Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
Quảng Ngãi
Cảm nhận về hình tượng "Cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài Sơn Mỹ.
Hàng nghìn lượt du khách trong nước và Quốc Tế đã trở lại Quảng Ngãi vào tháng ba hàng năm để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về khu chứng tích Sơn Mỹ. Nhiều người trong số đó là cựu chiến binh Mỹ, họ đến đây để sám hối và xin được tha thứ. Vì thế, mỗi năm ở đây vào ngày 16-3 đã trở thành ngày giỗ chung của các gia đình trong làng Sơn Mỹ. Mỗi buổi sáng tháp chuông trước tượng đài Sơn Mỹ rung lên 504 tiếng chuông mang ý nghĩa cầu siêu cho 504 đồng bào bị quân đội Mỹ thảm sát. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã kết thúc từ lâu, những nhân chứng sống sót sau cuộc thảm sát đang sống những năm tháng cuối cùng của tuổi già nơi làng quê Sơn Mỹ đang từng ngày hồi sinh. Một thế hệ trẻ đã được sinh ra và lớn lên sau ngày thống nhất đất nước. Đâu đó, có lúc tưởng chừng như người ta đã quên kí ức chiến tranh đã từng xảy ra ở đây. Nhưng với người dân làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thì nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn với những đau thương mất mát khủng khiếp trong chiến tranh còn dai dẳng những hệ lụy sau thời hậu chiến.
Nếu một lần đến Quảng Ngãi, bạn hãy đến khu chứng tích Sơn Mỹ ( Mỹ Lai), bởi đây không chỉ là một di tích lịch sử nổi tiếng của địa phương mà còn là một quần thể tượng đài, tượng tròn và phù điêu mang tính nghệ thuật cao.
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng vào năm 1978 tại địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ để ghi nhớ tội ác chiến tranh. Khu chứng tích Sơn Mỹ có diện tích 2,4 ha gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn. Năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ 11,7 tỷ đồng nâng cấp công trình , khu chứng tích Sơn Mỹ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Khuôn viên ngoài trời được phục dựng với cảnh tượng tan tóc giống xưa. Nhà trưng bày xây theo mô típ nhà mồ. Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin có chủ trương đầu tư nâng cấp di tích này trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng, năm 2003, Sở VH-TT Quảng Ngãi khởi công mở rộng Khu chứng tích trên 10.000m2 để xây dựng một số hạng mục như: nhà trưng bày, đường nội bộ, tôn tạo phục dựng một số di tích, xây dựng tượng đài... với kinh phí gần 12 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Khu chứng tích Sơn Mỹ được nâng cấp, mở rộng và trở thành một di tích đặc biệt quan trọng gây sự chú ý của du khách mỗi khi đến Quảng Ngãi.
Ðến Sơn Mỹ , ấn tượng mạnh nhất đối với mọi du khách là tượng đài Sơn Mỹ. Tượng đài Sơn Mỹ nằm ở vị trí trung tâm của khu chứng tích. Đến đây không một ai cầm được nước mắt, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để dâng hương, vòng hoa, lặng người để cảm nhận và chia sẻ nỗi đau tột cùng của những nạn nhân trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.
Tượng đài Sơn Mỹ là một trong những tượng đài được đánh giá cao về nội dung biểu hiện và giá trị nghệ thuật, đã trở thành một biểu tượng và là sự đau thương, mất mát của người dân Quảng Ngãi trong chiến tranh, là dấu ấn đáng ghi nhận của điêu khắc Quảng Ngãi, tượng đài mang đến cho người xem cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ và xúc động sâu sắc với hình tượng"Cái bi" được biểu hiện mang đậm nét sử thi và hoành tráng.
Phạm trù của mỹ học là "Cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài được phản ánh chân thực và sáng tạo từ một sự kiện lịch sử bi thương ở vùng đất "Quảng Ngãi đất Mẹ ngoan cường" trong chiến tranh. Bằng sự trãi nghiệm và sáng tạo của người nghệ sĩ đã được nâng lên thành một "Cái bi điển hình" của sự mất mát hy sinh lớn lao của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là sự thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa nội dung và hình thức thể hiện. Xét về nghệ thuật "Hình tượng cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài mang bản chất xã hội sâu sắc: Tính lịch sử, tính dân tộc, tính giai cấp, tính nhân loại... Đặc trưng phương tiện ngôn ngữ biểu đạt là mảng, khối chắt lọc đã khái quát được những đặc trưng cơ bản của một tượng đài về tính điển hình, tính biểu cảm và ước lệ của nghệ thuật để phản ánh cô đọng "Hình tượng cái bi". Các hình tượng dường như" Biết nói", tưởng như còn nghe đâu đó cả tiếng"Thét gào" của những nạn nhân như tiếng chuông cảnh tỉnh lương tri loài người về tội ác chiến tranh, là lời kêu gọi hòa bình cho nhân loại. Tất cả đều bắt nguồn từ cái: Chân- Thiện- Mỹ trong cuộc sống. Điều gì đọng lại cho du khách một lần đến nơi đây nếu không là sự lan tỏa bằng những rung động thẩm mỹ có sức cuốn hút mãnh liệt, gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người.
Tượng đài được xây dựng vào năm 1992, do họa sĩ, nhà điêu khắc Châu Đình Du xây dựng phác thảo, nhà điêu khắc Châu Đình Du, Hồ Thu ( Anh Hồ Thu là chồng của chị Liên - một trong những nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ) và một số họa sĩ khác cùng tham gia thực hiện. Bằng sự sáng tạo các nghệ sĩ đã xây dựng nên một tượng đài nghệ thuật sinh động, giàu cảm xúc, có sức thẩm thấu, lay động sâu sắc trong công chúng và sức lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội.
Thông qua tác phẩm điêu khắc này, các họa sĩ và nhà điêu khắc muốn nói lên hai ý nghĩa lớn: Hình ảnh người dân Sơn Mỹ bị tàn sát ngày 16/3/1968, diễn tả sự chết chóc kinh hoàng trong một sự kiện đẫm máu, xác người chết chồng chất: Con gái ôm xác cha, mẹ ôm xác con, anh ôm xác em…. Họ là những người già, phụ nữ, trẻ con, không vũ khí, không phản kháng; Dù cận kề cái chết họ vẫn muốn bảo vệ cho nhau và trên từng khuôn mặt lộ ra một nét phẩn uất vô hạn.Tác phẩm còn là tiếng chuông cảnh tỉnh lương tri loài người hãy biết nâng niu, bảo vệ hòa bình và là sự lên án tội ác chiến tranh.
Tượng đài Sơn Mỹ được bố cục theo lối hiện đại với những mảng khối chắt lọc và cô đọng đã thể hiện “Cái bi” trong nghệ thuật tạo hình với phong cách nghệ thuật hiện đại. Đặc điểm, phong cách và thủ pháp tạo hình của quần thể tượng đài giống với nghệ thuật điêu khắc cổ điển của Nga. Quần thể tượng đài mang lại cho công chúng thưởng ngoạn những hình ảnh gây xúc động lòng người về cái bi thương, sự lãnh lẽo vô hồn của chết chóc tràn ngập khắp nơi trong buổi sáng định mệnh.
Tượng đài phác họa một sự kiện đẫm máu và đầy bi thương. Nơi đây, vào ngày 16-3-1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, thảm sát người dân Sơn Mỹ vô tội với chủ trương: Đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng muốn biến nơi này thành vùng đất chết. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía Tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung các thôn Mỹ Lai, Mỹ Hội, Bình Tây và xóm Gò, thôn Cổ Lũy với Khoảng 140 lính Mỹ, chủ yếu ở hai trung đội Charlie, Bravo và Anphal dưới sự chỉ huy của đại tá Ernest Medina cùng lúc đồng loạt gây ra một cuộc thảm sát man rợ xuống người dân trong làng Sơn Mỹ. Số người bị tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. (*)
Mười tám tháng sau đó, vụ thảm sát được phanh phui ở Mỹ, làm chấn động dư luận thế giới và lương tâm loài người. Khắp nơi trên giới người ta bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động tội ác dã man này và so sánh nó với Guernica, Shapeville, Katin, Hiroshima... Sơn Mỹ đi vào lịch sử như một trong những vết thương nhức nhối của nhân dân Việt Nam cũng như của cả nhân loại trên thế giới.
Nhìn tổng thể tượng đài Sơn Mỹ được bố cục theo hình tam giác với chất liệu đá tạo cho người xem sự vững chãi, mỗi người mỗi dáng vẻ điển hình, mỗi nhân vật từ trẻ con đến người già đều có sức biểu cảm cao về ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc. Hình ảnh đau thương của đồng bào nơi đây đã được các họa sĩ, nhà điêu khắc khái quát thành công bằng hình tượng nghệ thuật tạo hình thể hiện cái bi thương và sự mất mát đau thương.
Những hình tượng nhân vật được xây dựng lấy từ nguyên mẫu của sự kiện bi thương trong giai đoạn đầy oanh liệt và hào hùng của dân tộc được hòa nhập, gắn liền với cuộc chiến tranh cách mạng, tập hợp thành nhóm người thể hiện sự đoàn kết, bất khuất khi đối diện với quân thù. Phía trước tượng đài là hình ảnh một chị phụ nữ đang che chở cho một cụ già với nét mặt phẩn uất, kinh hoàng. Cụ già ngã sóng xoài dưới đất vì trúng đạn nhưng nét mặt dường như còn thảng thốt không hiểu những gì đang xảy ra xung quanh với mọi người dân trong thôn Tư Cung trong buổi sáng kinh hoàng đó, bàn tay cụ buông thỏng thể hiện sự bất lực.
Người dân bình dị, chất phác ở vùng quê nghèo nơi đây trong tay không một tấc sắt dù cận kề cái chết mọi người vẫn muốn bảo vệ cho nhau. Người xem không khỏi xúc động khi bên phải tượng đài là hình ảnh hai em bé nằm ôm nhau, che chắn cho nhau trước họng súng của kẻ thù được lấy từ nguyên mẫu từ bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” của phóng viên chiến trường Ronald Haeberle là loạt ảnh về cuộc thảm sát Mỹ Lai 43 năm trước trên tạp chí Life và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. ( Vẫn còn nhiều tranh cãi về hai đứa bé trong bức ảnh tưởng như " Đã chết" trong vụ thảm sát. )
Trọng tâm của tượng đài là hình tượng người mẹ tay ôm xác con trong tư thế vững chắc với những mảng khối chắc khỏe cũng đã thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo lối biểu hiện tượng trưng đem lại cho người xem những mỹ cảm sâu sắc. Dáng đứng người mẹ vươn ra phía trước với vẻ kiên cường và thách thức khi đối diện với cái chết, đôi mắt rực lửa căm thù nhìn về phía trước không hề nao núng.
Hình tượng người mẹ được xây dựng với khuôn mẫu gần gủi, bình dị mà dường như chúng ta đã gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường. Toàn bộ tượng đài là sự chết chóc lạnh lẽo tưởng như vô hồn với “Cái bi” đau thương bao trùm, nhưng điểm nhấn của tượng đài chính là hình ảnh người mẹ sừng sững một tay ôm xác con, một tay nắm chắc đưa cao lên trời với đôi mắt uất hận và căm thù đã nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẻ đẹp tuyệt với của người phụ nữ Việt Nam, tượng đài đã phản ánh hiện thực cuộc thảm sát tàn khốc mà quân đội Hoa Kỳ đã gây ra cho đồng bào ở nơi đây, nhưng đồng thời mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Những người dân tưởng chừng như mềm yếu nhưng lại rất kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh thân mình để ngăn chặn tội ác, bảo vệ đồng bào và làng quê.Trong khuôn viên của khu chứng tích Sơn Mỹ còn khá nhiều tượng tròn nhỏ đầy biểu cảm, những cụm phù điêu mang giá trị nghệ thuật cao. Trong những chất liệu đá tưởng như vô hồn kia , dưới sự sáng tạo của các nghệ sĩ, du khách đến nơi đây sẽ cảm nhận được"Cái bi" trong hình tượng nghệ thuật tạo hình của tượng đài Sơn Mỹ bằng ngôn ngữ nghệ thuật biểu cảm đặc trưng của hình khối cuồn cuộn, những chiều sâu thăm thẳm làm lay động lòng người trước sự u buồn, trầm mặc khi đối diện với những cái bi thương mất mát trong cuộc chiến tàn khốc. Khu chứng tích Sơn Mỹ không phải là nơi khơi gợi hận thù, mà là nơi vang vọng tiếng gọi lương tâm nhân loại đang khao khát cuộc sống hòa bình Và là tiếng chuông cảnh báo"Con người hãy cảnh giác!"
Đây là một trong những tượng đài được đánh giá là đẹp nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về nội dung và hình thức thể hiện. Tác phẩm “Tượng đài Sơn Mỹ” đã đem lại cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng một diện mảng quý giá đã được minh chứng qua thời gian, khẳng định được giá trị và nghệ thuật trong nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện để xây dựng và khắc họa thành công “ Cái bi” trong nghệ thuật tạo hình, tác phẩm có sức cuốn hút mãnh liệt đem lại cho mọi người sự xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc. Tượng đài được xây dựng mang đậm tính dân tộc, tính nhân văn và mang rõ dấu ấn của thời đại, đóng góp và làm phong phú cho phong cách mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Giáo dục thẩm mỹ thông qua các tác phẩm nghệ thuật tạo hình ở địa phương sẽ là một cách tiếp cận để giáo dục về lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng, giáo dục tình cảm nhân văn hết sức nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả cao về giáo dục .Việc đẩy mạnh nghiên cứu mỹ thuật đương đại ở địa phương được xem là cần thiết và có phần cấp bách để đánh giá đúng mức các di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu nhằm giáo dục tình cảm thẩm mỹ, thái độ và hành vi, ý thức bảo vệ các di sản, tình cảm nhân văn cho thế hệ trẻ trong tương lai.
Nhìn lại Sơn Mỹ, một sự kiện hết sức đau thương trong quá khứ không phải để khơi gợi lại hận thù, mà để tìm hiểu một sự kiện lịch sử bi thương trong chiến tranh Việt Nam và quan trọng hơn là để cùng nguyện cầu cho hòa bình, để không còn nơi nào trên thế giới còn những thảm cảnh như Sơn Mỹ. Về lại Sơn Mỹ hôm nay, lịch sử đau thương đã dần khép lại, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang từng ngày hồi sinh với màu xanh của ruộng đồng cây trái, màu ngói đỏ của những công trình mới xây dựng như một sự hồi sinh kỳ diệu của sức sống mãnh liệt và trường tồn trên mảnh đất Quảng Ngãi kiên cường.
Có thể nói ở góc độ nghệ thuật tạo hình với sự thành công về "Hình tượng cái Bi" trong tượng đài Sơn Mỹ, các nghệ sĩ tạo hình đã phản ánh được một sự kiện đau thương của một vùng đất có truyền thống cách mạng ngoan cường với sự mất mát hy sinh to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là sự hy sinh lớn lao của đồng bào Sơn Mỹ và cái bi thương của chiến tranh vẫn còn ám ảnh lên những thân phận của người dân ở vùng quê nghèo sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, tượng đài góp phần trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tình cảm, xây dựng phong cách thẩm mỹ mới phục vụ đông đảo công chúng thưởng ngoạn. Những giá trị về lịch sử và nghệ thuật cũng như giá trị nhân văn của tượng đài Sơn Mỹ đã được minh chứng ghi dấu với thời gian, để lại những đỉnh cao trong nghệ thuật tạo hình, làm tăng giá trị của kho tàng nghệ thuật điêu khắc, đồng thời góp phần giáo dục tình cảm nhân văn và truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi,6/11/2011
Nguyễn Hữu Quang
(TB: Bài viết xin được phép sử dụng một số thông tin, số liệu (*) từ khu chứng tích Sơn Mỹ . Xin chân thành cảm ơn)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét