Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Cô gái câm và một giấc mơ…!

Đến với cù lao An Phú
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, ngược về phía Bắc sau đó rẽ xuống phía Đông có một thôn nhỏ – Thôn An Phú, thuộc xã Tịnh An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nơi đây có những số phận con người đã và đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sự đùa cợt của tạo hóa, gây cho người khác nhiều điều trắc ẩn về cuộc đời của họ.

Sau gần 20 phút đi xe con qua những con đường ngoằn ngoèo trong xóm, chúng tôi phải để xe bên này sông Trà Khúc, xuống thuyền máy để đến cù lao An Phú .Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa mưa lũ, cả thôn An Phú giống như một ốc đảo nên mọi người thường gọi là cù lao An phú. Người dân ở cù lao An Phú sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây thôn An Phú vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng những thân phận cá nhân thì không phải “ngày một ngày hai” có thể giải quyết được và hơn nữa ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Con người ở đây sống hiền hòa, hiếu khách, và nhân hậu…Thế nhưng, cuộc đời đã không công bằng với họ.Đằng sau những mái tranh nghèo bên dòng sông Trà hiền hòa là những thân phận, cảnh nghèo gieo neo… và rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để sẻ chia và đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở cái cù lao nhỏ bé này.

Người đầu tiên chúng tôi gặp tình cờ trên đường cũng là một thanh niên mặt mũi sáng sủa, lanh lợi khoảng 28 tuổi, chúng tôi hỏi nhà Thoa, anh trò chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm …Số phận trêu ngươi ! Cả cái thôn nhỏ bé nhưng rất nhiều hộ gia đình có người bị câm, chưa có một số liệu chính xác về người câm, điếc ở cù lao này nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ : Có gia đình một người, có gia đình hai người, như gia đình cô Thoa có đến ba người đều bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh…mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả , thiệt thòi mà những người dân ở đây phải gánh chịu.

Số phận trêu ngươi
Thoa đón chúng tôi trước ngõ.Em cười và chào chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm với đôi mắt vui mừng như đón một người thân lâu ngày trở về. Nhưng nhìn vào đôi mắt đó tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa.

Trong căn nhà cấp bốn, ông Bùi Quang Hưng – Bố của Thoa – trầm ngâm, buồn bã cho biết :” Cả thôn này rất nhiều người bị câm điếc bẩm sinh, phần lớn đều là người họ Bùi : Có hộ một người, có hộ hai người, riêng gia đình tôi là 3 người . Ngày đứa con đầu lòng sinh ra vợ chồng tôi mừng lắm khi thấy đứa bé trông xinh xắn và khỏe mạnh, nhưng khi nó lớn lên mới biết nó bị câm, bị điếc. Rồi đến đứa thứ hai cũng cũng bị câm, điếc như vậy.Bao nhiêu lần sinh là bao nhiêu hi vọng có đứa con bình thường biết bi bô cất tiếng gọi cha, gọi mẹ, nhưng mỗi lần sinh là mỗi lần vợ chồng tôi lặng người trước một sự thật đau đớn .Vợ chồng tôi buồn ghê lắm chú ạ! Tôi động viên bà, bà an ủi tôi.Chúng tôi vẫn mong những lần sinh sau sẽ có được những đứa con khỏe mạnh để nương tựa khi tuổi già, lần sinh thứ ba vợ tôi sinh đôi .Xót xa thay đứa chị là bé Thoa cũng bị câm, điếc.Đứa kia may mắn hơn như người bình thường hiện cháu là SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cả gia đình tôi năm người con thì có đến ba đứa bị câm, điếc bẩm sinh chú ạ! Sao “ Ông Trời” nỡ bắt tội chúng tôi ! …”

Tôi tranh thủ đi một vòng quan sát và tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô bé. Gia cảnh gia đình thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.Ông Hưng làm nghề nông và mộc, vợ vì sức khỏe yếu nên chỉ trông mong vào thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ ven đường, căn nhà cấp bốn mới được ông Hưng vay mượn tiền để sửa chữa, từ khi có căn nhà vững chãi khi mưa nắng ông không còn phải lo nhất là ở nơi cù lao đấy bão, lụt như miền đất xứ Quảng này. Điều mà ông Hưng lo lắng nhất là những đứa con câm, điếc đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống phía trước họ ra sao ? Ông cũng không thể biết được, cũng không thể che chở và bao bọc cho con mãi được. Điều lạ là gia đình ông Hưng cũng chưa nhận được bất kỳ một sự trợ giúp và hỗ trợ nào từ các tổ chức đoàn thể và xã hội cho con cái ông có thể hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi trò chuyện cùng Thoa. Ngôn ngữ mà Thoa trò chuyện với chúng tôi là cử chỉ, điệu bộ, có khi còn dùng tay kết hợp với nét mặt, miệng, đầu…và dùng cả cây viết để diễn đạt ý nghĩ của mình.Khi hỏi về cuộc sống đời tư và những ước muốn, Thoa cười có ẩn chứa những nét buồn và tâm sự bằng cử chỉ và điệu bộ: ” Em mong muốn được vẽ, vẽ là sở thích và cả niềm đam mê của em…”.Khi nào không diễn tả được thì mỗi dòng chữ loằng ngoằng , ngắn gọn của Thoa lại thay thế. Trên những nét chữ còn rõ sự vụng về ấy, là công việc, là cuộc sống, là tâm tư của một cô gái câm . Thoa viết chậm, vì thế nên rất ít viết, chủ yếu trả lời qua thái độ, cử chỉ và qua đôi mắt. Thật lạ !Đôi mắt của một cô gái câm ở chốn cù lao An Phú không u buồn mà luôn rực sáng.

Chia sẻ với tôi, bà Kiều Thị Thu – Mẹ của Thoa – tâm sự với giọng buồn buồn: “ Nhà có ba đứa con bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, hai đứa lớn đều đi làm thuê hái café ở Đaklak, còn bé Thoa ở nhà : Khi còn nhỏ, nó là người sáng dạ và tôi thật sự ngạc nhiên khi cháu không đi học nhưng có thể giao tiếp với người bình thường bằng chữ viết.Cháu rất thích vẽ, mọi người trong xóm cần vẽ đều nhờ đến nó. Khi cháu 18 tuổi, nhờ người quen giới thiệu cháu được thầy Thái ( Họa sỹ, GV mỹ thuật trường ĐH Phạm Văn Đồng ) nhận làm học trò.Cháu không quản ngại đường sá đi lại rất vất vả xa xôi phải vượt qua những trảng cát, qua đò, đi xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến nơi học vẽ… Từ ngày cháu đi học vẽ đời sống tâm lý, tình cảm cháu thay đổi rất nhiều, mặc dù có nhiều khó khăn đường sá xa xôi nhưng thấy cháu yêu thích vả lại cháu đã quá thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện cho cháu đi học vẽ .Cũng có lúc, Thoa phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền mua vật liệu vẽ …Gia đình tôi luôn xem thầy Thái như ân nhân của cháu…”

Ở nhà ngoài thời gian phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, Thoa rất thích vẽ, cô vẽ bằng tất cả những vật liệu gì có thể tìm thấy trong nhà.Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những “cuộc chơi”. Đối với Thoa vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì cô có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên như muốn trãi bày những tâm sự và ước muốn của mình . Đôi khi Thoa thả lòng mình vào trong bức tranh và say mê nhìn ngắm sản phẩm của mình .Hội họa đã giúp cô truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ, màu sắc… Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ của cô được chuyển tải vào trong đó

Bà lục một số bài vẽ của Thoa đem cho chúng tôi xem, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy em thật sự có năng khiếu hội họa.Qua các phương tiện ngôn ngữ của hội họa như đường nét, màu sắc…Mỗi gam màu, đường nét trên mỗi bức tranh như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của Thoa với mong muốn được trãi lòng mình ra với mọi người, với cuộc đời.…

Theo bà Thu cho biết ngoài thời gian học vẽ cô đã hoàn thành khóa đào tạo nghề thêu nghệ thuật do tổ chức hổ trợ và phát triển Đức ( German Development Service ) tổ chức tại Quảng Ngãi ( từ 2/5/2009 đến 2/8/2009 ) nhưng rồi cô cũng không có một cơ hội để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình.

Nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của cô.Thời gian học vẽ của cô kéo dài gần 3 năm liên tục dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Thái. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong vấn đề truyền đạt nhưng cô đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản của hội họa. Những bài vẽ của Thoa rất lạ, màu rất đẹp và cả ý tưởng cũng rất mới mẻ- gây cả sự ngạc nhiên cho chính thầy Thái và tôi – Những bài vẽ mà ngay cả SV cao đẳng sư phạm mỹ thuật năm thứ ba cũng khó có thể vẽ được như vậy, Thoa được làm quen với các chất liệu hội họa, các thể loại tranh, tập sao chép tranh bằng chất liệu sơn dầu, và bước đầu cô cũng đã bắt đầu biết sáng tác những bức tranh theo cảm xúc của mình… Một hướng đi mới đã mở ra cho cô cho dù vẫn còn xa xăm …Như vậy, Thoa mong muốn được sống bằng nghề vẽ hoặc thêu, nhưng ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi điều đó thực sự khó khăn và khó hơn là còn thiếu những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ…để giấc mơ cô gái câm trở thành hiện thực.

Trong cái xóm nhỏ này, có rất nhiều thân phận cuộc đời của những con người bị thiệt thòi ở nơi đây, họ lặng lẽ sống như một sự cam chịu số phận trớ trêu. Theo tôi biết những năm trước tỉnh Quảng Ngãi chưa có trường khuyết tật dành cho trẻ chuyên biệt và không phải trường hợp nào cũng có điều kiện được đi học tại trường khuyết tật do qui mô của nhà trường còn hạn chế nên sự thiệt thòi của họ càng nhiều hơn . Phần lớn những người khuyết tật ở đây chưa bao giờ được đến trường nên khả năng giao tiếp, nhận thức trong ứng xử với những người xung quanh của họ rất hạn chế, vì thế họ dễ mặc cảm, luôn có tâm lý thích sống co rúm lại. Thanh niên ở đây và các vùng lân cận đến tuổi lập gia đình họ rất sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và truyền kiếp ! Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng, cuộc sống vất vả, nghèo khó của người khuyết tật và những cố gắng của các họ để tồn tại trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân ở chốn cù lao này.

Nhưng có lẽ Thoa là người đặc biệt hơn cả vì đã dám vượt qua những khó khăn của số phận, hoàn cảnh để mong muốn hòa nhập cộng đồng và khẳng định bản thân mình với một ước mơ giản đơn.

Cần lắm những tấm lòng…
Trước khi ra về, ông Hưng và những người hàng xóm cầm lấy tay chúng tôi với lời cầu mong một ngày nào đó các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ có kết luận về những trường hợp như nhiều gia đình ở xóm cù lao An Phú này. Lúc đó, chắc có lẽ gia đình ông Hưng và bao người câm điếc khác sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời. Chia tay họ mà lòng chúng tôi trĩu nặng và cũng thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những con người không may mắn ở đây nói chung và Thoa nói riêng bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho giấc mơ của cô gái không còn quá xa xăm…

01/12/2010

NHQ-PDU


Ảnh 1,2: Nguyến Thị Kim Thoa, năm 18 tuổi




Ảnh 3: Nguyến Thị Kim Thoa,cùng 3 chị em gái đều bị câm ( Thoa đứng giữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét