Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011
"Tây Nguyên...Trôi."
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa
Trong các câu chuyện cổ của người Tây Nguyên, đặc biệt là các trường ca, rất hay nhắc đến biển. Có nhiều cách lý giải, ví dụ như đấy là khát vọng, nhưng điều này không vững vì phải thấy thì mới... khát vọng chứ. Cách nữa là do tạo sơn gì đấy nên biển hóa Cao nguyên, mà dấu tích vẫn còn trong cổ tích... vân vân... liệu có một trường hợp này xảy ra không: trăm năm nữa, trong một văn bản nào đó, người ta giải thích về Tây Nguyên: Nơi đây từng có... rừng.
Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng, thậm chí có thông tin là rừng đã kịp... hết. Cách đây hai chục năm, chỉ ra khỏi nội ô Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... ta đã lạc vào rừng. Bây giờ cả ngày đi trên đường Hồ Chí Minh chang chang nắng chỉ gặp những đoàn xe khổng lồ chở gỗ từ Lào, Campuchia về. Muốn dừng xe dưới bóng mát nghỉ mà không có cây. Rừng như chỉ còn trong cổ tích...
Sẽ ra sao nếu Tây Nguyên không còn rừng?
Cổ tích Việt nói rằng mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, năm mươi con ở lại cùng cha, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Dằng dặc thời gian, tháng năm, thăng trầm dâu bể, năm mươi người con ấy làm nên một phần đất Việt. Họ sống cùng rừng, chết cùng rừng, hòa quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một văn hóa rừng bền vững và đậm chất nhân văn, hợp quy luật và hợp lẽ sống.
Văn hóa rừng ấy giờ đang trôi về biển, trên những chuyến xe khổng lồ rùng rùng lún đất suốt ngày đêm đưa sản vật về xuôi, mà nhất là gỗ. Để trơ lại những khu rừng... không cây.
Văn hóa rừng ấy giờ đang được... thay máu. Người ta quan niệm cao su, cà phê, bạch đàn... cũng là rừng và thế là hàng chục ngàn héc ta rừng được phá để... trồng cao su, cà phê... mà người ta không biết rằng những cái cây trơ trọi kia có thể nó làm ra đồng tiền ngay trước mắt, nhưng nó không có đời sống, nó vô tri vô giác, nó không phải là nơi đất lành chim đậu, không có những tầng những vỉa, những bí ẩn tâm linh, những phập phồng thức mở để rừng là lá phổi của hành tinh và là mái nhà của con người.
Văn hóa rừng ấy còn đang bị thủy điện giết chết. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mới đây nhất, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền. Không phải ngẫu nhiên mà bà con Tây Nguyên ở nhà sàn. Nó phù hợp với tập tính và môi trường sống mà phải những ai am hiểu mới biết. Tương nhà bê tông nền xi măng vào, sự khác biệt cách sống khiến cho người ở bức bối như người ở nhờ, và nhỡn tiền là sự mất vệ sinh khi bà con vẫn có thói quen hút thuốc và nhổ, uống rượu cần giữa nhà, thậm chí đi chân đất... những thói quen ấy được giải quyết rất nhẹ nhàng khi bà con ở nhà sàn, có cầu thang như một trạm nghỉ, có bếp lửa giữa nhà và sàn bằng le, nứa... có kẽ hở, nước rượu cần, nước rửa tay, thức ăn rơi vãi... đều rơi xuống gầm sàn và sàn vẫn khô, sạch...
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa, với cái gì cũng phong cho lễ hội như "lễ hội cồng chiêng", "lễ hội đâm trâu", "lễ hội rượu cần"... trong khi nó chỉ là một thành tố của lễ hội, người ta phục dựng những cái ấy theo ý chí của người... Kinh. Cũng như thế, người ta phong văn hóa cho đủ thứ, từ nhà rông văn hóa, làng buôn văn hóa, đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, "thập cẩm" văn hóa... mà chính người phong ấy có khi không hiểu văn hóa là gì? Các hội diễn, các lễ hội... của người Tây nguyên là do ý chí của người Kinh, do người Kinh đạo diễn, trong khi đồng bào, những chủ thể ấy lại trở thành... khách. Toàn bộ lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai năm nào là cuộc biểu dương âm nhạc Nguyễn Cường và các nghệ sĩ múa người Kinh. Các chủ nhân của chiêng, đồng bào dân tộc đến từ mấy chục tỉnh thành trên cả nước "được" vây quanh sân khấu trong bóng tối, gõ chiêng trên nền nhạc... Nguyễn Cường. Người ta đề cao "văn hóa" rượu cần bằng cách trước khi uống rượu tây, uống bia, mang rượu cần ra mời khách trước trong nhà hàng muôn muốt trắng với dao nĩa ly tách mà không biết rằng, cách ly ra khỏi làng, rượu cần chỉ còn là... nước lã. Cũng như thế, bứng cồng chiêng mang ra phố dưới ánh sáng đèn màu trên sân khấu vuông loằng ngoằng dây điện là một cách để chiêng diệt vong nhanh nhất...
Vì thế, tôi thấy Tây Nguyên đang... trôi...
VĂN CÔNG HÙNG
Nguồn ST
http://vanconghung.blogspot.com/2011/08/tay-nguyen-troi.html
Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011
Khi "Nhà văn chơi blog"
Mình chơi blog từ năm 2007. Trước đó thì chẳng biết blog là cái gì. Vào mạng chủ yếu để check mail, xem qua loa vài tờ báo, thế thôi. Một hôm nghe đứa học trò chat với mình, nói thầy không lập cái blog cho vui. Mình hỏi blog là cái gì, nó bảo đó là trang web cá nhân dùng để giao lưu với mọi người. Khi đó mình nghĩ chắc blog cũng na ná trò chơi điện tử, người ta bày ra cho tụi trẻ chat chit giết thời gian.
Thế nên mới có câu:
"Mẹ ơi chớ đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Thôi đừng có đánh bài lờ
Dẹp ngay bờ lóc tao nhờ, được không?"
...Thời đó còn Yahoo 360, mình thấy có mấy ông nhà văn cũng lập blog, nghĩ bụng mấy ông này buồn cười, khi không lại bờ lóc bờ leo, rõ là dở hơi chập mạch, hi hi. Thế rồi bỗng dưng mình nghiện blog từ khi nào không biết. Con gái học lớp 9 lập cho mình cái blog, nói ba viết đi. Nó giục năm lần bảy lượt, nể con quá mới viết đại một entry ngắn. Viết xong post lên xong rồi cũng quên đi, không để ý.
Ba bốn ngày sau sực nhớ mới mở ra xem, có tới mấy chục cái còm (comments- phản hồi, nhận xét) đổ xuống không biết tự lúc nào, thật quá ngạc nhiên. Đa số các còm đều chào hỏi và bình luận, có những bình luận rất sâu sắc, chẳng khác gì một bài phê bình ngắn gọn súc tích của giới phê bình chuyên nghiệp.
Không ngờ văn học mạng có tính tương tác hay đến vậy.
Xưa có một truyện ngắn đăng lên, giỏi lắm có vài cái thư bạn đọc, vài ba cú điện thoại bạn bè động viên chia sẻ. Thường thì ít khi nhận được những bình luận từ bạn đọc, tác phẩm đăng lên cứ như lọt thỏm vào hư vô, chẳng biết thiên hạ có đọc không, người ta khen chê thế nào. Văn học mạng hoàn toàn khác, chỉ cần mình post bài lên, vài phút sau đã thấy vài chục người, vài trăm người, thậm chí vài ngàn người vào đọc. Chừng một giờ sau bắt đầu nhận được vài chục cái còm, nếu cái mình viết có chút gì đó thú vị thì còm đổ xuống rào rào, một ngày có tới cả vài trăm comments, đặc biệt có entry số còm đổ xuống cả ngàn, không thèm nói ngoa.
Mình nhớ khi viết xong entry : “ Kỹ niệm nhỏ với Võ đại tướng” đã một giờ sáng. Nghĩ bụng giờ này chắc chẳng có ma nào đọc nhưng mình vẫn post bài lên. Đi nằm chừng một tiếng, chợt nhớ ra có sai vài từ. Khó ngủ, mình dậy mở máy sửa lại. Chẳng ngờ đã có hơn ba trăm cái còm đổ xuống với rất nhiều chiều ý kiến khác nhau.
Choáng. Vừa mừng vừa sợ, không thể tưởng tượng nổi thiên hạ quan tâm đến bài viết này đến như thế.
Từ đó entry nào của mình cũng có từ một đến vài trăm còm. Hạnh phúc của nhà văn là được bạn đọc đón đợi và chia sẻ, hơn ba chục năm cầm bút chưa khi nào mình mới được tận hưởng hạnh phúc của nhà văn như thời này. Đã quá trời.
Nhất là hoản cảnh của mình, từ ngày bị nạn suốt ngày ru rú ngồi nhà. Vợ đi làm con đi học, rất nhiều khi mình đơn độc giữa bốn bức tường. May có blog, ngày ngày mình ngồi nghe tiếng lao xao của bạn đọc xa gần qua các comments, vui đáo để. Nhờ thế mình viết nhiều hơn, hay dở chưa bàn, nhưng 4 năm mình viết blog, số trang viết gấp đôi số trang viết 30 năm cầm bút của mình cộng lại. Thật tuyệt vời.
Bây giờ thì nghiện rồi, nghiện nặng. Lắm khi mệt mỏi quá cũng muốn bỏ nhưng không cách sao bỏ được. Nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog thì không thể. Đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vào blog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu pv (lượt người truy cập). Thấy nhiều người còm, pv tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng. Xưa mới mở blog, những ngày đầu thấy pv một, hai trăm đã sướng củ tỉ. Một ngày có một, hai trăm lượt người vào đọc cái của mình đâu phải chuyện đùa. Đến khi pv lên đến một ngàn/ ngày thì tâm hồn treo ngược cành cây. Đến bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc mơ.
Sau một thời gian ú ớ mù mờ, coi mạng méo là thứ tào lao, văn học mạng là đồ vớ vẩn, đến bây giờ hầu hết các nhà văn đều đã thành thạo vào mạng.
Ai cũng có một ngày vài giờ lướt mạng. Ngồi nhậu với nhau chỉ nói chuyện thông tin nhặt được trên mạng. Người nào không biết mạng tự nhiên bị chõi ra, cứ quê quê thế nào ấy. Nói thực các nhà văn xa rời mạng méo bị lạc hậu rất nhanh, nói chuyện gì cũng thấy quê quê cũ cũ, viết lách lại càng cũ mèm. May thay số này không nhiều, có lẽ chỉ chiếm 1% các nhà văn Việt đương thời.
Các nhà văn có blog cũng nhiều lắm, chắc đến hơn một phần ba số hội viên Hội nhà văn. Một thời gian dài các nhà văn không mặn mà với blog lắm. Cũng như mình ngày xưa, nhiều nhà văn cho blog là trò vô bổ của mấy ông đồ gàn, mấy lão dở hơi. Thậm chí có người cho là chỉ có bọn háo danh mới lập blog để khoe văn, nhà văn đàng hoàng không bao giờ chơi blog. Xưa Thùy Linh thấy mình, thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến), thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) chơi blog nó lườm nguýt bỉu môi, nói mấy ông này dở hơi, càng già càng hóa rồ. Ngồi nhậu đâu nghe tụi mình nói chuyện blog là nó vằn mắt lên, nói mấy ông hết chuyện để nói rồi à. Thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) cũng thế, thấy mình chơi blog nó nhắn tin, nói để thời gian kiếm tiền nuôi vợ con anh ơi.
Hi hi bây giờ cả hai đều là những con sâu nghiện blog. Thùy Linh mới lập blog được hai tháng nay. Lúc đầu thấy ít người vào cũng hơi buồn, đến entry “Sexy tất cả trừ lòng yêu nước” pv tăng vù vù là mê luôn. Ngày ngày đọc cả núi bản thảo kịch bản, thỉnh thoảng lại mò vào blog xem pv tăng bao nhiêu, có ai còm không. Rời công sở về nhà chưa kịp cơm nước gì, mò vào blog re còm (reply- trả lời comments).
Ăn xong chưa kịp rửa bát, vội vàng thả mâm đó lại mò vào blog re còm. Nửa đêm “ru” chồng ngủ xong là lẻn dậy viết bài. Trước đây cả năm Thùy Linh cũng chỉ viết một hai bài, từ ngày có blog nó viết liên tù tì, tuần vừa rồi nó chơi bốn năm bài, bài nào bài nấy rất công phu kĩ lưỡng.
Thằng Vinh thì khỏi nói, cứ post xong bài là nó nhắn tin loạn cả lên, nói vừa lên bài đấy, vào đọc đi, nhớ còm nhé. Nó phục còm và pv từ sáng đến tối. Một hôm mình đến chơi nhà nó, thấy nó nửa đêm vẫn còn ngồi thu lu phục còm. Mình cười, nói giờ này người ta ngủ hết rồi chẳng còn ai còm cho mày nữa đâu. Nó cười hì hì, nói không, còn thằng Thuận Nghĩa ở bên Đức, nó thường còm cho em giờ này. Thằng này còm dài, đã lắm. Rồi nó ngâm nga:
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chờ còm còn khổ hơn trâu.
Hi hi nửa đêm nó gọi điện cho mình thì thào rất nghiêm trọng, nói anh ơi hạnh phúc vô biên… năm ngàn năm ngàn. Mình tưởng nó kiếm được năm ngàn đô, té ra blog cu cậu hôm đó pv đạt năm ngàn, chết cười.
Cũng chẳng bằng Phạm Ngọc Tiến. Đêm hôm rét mướt nó vẫn không chịu chui vào chăn ôm vợ cho ấm, cứ ngồi nhìn trân trân lên màn hình. Vợ nó ngạc nhiên, nói anh làm gì mà không đi ngủ. Nó lầu bầu, nói em ngủ trước đi, anh đang căng thẳng đây này. Vợ nó hỏi sao. Nó nói còn mười phút nữa là 12 giờ đêm, pv anh thiếu 2 khách nữa đầy 500, chờ mãi chẳng thấy ma nào vào, điên thế chứ. Vừa dứt lời thì có 4 khách vào, nó nhảy cẩng lên, nói a ha mơ được ước thấy, bố mày vượt mức kế họach rồi. Vợ nó ôm bụng cười rũ.
Có đêm đến 3 giờ sáng nó gọi điện. Mình giật mình hoảng hốt tưởng nhà nó có chuyện gì. Nó rầu rỉ nói vợ ốm con đau tao chẳng thèm gọi cho mày đâu, nhưng chuyện này thì tao phải gọi.
Mình nói chuyện gì, nó bảo vừa đổ về chục còm, sướng rêm nhưng tòan còm “phản động” mày ạ. Mình nói thế thì xóa đi.
Nó thở ra, nói xóa dễ thế thì tao chẳng hỏi mày. Chờ mãi mới kiếm được chục còm, xóa cái còm nào tiếc đứt ruột cái đó, loại còm này bỏ thì thương vương thì tội, tức thế chứ. Nó hạ giọng rầu rĩ, nói người ta bảo cấm có sai:
"Bầm ra ruộng cấy bầm run
Con chơi bờ lóc còn run hơn bầm. Hi hi."
Nguyễn Quang Lập
Nguồn: Quechoa blog
http://chiaseketnoi.com/2462/nha-van-choi-blog-nguyen-quang-lap.html
Nghề mẫu khoả thân và gam trầm cuộc đời
(Tin tuc) - Vẽ người mẫu khỏa thân là môn học quan trọng không thể thiếu được của các trường mỹ thuật, là niềm cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm… Có thể nói rằng người mẫu khỏa thân đã góp phần làm nên nền mỹ thuật. Thế nhưng, nghề người mẫu cũng rất nhọc nhằn, bấp bênh và bạc bẽo.
Xưa nay vì định kiến xã hội nên họ phải dấu diếm ngay cả với gia đình, bạn bè về nghề của mình. Cuộc đời những người làm nghề mẫu khỏa thân cũng lắm nỗi đoạn trường, mang nhiều uẩn khúc xót xa.
Sướng khổ nào mấy ai hay
Ngoài các trường mĩ thuật, kiến trúc... sử dụng người mẫu khoả thân cho môn học hình hoạ, điêu khắc thì nhiều họa sĩ cũng sử dụng người mẫu khoả thân để sáng tác. Không có con số thống kê cụ thể về số lượng người mẫu khoả thân hiện nay nhưng có lẽ cũng không nhiều lắm (Theo một số họa sĩ thì khoảng trên dưới 100 người). Phần lớn họ đều là nữ giới có tuổi đời từ 18- 50. Nghề người mẫu khoả thân không yêu cầu tuyệt đối về sắc đẹp và vóc dáng, dĩ nhiên càng hoàn mĩ càng tốt. Nhưng người mẫu khoả thân phải toát lên được những hình khối, đường nét, góc cạnh độc đáo nào đó và có thần thái để người vẽ có cảm hứng sáng tạo.
Một tiết học vẽ khoả thân ở lớp tại chức do trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội mở ở Nghệ An
Chị P nhà ở Mai Động (Hà Nội) có thâm niên 20 năm trong nghề cho biết: "Để làm được nghề này việc đầu tiên là vượt qua được "cửa ải"... xấu hổ. Tôi nhớ lần đầu tiên ngồi mẫu ở Trường Đại học Mĩ Thuật ở Yết Kiêu, tuy đã được chuẩn bị về tâm lý rồi nhưng bắt đầu cởi quần áo tôi thấy sợ run bắn lên. Hàng chục con mắt nhìn vào tôi thấy rợn cả da thịt, tinh thần và cơ thể nó mất phương hướng rồi tê cứng lại, mất cảm giác. Xong đợt ngồi mẫu đó là cảm giác lo sợ xâm chiếm lấy tôi, sợ gia đình và bạn bè biết được. Cầm những đồng tiền bồi dưỡng lúc ấy tôi khóc nức nở và nghĩ sẽ không bao giờ bước chân vào đó nữa. Nhưng, như một duyên nợ, tôi đã gắn bó với nghề hơn 20 năm như một định mệnh".
Theo chị P, nhìn bề ngoài nghề này có vẽ dễ dàng nhưng để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp cũng không hề đơn giản. Có một số người đã bỏ ngay từ đầu vì không vượt được cửa ải đầu tiên và những khó khăn như: Tạo dáng, đứng, ngồi, quỳ hoặc nằm hàng tiếng đồng hồ. Có những bài thi tốt nghiệp môn điêu khắc phải ngồi đến vài tháng... bất kể thời tiết khắc nghiệt. Trời mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt chỉ có một đống lửa nhỏ bên cạnh nhưng họ vẫn phải khoả thân để ngồi. Việc làm mẫu còn gây đau cơ thể vì tư thế bất động, và các người mẫu phải khoẻ mạnh mới kham nổi nghề này.
Nhiều người đã không bỏ nghề mẫu khỏa thân vì miếng cơm, manh áo
"Có lúc tôi nghĩ các mạch máu đông cứng lại, bởi tư thế bất động, khiến máu không chảy được. Tôi từng bị đau kinh khủng, một số tư thế khó khăn lắm. Bạn hãy tự tưởng tượng bạn ngồi bên phải, thân xoay sang một bên. Cổ tay bạn đau ghê gớm, mông và thắt lưng cũng đau lắm "Làm nhiều rồi quen chứ ban đầu ngồi mẫu xong về toàn thân đau ê ẩm phải bóp dầu, có chị Ng đồng nghiệp với tôi ngồi lạnh quá về cả lạnh nằm ốm cả tháng", Chị P tâm sự.
Tuy là một nghề đặc biệt và vất vả cũng rất đặc biệt nhưng nhiều người đã không bỏ nghề vì miếng cơm, manh áo... Và càng ngày có nhiều nguời tình nguyện bước vào nghề này. Chị H một người mẫu có thâm niên cho biết: "Trước đây bọn chị tiền công không ăn thua, không xứng với công lao động đổ ra đâu em ạ, nhưng mấy năm trở lại đây tiền công cũng có đỡ hơn. Nếu như thực hiện đủ ngày công theo hợp đồng thì được 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Có một số chị em trẻ, có dáng chuẩn thu nhập 2- 3 triệu đồng/ tháng chưa kể chạy sô cho các trường và các hoạ sĩ tự do thì thu nhập cao hơn nhiều."
Tuy nghề mẫu khoả thân ngày nay có thu nhập đỡ hơn nhưng nghề này cũng không thoát khỏi quy luật đào thải khốc liệt của nó. Những người mẫu trẻ hơn, có dáng người chuẩn tất nhiên họ có được hợp đồng là chuyện rất dễ dàng, và những người mẫu già bị đào thải đó là điều không thể tránh khỏi.
Gam trầm những phận đời
Chị L, một cựu người mẫu cho các trường Mỹ Thuật ở Hà Nội cho biết: Ngày ấy chỉ vì yêu nghệ thuật nên chị đồng ý làm người mẫu khoả thân. Lúc đầu ngượng và khó chịu nhưng làm riết rồi thì quen. Chị làm được 6 năm thì bỏ nghề. Sau đó chị lấy chồng nhưng khi biết chị từng làm nghề người mẫu khoả thân thì người chồng đuổi chị ra khỏi nhà. Không chồng, không nghề nghiệp, như một định mệnh chị lại quay về trường tiếp tục làm nghề người mẫu khoả thân.
Chị chia sẻ: "Chồng bỏ là một nỗi đau, nhưng còn nỗi đau nữa đó là người đời họ nhìn mình bằng một ánh mắt khác, định kiến lắm. Khó có một người chồng nào chấp nhận cho vợ cởi quần áo cho thiên hạ nhìn lắm! Nhưng hình như cái nghề đó nó vận vào thân như một định mệnh. Nên tôi cũng chả trách ai".
Từ khi chị bước và nghề mới 17 tuổi mang vẻ đẹp thanh xuân căng tràn sức sống ai cũng thích nhìn. Nhưng những thăng trầm của cuộc đời đã làm cho chị chóng tàn phai nhan sắc. Và sự nghiệt ngã của nghề đó là sự đào thải, nhường chỗ cho sự trẻ trung hơn, đẹp hơn. Và bây giờ chị là một bà già tóc bạc bán nước ở một quán cóc ven đường, sống thui thủi một mình...
Những người vì yêu mến nghệ thuật đến với nghề người mẫu khoả thân như một sự tự nhiên như chị L là số ít. Phần lớn là do hoàn cảnh nghèo túng và thất nghiệp nên họ đã đến với nghề này. Chị N nhà ở ngoại thành chồng mất để lại 2 đứa con nhỏ nên hơn chục năm nay chị vừa làm người mẫu vừa nuôi con ăn học.
Chị tâm sự: "Hai đứa con tôi đã lớn nhưng tôi dấu không cho các cháu biết nghề này. Nghề ngồi mẫu khoả thân vẫn còn nhiều định kiến lắm. Tôi giấu nhưng rồi cuối cùng khu phố nơi tôi ở ai cũng biết. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt khác như là sự khinh bỉ. Tôi phải sống thui thủi, khép kín. Khổ lắm chú ạ. Đây là một nghề thị phi và lắm tai tiếng. Hơn chục năm nay tôi chứng kiến hầu hết những người làm nghề này ai cũng có số phận thật hẩm hiu. Tình duyên, chồng con đều trắc trở... và thu nhập từ nghề này cũng bạc bẽo lắm !"...
Trường hợp chị M ở Thanh Trì, Hà Nội cũng rất cám cảnh. Vào nghề từ năm 17 tuổi, có thâm niên 20 năm trong nghề, chị có thu nhập khá nhờ chạy sô làm người mẫu cho các trường đại học mĩ thuật. Tình duyên trắc trở đến năm 35 tuổi chị mới lấy chồng. Mới cưới nhau được vài năm thì chồng mất để lại chị đứa con gái và khoản nợ rất lớn. Chị phải làm việc cật lực để nuôi con và trả nợ cho chồng. Khi trả hết nợ thì tuổi xuân không còn. Và chị phải chuyển nghề. Hiện nay chị đi bán vé số dạo và sống một mình buồn bã cô đơn nơi góc phố nhỏ Thanh Trì.
Hiện nay một số trường Mĩ Thuật ở Hà Nội và TP. HCM có một số biên chế cho người mẫu, còn hầu hết là họ làm theo hợp đồng tính theo giờ. Có một nguyên tắc về danh dự và đạo đức nghề nghiệp là không tiết lộ tên tuổi, danh phận và cả chụp hình khi làm việc với người mẫu. Chính điều này giúp bảo vệ nhân thân người làm mẫu, nhưng cũng là bức tường bao làm người mẫu mãi vô danh. Mà vô danh thì rất khó mà cải thiện việc thu nhập. Nghề người mẫu khoả thân là một nghề lương thiện và khó nhọc - Họ hy sinh cho nghệ thuật nhưng cuộc sống và cuộc đời của họ như một gam trầm mang nhiều uẩn khúc xót xa.
TAGS: nguoi mau, nghe nguoi mau, truong my thuat, nguoi mau nu, tin tuc, tin hot, tin hay
http://vn.360plus.yahoo.com/quangmt69/article?mid=679&prev=681&next=677
Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011
Cô gái câm và một giấc mơ…!
Đến với cù lao An Phú
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, ngược về phía Bắc sau đó rẽ xuống phía Đông có một thôn nhỏ – Thôn An Phú, thuộc xã Tịnh An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nơi đây có những số phận con người đã và đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sự đùa cợt của tạo hóa, gây cho người khác nhiều điều trắc ẩn về cuộc đời của họ.
Sau gần 20 phút đi xe con qua những con đường ngoằn ngoèo trong xóm, chúng tôi phải để xe bên này sông Trà Khúc, xuống thuyền máy để đến cù lao An Phú .Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa mưa lũ, cả thôn An Phú giống như một ốc đảo nên mọi người thường gọi là cù lao An phú. Người dân ở cù lao An Phú sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây thôn An Phú vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng những thân phận cá nhân thì không phải “ngày một ngày hai” có thể giải quyết được và hơn nữa ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Con người ở đây sống hiền hòa, hiếu khách, và nhân hậu…Thế nhưng, cuộc đời đã không công bằng với họ.Đằng sau những mái tranh nghèo bên dòng sông Trà hiền hòa là những thân phận, cảnh nghèo gieo neo… và rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để sẻ chia và đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở cái cù lao nhỏ bé này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp tình cờ trên đường cũng là một thanh niên mặt mũi sáng sủa, lanh lợi khoảng 28 tuổi, chúng tôi hỏi nhà Thoa, anh trò chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm …Số phận trêu ngươi ! Cả cái thôn nhỏ bé nhưng rất nhiều hộ gia đình có người bị câm, chưa có một số liệu chính xác về người câm, điếc ở cù lao này nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ : Có gia đình một người, có gia đình hai người, như gia đình cô Thoa có đến ba người đều bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh…mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả , thiệt thòi mà những người dân ở đây phải gánh chịu.
Số phận trêu ngươi
Thoa đón chúng tôi trước ngõ.Em cười và chào chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm với đôi mắt vui mừng như đón một người thân lâu ngày trở về. Nhưng nhìn vào đôi mắt đó tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa.
Trong căn nhà cấp bốn, ông Bùi Quang Hưng – Bố của Thoa – trầm ngâm, buồn bã cho biết :” Cả thôn này rất nhiều người bị câm điếc bẩm sinh, phần lớn đều là người họ Bùi : Có hộ một người, có hộ hai người, riêng gia đình tôi là 3 người . Ngày đứa con đầu lòng sinh ra vợ chồng tôi mừng lắm khi thấy đứa bé trông xinh xắn và khỏe mạnh, nhưng khi nó lớn lên mới biết nó bị câm, bị điếc. Rồi đến đứa thứ hai cũng cũng bị câm, điếc như vậy.Bao nhiêu lần sinh là bao nhiêu hi vọng có đứa con bình thường biết bi bô cất tiếng gọi cha, gọi mẹ, nhưng mỗi lần sinh là mỗi lần vợ chồng tôi lặng người trước một sự thật đau đớn .Vợ chồng tôi buồn ghê lắm chú ạ! Tôi động viên bà, bà an ủi tôi.Chúng tôi vẫn mong những lần sinh sau sẽ có được những đứa con khỏe mạnh để nương tựa khi tuổi già, lần sinh thứ ba vợ tôi sinh đôi .Xót xa thay đứa chị là bé Thoa cũng bị câm, điếc.Đứa kia may mắn hơn như người bình thường hiện cháu là SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cả gia đình tôi năm người con thì có đến ba đứa bị câm, điếc bẩm sinh chú ạ! Sao “ Ông Trời” nỡ bắt tội chúng tôi ! …”
Tôi tranh thủ đi một vòng quan sát và tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô bé. Gia cảnh gia đình thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.Ông Hưng làm nghề nông và mộc, vợ vì sức khỏe yếu nên chỉ trông mong vào thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ ven đường, căn nhà cấp bốn mới được ông Hưng vay mượn tiền để sửa chữa, từ khi có căn nhà vững chãi khi mưa nắng ông không còn phải lo nhất là ở nơi cù lao đấy bão, lụt như miền đất xứ Quảng này. Điều mà ông Hưng lo lắng nhất là những đứa con câm, điếc đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống phía trước họ ra sao ? Ông cũng không thể biết được, cũng không thể che chở và bao bọc cho con mãi được. Điều lạ là gia đình ông Hưng cũng chưa nhận được bất kỳ một sự trợ giúp và hỗ trợ nào từ các tổ chức đoàn thể và xã hội cho con cái ông có thể hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi trò chuyện cùng Thoa. Ngôn ngữ mà Thoa trò chuyện với chúng tôi là cử chỉ, điệu bộ, có khi còn dùng tay kết hợp với nét mặt, miệng, đầu…và dùng cả cây viết để diễn đạt ý nghĩ của mình.Khi hỏi về cuộc sống đời tư và những ước muốn, Thoa cười có ẩn chứa những nét buồn và tâm sự bằng cử chỉ và điệu bộ: ” Em mong muốn được vẽ, vẽ là sở thích và cả niềm đam mê của em…”.Khi nào không diễn tả được thì mỗi dòng chữ loằng ngoằng , ngắn gọn của Thoa lại thay thế. Trên những nét chữ còn rõ sự vụng về ấy, là công việc, là cuộc sống, là tâm tư của một cô gái câm . Thoa viết chậm, vì thế nên rất ít viết, chủ yếu trả lời qua thái độ, cử chỉ và qua đôi mắt. Thật lạ !Đôi mắt của một cô gái câm ở chốn cù lao An Phú không u buồn mà luôn rực sáng.
Chia sẻ với tôi, bà Kiều Thị Thu – Mẹ của Thoa – tâm sự với giọng buồn buồn: “ Nhà có ba đứa con bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, hai đứa lớn đều đi làm thuê hái café ở Đaklak, còn bé Thoa ở nhà : Khi còn nhỏ, nó là người sáng dạ và tôi thật sự ngạc nhiên khi cháu không đi học nhưng có thể giao tiếp với người bình thường bằng chữ viết.Cháu rất thích vẽ, mọi người trong xóm cần vẽ đều nhờ đến nó. Khi cháu 18 tuổi, nhờ người quen giới thiệu cháu được thầy Thái ( Họa sỹ, GV mỹ thuật trường ĐH Phạm Văn Đồng ) nhận làm học trò.Cháu không quản ngại đường sá đi lại rất vất vả xa xôi phải vượt qua những trảng cát, qua đò, đi xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến nơi học vẽ… Từ ngày cháu đi học vẽ đời sống tâm lý, tình cảm cháu thay đổi rất nhiều, mặc dù có nhiều khó khăn đường sá xa xôi nhưng thấy cháu yêu thích vả lại cháu đã quá thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện cho cháu đi học vẽ .Cũng có lúc, Thoa phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền mua vật liệu vẽ …Gia đình tôi luôn xem thầy Thái như ân nhân của cháu…”
Ở nhà ngoài thời gian phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, Thoa rất thích vẽ, cô vẽ bằng tất cả những vật liệu gì có thể tìm thấy trong nhà.Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những “cuộc chơi”. Đối với Thoa vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì cô có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên như muốn trãi bày những tâm sự và ước muốn của mình . Đôi khi Thoa thả lòng mình vào trong bức tranh và say mê nhìn ngắm sản phẩm của mình .Hội họa đã giúp cô truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ, màu sắc… Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ của cô được chuyển tải vào trong đó
Bà lục một số bài vẽ của Thoa đem cho chúng tôi xem, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy em thật sự có năng khiếu hội họa.Qua các phương tiện ngôn ngữ của hội họa như đường nét, màu sắc…Mỗi gam màu, đường nét trên mỗi bức tranh như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của Thoa với mong muốn được trãi lòng mình ra với mọi người, với cuộc đời.…
Theo bà Thu cho biết ngoài thời gian học vẽ cô đã hoàn thành khóa đào tạo nghề thêu nghệ thuật do tổ chức hổ trợ và phát triển Đức ( German Development Service ) tổ chức tại Quảng Ngãi ( từ 2/5/2009 đến 2/8/2009 ) nhưng rồi cô cũng không có một cơ hội để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình.
Nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của cô.Thời gian học vẽ của cô kéo dài gần 3 năm liên tục dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Thái. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong vấn đề truyền đạt nhưng cô đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản của hội họa. Những bài vẽ của Thoa rất lạ, màu rất đẹp và cả ý tưởng cũng rất mới mẻ- gây cả sự ngạc nhiên cho chính thầy Thái và tôi – Những bài vẽ mà ngay cả SV cao đẳng sư phạm mỹ thuật năm thứ ba cũng khó có thể vẽ được như vậy, Thoa được làm quen với các chất liệu hội họa, các thể loại tranh, tập sao chép tranh bằng chất liệu sơn dầu, và bước đầu cô cũng đã bắt đầu biết sáng tác những bức tranh theo cảm xúc của mình… Một hướng đi mới đã mở ra cho cô cho dù vẫn còn xa xăm …Như vậy, Thoa mong muốn được sống bằng nghề vẽ hoặc thêu, nhưng ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi điều đó thực sự khó khăn và khó hơn là còn thiếu những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ…để giấc mơ cô gái câm trở thành hiện thực.
Trong cái xóm nhỏ này, có rất nhiều thân phận cuộc đời của những con người bị thiệt thòi ở nơi đây, họ lặng lẽ sống như một sự cam chịu số phận trớ trêu. Theo tôi biết những năm trước tỉnh Quảng Ngãi chưa có trường khuyết tật dành cho trẻ chuyên biệt và không phải trường hợp nào cũng có điều kiện được đi học tại trường khuyết tật do qui mô của nhà trường còn hạn chế nên sự thiệt thòi của họ càng nhiều hơn . Phần lớn những người khuyết tật ở đây chưa bao giờ được đến trường nên khả năng giao tiếp, nhận thức trong ứng xử với những người xung quanh của họ rất hạn chế, vì thế họ dễ mặc cảm, luôn có tâm lý thích sống co rúm lại. Thanh niên ở đây và các vùng lân cận đến tuổi lập gia đình họ rất sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và truyền kiếp ! Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng, cuộc sống vất vả, nghèo khó của người khuyết tật và những cố gắng của các họ để tồn tại trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân ở chốn cù lao này.
Nhưng có lẽ Thoa là người đặc biệt hơn cả vì đã dám vượt qua những khó khăn của số phận, hoàn cảnh để mong muốn hòa nhập cộng đồng và khẳng định bản thân mình với một ước mơ giản đơn.
Cần lắm những tấm lòng…
Trước khi ra về, ông Hưng và những người hàng xóm cầm lấy tay chúng tôi với lời cầu mong một ngày nào đó các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ có kết luận về những trường hợp như nhiều gia đình ở xóm cù lao An Phú này. Lúc đó, chắc có lẽ gia đình ông Hưng và bao người câm điếc khác sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời. Chia tay họ mà lòng chúng tôi trĩu nặng và cũng thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những con người không may mắn ở đây nói chung và Thoa nói riêng bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho giấc mơ của cô gái không còn quá xa xăm…
01/12/2010
NHQ-PDU
Ảnh 1,2: Nguyến Thị Kim Thoa, năm 18 tuổi
Ảnh 3: Nguyến Thị Kim Thoa,cùng 3 chị em gái đều bị câm ( Thoa đứng giữa)
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, ngược về phía Bắc sau đó rẽ xuống phía Đông có một thôn nhỏ – Thôn An Phú, thuộc xã Tịnh An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nơi đây có những số phận con người đã và đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sự đùa cợt của tạo hóa, gây cho người khác nhiều điều trắc ẩn về cuộc đời của họ.
Sau gần 20 phút đi xe con qua những con đường ngoằn ngoèo trong xóm, chúng tôi phải để xe bên này sông Trà Khúc, xuống thuyền máy để đến cù lao An Phú .Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa mưa lũ, cả thôn An Phú giống như một ốc đảo nên mọi người thường gọi là cù lao An phú. Người dân ở cù lao An Phú sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây thôn An Phú vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng những thân phận cá nhân thì không phải “ngày một ngày hai” có thể giải quyết được và hơn nữa ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Con người ở đây sống hiền hòa, hiếu khách, và nhân hậu…Thế nhưng, cuộc đời đã không công bằng với họ.Đằng sau những mái tranh nghèo bên dòng sông Trà hiền hòa là những thân phận, cảnh nghèo gieo neo… và rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để sẻ chia và đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở cái cù lao nhỏ bé này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp tình cờ trên đường cũng là một thanh niên mặt mũi sáng sủa, lanh lợi khoảng 28 tuổi, chúng tôi hỏi nhà Thoa, anh trò chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm …Số phận trêu ngươi ! Cả cái thôn nhỏ bé nhưng rất nhiều hộ gia đình có người bị câm, chưa có một số liệu chính xác về người câm, điếc ở cù lao này nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ : Có gia đình một người, có gia đình hai người, như gia đình cô Thoa có đến ba người đều bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh…mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả , thiệt thòi mà những người dân ở đây phải gánh chịu.
Số phận trêu ngươi
Thoa đón chúng tôi trước ngõ.Em cười và chào chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm với đôi mắt vui mừng như đón một người thân lâu ngày trở về. Nhưng nhìn vào đôi mắt đó tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa.
Trong căn nhà cấp bốn, ông Bùi Quang Hưng – Bố của Thoa – trầm ngâm, buồn bã cho biết :” Cả thôn này rất nhiều người bị câm điếc bẩm sinh, phần lớn đều là người họ Bùi : Có hộ một người, có hộ hai người, riêng gia đình tôi là 3 người . Ngày đứa con đầu lòng sinh ra vợ chồng tôi mừng lắm khi thấy đứa bé trông xinh xắn và khỏe mạnh, nhưng khi nó lớn lên mới biết nó bị câm, bị điếc. Rồi đến đứa thứ hai cũng cũng bị câm, điếc như vậy.Bao nhiêu lần sinh là bao nhiêu hi vọng có đứa con bình thường biết bi bô cất tiếng gọi cha, gọi mẹ, nhưng mỗi lần sinh là mỗi lần vợ chồng tôi lặng người trước một sự thật đau đớn .Vợ chồng tôi buồn ghê lắm chú ạ! Tôi động viên bà, bà an ủi tôi.Chúng tôi vẫn mong những lần sinh sau sẽ có được những đứa con khỏe mạnh để nương tựa khi tuổi già, lần sinh thứ ba vợ tôi sinh đôi .Xót xa thay đứa chị là bé Thoa cũng bị câm, điếc.Đứa kia may mắn hơn như người bình thường hiện cháu là SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cả gia đình tôi năm người con thì có đến ba đứa bị câm, điếc bẩm sinh chú ạ! Sao “ Ông Trời” nỡ bắt tội chúng tôi ! …”
Tôi tranh thủ đi một vòng quan sát và tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô bé. Gia cảnh gia đình thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.Ông Hưng làm nghề nông và mộc, vợ vì sức khỏe yếu nên chỉ trông mong vào thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ ven đường, căn nhà cấp bốn mới được ông Hưng vay mượn tiền để sửa chữa, từ khi có căn nhà vững chãi khi mưa nắng ông không còn phải lo nhất là ở nơi cù lao đấy bão, lụt như miền đất xứ Quảng này. Điều mà ông Hưng lo lắng nhất là những đứa con câm, điếc đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống phía trước họ ra sao ? Ông cũng không thể biết được, cũng không thể che chở và bao bọc cho con mãi được. Điều lạ là gia đình ông Hưng cũng chưa nhận được bất kỳ một sự trợ giúp và hỗ trợ nào từ các tổ chức đoàn thể và xã hội cho con cái ông có thể hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi trò chuyện cùng Thoa. Ngôn ngữ mà Thoa trò chuyện với chúng tôi là cử chỉ, điệu bộ, có khi còn dùng tay kết hợp với nét mặt, miệng, đầu…và dùng cả cây viết để diễn đạt ý nghĩ của mình.Khi hỏi về cuộc sống đời tư và những ước muốn, Thoa cười có ẩn chứa những nét buồn và tâm sự bằng cử chỉ và điệu bộ: ” Em mong muốn được vẽ, vẽ là sở thích và cả niềm đam mê của em…”.Khi nào không diễn tả được thì mỗi dòng chữ loằng ngoằng , ngắn gọn của Thoa lại thay thế. Trên những nét chữ còn rõ sự vụng về ấy, là công việc, là cuộc sống, là tâm tư của một cô gái câm . Thoa viết chậm, vì thế nên rất ít viết, chủ yếu trả lời qua thái độ, cử chỉ và qua đôi mắt. Thật lạ !Đôi mắt của một cô gái câm ở chốn cù lao An Phú không u buồn mà luôn rực sáng.
Chia sẻ với tôi, bà Kiều Thị Thu – Mẹ của Thoa – tâm sự với giọng buồn buồn: “ Nhà có ba đứa con bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, hai đứa lớn đều đi làm thuê hái café ở Đaklak, còn bé Thoa ở nhà : Khi còn nhỏ, nó là người sáng dạ và tôi thật sự ngạc nhiên khi cháu không đi học nhưng có thể giao tiếp với người bình thường bằng chữ viết.Cháu rất thích vẽ, mọi người trong xóm cần vẽ đều nhờ đến nó. Khi cháu 18 tuổi, nhờ người quen giới thiệu cháu được thầy Thái ( Họa sỹ, GV mỹ thuật trường ĐH Phạm Văn Đồng ) nhận làm học trò.Cháu không quản ngại đường sá đi lại rất vất vả xa xôi phải vượt qua những trảng cát, qua đò, đi xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến nơi học vẽ… Từ ngày cháu đi học vẽ đời sống tâm lý, tình cảm cháu thay đổi rất nhiều, mặc dù có nhiều khó khăn đường sá xa xôi nhưng thấy cháu yêu thích vả lại cháu đã quá thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện cho cháu đi học vẽ .Cũng có lúc, Thoa phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền mua vật liệu vẽ …Gia đình tôi luôn xem thầy Thái như ân nhân của cháu…”
Ở nhà ngoài thời gian phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, Thoa rất thích vẽ, cô vẽ bằng tất cả những vật liệu gì có thể tìm thấy trong nhà.Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những “cuộc chơi”. Đối với Thoa vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì cô có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên như muốn trãi bày những tâm sự và ước muốn của mình . Đôi khi Thoa thả lòng mình vào trong bức tranh và say mê nhìn ngắm sản phẩm của mình .Hội họa đã giúp cô truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ, màu sắc… Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ của cô được chuyển tải vào trong đó
Bà lục một số bài vẽ của Thoa đem cho chúng tôi xem, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy em thật sự có năng khiếu hội họa.Qua các phương tiện ngôn ngữ của hội họa như đường nét, màu sắc…Mỗi gam màu, đường nét trên mỗi bức tranh như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của Thoa với mong muốn được trãi lòng mình ra với mọi người, với cuộc đời.…
Theo bà Thu cho biết ngoài thời gian học vẽ cô đã hoàn thành khóa đào tạo nghề thêu nghệ thuật do tổ chức hổ trợ và phát triển Đức ( German Development Service ) tổ chức tại Quảng Ngãi ( từ 2/5/2009 đến 2/8/2009 ) nhưng rồi cô cũng không có một cơ hội để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình.
Nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của cô.Thời gian học vẽ của cô kéo dài gần 3 năm liên tục dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Thái. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong vấn đề truyền đạt nhưng cô đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản của hội họa. Những bài vẽ của Thoa rất lạ, màu rất đẹp và cả ý tưởng cũng rất mới mẻ- gây cả sự ngạc nhiên cho chính thầy Thái và tôi – Những bài vẽ mà ngay cả SV cao đẳng sư phạm mỹ thuật năm thứ ba cũng khó có thể vẽ được như vậy, Thoa được làm quen với các chất liệu hội họa, các thể loại tranh, tập sao chép tranh bằng chất liệu sơn dầu, và bước đầu cô cũng đã bắt đầu biết sáng tác những bức tranh theo cảm xúc của mình… Một hướng đi mới đã mở ra cho cô cho dù vẫn còn xa xăm …Như vậy, Thoa mong muốn được sống bằng nghề vẽ hoặc thêu, nhưng ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi điều đó thực sự khó khăn và khó hơn là còn thiếu những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ…để giấc mơ cô gái câm trở thành hiện thực.
Trong cái xóm nhỏ này, có rất nhiều thân phận cuộc đời của những con người bị thiệt thòi ở nơi đây, họ lặng lẽ sống như một sự cam chịu số phận trớ trêu. Theo tôi biết những năm trước tỉnh Quảng Ngãi chưa có trường khuyết tật dành cho trẻ chuyên biệt và không phải trường hợp nào cũng có điều kiện được đi học tại trường khuyết tật do qui mô của nhà trường còn hạn chế nên sự thiệt thòi của họ càng nhiều hơn . Phần lớn những người khuyết tật ở đây chưa bao giờ được đến trường nên khả năng giao tiếp, nhận thức trong ứng xử với những người xung quanh của họ rất hạn chế, vì thế họ dễ mặc cảm, luôn có tâm lý thích sống co rúm lại. Thanh niên ở đây và các vùng lân cận đến tuổi lập gia đình họ rất sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và truyền kiếp ! Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng, cuộc sống vất vả, nghèo khó của người khuyết tật và những cố gắng của các họ để tồn tại trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân ở chốn cù lao này.
Nhưng có lẽ Thoa là người đặc biệt hơn cả vì đã dám vượt qua những khó khăn của số phận, hoàn cảnh để mong muốn hòa nhập cộng đồng và khẳng định bản thân mình với một ước mơ giản đơn.
Cần lắm những tấm lòng…
Trước khi ra về, ông Hưng và những người hàng xóm cầm lấy tay chúng tôi với lời cầu mong một ngày nào đó các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ có kết luận về những trường hợp như nhiều gia đình ở xóm cù lao An Phú này. Lúc đó, chắc có lẽ gia đình ông Hưng và bao người câm điếc khác sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời. Chia tay họ mà lòng chúng tôi trĩu nặng và cũng thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những con người không may mắn ở đây nói chung và Thoa nói riêng bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho giấc mơ của cô gái không còn quá xa xăm…
01/12/2010
NHQ-PDU
Ảnh 1,2: Nguyến Thị Kim Thoa, năm 18 tuổi
Ảnh 3: Nguyến Thị Kim Thoa,cùng 3 chị em gái đều bị câm ( Thoa đứng giữa)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)