Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( Mỹ thuật - Âm nhạc) cho HS phổ thông.




Trong nhà trường phổ thông, việc giảng dạy mỹ thuật- âm nhạc ( MT-ÂN) nhằm bồi dưỡng cho học sinh kiến thức và năng lực thẩm mỹ, giúp học sinh tri giác được cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống, đồng thời khơi dậy ở các em năng khiếu, sự hứng thú hoạt động, trí tưởng tượng phong phú và năng lực sáng tạo, với mục tiêu “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho HS thông qua văn học, nghệ thuật và các môn học khác, xây dựng quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, bồi dưỡng năng lực thưởng thức và sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo ra thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng và phong phú…”( Trích nghị quyết của Bộ chính trị về CCGD)

GD thẩm mỹ ở trường phổ thông hiện nay đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, vì vậy vấn đề được đặt ra trong quá trình dạy học MT-ÂN là nên tiến hành như thế nào để đạt được kết quả cao nhất, hay nói cách khác là làm thế nào để phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( TNNT) cho học sinh phổ thông.

Sự TNNT ở HS tiểu học là sự tiếp nhận trực tiếp mang tính” Trực giác thực tiễn” được nhà tâm lý học nghệ thuật A.Vallon gọi là “ Hình thức đầu tiên của việc thông hiểu nghệ thuật…”. Sự tiếp nhận này diễn ra ở trẻ em một cách tự nhiên, dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự hứng thú ở trẻ em bởi xét cho cùng trẻ em dù ở bất cứ đâu cũng đều giống nhau ở sự hồn nhiên, trong sáng, yêu thiên nhiên, thích màu sắc rực rỡ cho nên các em thích được vẽ, được ca hát như là một bản năng tự nhiên. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường, hoàn cảnh sống HS ở các vùng nông thôn, miền núi và HS ở thị xã, thành phố tuy có cùng một độ tuổi nhưng lại khác biệt trong TNNT.



Ảnh: Thiếu nhi Quảng Ngãi trong cuộc thi vẽ tranh về "Biển đảo quê hương" ngày 2/9/2011

Ở các lớp đầu cấp tiểu học, khi trẻ em bắt đầu học đọc, học viết, tư duy ngôn ngữ bằng lời nói khác với tư duy thị giác. Tư duy thị giác ở độ tuổi này phát triển mạnh, làm thay đổi quan hệ của các em đối với thế giới( Trong đó có nghệ thuật).Hình thức tiếp nhận bằng trực quan bị hình thức tiếp nhận mới bằng khái niệm lấn át, các em quen dần thói quen tiếp nhận trực tiếp. Vì vậy nhiệm vụ của GV là thông qua ngôn ngữ nghệ thuật ( MT-ÂN) giúp cho HS tiểu học có thói quen tiếp nhận các thông tin nghệ thuật trực tiếp ở cấp độ giác quan cảm xúc, như rèn luyện tri giác bằng thị giác, quan sát nhiều, vẽ như mắt đã nhìn thấy theo cảm tính chủ quan của trẻ ( Đối với mỹ thuật ); Nghe nhiều, có thói quen tiếp nhận bằng cảm xúc và thông qua các giác quan tương ứng, góp phần hình thành tư duy âm nhạc( Đối với âm nhạc).

Thực tiễn cho thấy, ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài ( Lời ru ngọt ngào, âm điệu du dương của một bản nhạc,vẻ đẹp của một bông hoa, một bức tranh đẹp,...) ở trẻ đã được nảy sinh như một bản năng vì lúc nào, hay ở đâu đi nữa... đứa trẻ đều muốn thâu tóm tất cả thế giới xung quanh vào đôi mắt và đôi tai của mình. Sớm tiếp xúc với những cái đó sẽ giúp cho việc hình thành trong các em những ấn tượng tươi mát, nảy sinh nhu cầu về cái đẹp.Tuy nhiên,do đặc điểm tâm sinh lý của HS tiểu học nên sự TNNT ở các em trong giai đoạn này vẫn còn nhiều điểm giống với sự tiếp nhận của trẻ em ở độ tuổi tiền học đường. Chẳng hạn trong hội họa, các em thích màu sắc rực rỡ, thích vẽ theo lối ước lệ, hoàn toàn cảm tính; Còn trong âm nhạc, sự TNNT là bằng thính giác, bằng ngôn từ, trẻ thích ca hát và hát theo cảm tính, hoàn toàn không chú ý đến nhịp điệu, tiết tấu cũng như sự diễn cảm trong bài hát.

Nhu cầu về cái đẹp biểu hiện sự phát triển của HS ở các giai đoạn là rất khác nhau. Với học sinh THCS và đấu cấp PTTH, thông qua TNNT, nhiều em đã có thể cảm thụ được vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật bằng phương tiện đặc trưng của MT-ÂN để nắm bắt được nội dung tư tưởng của bức tranh, bài hát mà không cần có sự”Giải mã” của người lớn. Nguyên nhân cơ bản là HS lứa tuổi này đã trưởng thành về mặt trí tuệ, tư duy liên tưởng phát triển, óc tưởng tượng phong phú hơn trước, đồng thời có khả năng và có nhu cầu lĩnh hội, lí giải tính phức tạp, toàn vẹn, tính mâu thuẩn, sự hài hòa của thực tiễn và nghệ thuật. Như vậy, giai đoạn từ THCS đến PTTH đã có một " Khoảng cách thẩm mỹ” trong việc TNNT ở các em.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Cần sớm đầu tư thích đáng cho môi trường thẩm mỹ, môi trường nghệ thuật vì giáo dục nghệ thuật là một hình thái cao của giáo dục thẩm mỹ thông qua TNNT mà hai môn học: Âm nhạc- Thính giác và hội họa - Thị giác là những giác quan, kênh thông tin tiếp nhận quan trọng gắn liền với ý thức hệ, đến nhận thức của con người. Chính thị giác và thính giác là những “ Cửa sổ tâm hồn” qua đó cái đẹp, cái bi, cái hài, cái tuyệt tác…nhập vào ý thức, tác độngvào toàn bộ nếp tư duy và tình cảm của mỗi con người. Sự phát triển của năng lực TNNT của HSPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

* Để phát triển năng lực TNNT của HSPT phần lớn tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật ở các trường phổ thông .Vai trò của giáo viên nghệ thuật hết sức quan trọng , họ là những người quản trò , thiết kế các cuộc chơi và cũng là người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng trẻ thơ . Đây là chiếc cầu nối giữa HSPT và nghệ thuật . Vì vậy , giáo viên dạy MT - AN phải là những người yêu nghề , yêu trẻ đồng thời hiểu được tâm sinh lý của đối tượng, biết cách gợi mở và “ Kích hoạt ” khả năng TNNT ở mỗi cá thể.

* Sự tiếp nhận nghệ thuật của con người thường mang tính cảm xúc . Điều này biểu hiện ở trẻ em dễ hơn người lớn , vì trẻ em dễ xúc động vì vậy để phát triển năng lực TNNT chúng ta cần hiểu được đặc điểm tâm sinh của HSPT qua giảng dạy tạo cho học sinh những cảm xúc tích cực . Qua đó tác động định hướng , thị hướng thẩm mỹ cho mỗi em.

* Phát triển năng lực TNNT cho HSPT là nhằm giúp HS nhận thức , cảm thụ và giáo giục cái đẹp cho HS . Đồng thời các em phải biết tự mình làm ra sản phẩm mỹ thuật ( Vẽ tranh theo đề tài, vẽ tự do, gấp xếp…) theo sự hướng dẫn của GV. Đây cũng là năng lực cần được tự bồi dưỡng trong quá trình lĩnh hội và TNNT.

* Vai trò của trí tưởng tượng trong quá trình TNNT hết sức quan trọng, những hình tượng nghệ thuật mà HS tiếp nhận hàng ngày mặc dù không có chủ định vẫn được lưu giữ như một bảo tàng và chỉ xuất hiện biến hóa khi các em tiếp nhận cảm thụ hoặc sáng tạo nghệ thuật, làm cơ sở cho việc phát triển óc tưởng tượng, sáng tạo trong học tập bộ môn MT-ÂN dưới sự hướng dẫn của giáo viên.Giáo viên chính là người nghệ sĩ đầu tiên dẫn dắt các em bước vào thế giới bao la của cái đẹp để nuôi dưỡng những bài học đầu tiên về đạo đức, tình cảm nhân văn,...

Từ phân tích trên có thể nhận thấy ý tưởng giáo dục HS về “ Trí - Đức - Thể - Mỹ” là một ý tưởng lớn trong mỹ dục, là một bộ phận không thể tách rời giáo dục MT- ÂN ở trường phổ thông nhằm giúp HS hiểu thấu đáo bản chất của cái đẹp trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, góp phần hình thành trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư tưởng và tình cảm đẹp. Giáo dục thẩm mỹ là quyền lợi tinh thần mà các em cần được hưởng thụ thông qua hình thức giáo dục MT-ÂN trong trường phổ thông.

Cái đẹp trong đời sống con người và tự nhiên là hết sức phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục lớn lao: Một óc thẩm mỹ tốt hay xấu, một thị hiếu lành mạnh hay thấp hèn, một cách hành xử cao thượng hay phi văn hóa... đều bắt nguồn từ sự tiếp xúc với cái đẹp ngay từ khi còn nhỏ.Do đó, vấn đề phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật cho học sinh, đưa cái đẹp vào cuộc sống là trách nhiệm của mọi người, cộng đồng và xã hội.

Sự TNNT của HSPT góp phần vào sự phát triển nhân cách HS một cách hoàn thiện. Cần xem giáo dục thẩm mỹ như" Một món nợ lớn đối với thế hệ trẻ" nhằm hoàn thiện và giáo dục tình cảm đạo đức, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực trí tuệ...cho học sinh phổ thông. Giáo dục nhân cách phát triển toàn diện cho HSPT hôm nay, chính là tạo tiền đề cho tương lai đất nước trong thế kỷ XXI.

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 4 năm 2001

Nguyễn Hữu Quang - PDU

(Bài viết trong tạp chí NCKH Giáo dục - II /2001)



Tài liệu tham khảo:

1- Sự phát triển tâm lý trẻ em- A. Vallon - NXB GD 1977

2- Tâm lý học và sự tiếp nhận nghệ thuật - P.M Yakobson - NXB GD 1977

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét