“Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…” Nẫu vẫn còn nhớ như in lời tựa của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy trong lời mở đầu của bộ phim "Chuyện tử tế" những năm thời bao cấp đã viết như thế.
Suy cho cùng, tử tế chính là cách ứng xử văn hóa trong cuộc sống, là thể hiện một thái độ, hành vi, sự hiểu biết, kiến thức xã hội và tâm lý học của chủ thể trong mối quan hệ đa dạng của xã hội trong những hoàn cảnh cụ thể và mối quan hệ xã hội. Trong cuộc sống, Nẫu đã gặp nhiều cách ứng xử văn hóa có thể nói là thiếu sự hiểu biết, vô cảm, ích kỷ, tàn nhẫn và dễ gây Sock cho nhiều người, đáng buồn và càng không thể tin được những thái độ ứng xử văn hóa đó lại xuất phát từ một bộ phận tri thức trẻ. Dưới đây là một vài mẫu chuyện nhỏ về " Sự phi tử tế" biểu hiện ở thái độ," ngôn ngữ tiết chế" và hành động nhẫn tâm, vô cảm của một số người trong cuộc sống xung quanh chúng ta
Mẫu chuyện thứ nhất: "Quả báo!..."
Cách đây tròn một năm, trong vụ đại thảm họa sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản. Ngày 11/3/2011 một trận động đất kinh hoàng 9 độ richter xảy ra ở vùng bờ biển đông bắc Nhật bản và kéo theo sóng thần cao tới 10m ập vào đất liền kiến hơn 10.000 người mất tích. Nước Nhật tan hoang sau thảm họa kép nhưng cả thế giới nhìn về nước Nhật với cả sự khâm phục và kính nể. Mọi người cùng chia sẻ, cầu mong cho người dân Nhật Bản sống sót và sớm vượt qua khó khăn trong vụ đại thảm họa kinh hoàng.
Lần đó, ngồi uống cafee cùng chia sẻ thông tin với một cậu giáo viên trẻ ở trường phổ thông. Nẫu thực sự ngạc nhiên và choáng đến bất ngờ khi nghe cậu giáo viên phán một câu xanh rờn:
" - Quả báo, nước Nhật đã từng giết hại biết bao nhiêu người Việt Nam trong những năm 1945, họ bị như thế cũng rất đáng. Họ đáng bị trừng phạt như thế..." Cậu giáo viên thản nhiên lên giọng chỉ trích và phê phán. Thú thật Nẫu chả tin vào tai mình, chả tin một tri thức trẻ tại sao trước sự mất mát của đồng loại lại tỏ một thái độ vô cảm như thế. Nẫu cười nhàn nhạt
"- Tôi đồng ý với ý kiến của anh, chuyện đó đã là quá khứ. Chúng ta không quên qúa khứ và lịch sử đau thương của dân tộc nhưng bản chất người Việt Nam là bao dung và đôn hậu. Một hình ảnh nước Nhật sau năm 1945 đến nay đã khác và chúng ta phải cảm ơn người Nhật vì hầu như các dự án phát triển kinh tế không hoàn lại hay dự án ODA ở Việt Nam đều của người Nhật, trong các dự án nước ngoài tại Việt Nam, nước Nhật bao giờ cũng đứng đầu danh sách vì thế chúng ta mắc nợ người Nhật. Hơn nữa, khi đứng trước một sự mất mát của đồng loại dù họ không cùng chính kiến với mình cũng không nên bày tỏ một thái độ phi đạo đức như thế ..." Nẫu phản biện và nói cứ như một thuyết khách.
"- Uh, hóa ra là thế!". Nghe Nẫu nói xong cậu giáo viên hơi bối rối và thẹn thùng rồi lặng im. Đáng tiếc là mẫu chuyện trên có thật 100% đấy bạn ạ. Đáng tiếc người nói câu nói trên lại là một tầng lớp tri thức trẻ.
Vào thời điểm đó trên mạng Facebook cũng có một nữ sinh viên ĐH bày tỏ một quan điểm vô cảm của mình trong ngày nước Nhật tang thương sau cơn đại hồng thủy bằng một câu Status khiến người đọc phẫn nộ và tức giận. Chẳng biết cô sinh viên này nghĩ gì khi phát ngôn như thế: Do hiểu biết hạn hẹp, cực đoan hay đơn giản muốn" Chơi trội" bằng tuyên bố ngược Đời. Ngay lập tức cô nữ sinh bị hàng ngàn commen chỉ trích và lên án thậm tệ. Chủ nhân đành phải nói lời xin lỗi muộn màng và đóng cửa Blog.
Tử tế là thế bạn ạ, không đơn giản là cần nhiều tiền để làm từ thiện hay giúp đỡ một ai đó, chỉ là bày tỏ một thái độ tích cực hay cảm nghĩ của mình trong một vấn đề mang tính cá nhân hay một vấn đề xã hội, đó là thái độ đồng cảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng loại. Được như thế bạn đã là một người tử tế dưới mắt mọi người.
Mẫu chuyện thứ hai: Bé gái 10 tuổi bị bạo hành ở Quảng Ngãi
Cách nơi Nẫu ở khoảng 10km, một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng vừa xảy ra tại thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Nạn nhân là bé gái Nguyễn Thục Phi (10 tuổi), con nuôi của vợ chồng ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến cùng ngụ tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành.
"...Người dân nơi đây đến nay vẫn còn bức xúc, phẫn nộ trước hành vi đánh đứa con nuôi Nguyễn Thục Phi mới 10 tuổi của ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến. Bé Phi đã phải nhập viện hai ngày nay trong tình trạng mặt mũi mình mẩy bầm dập, hoảng loạn cứ úp mặt vào tay khóc gọi mẹ và than đau. Chiều 10/2, bé bị bố mẹ nuôi đánh thừa chết thiếu sống vì tội lấy cắp 500.000 đồng, chỉ đến khi đại diện chính quyền đến yêu cầu đưa cháu đi cấp cứu thì ông Mùi, bà Yến mới cho vào viện.
Những người hàng xóm khẳng định đây không phải là lần đầu tiên hai vợ chồng nhà này đánh đập hành hạ cháu bé con nuôi. Ông Nguyễn Trụ ở thôn Phú Châu bức xúc kể, bé Phi chuyển về ở nhà ông Mùi - bà Yến đối diện nhà ông khoảng 3 năm qua. "Nhưng từ tháng 6/2010 đến nay không biết con bé tội tình gì mà bị hai ông bà này đánh đập hoài. Lúc thì dùng dây điện cỡ bằng sải tay lúc thì dùng que sắt để đánh cháu bé trông rất tàn nhẫn. Nhiều lần tui và bà con lối xóm chạy đến con thiệp, ông Mùi bà Yến bảo con nuôi của họ thì họ có quyền dạy và thách thức: Ai thấy xót thì giỏi nhận về nuôi đi", người hàng xóm kể. Những người hàng xóm nhiều lần nghe tiếng khóc thảm thiết của bé Phi. Sau mỗi lần đánh đập, ông Mùi cởi hết quần áo của cháu bé rồi xích ra phía chuồng gà phía sau nhà suốt cả đêm tới sáng. Những lúc cháu quỳ dưới đất lạy lục xin ông bà tha không đánh nữa nhưng mỗi lần lạy là bị ăn đòn". Nhà ông Mùi bán hàng bún. Nhiều người dân địa phương phản ánh, hàng ngày vợ chồng ông Mùi bắt bé Phi dậy sớm từ 4h sáng để lo rửa chén bát, quét dọn, nhóm lửa nấu nồi bún rồi bưng bê cho khách ăn sáng. Những hôm nào, bé Phi ngủ dậy muộn là bị bố mẹ nuôi đánh nhừ đòn.
Lần dã man nhất là vào lúc 19h chiều 10/2, sau khi bé Phi đi học về, vợ chồng ông Mùi tra hỏi số tiền cất trong tủ bỗng dưng biến mất. Bé Phi nói là định lấy 20.000 đồng để mua vở và xí muội nhưng nhầm phải tờ 500.000 đồng. Ngay lập tức, ông Mùi túm tóc bé đẩy vào vách tường rầm rầm. "Cả nhà tôi đang ngồi ăn cơm nhà sát vách ông Mùi nghe rõ mồn một tiếng chửi mắng, đánh đập rồi bỗng dưng nghe bức tường dập cái đùng. Bé Phi khóc thét rồi im bặt. Gia đình tôi chạy ra sân cùng mọi người trong xóm la lớn: 'Ông Mùi bà Yến giết bé Phi rồi bà con ơi!'. Ngay trong đêm 10/2, hàng xóm sợ bé Phi chết sau cú đòn "thừa sống, bán chết" nên điện báo chính quyền địa phương xã và cả cảnh sát 113. Bà Võ Thị Tâm ở đối diện nhà vợ chồng ông Mùi phẫn nộ: "Sự việc này đã đến mức báo động rồi, chúng tôi không thể chấp nhận mãi cảnh đánh đập con bé dã man, cay nghiệt của vợ chồng ông Mùi nên báo lên cơ quan chức năng can thiệp.
Lý giải nguyên nhân vì sao liên tục đánh đập bé Phi, bà Đoàn Thị Hồng Yến (mẹ nuôi bé Phi) thản nhiên giải thích: "Nó hư hỏng lấy trộm tiền hoài, lúc thì 5.000 đồng, 10.000 đồng, ngày 10/2 thì lấy đến 500.000 đồng nên vợ chồng chúng tôi chỉ dạy cho nó chừa thói trộm cắp ăn quà vặt".
Làm việc với Công an xã Hành Trung chiều nay, ông Mùi đã thừa nhận hành vi đánh bé Phi. Song vợ chồng ông hành hạ đứa con nuôi suốt năm qua nhưng chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ chức bảo vệ trẻ em đều chung câu trả lời "không hề hay biết".
Bé Phi đang là học sinh lớp 3B trường tiểu học Hành Đức, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B khẳng định: "Bé Phi là học sinh thông minh, nhanh nhẹn, kết thúc học kỳ I vừa qua đạt thành tích học tập tốt của lớp. Cá tính em rất hiếu động nhưng đạo đức tốt, không có gì phải phàn nàn. Em Phi chuyển về học ở trường này được một năm rưỡi, thứ 2 tuần vừa rồi em nghỉ học không có lý do, thứ ba em đi học với tâm trạng buồn. Tôi gặng hỏi mãi, em trả lời là bị mẹ đánh vì trộm tiền mua cuốn vở mới". Cô giáo nói rằng, khi ấy cô nhìn xuống đôi tay đứa học trò nhỏ thấy hằn lên vết lằn thấu da thịt mà rơi nước mắt. Chiều nay khi nghe thông tin việc bé Phi phải nằm viện vì bố mẹ nuôi đánh, cô giáo Lan bật khóc ngay giữa lớp học vì thương quá hoàn cảnh bất hạnh, nghiệt ngã của cô học trò ngoan hiền, học giỏi. ( http://vnexpress.net/)
Mẫu chuyện thứ ba: Vụ " Hôi của" quá vô cảm.
Mẫu chuyện thứ ba, Nẫu đọc từ báo TTO:
"15 giờ chiều 16-6, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5, TP.HCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách. Nhờ nhanh trí, người đàn ông này giữa chặt giỏ xách của mình nên hai tên cướp không giật được phải đành tẩu thoát. Nhưng vì sự giằng co quá mạnh nên giỏ xách của người đàn ông bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực xảy ra vụ cướp đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn.
Chỉ trong vòng chưa tới hai phút người đàn ông "Bị cướp hai lần", số tiền của người đàn ông ấy đã bay vào túi của những người"hôi của" quá vô tâm và đi mất. Không biết những người lượm tiền có biết đó là tiền của người đàn ông đó hay không, hay là nghĩ đó là tiền... từ trên Trời rơi xuống?" (http://tuoitre.vn/)
Còn nhiều mẫu chuyện như thế đâu đó trong Đời thường, kể ra thì đau lòng và nhức nhối những người có lương tâm. Hàng ngày đọc báo hay lướt net hẳn bạn sẽ bị "Choáng" khi thấy tràn lan những vụ cướp, hiếp, những vụ án kinh hoàng, những tội phạm xã hội khủng khiếp không còn là hiện tượng riêng lẻ. Nguyên nhân và bài học nào được rút ra cho "Sự tử tế" trong xã hội đương đại luôn là câu hỏi gợi mở để suy ngẫm từ nhiều góc độ.
Sự vô cảm đã và đang trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội. Đó là tiếng chuông cảnh báo một xã hội đang bị tha hóa trước sự biến đổi không ngừng đan xen giữa cái Thiện và các Ác, giữa tình người và lòng tham, sự ích kỷ, thói ti tiện trong mối quan hệ giữa người với người .
Trong xã hội đương đại hiện tượng dối trá, phi đạo đức, thói ti tiện đối lập với sự tử tế - là một biểu hiện dễ gây mất tin tưởng giữa con người với nhau, phá vỡ những cấu trúc đạo đức trong xã hội khi mà mọi mối quan hệ đều được tính bằng tiền thì nền tảng xã hội đó gần như bị lũng đoạn bởi giá trị vật chất. Dường như có một điều nghịch lý đang xảy ra trong thời buổi kinh tế kinh tế thị trường đảo điên là người ta bất chấp tất cả thủ đoạn để mưu hại nhau nhằm kiếm cho được nhiều tiền, khi có tiền người ta lại dùng tiền để cứu chuộc lương tâm, mua lấy sự thanh thản trong tâm hồn bằng cách làm từ thiện, cúng chùa, cầu an, đốt tiền vàng mã ở chùa chiền hay Đình làng trong các ngày Rằm với tâm lý mong được làm người tử tế!!! Đâu đó trong cuộc sống xung quanh hay trên báo mạng bạn vẫn thấy rất nhiều sự vô cảm với đồng loại như mẫu chuyện: Nạn nhân bị cướp hai lần ở TP HCM, Bạo hành trẻ em ở Quảng Ngãi hay ở Cà Mau, cụ bà Osin bị ngược đãi ở HN, những Video clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau đã thực sự gây Sock khiến dư luận bất bình và lên án gay gắt tính côn đồ và sự tàn nhẫn trong hành vi bạo lực. Lo ngại hơn cả là thái độ bàng quan, thờ ơ, và cổ vũ của các bạn trẻ khi chứng kiến một hành vi bạo lực tàn nhẫn trong học đường, hay đến những vụ cưỡng chế đất đai có dấu hiệu công lý bị chà đạp gây hậu quả tai hại về chính trị, niềm tin của người dân... là những ví dụ nhức nhối về lòng tử tế khiến chúng ta không khỏi đau xót về sự xuống cấp của sự băng hoại những giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay .
Hãy tự làm đẹp bản thân không chỉ bằng học vấn hay bộ quần áo mình đang mặc, những gì mình đang có trong " Cuộc Đời phù du" mà bằng cả những lời nói chia sẻ chân thành và cả "Tình người" với nhau trong những cơn hoạn nạn hay bĩ cực của đồng loại bạn nhé. Sự ứng xử chuẩn mực của bạn trong mọi tình huống dù bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ cho đến những hành vi, hành động cụ thể đều thể hiện một nhân cách và đạo đức của một"Con người" theo đúng ý nghĩa của nó. Sự tử tế - Là giá trị tinh thần cao quý- suy cho cùng là "Sản phẩm phi vật thể" mang giá trị tinh thần cần được nuôi dưỡng và phát triển trong một xã hội văn minh.
Dấu hiệu tha hóa về đạo đức ngày càng nghiêm trọng có thể sẽ là một mối hiểm họa khôn lường đối với cả một dân tộc. Xin được kết thúc bài Entry bằng lời của đạo diễn Trần Văn Thủy, NSND: "Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người tử tế..."
Lặng im ngồi bó gối, điếu thuốc lại vờn mây khỏa lên trời những gam màu đen trắng trong cuộc Đời thế tục. Mơ về nơi xa... Cầu mong " Sự tử tế sẽ lên ngôi!"
Quảng Ngãi 14/3/2012
Nguyễn Hữu Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét