Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012
Quảng Ngãi: Thương về Xứ Nẫu!
Chiều nhạt nắng trên đồi. Tôi đứng lặng trong một không gian tĩnh mịch đầy nỗi u hoài trên đồi Thanh Lâm giữa ngàn thông reo, nơi các bậc tiền nhân họ tộc Nguyễn yên nghỉ… Hương nhang phảng phất tỏa lan trong gió chiều. Lòng bâng khuâng hoài niệm... Thương về xứ Nẫu!
Thương về xứ Nẫu - Miền Trung! Trong sự tiếp biến và giao thoa văn hóa, phương ngữ xứ Nẫu đi vào ca dao, thơ, dân ca, văn học dân gian mở rộng ra bao trùm cả miền trung khu V bao gồm các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên. Tuy âm sắc phát âm mỗi vùng mỗi khác do vị trí địa lý nhưng đều chân quê, mộc mạc và có nhiều điểm tương đồng. Nếu một lần về đây để cảm nhận, người xứ Nẫu mến khách, thân thiện và hài hước, hồn nhiên
"... Bạn về xứ Nẫu ngẩn ngơ Nẫu cười."
Nẫu cười thì kệ Nẫu cười, Nẫu cười lạnh bụng, hở mười cái răng"
Cái khí chất ăn sóng, nói gió của cư dân miền duyên hải miền Trung cũng góp phần vào cái sắc thái ngôn ngữ xứ Nẫu, phương ngữ xứ Nẫu như cái độ nồng mặn chát mang theo cả gió biển và cát nóng khắc nghiệt, hình thành nên khí chất người dân xứ Nẫu: Cần mẫm, hiền lành nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạch, tình cảm nhưng vụng về, trào lộng và dí dỏm... Dân xứ Nẫu không khôn ngoan, ngọt ngào và khéo léo như người xứ Bắc , không lịch lãm và rộng rãi, vô tư như người xứ Nam Bộ cho nên đi xa mưu sinh thường ít thành đạt, ít bạn nhưng nếu có bạn tri kỷ sẽ sống chết vì bạn. Dân Nẫu sống trực tính và khí khái, trực tính quá hóa cực đoan, đôi khi Nẫu không quan tâm người khác nghĩ về mình như thế nào nên hay đề cao cái Tôi cá nhân. Quan trọng là cái Tâm của Nẫu nên " Mược kệ Nẫu" như Nẫu dzậy ( Nẫu vậy) Đặc điểm chung của dân xứ Nẫu miền Trung là vậy.
Về Đức Phổ (Quảng Ngãi), bạn sẽ nghe câu ca dao rất đỗi thân thương về tình yêu thủy chung:
" Thuốc ngon chợ Huyện
Giấy quyến Sa Huỳnh
Ai xa thì mược nẫu
Chớ hai đứa mình đừng xa!"
Người quê tôi được gọi là "Dân Xứ Nẫu", đây là từ phương ngữ chỉ đại từ nhân xưng "Nẫu" đã trở nên phổ biến với chất giọng nằng nặng, thô ráp nhưng chân chất không lẫn vào đâu được của người dân vùng quê nghèo. Xứ Nẫu là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi tiếp giáp với tỉnh Bình Định, là mảnh đất kiên trung trong chiến tranh nơi bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh.
Xứ Nẫu là quê hương của nền văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, là nền Văn hóa Champa cũng được phát hiện ở Đức Phổ với các bia ký khắc trên đá bằng chữ Sanskrit ( Chữ Chăm cổ) được tìm thấy tại thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, cùng với các phong tục tập quán, các lễ hội dân gian : Lễ hội cầu ngư, hát sắc bùa,... đã tạo nên một vùng quê có bản sắc và truyền thống nghệ thuật độc đáo, phong phú, đa dạng, phản ảnh được bản chất và khí phách của người dân nơi đây. Người Xứ Nẫu thủy chung, nhân ái, quý trọng nghĩa tình, cần cù, hiếu học, yêu lao động.
Người quê tôi cục mịch và chân quê, ăn nói cục hòn, nói chắc như đinh đóng cột như câu tỏ tình nổi tiếng đi vào phương ngữ người bản địa với giai thoại dí dõm, hài hước trong cách biểu lộ tình cảm lứa đôi bằng một thái độ hết sức trung thực "Nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt" như bản chất thiệt thà, chất phác của Nẫu:
"Yêu hổng yêu thì thâu, nói dứt phát" ( Yêu không yêu thì thôi, nói dứt khoát). Ừ! Thì người xứ Nẫu rành rọt, yêu ghét rõ ràng nên tình yêu cũng phải "Dứt phát" huống chi thứ khác. Hay là câu than thân trách phận: " Thương chi cho uổng tâm tình, Nẫu dzìa xứ Nẫu bỏ mình bơ vơ"
Đó là những lời tâm sự không phô diễn mà kín đáo, không cuồng nhiệt mà vẫn đủ độ mặn nồng, không lời hoa bướm nên rất mực chân thành
"Mưa sa nhỏ giọt như dầu
Khổ thời anh chịu chứ lìa nhau anh không lìa."
Tất cả tạo nên tính phức điệu, đa thanh trong ngôn ngữ giao tiếp xứ Nẫu, trong từng câu hò, điệu hát mang đầy hương vị hồn quê.
Còn nhớ Hầu nào (Hồi nào) ngày còn bé thơ trong cảm giấc hân hoan, sung sướng khi lần đầu tiên sau năm 1975 Ba đưa tôi "Dzìa Xứ Nẫu". Bà con trong họ tộc mừng vui đón Ba trở về. Một chút ngạc nhiên khi lần đầu tiên trong kí ức tuổi thơ tôi được nghe những từ phương ngữ thô ráp, chân chất, thân thương của người miền quê Đức Phổ ( Quảng Ngãi). Ba dẫn tôi lên đồi chỉ vào từng ngôi mộ của các bậc tiền nhân trong tộc họ Nguyễn rồi giới thiệu cho tôi về mộ của Ông tổ, bà tổ, mộ của ông bà Nội, của bà con thân thuộc trong dòng họ. Ba chỉ cho tôi những di tích lịch sử địa đạo còn sót lại trên đồi như một di tích của chiến tranh còn sót lại trên mảnh đất này.
Tôi vẫn thường nhớ lời Ba dạy bảo:"- Kẻ nào dứt áo ra đi mà không nhớ về mái tranh, gốc rạ, về ông bà tổ tiên sẽ bị Nẫu " Ngầy".
"Chu cha!" Xứ Nẫu nghèo lắm! Dường như cái đặc sản mà người dân nơi đây thường xuyên gánh chịu là chiến tranh, bão lụt và thiên tai. Nhưng từ cái khó khăn khắc nghiệt đó đã hun đúc nên tính cách người Xứ Nẫu, hun đúc nên truyền thống hiếu học lâu đời trên mảnh đất này. Người Xứ Nẫu kiên cường trong chiến tranh, cần cù chịu khó trong cuộc mưu sinh vất vả, vượt lên trên cả là ý chí và truyền thống của con người nơi đây. Đó không thể là sự may rủi, không phải là sự cam chịu số phận, mà là nghị lực phi thường của những thế hệ tiền nhân đi trước đã khai phá mảnh đất này. Có lần tôi hỏi Ba: "- Dòng họ Nguyễn lập nghiệp ở đây lâu chưa hả Ba?". Ba cười :"- Lâu lắm, chẳng ai còn nhớ là Đời nào nữa nhưng rất lâu. "
Thời gian thoáng chim bay. Sau hơn 20 năm đất nước đau thương bị chia cắt và oằn mình dưới bom đạn của cuộc nội chiến tàn khốc để lại nhiều hậu quả nặng nề, khi đi trai tráng khi trở về mái tóc đã bạc màu hoa râm. Trong biến cố năm 1954 - như một bị kịch của cả dân tộc Việt Nam - các bác, Ba tôi, các cô, chú và người thân ruột thịt trong dòng họ lại bị chia ly trong nước mắt, người ra Bắc, người vào Nam, người ở lại xứ Nẫu trong vùng tranh chấp ác liệt.
Trở về làng quê Xứ Nẫu trong ngày đất nước thanh bình tưởng mong gặp được người thân, được sum họp một nhà nhưng " Người xưa nay còn đâu": Người mất, người hy sinh, người phiêu bạt tứ xứ... Đó là nỗi đau chung của nhiều gia đình Việt Nam sau thời hậu chiến. Những năm về trước chiến tranh khốc liệt triền miên nhiều người dân Xứ Nẫu phải bỏ Xứ phiêu bạt mưu sinh hay vì nhiều lý do khác nhau phải ra đi. Dù đi đâu, về đâu " Nẫu có xa mược Nẫu" nhưng trong lòng Nẫu vẫn day dứt ân tình với quê hương.
Những năm cuối Đời trong kiếp nhân sinh, ba đưa chúng tôi về quê nhiều hơn để nhắc nhở và giáo dục chúng tôi luôn nhớ về cội nguồn của mình. " Sống gửi thác về" Năm 2003 Ba tôi mất, chúng tôi đưa ba về miền quê xứ Nẫu nằm cạnh ông bà tổ tiên như mong muốn của Ba.
Với tôi, những chuyến đi về thăm ông bà tổ tiên, về miền quê đến Thanh Lâm, Lộ Bàn, Sa Huỳnh, núi Dầu Rái, núi Chóp Vung, sông Trà Câu, Châu Me... bao giờ cũng mang đến nhiều cảm giác bình yên và gần gũi đến kỳ lạ. Bầu không khí làng quê dịu ngọt, êm đềm. Xa xa, bên xóm núi đập An Thọ thấp thoáng những thân cò trắng lặn lội kiếm ăn, một tiếng chim cu đất "Gọi Đồng", màu khói lam chiều vờn bay trên những mái nhà lúp xúp ven chân núi... Khung cảnh buồn man mác, thanh bình và êm đềm nhưng vẫn toát lên cái gì đó của vẻ thanh bần. Bưng bát cơm quê với đủ mùi vị ngọt của cá đồng kho với nghệ, tự dưng thấy lòng ngào ngạt một thứ cảm xúc thật lạ :"- Thương hoài về Xứ Nẫu... Dẫy ngheng".
Sau này đi xa, chạnh lòng thương bà con xứ Nẫu khi chợt nghe tin đài báo bão về miền Trung. Lang thang trong miền ký ức xưa, tôi luôn nhớ về hương vị quê nhà trong góc khuất riêng của tâm hồn: Nhớ kỷ niệm của một thời cắt cỏ, chăn trâu trong đập An Thọ, nhớ về khung cảnh làng quê thanh bình, nhớ đêm trăng đậm đà hương cau, nhớ cả mùi vị bánh ít lá gai trong ngày "Giỗ Họ" ở nhà Bác Tám, những dịp Thanh minh được Ba dẫn đi tảo mộ ông bà trên đồi, nhớ cả "Cái nghèo" của người quê xứ Nẫu trong những năm thời bao cấp, nhớ tiếng võng Nẫu ru con kẽo kẹt à ơi trong lời ru ngọt ngào.
" Tay cầm ống chỉ xe lần
Nơi xa trùng họ, nơi gần bà con
Giậm chân xuống đất cái bon,
Nay em ở vậy, chồng con đâu nà! "
"... Ngó lên hòn núi Chóp Vung
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông
Ước gì em chửi có chồng
Anh về thưa cha mẹ, đem rược hồng đón em."
" Lá rụng về Cội", Chầu rày trong tháng Thanh Minh, Nẫu ( Bác Ba Gái, anh Lân, dượng và cháu ruột ) từ Bình Thuận về quê xứ Nẫu cùng người bà con tại quê nhà thực hiện di nguyện cuối cùng của chị Bốn : Xây 14 ngôi mộ cho ông bà tổ tiên nội ngoại.
Chị Bốn mất năm 2009 vì bị ung thư, trước khi mất chị di nguyện bán mảnh vườn của mình một phần để cúng Chùa, một phần về tu sửa và xây mới 14 ngôi mộ bà con nội ngoại trong tộc họ Nguyễn trong tháng Thanh minh. Đây cũng là di nguyện cuối cùng của chị Bốn trong phút lâm chung trên giường bệnh. Chị vẫn luôn nhớ thương về vùng quê xứ Nẫu trong những ngày bạo bệnh.
Mái tóc cắt ngắn bạc phơ, khuôn mặt hiền hòa và giọng nói lơ lớ của người miền Nam, bác Ba thì thầm:"- Hèn lâu mới về thăm quê. Sống có Phước sẽ có Phận. Chắc đây là lần về cuối cùng của Bác về thăm quê, về sửa sang mồ mả tổ tiên theo di nguyện của chị Bốn, về quê thắp cho ông bà một nén nhang. Bác già rồi Hổng đặng về một lần nữa, sống cái nhà chết cái mồ mầm vầy cho trọn nghĩa cháu con với ông bà tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng."
Bác Ba khóe mắt rưng rưng, cười vui trong viên mãn. Lâu lắm, cả cuộc đời xa quê nay mới có dịp về thăm quê thực hiện di nguyện của người đã mất và một chút ân tình với tiền nhân trong họ tộc. Mọi người đều vui vì công việc đã hoàn tất. Mắt ai đều ngấn lệ, đỏ hoe vì xúc động. Hôm nay 18/4/2012 ( 28/3/2012 AL) Người xứ Nẫu cúng tạ sau gần hai tuần về xây mộ cho ông bà tổ tiên... Mọi người tỏa đi khắp nơi đốt nhang, khấn vái các bậc tiền nhân và bà con trong dòng họ Nguyễn. Bác Ba xúc động khi con cháu dẫn đi thắp hương trên mộ của các bậc Hiển cao Tổ tỷ do hậu duệ tôn tử ( Anh Châu, anh Thuấn ở TP Cần Thơ, anh Bảy ở Sài Gòn, anh Tiến, anh Mười, anh Sáu, anh Năm ở Đức Phổ-Quảng Ngãi) đồng phụng lập năm 2009.
Lâu lắm rôi tôi không về thăm quê, thương về miền quê bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, thương quê nghèo trước một thiên nhiên đầy ẩn họa và tai ương. Thương người xứ Nẫu lam lũ, nhọc nhằn mưu sinh trong cuộc Đời thế tục. Trong ngày nông nhàn, thôn xóm vắng bóng người "Dzẫy á" chỉ toàn người già và con trẻ... Người dân Xứ Nẫu lại vất vả vào Sài Gòn làm "Dân nhập cư" để nhọc nhằn mưu sinh với đủ các nghề: Bán vé số, đạp xích lô, bán hũ tiếu...
Một thời trai trẻ dấn thân, tôi xúc động cay cay nơi sống mũi khi tình cờ gặp nhiều người đồng hương xứ Nẫu "Bạc mặt" trên đất "Sài Thành" trong những xóm lao động nghèo. Nẫu rong ruổi trên những nẻo đường "Sài Thành" trong những ánh đèn đêm của Vũ trường, quán Bar sôi động bằng những đôi chân bền bỉ với gách hàng rong để kiếm tiền về xây nhà cửa, xây mồ mả ông bà tổ tiên, nuôi con ăn học. Bóng Nẫu liêu xiêu trãi dài trên những con phố đêm để nuôi những hy vọng ngày mai.
" Mẹ già sáng cháo chiều rau.
Cắc ca cắc củm từng hào nuôi con"
Làng quê Xứ Nẫu từng ngày đổi thay cũng nhờ một phần vào những đồng bạc cóp nhặt và những giọt mồ hôi lặng lẽ trong đêm như thế ! Người xứ Nẫu cóp nhặt từng đồng bạc lẻ trên những cuốc xe xích lô thẫm đẫm mồ hôi để nuôi con vào Đại học, từ những đồng tiền thẫm đẫm mồ hôi của Nẫu biết bao kỹ sư, bác sĩ, giáo sư,.. đã thành đạt từ vùng quê nghèo.
Đất nghèo nuôi những hiền tài. Gia tộc họ Nguyễn trong thôn Thanh Lâm - Phổ Ninh vẫn tự hào về ý chí hiếu học và sự thành đạt của con cái gia đình anh Hai Ánh, bà con trong thôn và mọi người trong dòng họ luôn nói về những đứa con của Nẫu với cả sự tự hào đáng khâm phục và lấy tấm gương hiếu học của gia đình Nẫu để răn dạy con cái mình " Học để thoát nghèo".
Lớn lên, đi đó đây tâm hồn nông cạn của tôi như rộng mở. Vật vã, tất bật với cơm áo gạo tiền trong những rối rắm xô bồ của đời sống nơi đô thị... Lâu lắm, tôi mới trở về quê Xứ Nẫu thăm bà con và làng quê gắn với kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi quay trở về những mong tìm một chốn nương náu trong tâm hồn yếu đuối và đa cảm để thấy tâm hồn mình được bình an. Thương nhớ về xứ Nẫu !
Làng quê xứ Nẫu nay đổi khác nhiều với những con đường mới mở, những khu công nghiệp, khách sạn, Resort sang trọng mọc lên nhiều hơn trong sự phát triển của đô thị hóa nông thôn nhưng " Người già cô đơn nhiều hơn" ngay trên làng quê của Nẫu, ruộng vườn bị thu hẹp những cánh cò tản mát, tiếng chim cu đồng ngơ ngác nhường chỗ cho những dịch vụ và thương mại hóa. Chạnh lòng khi lũ trẻ bây chừ có đứa đi học từ thành phố, đứa đi làm ăn từ phương xa về mang theo nhiều từ lóng xa lạ, nhiều ngôn ngữ hiện đại thời @ ... Từ phương ngữ chân quê dần mất hẳn trong đời sống thường nhật của bà con, cảm thấy hương vị hồn quê xứ Nẫu dần nhạt nhòa. Thảng thốt như mất một cái gì đó chẳng biết gọi tên.... Uh! Dzậy á.
Chiều ni Xứ Nẫu, tôi nghe có tiếng u trầm vang lên từ cõi vĩnh hằng như tiếng thì thầm từ lòng đất, nơi hồn thiêng tổ tiên gửi vào đó bao Đời nay vọng về.
Tôi là người nhà quê - Xứ Nẫu với lòng tri ân sâu sắc nhất, xin trân trọng cảm ơn tất cả những gì xứ Nẫu mang lại cho chúng tôi. Và với lòng bao dung, xin quên đi tất cả những gì Nẫu đã vô tình đánh mất. Ngẫm nghĩ, còn chút gì đọng lại trong tôi với Nẫu, suy ngẫm với những trãi nghiệm trong cuộc Đời để biết trân trọng những gì miền quê xứ Nẫu đã ban tặng cho chúng tôi.
Nén nhang đã cháy gần hết... Giữa ngàn thông reo vi vu trên đồi. "Ngọn gió vô thường" lao xao như ngân lên những giai điệu ngọt ngào của làn điệu dân ca miền Trung xứ Nẫu:
Thân, trách thân nè. Thân sao chớ lận đận nè
Mình, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu
Chớ bởi thân tui, Tui cực khổ, tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa
Mà nó theo Nẫu rồi...
Em ơi chớ bây giờ mà
Em ở kìa nơi đâu?
Chớ để cho anh nè
Anh trông đứng nữa trông ngầu (ngồi)
Rồi canh phia (khuya), chớ hầu (hồi) nào
Qua Phú Lỡ ăn ẩu (ổi) chua
Chớ xuống Đại Lãnh, uống nước ngót
Chớ qua Hòn Dừa, ăn mực nen (nang)
Chớ bây giờ em không ngó nữa
Em không ngàng đến chồng nghèo nó cực khổ
Mà gian nan nó cơ hàn...
Hầu (hồi) nào chớ em thất nghiêp, em đi lang thang
Chớ anh thấy em nữa tậu (tội) nghiệp
Anh mang anh nuôi rày.
Hầu (hồi) nào em bán nước đá rầu (rồi) anh đi may.
Hai đứa mình nè, chung sống chứ không biết ngày rầu (rồi) mai sau.
Chớ hầu (hồi) nào em bắt ốc rầu (rồi) anh hái rau.
Chớ bây giờ, em đở (để) lại mối sầu này cho qua...
Hầu (hồi) nào trái chuối chín... Cũng cắn làm ba
Chớ trái cam tươi cũng cắn... Làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Chớ bây giờ em lấy Nẫu
Em ăn nằm, em bỏ Qua
Chớ Qua hiu quạnh, năm canh một mình...
Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh
Chứ giọt lợ (lệ) sầu, giọt lệ thảm,
Như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ, như con Cuốc nó kêu tù qua
Chớ nó lẻ đâu (đôi), nó lẻ bạn,
Í quơ chú cha ơi.... là buồn!
( Than Thân trách phận - Dân ca cổ khu 5 " Nẫu ca")
Quảng Ngãi, 16/4/2012
Nguyễn Hữu Quang
Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
Quảng Ngãi
Cảm nhận về hình tượng "Cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài Sơn Mỹ.
Hàng nghìn lượt du khách trong nước và Quốc Tế đã trở lại Quảng Ngãi vào tháng ba hàng năm để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về khu chứng tích Sơn Mỹ. Nhiều người trong số đó là cựu chiến binh Mỹ, họ đến đây để sám hối và xin được tha thứ. Vì thế, mỗi năm ở đây vào ngày 16-3 đã trở thành ngày giỗ chung của các gia đình trong làng Sơn Mỹ. Mỗi buổi sáng tháp chuông trước tượng đài Sơn Mỹ rung lên 504 tiếng chuông mang ý nghĩa cầu siêu cho 504 đồng bào bị quân đội Mỹ thảm sát. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã kết thúc từ lâu, những nhân chứng sống sót sau cuộc thảm sát đang sống những năm tháng cuối cùng của tuổi già nơi làng quê Sơn Mỹ đang từng ngày hồi sinh. Một thế hệ trẻ đã được sinh ra và lớn lên sau ngày thống nhất đất nước. Đâu đó, có lúc tưởng chừng như người ta đã quên kí ức chiến tranh đã từng xảy ra ở đây. Nhưng với người dân làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thì nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn với những đau thương mất mát khủng khiếp trong chiến tranh còn dai dẳng những hệ lụy sau thời hậu chiến.
Nếu một lần đến Quảng Ngãi, bạn hãy đến khu chứng tích Sơn Mỹ ( Mỹ Lai), bởi đây không chỉ là một di tích lịch sử nổi tiếng của địa phương mà còn là một quần thể tượng đài, tượng tròn và phù điêu mang tính nghệ thuật cao.
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng vào năm 1978 tại địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ để ghi nhớ tội ác chiến tranh. Khu chứng tích Sơn Mỹ có diện tích 2,4 ha gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn. Năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ 11,7 tỷ đồng nâng cấp công trình , khu chứng tích Sơn Mỹ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Khuôn viên ngoài trời được phục dựng với cảnh tượng tan tóc giống xưa. Nhà trưng bày xây theo mô típ nhà mồ. Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin có chủ trương đầu tư nâng cấp di tích này trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng, năm 2003, Sở VH-TT Quảng Ngãi khởi công mở rộng Khu chứng tích trên 10.000m2 để xây dựng một số hạng mục như: nhà trưng bày, đường nội bộ, tôn tạo phục dựng một số di tích, xây dựng tượng đài... với kinh phí gần 12 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Khu chứng tích Sơn Mỹ được nâng cấp, mở rộng và trở thành một di tích đặc biệt quan trọng gây sự chú ý của du khách mỗi khi đến Quảng Ngãi.
Ðến Sơn Mỹ , ấn tượng mạnh nhất đối với mọi du khách là tượng đài Sơn Mỹ. Tượng đài Sơn Mỹ nằm ở vị trí trung tâm của khu chứng tích. Đến đây không một ai cầm được nước mắt, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để dâng hương, vòng hoa, lặng người để cảm nhận và chia sẻ nỗi đau tột cùng của những nạn nhân trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.
Tượng đài Sơn Mỹ là một trong những tượng đài được đánh giá cao về nội dung biểu hiện và giá trị nghệ thuật, đã trở thành một biểu tượng và là sự đau thương, mất mát của người dân Quảng Ngãi trong chiến tranh, là dấu ấn đáng ghi nhận của điêu khắc Quảng Ngãi, tượng đài mang đến cho người xem cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ và xúc động sâu sắc với hình tượng"Cái bi" được biểu hiện mang đậm nét sử thi và hoành tráng.
Phạm trù của mỹ học là "Cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài được phản ánh chân thực và sáng tạo từ một sự kiện lịch sử bi thương ở vùng đất "Quảng Ngãi đất Mẹ ngoan cường" trong chiến tranh. Bằng sự trãi nghiệm và sáng tạo của người nghệ sĩ đã được nâng lên thành một "Cái bi điển hình" của sự mất mát hy sinh lớn lao của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là sự thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa nội dung và hình thức thể hiện. Xét về nghệ thuật "Hình tượng cái bi" trong nghệ thuật tạo hình của tượng đài mang bản chất xã hội sâu sắc: Tính lịch sử, tính dân tộc, tính giai cấp, tính nhân loại... Đặc trưng phương tiện ngôn ngữ biểu đạt là mảng, khối chắt lọc đã khái quát được những đặc trưng cơ bản của một tượng đài về tính điển hình, tính biểu cảm và ước lệ của nghệ thuật để phản ánh cô đọng "Hình tượng cái bi". Các hình tượng dường như" Biết nói", tưởng như còn nghe đâu đó cả tiếng"Thét gào" của những nạn nhân như tiếng chuông cảnh tỉnh lương tri loài người về tội ác chiến tranh, là lời kêu gọi hòa bình cho nhân loại. Tất cả đều bắt nguồn từ cái: Chân- Thiện- Mỹ trong cuộc sống. Điều gì đọng lại cho du khách một lần đến nơi đây nếu không là sự lan tỏa bằng những rung động thẩm mỹ có sức cuốn hút mãnh liệt, gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người.
Tượng đài được xây dựng vào năm 1992, do họa sĩ, nhà điêu khắc Châu Đình Du xây dựng phác thảo, nhà điêu khắc Châu Đình Du, Hồ Thu ( Anh Hồ Thu là chồng của chị Liên - một trong những nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ) và một số họa sĩ khác cùng tham gia thực hiện. Bằng sự sáng tạo các nghệ sĩ đã xây dựng nên một tượng đài nghệ thuật sinh động, giàu cảm xúc, có sức thẩm thấu, lay động sâu sắc trong công chúng và sức lan tỏa rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội.
Thông qua tác phẩm điêu khắc này, các họa sĩ và nhà điêu khắc muốn nói lên hai ý nghĩa lớn: Hình ảnh người dân Sơn Mỹ bị tàn sát ngày 16/3/1968, diễn tả sự chết chóc kinh hoàng trong một sự kiện đẫm máu, xác người chết chồng chất: Con gái ôm xác cha, mẹ ôm xác con, anh ôm xác em…. Họ là những người già, phụ nữ, trẻ con, không vũ khí, không phản kháng; Dù cận kề cái chết họ vẫn muốn bảo vệ cho nhau và trên từng khuôn mặt lộ ra một nét phẩn uất vô hạn.Tác phẩm còn là tiếng chuông cảnh tỉnh lương tri loài người hãy biết nâng niu, bảo vệ hòa bình và là sự lên án tội ác chiến tranh.
Tượng đài Sơn Mỹ được bố cục theo lối hiện đại với những mảng khối chắt lọc và cô đọng đã thể hiện “Cái bi” trong nghệ thuật tạo hình với phong cách nghệ thuật hiện đại. Đặc điểm, phong cách và thủ pháp tạo hình của quần thể tượng đài giống với nghệ thuật điêu khắc cổ điển của Nga. Quần thể tượng đài mang lại cho công chúng thưởng ngoạn những hình ảnh gây xúc động lòng người về cái bi thương, sự lãnh lẽo vô hồn của chết chóc tràn ngập khắp nơi trong buổi sáng định mệnh.
Tượng đài phác họa một sự kiện đẫm máu và đầy bi thương. Nơi đây, vào ngày 16-3-1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, thảm sát người dân Sơn Mỹ vô tội với chủ trương: Đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng muốn biến nơi này thành vùng đất chết. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía Tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung các thôn Mỹ Lai, Mỹ Hội, Bình Tây và xóm Gò, thôn Cổ Lũy với Khoảng 140 lính Mỹ, chủ yếu ở hai trung đội Charlie, Bravo và Anphal dưới sự chỉ huy của đại tá Ernest Medina cùng lúc đồng loạt gây ra một cuộc thảm sát man rợ xuống người dân trong làng Sơn Mỹ. Số người bị tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. (*)
Mười tám tháng sau đó, vụ thảm sát được phanh phui ở Mỹ, làm chấn động dư luận thế giới và lương tâm loài người. Khắp nơi trên giới người ta bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động tội ác dã man này và so sánh nó với Guernica, Shapeville, Katin, Hiroshima... Sơn Mỹ đi vào lịch sử như một trong những vết thương nhức nhối của nhân dân Việt Nam cũng như của cả nhân loại trên thế giới.
Nhìn tổng thể tượng đài Sơn Mỹ được bố cục theo hình tam giác với chất liệu đá tạo cho người xem sự vững chãi, mỗi người mỗi dáng vẻ điển hình, mỗi nhân vật từ trẻ con đến người già đều có sức biểu cảm cao về ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc. Hình ảnh đau thương của đồng bào nơi đây đã được các họa sĩ, nhà điêu khắc khái quát thành công bằng hình tượng nghệ thuật tạo hình thể hiện cái bi thương và sự mất mát đau thương.
Những hình tượng nhân vật được xây dựng lấy từ nguyên mẫu của sự kiện bi thương trong giai đoạn đầy oanh liệt và hào hùng của dân tộc được hòa nhập, gắn liền với cuộc chiến tranh cách mạng, tập hợp thành nhóm người thể hiện sự đoàn kết, bất khuất khi đối diện với quân thù. Phía trước tượng đài là hình ảnh một chị phụ nữ đang che chở cho một cụ già với nét mặt phẩn uất, kinh hoàng. Cụ già ngã sóng xoài dưới đất vì trúng đạn nhưng nét mặt dường như còn thảng thốt không hiểu những gì đang xảy ra xung quanh với mọi người dân trong thôn Tư Cung trong buổi sáng kinh hoàng đó, bàn tay cụ buông thỏng thể hiện sự bất lực.
Người dân bình dị, chất phác ở vùng quê nghèo nơi đây trong tay không một tấc sắt dù cận kề cái chết mọi người vẫn muốn bảo vệ cho nhau. Người xem không khỏi xúc động khi bên phải tượng đài là hình ảnh hai em bé nằm ôm nhau, che chắn cho nhau trước họng súng của kẻ thù được lấy từ nguyên mẫu từ bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” của phóng viên chiến trường Ronald Haeberle là loạt ảnh về cuộc thảm sát Mỹ Lai 43 năm trước trên tạp chí Life và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. ( Vẫn còn nhiều tranh cãi về hai đứa bé trong bức ảnh tưởng như " Đã chết" trong vụ thảm sát. )
Trọng tâm của tượng đài là hình tượng người mẹ tay ôm xác con trong tư thế vững chắc với những mảng khối chắc khỏe cũng đã thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo lối biểu hiện tượng trưng đem lại cho người xem những mỹ cảm sâu sắc. Dáng đứng người mẹ vươn ra phía trước với vẻ kiên cường và thách thức khi đối diện với cái chết, đôi mắt rực lửa căm thù nhìn về phía trước không hề nao núng.
Hình tượng người mẹ được xây dựng với khuôn mẫu gần gủi, bình dị mà dường như chúng ta đã gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường. Toàn bộ tượng đài là sự chết chóc lạnh lẽo tưởng như vô hồn với “Cái bi” đau thương bao trùm, nhưng điểm nhấn của tượng đài chính là hình ảnh người mẹ sừng sững một tay ôm xác con, một tay nắm chắc đưa cao lên trời với đôi mắt uất hận và căm thù đã nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẻ đẹp tuyệt với của người phụ nữ Việt Nam, tượng đài đã phản ánh hiện thực cuộc thảm sát tàn khốc mà quân đội Hoa Kỳ đã gây ra cho đồng bào ở nơi đây, nhưng đồng thời mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Những người dân tưởng chừng như mềm yếu nhưng lại rất kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh thân mình để ngăn chặn tội ác, bảo vệ đồng bào và làng quê.Trong khuôn viên của khu chứng tích Sơn Mỹ còn khá nhiều tượng tròn nhỏ đầy biểu cảm, những cụm phù điêu mang giá trị nghệ thuật cao. Trong những chất liệu đá tưởng như vô hồn kia , dưới sự sáng tạo của các nghệ sĩ, du khách đến nơi đây sẽ cảm nhận được"Cái bi" trong hình tượng nghệ thuật tạo hình của tượng đài Sơn Mỹ bằng ngôn ngữ nghệ thuật biểu cảm đặc trưng của hình khối cuồn cuộn, những chiều sâu thăm thẳm làm lay động lòng người trước sự u buồn, trầm mặc khi đối diện với những cái bi thương mất mát trong cuộc chiến tàn khốc. Khu chứng tích Sơn Mỹ không phải là nơi khơi gợi hận thù, mà là nơi vang vọng tiếng gọi lương tâm nhân loại đang khao khát cuộc sống hòa bình Và là tiếng chuông cảnh báo"Con người hãy cảnh giác!"
Đây là một trong những tượng đài được đánh giá là đẹp nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về nội dung và hình thức thể hiện. Tác phẩm “Tượng đài Sơn Mỹ” đã đem lại cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng một diện mảng quý giá đã được minh chứng qua thời gian, khẳng định được giá trị và nghệ thuật trong nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện để xây dựng và khắc họa thành công “ Cái bi” trong nghệ thuật tạo hình, tác phẩm có sức cuốn hút mãnh liệt đem lại cho mọi người sự xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc. Tượng đài được xây dựng mang đậm tính dân tộc, tính nhân văn và mang rõ dấu ấn của thời đại, đóng góp và làm phong phú cho phong cách mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Giáo dục thẩm mỹ thông qua các tác phẩm nghệ thuật tạo hình ở địa phương sẽ là một cách tiếp cận để giáo dục về lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng, giáo dục tình cảm nhân văn hết sức nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả cao về giáo dục .Việc đẩy mạnh nghiên cứu mỹ thuật đương đại ở địa phương được xem là cần thiết và có phần cấp bách để đánh giá đúng mức các di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu nhằm giáo dục tình cảm thẩm mỹ, thái độ và hành vi, ý thức bảo vệ các di sản, tình cảm nhân văn cho thế hệ trẻ trong tương lai.
Nhìn lại Sơn Mỹ, một sự kiện hết sức đau thương trong quá khứ không phải để khơi gợi lại hận thù, mà để tìm hiểu một sự kiện lịch sử bi thương trong chiến tranh Việt Nam và quan trọng hơn là để cùng nguyện cầu cho hòa bình, để không còn nơi nào trên thế giới còn những thảm cảnh như Sơn Mỹ. Về lại Sơn Mỹ hôm nay, lịch sử đau thương đã dần khép lại, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang từng ngày hồi sinh với màu xanh của ruộng đồng cây trái, màu ngói đỏ của những công trình mới xây dựng như một sự hồi sinh kỳ diệu của sức sống mãnh liệt và trường tồn trên mảnh đất Quảng Ngãi kiên cường.
Có thể nói ở góc độ nghệ thuật tạo hình với sự thành công về "Hình tượng cái Bi" trong tượng đài Sơn Mỹ, các nghệ sĩ tạo hình đã phản ánh được một sự kiện đau thương của một vùng đất có truyền thống cách mạng ngoan cường với sự mất mát hy sinh to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là sự hy sinh lớn lao của đồng bào Sơn Mỹ và cái bi thương của chiến tranh vẫn còn ám ảnh lên những thân phận của người dân ở vùng quê nghèo sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, tượng đài góp phần trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tình cảm, xây dựng phong cách thẩm mỹ mới phục vụ đông đảo công chúng thưởng ngoạn. Những giá trị về lịch sử và nghệ thuật cũng như giá trị nhân văn của tượng đài Sơn Mỹ đã được minh chứng ghi dấu với thời gian, để lại những đỉnh cao trong nghệ thuật tạo hình, làm tăng giá trị của kho tàng nghệ thuật điêu khắc, đồng thời góp phần giáo dục tình cảm nhân văn và truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi,6/11/2011
Nguyễn Hữu Quang
(TB: Bài viết xin được phép sử dụng một số thông tin, số liệu (*) từ khu chứng tích Sơn Mỹ . Xin chân thành cảm ơn)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)