Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân!




Nửa đêm.

Mò vào mạng check mail lần cuối.

Nhận được một bức thư thật dài và cảm động của một học viên.

Trong thư, cậu ta tâm sự: “Em đã từng đứng trên bục giảng, từng nói với học sinh của mình về các kỹ năng sống, trong đó em đã nói với bọn trẻ phải biết tự tin trong cuộc sống, biết sống với chính mình và biết vượt qua mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, cũng chính trên cái bục giảng ấy, em đã có sự mặc cảm về xuất thân của mình khi những học trò của mình nói “mấy thằng thợ xây” đang gây ồn ào ở công trình thi công gần trường học. Em đã lặng đi như chết khi chợt nhớ lại cách đây 7 năm mình cũng đã từng là thợ xây, và hiện tại cha mình ở nhà cũng là một thợ xây. Vậy mà các cậu ấm trong lớp mình lại gọi các bác lao động kia là “thằng thợ xây”. Nhờ được tiếp xúc với cô mà em đã dám “ngẩng mặt với đời” vượt qua mặc cảm, sống với ý nghĩa đích thực của cuộc đời…”.



Đọc những dòng tâm sự này làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm. Để trả nghĩa cho cô giáo chủ nhiệm con trai hồi lớp 3, tôi đã “có nhời” nhờ một đệ tử ruột của mình “đặc cách” cho cháu họ của chồng cô giáo (sau hỏi ra mới biết là họ hàng bắn ca nông đại bác mấy ngày cũng không tới), tốt nghiệp trường SP ngoại ngữ, vào làm việc tại một công ty tài chính của nước ngoài, nơi đệ tử ruột của tôi làm Sếp. Tôi năn nỉ đệ tử: “Này em, gắng làm phúc chút nha. Mẹ con bé này là nông dân (về sau mới biết là “nông dân trồng rau” bên Gia Lâm, hic), bố xuất ngũ làm bảo vệ. Nó là con trưởng và học hành khá khẩm nhất nhà. Mình tạo cơ hội cho nó để sau nó còn làm chỗ dựa và dẫn dắt các em”. Đệ tử của tôi cũng thuộc túyp người nghe đến hai chữ nông dân là thấy mủi lòng, người nhũn như bún, vội lập bập “Vâng, bác nói thế làm sao em từ chối được”. Học ngoại ngữ thì biết quái gì về tài chính mà làm. Tuy nhiên, may mắn cho con bé là đệ tử của tôi đã cử người hướng dẫn nhiệt tình từng ly từng tí và dần dần cô bé đã bắt đầu quen với công việc. Thế nhưng, cái mặc cảm là “con nông dân” đã giết chết con bé. Nó đã choáng váng đến nghẹt thở khi vào làm ở một công ty sang trọng với những nhân viên ăn mặc lịch lãm. Sự thân thiện của Sếp, sự cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ của các đồng nghiệp cũng không cứu nổi con bé. Nó đã không tự bước qua được cái ám ảnh tâm lý nặng nề “mình là con nông dân, con của đẳng cấp dưới”. Sau gần hai tháng, khi thời gian học việc đã có kết quả khá khả quan, bỗng nhiên tôi nhận được một email rất dài của cô bé: “Cô ơi, cháu không biết phải nói gì nữa cả. Trên đời này, ngoài bố mẹ cháu ra chưa ai lo và giúp đỡ cho cháu như cô. Nhưng hôm nay cháu phải thành thật xin lỗi cô vì cháu đã quyết định thôi việc ở công ty. Cháu không vượt qua được áp lực tâm lý rất nặng nề mỗi khi bước vào cơ quan. Cháu luôn bị ám ảnh về tầng lớp xuất thân của cháu và cháu thấy mình không thể phù hợp với môi trường làm việc ở đó. Các bạn cháu cũng bảo “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa” thôị. Và cháu đã quyết định đi sang Đức làm Aupair * rồi cô ạ………………”
Đọc xong bức thư tôi đã rất giận. Sao có cái giống đâu mà ngu đến thế hả giời. Thế mà cũng tốt nghiệp đại học đấy. Đã “gang” miệng ra và đổ cơm vào cho mà còn không tự nhai, tự nuốt được thì có chết cũng là đáng đời thôi. Con nông dân thì làm sao? Con nông dân thì không có quyền hay không thể ngửa mặt lên được với đời à? Mày ngu thế thì chỉ đi làm OSIN cho thiên hạ là đáng rồi con ạ.

Điên ruột.

Hôm sau, ngay lúc vừa bước chân vào giảng đường (với gần 100 sinh viên) tôi hỏi luôn:

- Trong giảng đường này, những em nào là con nông dân?

Lúc đầu lác đác những cánh tay rụt rè giơ lên, sau đó có đến già nửa hội trường.

- Có ai mặc cảm mình là con nông dân?

Những ánh mắt nhìn nhau không mấy tự tin cho lắm.

Nhưng không ai trả lời.

- Làm sao mà phải tự ti vì là con nông dân. Các em thậm chí còn nên hãnh diện với mọi người là bố mẹ mình thuộc thành phần “sạch sẽ” nhất ở trong cái xã hôi này (nào có tham nhũng hay chấm mút được của ai cái gì ngoài món đặc sản “mồ hồi” và “thắt lưng buộc bụng” mà chẳng "sạch sẽ"). Nhưng tất nhiên là chỉ khi bố mẹ các em không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất quá liều thôi đấy nhé – tôi hóm hỉnh “bồi” thêm. Phải hãnh diện là cha mẹ mình nghèo khó, mình không có điều kiện được luyện ở các “lò lớn lò bé” như các bạn khác nhưng mình vẫn ngẩng cao đầu đường hoàng bước chân vào cổng trường đại học chứ.

Mặc cảm vì xuất thân nghèo khó (thường đi liền với hèn) là tâm lý rất phổ biến ở nhiều người, bởi thế việc nói những điều này với bọn trẻ (sinh viên) cũng không phải là thừa.

Đúng thế, dám chắc không phải là thừa.

Bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện với hai cô bé sinh viên làm phục vụ tại một quán ăn đêm vỉa hè ở Huế cách đây mấy năm.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng núi của Thanh Hóa, hai cô bé vào học ngành văn ĐHSP Huế với giấc mộng trở thành nhà báo. Nhà nghèo, cha mẹ là nông dân, quanh năm làm vẫn không đủ ăn chứ đừng nói đến chuyện nuôi con đi học đại học, nên phải đi làm thêm buổi tối. Xin việc cũng khó nên đành đi bưng bê ở quán ăn đêm với tiền công khá rẻ mạt. Các cô bé kể, đi làm thế này tuy vất vả nhưng bọn cháu không ngại, chỉ sợ nhỡ may bạn bè bắt gặp thì ngượng và tủi thân lắm. Tôi bảo: sao phải ngượng với bạn bè? Mình sống bằng sức lao động của mình, có ăn cắp, ăn trộm hay ăn xin ai đâu mà phải ngượng. Đúng ra các cháu phải hãnh diện và tự hào với bạn bè là mình đã tự nuôi sống được bản thân và công việc học hành của mình chứ. Nghe thấy thế hai cô bé bảo: “Cô ơi, cô là người duy nhất nói với chúng cháu như thế. Mọi người không ai nghĩ như vậy đâu cô ạ. Cảm ơn cô đã động viên và tiếp thêm nghị lực cho bọn cháu”.
Trước khi chào ra về tôi còn dặn dò hai cô bé: “Các cháu cố lên nhé, nhưng gắng đừng để làm thêm ảnh hưởng nhiều đến công việc học hành. Nếu thích thử sức với nghề báo thì khi viết được bài gì hay hay cứ gửi cho cô theo địa chỉ email …. , cô sẽ tìm cách gửi đăng giúp”.

Và tôi mong các sinh viên, học viên của tôi dám ngẩng cao đầu với thiên hạ mà nói rằng:

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân….

-----------------

* Aupair: giúp việc



23h55, ngày 30.06.2010


N.Thị Phương Hoa - PGS,TS trường ĐHQG Hà Nội

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Kỷ niệm ngọt ngào…!

( Kỷ niệm ngọt ngào…Hay: Tự truyện của thầy Nguyễn Văn Vẽ .)
Cho đến bây giờ trên quảng đường xa xôi vạn dặm vượt thời gian, mỗi năm đến ngày 20/11 lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại những " kỷ niệm ngọt ngào" khó quên trong cuộc đời làm giáo viên của mình. Kỷ niệm đó lắng sâu trong ký ức tôi như một bảo tàng của tất cả những gì đáng nâng niu, trân trọng và hồn nhiên như một "xã hội trẻ em" đầy cá tính và vui nhộn. Nó là cái đẹp mỹ học - cái đẹp thuần khiết nhất như khi tôi mở tập đồng thoại Andecxan tâm hồn nông cạn bỗng ngập tràn ánh sáng .…

Ngày đó, tôi còn là một giáo viên dạy học ở một trường tiểu học ở ngoại ô, và những "Mặt trời bé con" của tôi là những chú nhóc, những cô bé tóc còn khét mùi nắng, chân đi đất , áo không đủ mặc nhưng lại hồn nhiên đến dễ thương, vô tư đến đáng yêu và hiếu học. Ngày đâù tiên khi tôi cầm QĐ xuống trường,ông hiệu trưởng trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi như trên trời rơi xuống ,tôi dạy môn mỹ thuật ở tiểu học-như người đóng vai phụ,chẳng có HS nào ở lớp bị ở lại lớp hay bị phàn nàn vì môn học tôi cả,ngoài vai phụ còn là diễn viên đóng thế .Này nhé nếu trường có GV nữ nào đau ốm hay nghỉ thai sản (đại khái là có lý do) tôi dạy luôn từ vẽ đến tiếng việt,toán,thủ công...suốt buổi học hôm đó,kể cả những môn học chẳng phải sở trường của tôi,cũng may kiến thức tự nhiên và xã hội không đến nỗi tồi nên tôi đáp ứng được mức "đạt yêu cầu.!" -" Chỉ cần đọc thông ,viết thạo,nhân chia cộng trừ là được thôi mà!"-Tôi tự nhủ

Tôi còn nhớ những ngày dạy đầu tiên, lũ học trò nhìn tôi với cặp mắt hiếu kỳ và lạ lẫm,

- Ê ! Thầy giáo mới chúng mầy ơi! Tiếng học trò lao xao.

- Em chào thầy ạ ! - Một giọng nói trong trẻo, đầy nghịch ngợm cắt ngang một ý tưởng thoáng qua trong đầu .

Tôi ngoảnh lại một mái tóc đuôi gà biến mất sau ô cửa, tôi mỉm cười thấy tự tin và đầy vinh dự. Thế rồi không biết từ lúc nào tôi đã nhập vào thế giới trẻ em đó với tất cả tình yêu thương và niềm đam mê nghề nghiệp.Trong các giờ dạy tôi đóng vai như người quản trò thiết kế các cuộc chơi…Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những cuộc chơi. Đối với các em vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì các em có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên nhưng lại là trò chơi khó khăn vì mỗi em phải tự tìm kiếm những hình và màu như những ký hiệu ẩn dụ. Sự nhận biết và cá tính của mỗi em được thể hiện trên mỗi bức tranh. Đôi khi tôi bắt gặp những đôi mắt tròn xoe khi lũ trẻ say mê nhìn ngắm sản phẩm của chúng . Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ được chuyển tải vào trong đó.Chẳng bao lâu tôi trở nên thân thiết, học trò gọi tôi bằng cái tên trìu mếm " Thầy vẽ " lâu rồi thành quen mọi người trong trường kể cả giáo viên đồng nghiệp đều gọi tôi là thầy vẽ, nhiều khi tôi cảm tưởng mọi người chẳng biết tên thật của tôi là gì? Có người nhầm lẫn : Nguyễn Văn Vẽ, hay gọi tôi bằng cái tên trìu mếm họa sĩ Nguyễn Văn Vẽ…Và tôi vẫn cam chịu như là sự cam chịu nghề nghiệp.

Thế rồi ngày 20/11 đầu tiên cũng đến, tôi dậy sớm hơn mọi ngày để dọn dẹp lại căn phòng và chờ đợi, một sự chờ đợi đầy hồi hộp và hãnh diện " Ừ ! Tôi cũng sẽ có học trò đến thăm như mọi giáo viên khác, chắc sẽ có nhiều hoa lắm…Và tôi sẽ mang một bó hoa đến tặng bác Thành - là thương binh làm bảo vệ trường - bác chẳng có học sinh nào đến thăm cả…"-Tôi nghĩ thầm và sắp xếp một kế hoạch trong đầu.

Chưa bao giờ tôi thấy thời gian dài như vậy, nhìn đồng hồ tôi bắt đầu lo âu, phía bên kia nhà cô giáo dạy toán trường THPT học sinh đến tấp nập, ồn ào, xô bồ.v.v…Cảm nhận cả nụ cười mãn nguyện của cô giáo tôi thấy thất vọng và hụt hẫng…


- Em chào thầy ạ ! Em chào thầy vẽ ạ ! - Tiếng học sinh xôn xao kéo tôi trở về với thực tại, tôi nhận ra các cậu học trò lớp 4A.

- Các em vào nhà đi !- Tôi vồn vã và tất cả ríu rít như đàn chim, Hùng hai tay lúng túng đặt bó hoa cỏ dại lên bàn.

- Thưa thầy ! Hôm nay ngày nhà giáo Việt Nam… chúng em có mua vài quyển sổ tặng thầy làm kỷ niệm ngày 20/11…Chúc thầy luôn vui, khoẻ…- Bé Lan vụng về diễn đạt và đặt gói tặng phẩm trên bàn.

Tôi cảm ơn các em và mời các em uống nước, trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, động viên các em học tập và giúp đỡ gia đình. Như cảm nhận được sự quan tâm và chia sẻ tất cả trở nên mạnh dạn và cởi mở hơn. Ngồi chơi một lát các em xin phép ra về .

Tiễn các em ra ngõ và quay vào nhà, bất chợt

- Thưa thầy !... Một cậu học trò nhỏ rụt rè.

- Vào đây em, em đi một mình thôi sao ? Tôi ngạc nhiên nhận ra chú nhóc Minh ( Biệt hiệu : Minh lí lắc)

- Thưa thầy ! Em…em…- Minh lí lắc lúng túng giải thích và móc túi quần lấy ra tờ bạc 5.000đ nhàu nát, vuốt cho phẳng và đặt lên bàn…Em có chút ít tình cảm gửi đến thầy nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11…

(Tôi nghĩ: À, thì ra cu cậu này ngủ dậy muộn nên không kịp đến để góp tiền mua quà với các bạn đây mà,thảo nào - Trông cậu có vẻ bối rối! và đây là cách xử lý của cậu !!!)

Tôi mỉm cười ngạc nhiên, nhìn Minh một cách nghiêm túc :

- Tình cảm của em là đáng trân trọng, thầy cảm ơn nhưng em không phải làm như vậy, chỉ mong em luôn học giỏi chăm làm, vâng lời bố mẹ đó là món quà quí nhất gửi đến các thầy cô giáo ! Tôi vừa nói vừa nhét tờ 5000đ vào túi quần Minh nhưng vô vọng .

- Các bạn trong lớp đều thế cả, nếu thầy không nhận thì em không về ! Minh quả quyết chỉ gói quà trên bàn .

Tôi cố gắng thuyết phục Minh một lần nữa nhưng vẫn không được.

Có vẻ Minh lí lắc đang hờn dỗi, tôi bối rối nhìn tờ giấy bạc đặt trên bàn " Khó thật, nếu không thuyết phục được thì phải thỏa hiệp thôi "- Tôi nghĩ thầm - Lúc này tôi lại chuẩn bị đến trường để dự buổi toạ đàm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.



…Sau đó tôi chở cậu bé ra quày văn phòng phẩm mua một hộp màu vẽ và trao cho cậu bé hộp màu vẽ như một món quà tôi tặng, không quên dặn dò "Em cố gắng học thật giỏi và vẽ những mơ ước của em thành sự thật để bố mẹ,thầy cô vui nhé "Tôi thấy Minh cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh thật đáng yêu.

Đến hôm nay, là giáo viên giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp, đối tác của tôi là những chủ thể hoàn toàn khác, có cuộc sống tâm lý, tình cảm phong phú và phức tạp hơn nhiều nhưng những "Chuỗi kỷ niệm ngọt ngào" về một khung trời tuổi thơ luôn là một gia tài quí báu nhất ! Con đường mình đã đi qua là gia tài quí báu nhất của mình, chỉ có nhờ những con đường ấy mới có thể đi tiếp những con đường về sau…

CĐSP Quảng Ngãi: 20/11/2000)
Nguyễn Hữu Quang
(Truyện ngắn được viết dựa trên những kỷ niệm có trong ký ức của thầy giáo NHQ)

Tôi đọc và suy ngẫm, vậy tôi tồn tại !!!





…Thế giới mênh mông, sự vân động của nó cũng mênh mông. Mỗi chúng ta giống như một đơn vị nhỏ nhất của thời gian, là một tíc tắc - tíc tắc…Những ước mơ, nguyện vọng, thành bại, những vui sướng, đau khổ,…Tất cả gói trọn trong cái hữu hạn khoảng khắc : Tích tắc - tíc tắc. Các triết nhân xưa thường ngắm cái sọ người để suy ngẫm: Mưu bá đồ vương rút lại cũng chỉ là một cái sọ vô danh, mỏng mảnh.Tôi không ngắm sọ người mà thường suy tư trước cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn . Tích tắc - tíc tắc, hãy nhớ tới cái hữu hạn, cái ngắn ngủi, cái chóng qua của một kiếp người. Hãy mơ mộng trong cái hữu hạn ấy.Với cái vĩnh viễn, cái vô tận, cái trôi đi mãi mãi…thì mình có là cái gì, chẳng là cái gì cả, đừng nghĩ phải là cái gì đó mà khổ nhưng ta vẫn có thể là cái gì đó trong cái khoảng khắc ta đang sống, là một sức đẩy dẫu là yếu ớt vào cái dòng lưu chuyển chung, tôi vẫn nghĩ như thế, tôi vẫn sống như thế và tự xem là đủ. Mấy năm qua, tự xét mình tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về vật cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chảy ồ ạt, vĩnh viễn của lịch sử! Chúng ta chẳng là gì cả danh nhân, danh tướng còn chưa là cái gì (?)…Huống hồ một đơn vị rất vô nghĩa là mình (!)

Tôi vẫn nghĩ như thế, tôi vẫn sống như thế và tự xem là đủ… Tôi không ngắm sọ người mà thường suy tư trước những câu "ranh ngôn" của thế hệ @ rằng " Lương tâm không có răng ! Người xấu tưởng tượng ra lương tâm để hù dọa người tốt … để người tốt luôn cắn rứt lương tâm.Vốn dĩ thế- người tốt vốn cả tin- nên người tốt bị người xấu " ám sát"…" Phải trãi nghiệm thì mới biết và ngẫm nghĩ ... Tôi đọc và suy ngẫm, vậy tôi tồn tại ! Tích tắc - tíc tắc - Một đơn vị rất vô nghĩa trong cái hữu hạn ấy...

Giá trị cuộc sống



Đứa bé trai đến gần một ông già có vẻ ngoài rất thông thái. Ngước nhìn ông, cậu bé nói: "Cháu biết ông là một người rất sáng suốt, uyên thâm Ông có thể cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống?"
Ông già nhìn đứa bé đáp: "Suốt đời mình ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều này và có thể nói ngắn gọn chỉ trong bốn từ: - Đầu tiên là suy nghĩ . Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng. - Thứ hai là tự tin . Hãy tin tưởng bản thân bằng cách dựa vào những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống. -Thứ ba là ước mơ . Mơ ước những gì có thể thành hiện thực dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống.
Và cuối cùng là dám làm . Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta". Ông già đó chính là hoạ sĩ Walt Disney - Người bạn của trẻ em của thế giới.
(Hoathuytinh.com)

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Nhật ký 10/2 : GỞI CHO … NƠI PHƯƠNG XA !


Nhật ký 10/2 : GỞI CHO … NƠI PHƯƠNG XA !
Cơn mưa hôm ấy ập xuống bất ngờ và thế là em ra đi…Trong tâm tưởng anh cứ thầm nhắc lại nó, giống như một kỷ niệm buồn. Đối với anh thế là hết tất cả. Cơn mưa ập xuống và xoá nhòa tất cả… Chỉ có hai kẻ đi bên lề cuộc đời chẳng rõ có còn nhớ đến nhau ? Nói rằng nó xóa nhòa nhưng có xóa nhòa được đâu! Vì mưa luôn nhắc đến kỷ niệm .Chiều mưa ấycó kẻ ướt mèm, cũng có kẻ hanh hao trong nỗi đau đến tận cùng của tâm hồn. Cơn mưa đầu mùa miền Trung hối hả, cái dáng quen thuộc của ai đó lại gợi nhớ về em.Và anh, anh cũng chẳng biết vì sao mình đặt bút viết những dòng chữ này, dù biết rằng anh là kẻ nói dối. Đã bao lần anh nói "tình yêu là cái không có thật" để luôn đi tìm,nhiều lần viết thư cho em chẳng dám gởi thư đi, chỉ gởi một tờ giấy trắng làm em đớn đau .Dù rất đớn đau nhưng anh cũng phải công nhận đó là sự thật .Chỉ có điều khó hiểu là vì sao…?
Con đường của em vẫn dài rộng thế! Em cứ bước đi đi …Có gì làm vướng bận chân em đâu, em cứ bước đi mà theo anh nghĩ đâu cần những điều nói dối. Vì với anh thì thế nào cũng được, cái thế yếu của anh là ở chỗ anh luôn sống bằng tâm tưởng, bằng kỷ niệm. Đối với anh như thế là đủ, khép lại cho riêng mình tất cả…Chỉ có điều mỗi khi nghe mưa rơi anh lại thấy buồn. Mưa rơi làm cho anh nhớ lại những kỷ niệm xưa và nó gợi cho anh một nỗi buồn, chẳng phải anh quá ư lãng mạn nhưng những cái gì đã thành hình ảnh trong lòng thì khó quên lắm
…Mưa! Mưa luôn làm cho anh nhớ hoài những ngày mưa cũ. Đêm diễn văn nghệ trời mưa rả rích, đưa tiễn em về…Chúng mình cùng trú mưa dưới những hàng liểu xanh.Ngày ấy bên nhau,ta nhìn mưa như những giọt nước mắt. Giọt rơi trong tim anh, giọt ướt đẫm tóc em, đâu ai biết rồi mưa cũng sẽ là những giọt buồn.Có những giọt mưa làm tổn thương trái tim em…
Thì ra cuộc sống sách vở càng thơ mộng bao nhiêu thì cuộc đời thực tại càng nghiệt ngã bấy nhiêu. Khát vọng về một cuộc sống bình yên trong anh không đủ sức trụ lại những dự cảm đầy âu lo về sự tan vỡ, mất mát.Và thế là anh đã mất em, lạnh lùng và hụt hẫng, hoàn toàn hờ hững như chưa bao giờ có em để mà mất em; như chưa bao giờ có khoảng khắc nào em xuất hiện trong đời anh, để anh nhớ em.Có chăng cũng chỉ là một chút dư âm của ngày xưa, những ngày xưa ngập lối, phủ đầy những giọt hạnh phúc trên đôi trái tim run rẩy, lên đôi bờ môi vụng dại…Em cười bảo "Bố bảo anh là người tốt nhưng yêu người lãng mạn như anh sẽ khổ thôi !"
Nhưng…Như em đã nói rồi và em cứ bước đi đi. Anh chẳng đòi hỏi ở em một cái ngoảnh đầu nhìn lại, mà anh chỉ mong em hãy vì tất cả mọi người và những gì xung quanh mà sống sao cho xứng đáng. Đó là điều mong mỏi nhất trong anh, anh chưa bao giờ định hình được cái mảnh vỡ giữa chúng mình nên khi xảy ra thì đã muộn mất rồi. Dù sao đừng để anh phải nhìn thấy em và để rồi anh không đủ can đảm cất lên tiếng gọi. Em lặng lẽ nhìn anh giống như một người không quen biết và để rồi lặng lẽ ra đi…Có thể em không ngờ rằng trên vạn nẻo đường đời, vẫn có một người âm thầm dõi theo dấu chân em từng giây,từng phút…Ngày trước anh thường nói "Em là người có cá tính nhưng tính em hiền chỉ hợp với công việc đi dạy thôi " bước ngoặc rẽ ngang cuộc đời khi em ra trường làm anh bất ngờ, cũng có thể em không có sự lựa chọn nào khác …
Không thể nói rằng anh đang cố quên em mà đúng ra anh đang cố làm quen nổi nhớ. Dẫu muộn màng, nhưng anh vẫn muốn nói một lời xin lỗi …Bởi những cơn mưa vẫn sống trong anh.Và với anh như thế là đủ. Nếu có thể nó sẽ là cả cuộc đời anh. Không cần biết sau cơn mưa…Vẫn có hai kẻ đi bên lề cuộc đời, có kẻ thì ướt mèm và một người hanh hao trong nỗi đau…
QHN

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Một vài dòng tự bạch về bản thân


Một vài dòng tự bạch về bản thân

Họ và tên : Nguyễn Hữu Quang
Sinh nhật : 10 tháng 2
Nghề nghiệp : Giáo viên mỹ thuật
Trình độ chuyên môn : ĐH mỹ thuật
Một vài dòng tự bạch thể hiện quan niệm sống :
• Đức tính mà tôi quý nhất :
- Ở con trai : Tín -lễ -nghĩa
- Ở con gái : Hiền dịu, chân thành, biết giao tiếp
• Quan niệm về hạnh phúc :
- Đạt được ước mơ.
• Quan niệm về đau khổ :
- Dốt nát, nhu nhược
• Tính xấu mà tôi ghét nhất :
- Dối trá, lười biếng
• Công việc mà tôi ưa thích nhất :
- Đọc sách báo, nghiên cứu VHNT, giảng dạy,vẽ
• Bộ môn giải trí yêu thích :
- Nghe nhạc, xem phim, đánh cờ, vi tính
• Tác phẩm văn học mà tôi yêu thích :
- " Những người khốn khổ. "của V.Huy-Gô
• Loài hoa mà tôi thích nhất :
- Hoa sen, hoa hồng.
• Trang phục quần áo tôi thích :
- Màu xanh dương nhạt, màu vàng kem
• Câu cách ngôn mà tôi thích :
" Học những điều mà trước kia mình chưa học dù vào lúc nào đi nữa, chẳng có gì là xấu ."

VĂN PHẠM & CUỘC ĐỜI .


VĂN PHẠM & CUỘC ĐỜI .

Từ trước đến nay có nhiều người viết về cách sống, các xử thế…Dưới đây là mấy lời khuyên của một nhân vật có uy tín về đạo đức cũng như về học vấn - đó là giáo sư William de Withyde :
• Sống ở thể " Năng động " (Forme active), đừng sống ở thể " Thụ động" (Forme passive). Hãy nghĩ tới điều gì mà khả năng bạn có thể tạo thành,chớ nghĩ đến những điều ngẫu nhiên có thể xảy đến với bạn.
• Sống ở " Trực thái "( Mode indicatif) hơn là " Bàng thái " (Mode Subjonctif). Hãy chú ý tới những việc đang có kết quả, hơn là hậu quả của chúng.
• Sống ở "Thời hiện tại"(Temp présent) đương đầu ngay với công việc, đừng hối tiếc quá khứ hoặc quá lo sợ cho tương lai.
• Sống ở "Ngôi thứ nhất" (Premiere peronne) và tự phê bình cá nhân mình, đừng bới lông tìm vết những thói xấu người khác.
• Sống ở " Số ít " (Singulier) nên căn cứ và sự hài lòng của lương tâm mình hơn là những lời khen ngợi của kẻ khác.
• Và nếu bạn muốn chia động từ, tốt hơn hết bạn hãy chọn động từ " Thương yêu " (Aimer)
Nguyễn Hữu Quang (sưu Tầm)

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

ý nghĩa của pho tượng Phật

Ý NGHĨA
CỦA PHO TƯỢNG PHẬT QUAN ÂM NGHÌN MẮT NGHÌN TAY(1656)
Ở CHÙA BÚT THÁP,THUẬN THÀNH-BẮC NINH
Pho tượng nổi tiếng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều "ẩn ngữ", triết lý sâu xa. Nó cho ta biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Việt thời Hậu Lê, nửa sau thế kỷ 17. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, do Trương Thọ Nam tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời Hậu Lê. Trên bệ tượng ghi: Nam Đông Giao, Thọ Nam - Trương tiên sinh - phụng khắc (tạm hiểu: Nam Đông Giao là địa chỉ, Thọ Nam là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ). Theo quan niệm của một số nhà nghiên cứu, chữ "phụng khắc" được dịch là khắc theo ý chỉ của nhà vua (nhưng nếu phụng mệnh vua mà khắc thì tượng phải để ở kinh đô, trong khi đó pho tượng này lại được thờ ở một ngôi chùa). Tượng Quan Thế Âm bồ tát thiên thủ thiên nhãn - dân gian gọi là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, có thể xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật rất chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Dương - Âm (thiện - ác, đỏ - đen, sáng - tối, trời - đất). Để bạn đọc nhận biết những mặt đối lập trên bố cục tác phẩm của Trương Thọ Nam, xin phân tích như sau: 1. Tượng Quan Âm được làm theo thế tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa thiên - địa - nhân. Khi nhìn vào tượng, vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay, trong mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của Trời. Trời theo quan niệm ở đây là vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế "tam quang giả" tức là 3 cái sáng bao gồm: mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Từ xa xưa, người Việt cổ đã nhận thức được mặt trời là trung tâm sự sống, sức mạnh thần kỳ của nó được thể hiện ở chính giữa trống đồng Đông Sơn. Ở pho tượng này, tác giả cũng đặt mặt Quan Âm vào trung tâm của pho tượng. Mặt trời là mặt Phật Quan Âm nổi bật nhất, sáng ngời, đầy vẻ từ bi hỉ xả. Mặt trời ở đây được thể hiện là bình minh, những tia sáng chiếu tỏa lên trên chứ không tỏa ngang, ý nói: Cái thiện là thế đang đi lên, có sức mạnh chiến thắng, biểu tượng cho văn minh xã hội. Mặt trời sáng ngời còn biểu tượng cho trí tuệ đức Phật Quan Âm đi khắp muôn phương xua tan bóng tối. Những kẻ có hành vi ám muội cũng không thể che nổi mắt Phật. Để diễn tả thâm ý này, tác giả đã khắc con mắt trong lòng bàn tay biểu tượng cho hàng nghìn vì sao trong thiên hà. Tất cả con số trên pho tượng đều là số lẻ, hơn 900 bàn tay và hơn 900 con mắt. Tác giả cho rằng số 1.000 là số chẵn, âm, tĩnh, không phát triển. Số lẻ, dương, động và phát triển không ngừng. Điều đó có nghĩa là trong vũ trụ có vô vàn vì sao đang quan sát trần gian. 2. Trên đã có trời, hình tròn, động, thuộc dương, nên dưới hệ tượng được biểu hiện cho đất, tĩnh, thuộc âm; hình vuông, nối giữa trời và đất là người - nhân vật Quan Âm. Trời, đất, người là 3 thế lực siêu nhiên trong vũ trụ, có sức sáng tạo không ngừng. Con rồng đen dưới tòa sen là Hắc Long dưới Biển Đông, tượng trưng cho cái Ác. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ngồi trên tòa sen, cả tòa sen lại đặt trên đầu con rồng đen, tượng trưng cho cái thiện bao giờ cũng ngự trị cái ác. Hai cánh tay của con rồng chỉ đỡ hờ vào tòa sen tạo nên một bố cục chặt chẽ, nó còn nói lên một điều rằng: Cái ác cũng có một sức mạnh phi thường, chỉ một cái đầu cũng đủ đội cả toàn tượng lên trên. Trên mũ của Quan Âm có 3 tầng đầu, mỗi tầng có 3 đầu, đầu thứ 9 là Phật A Di Đà - tượng trưng cho cõi Niết bàn. Như vậy, mỗi cái đầu là biểu tượng của một tầng trời. Điều thú vị là A Di Đà cùng với con chim Thiên Đường ở phía sau được gắn với hai cái đầu (số 2 thuộc âm, biểu tượng cho linh hồn của người đã chết siêu thoát ở cực lạc). 3 cái đầu đó chụm lại gợi cho ta về cõi tam thế "quá khứ - hiện tại - tương lai". 3. Trong các chùa, 3 ngôi tam thế bao giờ cũng được đặt ở ngôi cao nhất. Trong nghệ thuật bố cục, Trương Thọ Nam đã gắn kết các hiện tượng với nhau thành một biểu tượng: Cả vòng tròn lớn đằng sau được gắn kết với con chim Thiên Đường, tạo thành hình tượng của lá bồ đề mà tâm của Phật là cuống của lá. Đạo Phật lấy lá bồ đề làm biểu trưng. Hình tượng mặt trăng được đặt trước tâm của Phật như một cái gương soi lại lòng mình để xem xét hành động hằng ngày đúng hay sai, thiện hay ác, sáng hay tối... Trên có Thiên Đường là cõi Niết bàn, nơi ngự trị của Phật A Di Đà, dưới có địa ngục được biểu hiện ở 4 góc, đó là 4 nhân vật to béo đang chịu cảnh thụ hình nhằm răn đe những ai rắp tâm làm điều ác. 4. Trong bố cục của pho tượng này, những cánh tay được sắp xếp tuy phức tạp nhưng lại rất nhất quán về phương pháp biểu hiện theo quy luật. Có 3 phương pháp cơ bản để biểu hiện ý nghĩa của thế tay: Thứ nhất là hai bàn tay chắp trước ngực, đó là ý chí của con người, tâm niệm làm điều thiện. Thứ hai là 42 cánh tay gắn ở hai bên hông tượng tỏa ra nhiều hướng hàm ý muốn thắng được cái ác phải sử dụng cả văn lẫn võ (những cánh tay bên phải biểu tượng cho văn, những cánh tay bên trái biểu tượng cho võ). Thứ ba là thế tay của Quan Âm nâng niu mặt trăng trước tâm của mình, tượng trưng cho sự soi xét tự kiểm. Để tu hành đắc đạo, chúng sinh phải có lòng kiên nhẫn, tu hết đời này truyền sang đời khác, cây đức trồng càng lâu thì phúc càng dày. Hai cánh tay để trên đùi của Phật biểu tượng cho ý chí kiên định tạo nên thành quả. 5. Tượng Quan Âm ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đã chín muồi: Tác giả Trương Thọ Nam đã tiếp thu và nâng nghệ thuật của pho tượng này lên đỉnh cao bởi giao lưu với nền nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, nền điêu khắc Chăm, nhất là những cánh tay của Phật như những cánh tay vũ nữ thanh khiết của Chăm. Trang phục của Quan Âm được tác giả chuyển sang hình khối, bố cục đường nét rất lãng mạn theo phong cách Việt Nam mà ông đã tiếp thu được từ nền nghệ thuật Lý - Trần qua cách mô tả sen. Sen thời Lý được chạm rồng trên các cánh hoa, sen thời Lê được chạm khắc theo những nét lửa Lê - ngọn lửa của truyền thống chống ngoại xâm. Ở châu Á, đạo Phật khởi nguồn nên chủ đề "Quan Âm nghìn mắt nghìn tay" được tạc ở một số nước, nhưng tác phẩm do nhà điêu khắc thiên tài Trương Thọ Nam sáng tác có nội dung hoàn chỉnh bậc nhất về thế giới quan và nhân sinh quan theo quan điểm Phật giáo truyền thống, có hình thức nghệ thuật đạt được sự hoàn mỹ tuyệt vời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ
--------------------
www.cadviet.com