tự do tuyệt đối. “Lịch sử thế giới là sự tiến bộ trong ý thức về Tự do” (Hegel).
4. Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong mĩ học triết học của Hegel là giai đoạn đầu của quá trình tinh thần vươn đến cái biết tuyệt đối, cái đúng thật – giai đoạn tinh thần tự quay về mình, nhìn nhận lại mình, ngắm nghía mình trong thế giới hiện tượng do mình tạo ra. Nghệ thuật do đó nằm trên ranh giới giữa lĩnh vực hiện thực chất liệu và thế giới tinh thần, là nơi tinh thần nhận thức mình trong quan hệ với tự nhiên và với tinh thần phổ biến, lí tưởng. Ngoài tính duy lí và tính toàn thể quy về cái lí tính có phần cực đoan, những ý niệm trên vẫn còn giá trị gợi mở cho hướng nhìn nhận mối quan hệ xuyên suốt các vấn đề của lí luận về văn học - với tư cách một nghệ thuật - trong phạm vi của mĩ học triết học. Đó cũng là hướng nhìn mang tính nhân bản sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với nghệ thuật, với tự nhiên và với chính mình, một hướng nhìn mà mĩ học, lí luận văn học hiện nay đang dần hướng đến.




2006 - 2008




--------------------------------------------------------------------------------

[1] Vấn đề phép biện chứng Hegel, vấn đề mặt duy tâm của triết học Hegel, đã được nhiều nhà nghiên cứu triết học bàn đến. Chính do đó, và cũng vì những vấn đề trên không phải đối tượng tiếp cận, nên trong bài viết này chúng tôi không nêu ra. Trong phạm vi mối quan tâm, chúng tôi chỉ cố gắng trình bày tư tưởng của Hegel như nó vốn có.
[2] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học, 1999, t 1, tr 98.
[3] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[4] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 96.
[5] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[6] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 97.
[7] Hegel, Mĩ học, Phan Ngọc dịch, tlđd, tr 98.
[8] Hegel, Bách khoa thư các khoa học triết học I, Khoa học Lôgíc, tiểu mục: “nội dung và hình thức”, phần giảng thêm, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Nxb Tri thức, 2008, tr 527,
- Xem thêm: Bakhtin, ‘Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ’, in trong Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb GD, 2007.
[9] Hegel, Mĩ học, tlđd, tr 101.
[10] Marx, Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, dẫn lại theo: Trần đức Thảo, Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, w.w.w.viet-tudies.org.
[11] Hegel, Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nxb Văn học, 2006.
[12] Hegel, Mĩ học, tlđd, tr 109.
[13] Marx, ‘Lời nói đầu, Bản thảo kinh tế 1857-1858’, C.Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, HN, 1993, tập 12, tr 891.
[14] Trần Đức Thảo, Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, w.w.w.viet-tudies.org.

http://blog.yume.vn/xem-blog/sang-tao-va-thuong-thuc-nghe-thuat-trong-tu-tuong-mi-hoc-hegel.hoangphongtuan.35AB409B.html

Đôi điều về nghệ thuật và sáng tạo


Bài viết này được mình trích từ cuốn sách "Hành trình về phương đông" của tác giả Baird T.Spalding (1857 – 1953) (dịch giả Nguyên Phong chuyển ngữ), trong tác phẩm "Life and Teaching of the Masters of the Far East" (1935) (có thể dễ dàng tìm đọc trên mạng).
-Nguyên tác có tất cả sáu quyển ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn độ, Tây Tạng, Trung hoa và Ba tư. Ba quyển đầu ghi lại những cuộc thám hiểm của phái đoàn từ Anh sang Ấn, sự gặp gỡ giữa phái đoàn và những vị thầy tâm linh sống ở Á châu, và ở dãy Hy Mã Lạp Sơn . Ba quyển sau là những ghi nhận riêng của giáo sư Spalding về các cuộc hành trình. Sự trao đổi kiến thức giữa phái đoàn và các vị thầy tâm linh, với bản tường trình của phái đoàn đã đưa đến những cuộc tranh luận sôi nổi. Cuối cùng thì ba người trong phái đoàn đã trở lại Ấn độ sống đời ẩn sĩ . Hồi ký của giáo sư Spalding là một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều dự kiện được phái đoàn ghi nhận đầy đủ một cách khoa học, và cho đến nay vẫn còn nhiều đọc giả hâm mộ, nhiệt liệt tán thưởng các quyển hồi ký này.

-Một vài đoạn mình thấy có đề cập tổng quát về "nghệ thuật và sự sáng tạo", hy vọng sẽ có ích cho chúng ta.

-đoạn trích được giới thiệu trong đoạn đối thoại giữa đoàn nghiên cứu và đạo sư Harishchandra :

"
Bác sĩ Kavir mỉm cười tiếp lời :
- Harishchandra không những là một đạo sư Yoga mà còn là một nghệ sĩ. Ông ta có thể sử dụng tất cả nhạc khí cổ điển cũng như tân tiến, ông còn vẽ tranh, nặn tượng, làm thơ… Tóm lại, chả có bộ môn nghệ thuật nào mà ông ta không biết.
Bác sĩ Mortimer tò mò :
- Ông theo học ở đâu và làm sao có thể biết nhiều thứ như vậy ?
Hashichandra cười lớn :
- Bác sĩ Kavir nói không đúng đâu. Tôi chỉ biết chút đỉnh về vài bộ môn nghệ thuật. Tôi không hề được đi học nhưng Yoga đã giúp tôi…
Bác sĩ Mortimer hấp tấp :
- Ông muốn nói đến phương pháp khí công hay các tư thế ?
Đạo sĩ bật cười lớn :
- Không phải thế, tôi ý thức được sự sáng tạo trong một buổi thiền định, và từ đó tôi có thể làm được nhiều thứ. Đa số con người đều coi nghệ thuật như một phương tiện giải trí, họ sử dụng nghệ thuật như một cái gì giúp họ trốn thoát hoàn cảnh con người của họ. Nghe một bài ca, một câu hát họ quên đi các ưu phiền hiện tại… Đó không phải là sự thưởng thức cái Chân, Thiện, Mỹ của nghệ thuật. Nghệ thuật mà tách khỏi cuộc sống thì chỉ là một kỹ thuật phô diễn những cái gì hời hợt, các ước vọng nông cạn. Nguồn cảm hứng không phải mời gọi mà được, mà là một rung động tự nhiên. Tất cả cố gắng chiếm đoạt cảm hứng qua bất cứ một hình thức nào, chỉ là những ảo tưởng. Tài năng, thiên tư chỉ giúp ta nhận thấy bản ngã, giúp ta thỏa mãn các ước vọng thấp hèn, và làm thui chột sự sáng tạo. Một nghệ sĩ chân chính là người thực sự vượt qua các hư ảo của bản ngã, của danh vọng và ý thức cái đẹp của nghệ thuật như một thực tại.
Nhìn thấy mọi người có vẻ ngơ ngác. Harishchandra mỉm cười giải thích:
- Nội tâm con người là một bãi chiến trường luôn luôn có xung đột giữa các quan niệm , hình thức, lý thuyết, thực hành. Sự tranh chấp này thường gây lầm lỗi. Khi ta nghe một bản nhạc, thưởng thức một bức tranh ta rung động theo cảm nhận của ta. Rung cảm này mỗi cá nhân một khác, vì nó dựa theo các quan niệm, thành kiến sẵn có. Nếu tôi thích nhạc Mozart, thì tất cả các nhạc sĩ khác đều khó có thể so sánh với ông này. Dĩ nhiên người mê Beethoven không đồng ý như thế. Tóm lại, sự rung động của tôi đã có thành kiến, vì như thế tôi mất đi nhạy cảm đối với sự sáng tạo. Một người nghệ sĩ sẽ trở nên một cái máy nếu y chỉ biết phục vụ cho bản ngã, làm việc để phô trương cá nhân, để thỏa mãn dục vọng thay vì để sáng tạo. Y chỉ biết “tôi viết”, “tôi soạn nhạc”, “tôi vẽ”, “tôi sáng tác”, v…v… Từ phút đó, y mất đi khả năng sáng tạo tuyệt vời mà chỉ còn là cái xác không hồn. Sự thành công, lời khen tặng, làm căng phồng bản ngã của y và làm lu mờ sự rung động với cái đẹp thật sự. Cái tinh thần ham lợi, háo danh đó không phải là tinh thần yêu cái đẹp, mà bắt nguồn từ sự khao khát dục vọng. Dục vọng đòi hỏi một sự bảo đảm an toàn, do đó người nghệ sĩ đâm ra sợ hãi. Từ đó, y xây một bức rào ngăn cách với mọi sự vật khác. Y không còn chiêm ngưỡng những cái đẹp nữa. Dĩ nhiên, cái đẹp vẫn còn đó nhưng lòng y đã khô héo vì thành kiến, và xu hướng biệt lập. Thay vì nhìn sự vật như một thực tại, y lại nhìn nó qua một hình thức sưu tập, chiếm hữu biến nó thành một đồ vật. Người nghệ sĩ chân chính chỉ biết sáng tạo, chúng ta chỉ biết thưởng thức. Chúng ta đọc sách, nghe nhạc, ngắm các tác phẩm nghệ thuật nhưng chúng ta không hề có cái rung động sâu xa của người sáng tạo. Muốn ca hát ta cần có một bản nhạc, nhưng vì không có bản nhạc tuyệt diệu, chúng ta đâm ra theo đuổi ca sĩ. Thiếu sự trung gian này, ta thấy mất mát. Trước một vẻ đẹp, ta lại có ý so sánh nó với một bức tranh; trước một âm thanh thiên nhiên ta lại chỉ tưởng tượng đến một bản nhạc nào đó. Ta chỉ còn biêt rung động qua sự rung động của kẻ khác. Đó không phải là sáng tạo.



Giáo sư Mortimer lắc đầu :
- Muốn sáng tạo, ta cần một tài năng, thiên tư chứ đâu phải ai cũng có thể sáng tạo, đâu phải ai cũng có tài…
Harishchandra lắc đầu :
- Không phải thế, ai cũng có thể sáng tạo mà không cần tài năng đặc biệt, vì sự sáng tạo là trạng thái tuyệt vời của nghệ thuật. Không bị ảnh hưởng của bản ngã. Sáng tạo không có nghĩa là soạn nhạc, làm thơ, vẽ tranh, nhưng là một trạng thái mà trong đó Sự Thật có thể biểu hiện. Sự Thật chỉ có thể biểu hiện khi tư tưởng ngưng đọng lại. Và tư tưởng chỉ ngưng đọng lại khi bản ngã vắng mặt. Khi tâm hồn hoàn toàn tĩnh lặng, không bị thôi thúc bởi dục vọng, khả năng sáng tạo sẽ tự biểu lộ. Khi “cái ta” không còn nữa, thì tất cả là một sự hợp nhất thiêng liêng. Cái đẹp có thể được diễn tả trong một bài thơ, bản nhạc, nụ cười hay trong sự im lặng. Phần lớn con người không có khuynh hướng yên lặng. Chúng ta không có thời giờ quan sát đám mây trời, buổi hoàng hôn, một ngọn núi hùng vĩ, một bông hoa hé nở ,vì đầu óc chúng ta quá bận rộn, quay cuồng. Mắt ta nhìn cảnh nhưng lòng ta không rung động chút nào, vì còn mải mê theo đuổi những ảo ảnh. Đôi khi ta cũng có cảm giác rung động khi nghe một bản nhạc hay, nhưng nếu ta cứ nghe đi, nghe lại bản nhạc đó để tìm lại cảm giác ban đầu thì ta đã vô tình giết chết sự sáng tạo. Người nghệ sĩ chân chính là người mở rộng tấm lòng để cảm hứng đến một cách tự nhiên, là người nhìn thấy Chân, Thiện, Mỹ ở khắp tất cả mọi nơi, chứ không phải qua khả năng hồi tưởng hoặc qua một chất kích thích. Người nghệ sĩ chân chính sáng tạo vì lòng yêu cái đẹp, chứ không phải vì tác phẩm sẽ đem lại cho y tên tuổi, tiền bạc, địa vị. Làm thế là đồng hoá cá nhân mình vào đối tượng. Bất cứ ai biết rung động trước cái đẹp đều là nghệ sĩ, đều là người sáng tạo vì cái cảm giác chân thật, tuyệt vời đó chính là một sự “giác ngộ”, một sự hợp nhất. Cái cảm giác đó không thể tự tạo hay tìm được, mả nó đến và đi một cách tự nhiên…
- Phải chăng ông đã có kinh nghiệm đó ?
- Trong một buổi tham thiền, tôi ý thức được điều này, và từ đó tôi nhìn thấy cái đẹp ở bất cứ mọi nơi. Tôi sống trong tâm thức này và có thể sáng tạo mãnh liệt qua bất cứ một phương diện hay hình thức nào… âm nhạc, hội hoạ, thơ phú, v…v….
- Ông có thể cho chúng tôi nghe một bài nhạc không ?
Harishchandra mỉm cười, rút trong áo ra một cây sáo trúc rất dài, y đưa sáo lên miệng nhưng rất lâu không một âm thanh nào phát ra. Giáo sư Mortimer sốt ruột :
- Chúng tôi không nghe thấy gì cả, ông có thổi sáo hay không đó ?
Đạo sĩ ung dung :
- Các ông chưa biết thưởng thức âm nhạc vì lòng các ông còn đầy thành kiến, hãy im lặng vì âm thanh của tôi là sự bình an…
Giáo sư Mortimer toan cãi, nhưng đạo sĩ đã đưa một ngón tay lên miệng làm hiệu để ông im lặng. Bất chợt giáo sư Mortimer rùng mình, một âm thanh kỳ lạ Ở đâu bỗng phát ra. Một cảm giác bình an từ từ thấm nhẹ trong cơ thể và ông thấy mình đắm chìm trong một niềm hoan lạc khó tả, trong một thế giới lạ lùng của âm thanh. Âm thanh thật chậm, thật êm, nhỏ như tiếng gió thì thào qua các ngọn cây, như tiếng nước róc rách qua khe suối. Thời gian như ngưng đọng lại.


Khi giáo sư Mortimer giật mình tỉnh lại, thì âm thanh đã chấm dứt từ lâu. Đạo sĩ vẫn ngồi yên khẻ mỉm cười, cây sáo trúc đặt trước mặt. Toàn thể phái đoàn ngây ngô nhìn nhau không nói nên lời. Giáo sư Mortimer lắc đầu thắc mắc :
- Âm thanh gì kỳ vậy ? Liệu ông có thể giải thích được không ?
Đạo sĩ mỉm cười :
- Các ông nên biết, con người có nhiều thể bao quanh xác thân như thể phách, thể vía, thể trí…Các thể này được cấu tạo bằng những nguyên tử rất nhẹ, rất thanh gần như vô hình. Âm nhạc tự nó đã có các rung động cùng nhịp với sự rung động của các thể, nên ảnh hưởng rất nhiều đến con người. Âm thanh vừa qua căn bản trên “phần tư âm” , có tác động lên thể trí các ông. Các loại âm thanh dựa trên “phần ba âm” tác động lên thể vía, và “phân nửa âm” tác động lên thể xác. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì “phần tư âm” thanh hơn nên ảnh hưởng đến các thể nhẹ hơn. Con người chỉ biết tác động của âm nhạc ở cõi vật chất nhưng không hiểu ảnh hưởng của chúng ở các cõi trên. Âm nhạc lưu một dấu vết trên thân thể con người, và trực tiếp ảnh hưởng đến tính tình, hành động. Điều này có thể ví như khi ta ném một hòn đá xuống ao. Khi hòn đá chìm nhưng làn sóng vẫn gợn, và lan rộng ra. Một cái lá nổi trên mặt nước chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Hậu quả của âm nhạc còn mạnh hơn như vậy. Do đó, việc chọn nhạc để nghe rất quan trọng. Kinh Veda đã nói, “vũ trụ tạo lập do sự phối hợp các âm thanh”. Thánh kinh cũng ghi nhận, “huyền âm xuất hiện trước nhất, và huyền âm ở với thượng đế, huyền âm là thượng đế.”
Phái đoàn nhìn nhau, một lần nữa tu sĩ Ấn giáo đã giải thích một đề tài mới lạ và trích dẫn Thánh kinh, quyển sách không xa lạ với người Âu.
Nhờ âm thanh mà các sinh vật thông cảm với nhau. Quyền năng này rất đơn giản ở loại thú cầm và dân dần trở nên phức tạp ở loài người. Từ ngôn ngữ đến tiếng hát thô sơ chỉ có vài bước và bước này tạo nên âm nhạc. Âm nhạc là một công thức tế nhị, kín đáo để truyền thông nhưng có một tác dụng cực mạnh, có thể làm thay đổi quốc gia, xã hội, truyền thống. Nó còn mạnh mẽ hơn các giáo điều, triết lý vì nó ảnh hưởng đến các thể vô hình. Con người chỉ hiểu rằng khi nghe nhạc buồn lâu ngày, ta sẽ trở nên u sầu. Khi nghe nhạc vui lòng ta thấy phấn khởi. Thật sự lòng ta chỉ phản ảnh một cách vô thức những đổi thay trong các thể. Từ ngàn xưa , âm nhạc đã giữ một địa vị quan trọng và ảnh hưởng rất lớn từ vua chúa đến thứ dân. Các ông không thấy thời đại nào, âm nhạc càng thay đổi, biến chuyển nhiều thì thuần phong, mỹ tục càng suy giảm, và xã hội càng đảo lộn hay sao ? Trái lại khi âm nhạc bị hạn chế thì xã hội đâm ra bảo thủ. Các ông cho rằng âm nhạc là sản phẩm văn hoá, tiêu biểu cho từng thời kỳ. Điều này không đúng lắm vì lịch sử cho thấy mỗi khi âm nhạc thay đổi là chính trị, văn hoá thay đổi theo sau. Âm nhạc có tính cách xây dựng cũng như huỷ hoại, chỉ có các âm thanh tinh vi do sự sáng tạo chân thành của lòng vô ngã mới đưa ta trở về quê hương của linh hồn. Muốn sáng tạo các loại nhạc này con người cần phải để cho Chân Ngã sáng chói, cần trau dồi cho tâm hồn tĩnh lặng để hoà đồng với vũ trụ. Vì âm thanh của vũ trụ lúc nào cũng vang lừng cho những người thức tỉnh, người biết thưởng thúuc, biết yêu cái đẹp, biết nghe những huyền âm cao cả trong yên tĩnh vô biên. Hãy yên lặng, các ông sẽ học hỏi nhiều điều mới lạ. Hãy cố gắng nhìn mọi vật như một thực tại, các ông sẽ sáng tạo và khi sống trong tâm thức sáng tạo, các ông đều là những nghệ sĩ, những người biết yêu cái đẹp, biết rung động với Chân, Thiện, Mỹ.
"
Nơi nào ngôn ngữ bất lực, nơi đó âm nhạc bắt đầu. - Nicolo Paganini
http://www.thienkts.edu.vn/forum/showthread.php?t=288

"Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là hình thức ngụy trang của những ham muốn vô thức" - S. Freud


Phân tâm học

Từ khi hình thành cho tới nay, các hình thái nghệ thuật đã đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Chính nghệ thuật với những thành tựu đáng nể của nó đã làm cho cuộc sống nhân loại trở nên phong phú và Người hơn. Chính vì thế mà không ít người đã cất công nghiên cứu đặc điểm cũng như vai trò của các ngành nghệ thuật. Mỗi người với một góc độ nghiên cứu khác nhau sẽ đưa ra những quan điểm khác nhau về nghệ thuật. Với S.Freud, triết gia của cõi vô thức, dưới cái nhìn phân tâm học, ông đã khẳng định rằng: “Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là hình thức nguỵ trang những ham muốn vô thức”. Quan điểm này của ông cho tới nay vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.


Để hiểu được quan điểm của Freud về nghệ thuật, trước hết chúng ta cần hiểu vô thức - hạt nhân của phân tâm học Freud – là gì? Vô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau này gọi là lý thuyết topo. Theo Freud, vô thức là nền tảng cho ý thức. Đời sống ý thức chỉ là một tảng băng trôi trên mặt biển mà vô thức là phần ở chìm sâu dưới nước, không thấy được nhưng lại lớn hơn muôn vạn lần và quyết định sinh hoạt và nội dung của ý thức. Cái góc tối nhất của vô thức chứa những năng lực đầy khả năng kiểm soát mà năng lực lớn nhất là libido – năng lực tính dục ẩn ức chỉ muốn thoả mãn bằng mọi phương diện và mọi giá.


Vô thức chứa những suy tưởng bị đè nén, những nguyện vọng bị vùi lấp, những giấc mơ và hy vọng như những cọng cỏ non dưới tảng đá mãi mãi không bao giờ ngoi lên được với ánh sáng của mặt trời lý trí. Thế giới của vô thức vì vậy hoàn toàn không thể hiểu được trừ hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất khi chúng tự thể hiện trong những giấc mơ: Giấc mơ cũng mang theo một nội dung vô thức: Cái năng ý thoả mãn ước muốn ngấm ngầm được biểu lộ hoá qua mãnh mảnh ý thức trong lúc đang ngủ say. Và như vậy văn minh và lịch sử con người chỉ là màn bi kịch lớn diễn lộ và khai mở những nỗi uẩn ức tính dục chứ không phải là của năng ý tinh thần, thượng đế hay đấu tranh giai cấp. Trường hợp thứ hai là cái vô thức xuyên qua những rung động sáng tạo trong nghệ thuật như thơ ca và âm nhạc, hội hoạ.. Freud khẳng định : “Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là hình thức nguỵ trang của những ham muốn vô thức”.

“Ham muốn vô thức” trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là gì? Đó chính là những ham muốn tồn tại bên trong mỗi con người mà bản thân ta không ý thức được. Trong quan niệm của Freud là những ẩn ức không được giải toả, những mặc cảm phạm tội mà then chốt là mặc cảm Oedip, những ham muốn bản năng…Những ham muốn ấy về cơ bản bị chối bỏ trong cuộc sống đời thường, cho nên muốn bộc lộ, nó phải kiếm cho mình một “hình thức nguỵ trang” để thoả mãn. Con người do bị ràng buộc, bị khuôn phép bởi những chuẩn mực đạo đức, những giá trị văn hóa của cuộc sống hàng ngày nên phải kiềm chế, buộc phải từ bỏ những ham muốn, những nguyện vọng thầm kín. Dần dần con người tưởng chừng như những ham muốn đó đã bị lãng quên, bị xoá sạch hoàn toàn và không còn ý niệm gì về nó nữa. Nhưng thực chất nó vẫn tồn tại và vô thức con người hàng ngày vẫn tìm mọi cách – kín đáo và ôn hoà với cuộc sống thực tại - để thoả mãn những ẩn ức bị kiềm toả.


Những ẩn ức bị dồn nén tạo nên những xung năng bắt buộc phải giải toả. Những người xung năng quá lớn mà không tìm được con đường giải toả thường sẽ dẫn đến sự điên loạn. Có người giải toả nó bằng trí tưởng tượng mà tiêu biểu nhất là các nhà nghệ sĩ. Họ đã tìm được lối thoát an toàn trong ý thức để vượt lên trên mâu thuẫn không thể hóa giải giữa ham muốn bản năng và những luân lý xã hội. Đó là con đường sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật lúc này trở thành một “hình thức nguỵ trang” tuyệt vời cho những ham muốn vô thức của họ. Ở đó họ vừa giữ được mối quan hệ hài hoà đúng mực với cuộc sống hiện thực với con người của ý thức, con người xã hội lại vừa được thoả thuê với những ham muốn bản năng của mình mà không sợ bị lên án hay chỉ trích. Chính vì thế nhiệm vụ nghệ thuật mỗi thời đại là thể hiện những dục vọng bản năng của người nghệ sĩ bằng chất liệu hình thức thời đại mình. Đây cũng chính là cội nguồn, cơ sở tâm lí của sáng tạo nghệ thuật theo quan điểm của phân tâm học.


Freud xem hoạt động sáng tạo nghệ thuật như biểu hiện của sự thăng hoa của những xung lực tâm lí khởi thủy. Thăng hoa chính là sự cải biến cách ham muốn tính dục bị dồn ép thành hoạt động tinh thần. Quả không sai! Trong lịch sử văn học người ta thấy biết bao những hiện tượng sáng tạo nghệ thuật một cách vô thức thật kì diệu. Sa-tô-ri-ăng nói : "Thần hứng đến và tôi bắt đầu lẩm bẩm những câu thơ". Nhiều nhà thơ sáng tác nhờ nghe thấy tác phẩm từ một đấng tâm linh siêu hình nào đó trong trang thái chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Khi tỉnh dậy chỉ việc nhớ và chép lại chính xác tác phẩm mà thôi. Những tác phẩm ấy đều mang trong mình một màu sắc bí ẩn huyền diệu nào đó. Nhà thơ Hoàng Cầm tỉnh dậy lúc nửa đêm vì giọng nữ xa xôi nào đó đang ngân nga, rồi kết quả là sự ra đời của "Bên kia sông Đuống", của "Lá diêu bông" vừa lãng mạn vừa hư ảo. Vấn đề ở đây không phải là sự may mắn. Thực chất của những thần hứng kia những giọng nữ xa xôi kia lại là kết quả của sự dồn nén cảm xúc bấy lâu nay mà người nghệ sĩ không ý thức được. Nếu không phải là Hoàng Cầm với tình yêu quê hương, nỗi nhớ nỗi đau khi quê hương bị giặc tàn phá mà không thể về thăm quê thì cũng sẽ không bao giờ có "Bên kia sông Đuống" dù dưới bất kỳ hình thức nào.


Trong lịch sử văn học, Freud cũng nhìn ra hàng loạt những sơ đồ cốt truyện ổn định trong đó nhà văn tự đồng nhất bản thân mình với nhân vật và mô tả trong đó sự thể hiện của những ham muốn vô thức của mình đồng thời thể hiện những xung đột bi kịch của những ham muốn ấy với những thế lực cấm đoán. "Ham muốn vô thức" mà Freud muốn đề cập ở đây chủ yếu và cốt lõi là mặc cảm Oedipus : đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình. Oedipus là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là người giết cha, thắng con nhân sư quái ác, cưới mẹ rồi trở thành vua xứ Thebes (Hy Lạp). Việc người hùng phạm tội mà không biết và trái với ý định của mình, biểu đạt đúng bản chất vô thức của những ham muốn phạm tội. Mặc cảm Oedipus cũng thẫm đẫm trong tính cách nhân vật Hamlet của Sheakspear, trong "Anh em nhà Karamazop" của Đoxtoiepxki...Và sau khi cha chết thì Freud cũng như Sheakspear hay Đoxtoiepxki...đều tìm thấy trong mình những thành phần của mặc cảm Oedipus.


Quan điểm của Freud có thể coi là một cái nhìn mới mẻ, mở ra một hướng đi mới trong sáng tạo, thưởng thức và nghiên cứu nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ sự sâu sắc và đúng đắn của ông khi cho rằng cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật cũng như động cơ của thưởng thức nghệ thuật chính là sự thoả mãn những ham muốn vô thức, những ẩn ức không được giải toả.
Bản thân Freud đã tìm thấy trong các hình tượng nghệ thuật không ít những ẩn ức của người nghệ sĩ in dấu ở đó. Những ẩn ức ấy, theo Freud, thường là ẩn ức thời thơ ấu.


Hãy xem triết gia của cõi vô thức phân tích bức tranh Thánh Moses nổi tiếng của Michel Angelo. Để thấy rõ được dấu ấn của cái vô thức người nghệ trong tác phẩm, Freud đem so sánh hình tượng Thánh Moses trong quan niệm truyền thống và trong con mắt của Michel Angelo. Theo quan niệm truyền thống, Moses hiện lên là một con người vĩ đại sống thực. Moses dễ cáu bẳn và đam mê điên cuồng. Trong một số cơn giận thần thánh, ông đã giết người Ai Cập vì y ngược đãi một người Do Thái, điều này buộc ông phải rời bỏ tổ quốc và trốn vào sa mạc. Cũng trong một cơn bùng nổ đam mê tương tự, ông đã vò nát tác phẩm Tables do chính Chúa viết. Như vậy truyền thống xây dựng Thánh Moses một cách vô tư, đúng bản chất như nó vốn tồn tại. Nhưng đến lượt Michel, ông mang đến một hình tượng Moses khác cao cả hơn hẳn. Ông đã sửa chủ đề của Tables về luật (đã bị vò nát) không cho Moses xé sách đó song sự đe doạ nó bị xé nát làm dịu cơn giận hoặc chí ít kìm nó lại lúc hành động. Như vậy có thể nói, Michel đã đưa vào Moses một cái gì đó mới mẻ, siêu phàm và hình khối mạnh mẽ cũng như cơ bắp cuồn cuộn, đầy sức mạnh của nhân vật chỉ là một phương tiện biểu đạt một kì tích tâm trí tuyệt vời nhất mà con người có thể làm được: Chiến thắng đam mê của mình nhân danh một sứ mệnh được giao.



Freud cũng rất có lí khi phân tích ra được những ham muốn vô thức rất rõ trong các họa phẩm của Leonard Da Vince. Trước hết là bức tranh vẽ nàng Mona Liza với nụ cười bíẩn đã làm say mê biết bao người thưởng thức. Tại sao bức tranh ấy, nụ cười ấy lại có sức hút mạnh đến vậy! Qua cái nhìn của Freud mọi vấn đề dường như trở nên dễ hiểu hơn, dù chưa phải là tất cả. Sự tương đồng giữa nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức tranh và nụ cười của chính người mẹ trong những kí ức đầu tiên của Leonard như sự phát hiện muộn màng về quá trình hình thành huyễn tưởng, ở đó trình bày về người mẹ vắng mặt và ở đó biểu lộ một dạng quyến rũ không phải của người mẹ, cũng không phải của người mẫu; sự quyến rũ ấy trở nên khả dĩ bởi vì "toàn bộ cảm xúc đã được đầu tư trước bằng ham muốn".



Leonard đã vẽ lên một nụ cười hai ý nghĩa gần như đối lập nhau: Một nụ cười hứa hẹn âu yếm tột cùng, một nụ cười đe doạ báo trước tai họa. Một nụ cười dịu dàng, thanh thản, vì đã được tháo bỏ những dồn nén kiềm toả và một nụ cười dường như lo âu, vì sự trở lại của những dồn nén kiềm toả kia. Khi Leonard vẽ bức tranh, ông đã thực sự trung thành với những kí ức đầu tiên của mình. Ở đó chính sự âu yếm quá mức của người mẹ đối với ông đã giết chết ông, bịt kín số phận và những thiếu thốn của con người ông và cuộc sống của ông. Khi ông bắt gặp nụ cười xuất thần rất giống với nụ cười của người mẹ lúc vuốt ve âu yếm mình, những ẩn ức bấy lâu nay bị dồn nén bùng dậy. Ông giải toả sự hưng phấn ấy bằng các tác phẩm nghệ thuật và có lẽ chính những sức mạnh của bùng dậy của những ẩn ức ấy đã tạo nên sức quyến rũ cho bức tranh. Bức tranh không chỉ thoả mãn ham muốn vô thức thuở nhỏ một thời bị lãng quên của tác giả mà còn gợi lại trong tâm trí người thưởng thức những kí ức của chính bản thân họ.

Một bức tranh nữa của Leonard cũng được coi là hình thức nguỵ trang của những ham muốn vô thức của chính tác giả. Đó là bức tranh Thánh Anne.

Bức tranh này là tổng hợp lịch sử tuổi thơ của ông: những chi tiết tác phẩm được cắt nghĩa bằng những ấn tượng trong cuộc đời của Leonard. Bức tranh là hình ảnh một người Con giữa hai người mẹ: Một người dang tay đón lấy người con, người kia ở hàng sau nhìn; và ông đã vẽ cả người đều mỉm cười âu yếm và hạnh phúc sung sướng nhìn đứa con. Hình ảnh đứa bé trong tranh chính là hình ảnh thật của cậu bé Leonard. Tuổi thơ của Leonard cũng đặc biệt như bức tranh. Ông có hai mẹ: người mẹ đẻ Catherina, đã bị lấy mất con và người mẹ kế trẻ Dona Albiera. Ông phải xa mẹ và sống với cha và mẹ kế. Chính vì thế, tương ứng với bức tranh, người phụ nữ đang nhoài người ra đón đứa trẻ chính là người mẹ kế của Leonard, còn người phụ nữ dù cũng khao khát được âu yếm, được bế đứa trẻ vào lòng nhưng buộc phải đứng đằng sau nhìn với sự đau đớn ấy chính là người mẹ đẻ của Leonard. Như vậy cũng là nụ cười sung sướng hạnh phúc của người phụ nữ khi làm mẹ nhưng nụ cười của Thánh Anne còn ẩn giấu một nỗi đau và thèm khát khi phải nhường cho người phụ nữ khác đứa con của mình. Như vậy có thể nói chỉ có Leonard với những kí ức tuổi thơ, với nỗi nhớ da diết khắc khoải nụ cười xa xôi của người mẹ mới có thể sáng tạo được một tác phẩm như thế.

Trở lên trên chúng ta vừa bàn về những ham muốn vô thức trở thành sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Quá trình sáng tạo nghệ thuật còn một khâu nữa mới thực sự hoàn chỉnh. Ta có mệnh đề thứ hai trong quan điểm của Freud: thưởng thức nghệ thuật cũng là một hình thức ngụy trang của những ham muốn vô thức. Nếu người nghệ sĩ thỏa mãn những nguyện vọng bản năng bằng con đường sáng tạo thì khán giả lại giải tỏa những ẩn ức của mình trong khi thưởng thức nghệ thuật. Đây cũng là một sự thỏa mãn ôn hòa.
Xuất phát từ quan điểm ham muốn vô thức là cội nguồn sáng tạo, Freud yêu cầu người nghệ sĩ trong tác phẩm của mình cần tái hiện được những trạng thái ham mê, những cảm xúc tâm trí đã làm cho họ nhiệt tình sáng tạo. Nghệ sĩ có thể coi tác phẩm của mình như một giấc mộng nhưng không phải là sản phẩm của thói tự si mê, phi xã hội của mộng, để độc giả vẫn có thể tin cậy để rồi từ đó chúng còn có thể làm thức dậy và thoả mãn những ao ước ham muốn giống như bản thân tác giả ở người thưởng thức nghệ thuật. Như vậy, Freud khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật ông không đặt ra câu hỏi : Cái hay của tác phẩm nằm ở chỗ nào? Sự tài giỏi của tác giả đến đâu?, mà cái quan trọng nhất là: Tác phẩm có thể thoả mãn được những “ham muốn vô thức” của người thưởng thức đến đâu? Tác phẩm thoả mãn được càng nhiều những khao khát của khán giả thì càng chứng tỏ tài năng và nhiệt tâm của tác giả dồn trong đó. Đây mới chính là thước đo giá trị của tác phẩm.

Có người tìm đến và xem và đọc những bộ phim có yếu tố sex để thỏa mãn bản năng tính dục của mình, giữ được thăng bằng trong cuộc sống. Những tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố sex luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, mặc dù người ta ít hoặc không dám biểu lộ công khai sự quan tâm vì yếu tố đó. Người ta cùng nhau bàn đến những yêu tố nhân văn hay không nhân văn của sex, nên hay không nên viết về sex,...Đó chỉ là những hình thức ngụy trang. Con người lúc này đứng ở vị trí đứng trên những yếu tố tương tự như sex chứ không coi sex là một phần trong bản chất bản năng của mình. Họ luôn khẳng định lập trường giá trị nghệ thuật chân chính khi tiếp cận những tác phẩm có yếu tố sex. Nhưng thực chất hoặc là họ không dám thừa nhận hoặc họ vô thức không nhận ra khi thưởng thức những tác phẩm như thế thì đầu tiên cái ham muốn tính dục bản năng của con người được thỏa mãn. Trong cuộc sống chúng ta thấy càng những người sống cuộc sống nguyên tắc, là hiện thân của đạo đức lại là những người dễ bị lôi cuốn bởi những tác phẩm phi chuẩn mực, phi đạo đức. Xưa kia, khi Giả Bảo Ngọc đưa "Tây sương kí" – một tác phẩm thời ấy bị coi là dâm thư - cho Lâm Đại Ngọc. Sau khi đọc xong, cô tiểu thư đài các Lâm Đại Ngọc ấy say mê hơn bất kì một cuốn sách nào cô đã từng đọc, thậm chí có nhiều chỗ cô còn thấy chỗ đồng cảm. Đó là gì nếu không phải là bản chất thực của con người cô bấy lâu nay bị lễ phép phong kiến chèn ép, đóng khuôn giờ có cơ hội để thỏa mãn?

Người ta xem những phim hành động, đọc nhiều những tiểu thuyết trinh thám để thỏa mãn cái mặc cảm phạm tội hay cả những bản năng phiêu lưu...Người ta nghe nhạc để quên đi những hiện thực không có cái vô thức của họ ở đó.

Trường hợp của nhà khảo cổ học Norbert Hanold là một trường hợp đặc biệt. Một lần ông tình cờ phát hiện trong một bộ sưu tập đồ cổ ở Rome, một bức chạm nổi thấp làm ông rất hài lòng. Ông vui sướng làm một khuôn hình bức chạm đó: ông đem treo nó trong phòng học của ông, ở một thành phố đại học nhỏ ở nước Đức, và nghiên cứu mỗi khi nhàn rỗi. Đây là hình ảnh một nữ thanh niên hoàn toàn nở hoa ở tuổi thanh xuân; cô bước đi và vén lên một chút chiếc áo có nhiều nếp khiến có thể nhìn thấy chân nàng. Một chân đặt trên đất, chân kia đã nâng lên, chỉ còn chạm đất ở các đầu ngón, đế và gót nâng lên gần như thẳng góc.

Tại sao một bức điêu khắc như thế lại khiến Norbert say sưa thích thú đến vậy? Phải chăng ngoài vẻ đẹp dễ thấy mà bức điêu khắc mang lại thì còn một bí ẩn nào đó? Và cuối cùng nhà khảo cổ học kia cũng phát hiện ra rằng: hình ảnh cô gái trong bức phù điêu gợi cho ông kỉ niệm về người bạn gái thời thơ ấu. Đứng trước bức chạm nổi, ông không nhớ là đã trông thấy hình dáng của chân người bạn gái thời thơ ấu và anh chẳng nhớ gì cả, tuy vậy toàn bộ tác dụng của bức chạm nổi dẫn xuất từ quan hệ với ấn tượng từ thời thơ ấu. Như vậy ấn tượng này trở nên sống động, đến nỗi bắt đầu biểu hiện tác động nhưng nó không đạt đến ý thức, nó vẫn vô thức.

Nhìn chung về cơ bản quan điểm của Freud đã cho ta một hướng nghiên cứu nghệ thuật đúng đắn sâu sắc, ở đó quan tâm đến vấn đề tiểu sử con người với những ẩn ức, những tiềm thức là cần thiết làm phương tiện để lý giải và cắt nghĩa những sáng tạo của họ. Đồng thời, quan điểm trên của Freud không chỉ cho ta thây được cội nguồn sáng tạo nghệ thuật mà còn khẳng định vai trò của nghệ thuật đối với đời sống tâm lí của người nghệ sĩ cũng như của khán giả. Đối với người nghệ sĩ, tác phẩm là sản phẩm của những chế biến xung đột cảm xúc vốn nảy sinh bởi những trải nghiệm tính dục tuổi thơ. Đối với khán giả, những khoái cảm mà tác phẩm đem lại sẽ được coi như một sự giải thoát khỏi những căng thẳng của các lực tâm thần do đạt được một sự thỏa mãn mang tính chất ảo tưởng. Đến đây, nghệ thuật đã thực hiện được chức năng thanh lọc của mình.

Tuy nhiên, quan điểm của Freud vẫn còn những hạn chế nhất định. "Ham muốn vô thức" mà Freud đề cập tới là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật mới chỉ hạn hẹp với nghĩa là ham muốn tính dục, những ẩn ức tuổi thơ, hay mặc cảm Oedipus. Vô thức với Freud chỉ hoàn toàn mang tính bản năng. Nhưng sự thực vô thức còn có nghĩa bao hàm khái quát rộng lớn hơn thế, bao gồm nhiều hình tượng thuộc nhiều cấp độ khác nhau. Có cái còn gọi là "trực giác", "linh cảm", "phản xạ vô điều kiện"...Nhiều khi đặc biệt là ở những thiên tài lỗi lạc và những người có trình độ nhạy cảm cao về tư duy lại chính là những biểu hiện đặc thù của ý thức cao cấp, của ý thức đã chìm sâu vào tiềm thức, của hoạt động ta duy lặp đi lặp lại và trở thành "tự động hóa". Với cách quan niệm vô thức chỉ là những ham muốn bản năng, mà vô thức lại là cội nguồn sáng tạo nghệ thuật thì vô hình chung Freud đã thu hẹp nội dung của nghệ thuật, thậm chí dẫn đến hiểu sai mục đích và chức năng của nghệ thuật. Nghệ thuật đúng là có bắt nguồn từ những ham muốn vô thức nhưng đó không phải là tất cả.

Một hạn chế nữa trong quan điểm của ông đó là, ông đã tuyệt đối hóa vai trò của vô thức đối với nghệ thuật. Tuy cái vô thức có thể gây tác động thúc đẩy hoặc cản trở đối với chiều hướng phát triển nào đó của tư tưởng, ảnh hưởng đến một số tính chất và đặc điểm cụ thể của tác phẩm song không thể phóng đại vai trò của nó, thậm chí cho rằng không cần có sự tham gia của trí tuệ, ý thức vẫn có thể sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Bằng chứng rõ nhất đó là chủ nghĩa nghĩa siêu thực thế kỉ XX ở Pháp. Cơ sở của lối sáng tác siêu thực là tính tự động thuần tâm lý, biểu đạt vô thức giấc mơ, ảo giác, mê sảng, hồi ức, hình bóng thần bí,... Ở đó không hề có một chút liên kết logic hay có ý thức nào, vì thề phần lớn tác phẩm rơi vào khó hiểu và quái đản, vô nghĩa lý. Đó cũng chính là cái chết của nghệ thuật.


Chúng ta cần thấy được mối quan hệ giữa cái vô thức và ý thức trong sáng tạo nghệ thuật. Giữa chúng không có một bức tường ngăn tuyệt đối như Freud quan niệm. Các quá trình được bắt đầu trong vô thức nhiều khi vẫn tiếp tục trong ý thức và ngược lại nhiều cái thuộc về ý thức lại có khi bi xua đuổi về tiềm thức. Vô thức mang đến sức mạnh nội tại, sự quyến rũ huyền bí cho tác phẩm nghệ thuật. Còn ý thức khiến cho nghệ thuật có chiều sâu và đưa cái vô thức lên một giá trị cao nhất có thể có. Người nghệ sĩ nên thấy được và vận dụng linh hoạt mối quan hệ đó trong tác phẩm của mình.

Mặc dù quan điểm về nghệ thuật của Freud không được trình bày một cách hệ thống như những quan điểm nghệ thuật của Heghen, Mac...nhưng nó vẫn có những đóng góp nhất định cho lịch sử nghệ thuật nhân loại. Đặc biệt là nó gợi ra một hướng đi mới khám phá tác phẩm nghệ thuật, khám phá theo con đường từ những ham muốn vô thức của nghệ sĩ và người thưởng thức. Đó là một điều đáng trân trọng.

Trần Thị Thu Hương
http://my.opera.com/tranthithuhuongnd58/blog/sang
.