Nhiều người lần đầu mới gặp Yến chắc hẳn cũng rất ngạc nhiên bởi cách nói chuyện hồn nhiên, yêu đời khiến không một ai dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy có thể nghĩ đây là một người con gái tật nguyền. Cô nói chuyện với mọi người miệng lúc nào cũng nở nụ cười rất tươi, Yến hát rất hay…Những bài hát là sự trải lòng của Yến với cuộc đời. Ấn tượng của tôi trong nhiều lần gặp Yến rất đặc biệt. Trông Yến không giống nhiều người khuyết tật khác. Cô luôn nhìn đời bằng ánh mắt của sự lạc quan và vui vẻ với đôi mắt long lanh. Tôi biết Yến trong một sự tình cờ …Và hình ảnh cô bé luôn đọng trong tôi với nhiều cảm xúc thật kỳ lạ.
Trải lòng cùng tôi, cô tâm sự : “…Em không biết mọi người nhìn em như thế nào nhưng em thấy mình vẫn còn cần phải cố gắng nhiều hơn. Mỗi người một cách nghĩ, một cách sống khác nhau, trước đây em sợ ánh mắt người khác nhìn mình lắm, em sợ họ sẽ thương cảm cho hoàn cảnh của em hơn là nhìn vào chính những khả năng em có thể làm được và giờ đây em đang từng bước thay đổi và hoàn thiện mình theo nhiều nghĩa khác nhau. Cảm ơn bố đã cho em đôi chân, Mẹ đã cho em đôi cánh. Em thấy mình may mắn hơn nhiều người vì có được một gia đình thương yêu và chia sẻ, có được những người bạn tốt luôn quan tâm,sát cánh và chia sẻ với em lúc khó khăn, điều quan trọng hơn trong em luôn tồn tại một niềm tin, nó giúp em vượt qua những mặc cảm, tự ti cố hữu, hay những phút yếu lòng. Một trong những âu lo lớn nhất của con người là đánh mất những gì mình đang có. Thật ra, em cũng lo lắng rất nhiều cho tương lai của mình, không biết sau này mình sẽ ra sao, mình sẽ làm gì để tự nuôi sống bản thân mà không cần nhờ ai trợ giúp và em nghĩ chỉ có con đường học vấn mới giúp em điều đó, em có thể sống nhờ vào cái đầu của mình vì tứ chi của em hầu như không còn khả năng vận động…Cuộc đời với em thật buồn, và cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác cho em, hoặc là đầu hàng số phận, cam chịu hoặc là chiến thắng chính bản thân mình. Em biết, là mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa...”Yến kể chuyện đời mình với tôi bằng những cảm xúc tận đáy lòng. Với một người bình thường để mưu sinh, sống một cuộc sống bình thường đã là khó, bản thân Yến điều đó lại còn khó hơn vì tứ chi của cô hầu như không còn khả năng vận động, tất cả các hoạt động của cô đều nhờ ở một cánh tay trái còn lại và sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, học tập vừa là cơ hội vừa là niềm vui duy nhất với Yến - Chính điều đó một phần giúp Yến có thêm nhiều động lực để luôn kỳ vọng vào ngày mai
“ Tàn tật tất nhiên là bất tiện…”
Sinh năm 1984, Lê Thị Hồng Yến- là con gái đầu trong gia đình ba chị em gái, bố là một CNVC , mẹ buôn bán ở chợ Quảng Ngãi, tuổi thơ của Yến không được trọn vẹn như những đứa trẻ khác…Từ nhỏ, khi mới lên một tuổi, Yến bị sốt bại liệt và dường như đó cũng là một định mệnh trớ trêu của số phận gắn cuộc đời của Yến với chiếc xe lăn. Năm đó, sốt bại liệt tràn lan như một cơn đại bệnh dịch quái ác - Bố mẹ Yến nói - Yến bị liệt chân tay co quắp lại, chỉ còn một cánh tay là còn có thể hoạt động được. Bố mẹ Yến lo lắng vô cùng, bỏ cả công việc đưa Yến đi chữa trị ở khắp nơi nhằm cứu vãn những gì có thể nhưng rồi không có kết quả khả quan, thôi thì xem như đây là số phận. " Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng có "Quà", thì thôi xem như cháu không may mắn nên chẳng có "Quà", thương con nhiều cũng đành chịu thôi, biết làm sao được khi số phận đã an bài."- Bố mẹ Yến thở dài kể về qúa trình chữa bệnh cho Yến khi còn nhỏ.
Tuổi thơ bất hạnh của Yến là một chuỗi ngày buồn vô tận với nhiều sự thiệt thòi. Chỉ học và học…Thế giới của cô bé dường như khép kín trong bốn bức tường chật hẹp và cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn như một định mệnh.
Trong những giấc mơ cổ tích, Yến vẫn hằng mơ một điều kỳ diệu...nhưng, vẫn chỉ là giấc mơ huyền hoặc, không thay đổi được hiện thực của chính mình. Kí ức tuổi thơ của Yến là những ngày buồn, khi còn nhỏ ngồi trên xe lăn nhìn lũ bạn cùng tuổi đang chơi đùa ngoài sân trường với đôi mắt buồn nhìn qua cửa sổ, cô bé ước ao có được một đôi chân lành lặn để được chạy nhảy, nghịch ngợm, vui chơi cùng chúng bạn.
Những lúc buồn , ngắm nhìn những cánh diều nhiều màu sắc, kích thước to nhỏ khác nhau bay lượn trên bầu trời qua ô cửa nhỏ hẹp, cô bé thả mình cùng cánh diều chở ước mơ bay cao vút trên bầu trời xanh trong một giấc mơ xa xăm trở thành “ Nhà thiết kế thời trang” trong tương lai.
Ngạo nghễ trên bầu trời là cánh diều mơ ước tuổi thơ…chở những giấc mơ của một cô bé không may mắn. Những cánh diều no gió chẳng chiếc nào giống chiếc nào - Là hình ảnh của tuổi thơ bình yên, trong sáng, hạnh phúc - luôn vút cao ngạo nghễ với nhiều độ cao khác nhau…Những cánh diều như những thân phận của con người. Một chiếc diều đứt dây, mất phương hướng, chao đảo rồi cắm đầu xuống đất…Làm cô bé buồn đến nao lòng.
Yến lớn lên mà không hiểu tại sao mình lại không được hưởng sự may mắn của số phận như bao đứa trẻ khác, Yến là người chịu nhiều thiệt thòi bởi số phận nghiệt ngã. Yến luôn bị mọi người nhìn với ánh mắt thương hại, Yến sợ nhất là những ánh mắt đó…Nó như đẩy cô bé vào tận cùng của sự yếu đuối và sự mặc cảm tự ti…
18 tuổi, cái tuổi hồn nhiên và đầy khát vọng của con người, Yến mãi mãi không được trãi qua. Khi các bạn cùng trang lứa lần lượt vào các giảng đường ĐH và mơ ước những điều lãng mạn nhất, tràn ngập hy vọng vào những điều tươi sáng trong tương lai, thì Yến gần như bế tắc và tuyệt vọng…Làm sao em có thể tự lo cho bản thân được khi không còn khả năng tự vận động...
Đôi khi cô trăn trở về cuộc sống của chính mình trong tương lai hay những dự cảm âu lo của bản thân về những gì sẽ đến với bản thân mình. Nước mắt Yến vỡ vụn chảy vào trong " Đáng lẽ ra em đã có thể sống rất khác…Con đường vào đời của em quá nhỏ hẹp…”
“…Nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh”
Khi còn nhỏ, nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của Yến. Với mong ước trở thành " Nhà thiết kế thời trang", ngoài thời gian rảnh rỗi Yến còn vẽ rất nhiều : Những nàng tiên, những vườn hoa lung linh nhiều sắc màu, những bộ quần áo đẹp... Vẽ như một trò chơi cô độc mà cô vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thưởng ngoạn. Cô khao khát được miêu tả thế giới xung quanh bằng một bức tranh với những nét vẽ ngây ngô, mảng màu chấm phá một cách ngẫu hứng như những gam màu xám tối trong cuộc đời không may mắn của chính mình. Mỗi đường nét, mỗi hòa sắc trong tranh là biểu hiện của cả một giấc mơ xa xăm, những cảm nhận về thế giới xung quanh, những nỗi niềm tự sự và cả những kỳ vọng vào ngày mai của một cô gái không may mắn.
Học xong PTTH, Yến lại chọn thi vào ngành CĐSP Mỹ thuật vì một lẽ đơn giản, cô không thể tự mình vận động nếu không có sự trợ giúp của người thân, nhất là khi đi học xa nhà.Vì vậy, cô phải chọn cho mình một trường trong tỉnh ( Trường CĐSP Quảng Ngãi ). Năm đó Yến thi đậu với số điểm gần thủ khoa, nhưng nhà trường không tiếp nhận cô vào học vì trường CĐSP không nhận những SV bị khuyết tật.
Cô không nghĩ mình sẽ là một giáo viên trong hoàn cảnh đó, chỉ mong muốn được học những kiến thức cơ bản để vận dụng vào cuộc sống và hơn cả là cho những giấc mơ nuôi dưỡng từ thuở bé muốn trở thành nhà thiết kế thời trang, và quan trọng hơn cả là " Học để chung sống" và hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng, cô đã không bao giờ được tham gia vào những"Trò chơi" mà cô thích ngay từ nhỏ và cả bây giờ. Với cô, không có quyết định nào sai ...nhưng, con đường dẫn đến ước mơ của cô luôn chứa đựng không ít thử thách, có những lúc tưởng như cô sa vào bế tắc, hoang mang và cảm thấy bất an, đôi khi là cả sự do dự về những dự định của mình.
Đáng tiếc, cách đây 7 năm, Yến bị từ chối không thể vào học ngành CĐSP mỹ thuật mà mình yêu thích. Cô hoàn toàn không nghĩ mình sẽ là một giáo viên trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Nguyện vọng học tập chính đáng của cô gái tật nguyền bị chặn đứng bởi một bức tường vô hình, bởi những nguyên tắc tưởng chừng như có lý!Chẳng ai lúc đó, có thể nghĩ đến một vấn đề nhân văn hơn là cần tạo điều kiện cho cô được hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho cô được học tập. Bố mẹ Yến chạy khắp nơi để nhờ can thiệp cho em được vào học, thậm chí còn cam kết đóng học phí trong ba năm học và không yêu cầu phải phân công công tác sau này. Thế nhưng, cánh cửa vào đời vẫn bế tắc như chính cuộc đời của cô gái tật nguyền.
Cánh cửa vào đời của Yến tưởng như bị đóng kín… Số phận và hoàn cảnh luôn luôn muốn đùa cợt và muốn thử thách ý chí của một cô gái yếu đuối và bất hạnh. Cái rủi ro " Bất hạnh" bám vào số phận cô đến hai lần. Nó như một định mệnh muốn chối bỏ cũng không được, mà muốn cầu xin cũng không xong.Thậm chí trớ trêu, đôi khi những ước vọng nhỏ nhặt, bình thường vẫn là những cái gì xa vời vợi, tưởng ở trong tầm tay mà không nắm bắt được.
Tưởng rằng Yến sẽ " Sụp đổ" sau lần đó... nhưng thời gian cũng là liều thuốc tốt để chữa trị mọi nỗi đau thể xác và tinh thần… Yến nghĩ tốt hơn hết là hãy tự mình khẳng định mình với cuộc đời, tự mình tìm ra một hướng đi khác, để thấy cuộc sống mình có ý nghĩa, và học tập cũng là một cơ hội giúp Yến thực hiện ước mơ của mình.
Trực giác mách bảo cô rằng: Thôi nhé, đừng buồn ! Cứ xem như " Lỗi phần mềm"...Cần mau chóng " Lập trình lại tương lai" cho chính mình. Cô đặt mục tiêu mới cho mình và nổ lực biến chúng thành hiện thực. Một dự định mới được nhen nhóm trong sự thất bại của lần đầu. Yến chuyển sang học vi tính và ngoại ngữ ở trung tâm ngoại ngữ vào buổi tối, việc đi lại của Yến hoàn toàn dựa vào sự trợ giúp của bố mẹ và hai em gái. Ngoài thời gian học ở trung tâm, Yến lên mạng tự học ngoại ngữ qua mạng, tự mua các tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, băng đĩa ,… để luyện đọc, luyện nghe, rèn luyện ngữ pháp tiếng Anh. Hơn bốn năm sau, Yến hoàn tất chương trình C ngoại ngữ tiếng Anh.
Thế giới dường như mở rộng ra với cô. Khả năng tự học của Yến là đáng kính nể, ngoài thời gian học Yến đọc rất nhiều sách văn học. Cô tìm tòi những kiến thức cần bổ sung, những cái cần phải học để nâng cao sự hiểu biết và đọc sách, học tập qua mạng chính là một biện pháp hữu hiệu nhất giúp cô trải nghiệm và trao dồi kiến thức.
Một trong những tác phẩm văn học cô yêu thích nhất là quyển " Tôi không bất hạnh" của tác giả Hirotada Ototake, đây là quyển nhật ký viết về cuộc đời của một người bị cụt cả hai tay, hai chân lúc mới sinh, anh ta muốn trở thành một thầy giáo và đã phấn đấu vượt qua mọi trở ngại để trở thành một giáo viên cấp I của một trường nổi tiếng ở Nhật Bản. Quyển nhật ký được viết từ những chiêm nghiệm trong cuộc sống, giúp tác giả tìm về và sống trọn vẹn với những giá trị của bản thân. Đây cũng là một tác phẩm văn học được viết từ niềm tin, hy vọng, ý chí và nghị lực phi thường của một con người bất hạnh đã tự vươn lên tìm kiếm sự đổi thay cho cuộc đời mình.- Đây là một cuốn sách mà một người bạn của mẹ Yến đã tặng cho cô - Trong quyển sách này, cô học được nhiều thứ :"… Con người không ai hoàn hảo cả, và những người khuyết tật thì thay vì ngồi một chỗ than vãn hay phó mặc cho số phận, thì hãy hành động bằng chính khả năng mình có được để tìm kiếm hạnh phúc trong sự bất hạnh. Để thấy rằng cuộc đời mình còn có ý nghĩa …” Hình ảnh của thầy giáo Hirotada Ototake là nguồn động viên và khích lệ lớn lao đối với Yến, để thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
"Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh" cô đã sống với câu nói này suốt thời gian qua, và đã phần nào hiểu được cô cần gì, muốn gì, để xác định được mục tiêu trong cuộc sống cho mình. Hãy biết tạm thời lãng quên những âu lo của mình, biết chấp nhận một thực tế phủ phàng và vươn lên để tự khẳng định mình, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để cho tâm trạng buồn phiền của mình lan ra người xung quanh. Cái quyết định và làm thay đổi số phận của mình chính là trạng thái tâm lý, cần biết vượt qua sự mặc cảm, nỗi sợ hãi và ám ảnh của bản thân, nếu không mình sẽ "Chết " bởi chính sự mặc cảm. Cần biết trân trọng những gì đang có, lúc còn nhỏ thì có những lo lắng của tuổi nhỏ, giờ lớn lên suy nghĩ chín chắn hơn nhiều nên chẳng việc gì phải mặc cảm về bản thân. Hãy cứ sống hết mình đi đã...Hãy biết tạo cơ hội cho bản thân, nếu có cơ hội thì nắm lấy, và khi còn có đủ sức khỏe thì đừng chần chừ mà hãy sống cho ước mơ. Khó khăn lớn nhất của em là bị hạn chế trong vấn đề di chuyển và là bất lợi lớn nhất em gặp phải, nó cản trở em làm mọi thứ kể cả trong sinh hoạt thường ngày...Đây là những lời trải nghiệm cô tâm sự với tôi.
Những người xung quanh xóm rất yêu mến và quý trọng nghị lực của cô gái yếu đuối nhưng giàu ý chí và nghị lực, thấy được khả năng ngoại ngữ của cô, họ gửi con xin cô theo học kèm tiếng Anh. Lớp học đầu tiên hình thành chỉ vài ba học trò và một cô giáo bị liệt gần nữa người.
Một thời gian sau, được phụ huynh tín nhiệm, tiếng lành đồn xa…Lớp học tăng dần theo cấp số, đến vài chục… Học trò theo học ngày càng đông, Yến dạy anh văn nhiều nhóm từ lớp 3 đến lớp 7 mỗi nhóm khoảng 10 em. Cái duyên sư phạm đã đến với cô từ đó: Trở thành một cô giáo dạy ngoại ngữ. Căn nhà nhỏ của "cô giáo Yến " ở tổ 22, phường Nghĩa Lộ- TP Quảng Ngãi luôn ngập tràn niềm vui, đầy ắp tiếng cười và tiếng học bài của lũ học trò nhỏ. Từ những bài học kinh nghiệm của bản thân, cô cho biết thời gian sắp đến sẽ tiếp tục theo học lớp nghiệp vụ sư phạm, để tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu cần thiết nhằm cũng cố, cụ thể hóa, cũng như vận dụng những tri thức sẽ học về : Tâm lý học, PP dạy học,...vào trong một" Kịch bản dạy học" cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho lớp học anh văn tại gia. Những dự định của cô còn xa hơn thế...nhưng hoàn toàn có thể nằm trong một tương lai gần.
" Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh!" Cô đã tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc giản đơn của mình chính trong sự bất hạnh bằng sự nổ lực của cá nhân.
Hình 1: Yến cùng hai em gái.
Hình 2: " Cô giáo Yến" cùng các học trò trong lớp học tiếng anh tại nhà.
Hình 3: Chúc mừng sinh nhật cô Yến.
Hình 4: Du lịch Hội An(Quảng Nam)cùng bạn bè.
Hình 5: Thì thôi nhé, đừng buồn...
Hình 6: Yến cùng những người bạn thân
Chào em, tân SV trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Thời gian trôi thật nhanh ! Thấm thoắt đã 28 mùa xuân trôi qua. 28 sinh nhật buồn và kiến tạo niềm vui, hạnh phúc không mệt mỏi của một cô gái không may mắn nhưng giàu bản lĩnh, ý chí và nghị lực với “ Khát vọng sống” mãnh liệt.
Một khoảng thời gian quá ngắn trong một đời người nhưng lại quá dài với những gì cô đã trải qua …28 năm, quãng thời gian dài với tật nguyền đeo đẳng, những tưởng người con gái sẽ đầu hàng số phận. Nhưng không, số phận không khuất phục được khát vọng học tập của một cô giáo bị liệt ở nơi xứ Quảng này với 28 năm kiên trì vượt qua sự cản trở của số phận để vươn tới một ước mơ trong tương lai.
Ngày nối tiếp ngày Yến vẫn miệt mài tự học tiếng Anh qua mạng Internet, cô mong muốn học tiếng anh một cách có hệ thống để tiếp tục nâng cao trình độ với ước mơ trở thành một “ Nhà dịch thuật ” trong tương lai.
Tin vui đến với cô. Năm học 2011-2012 theo quy chế mới của Bộ GD – ĐT, đối với thí sinh bị khuyết tật không thể tự thực hiện các sinh hoạt cá nhân hằng ngày, Bộ GD – ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học căn cứ vào học bạ, tình hình sức khỏe của thí sinh và yêu cầu của ngành học để xem xét cho các em vào học mà không phải trải qua kỳ thi đại học.
Yến được tuyển thẳng vào lớp đại học ngoại ngữ DTA 10 - Trường ĐH Phạm Văn Đồng, theo như nguyện vọng mà em hằng mong muốn. Niềm vui ngập tràn, hạnh phúc lan tỏa khắp nơi: Bố mẹ, người thân, hàng xóm và bạn bè xung quanh đều chia vui cùng em " Tân SV trường đại học Phạm Văn Đồng"
Cánh diều chở ước mơ của một cô gái tật nguyền trở thành " Nhà dịch thuật" trong tương lai đang mở ra. Một con đường đang chờ em ở phía trước. Dẫu biết con đường học vấn phía trước của cô vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn, gian nan…để biến ước mơ thành hiện thực, vẫn biết là còn quá xa để nói về một điều trong tương lai nhưng tôi chắc chắn tin rằng em sẽ đạt được những dự định của mình bởi mục đích và động cơ học tập mãnh liệt của cô. Chúng ta hãy chờ xem và cùng hy vọng...
Chị Cúc không giấu vẻ tự hào khi nói về con gái của mình : "…Thật tình, ngày trước khi cháu mới bị bệnh vợ chồng tôi buồn lắm, bỏ cả công việc đưa cháu đi chữa chạy khắp nơi thế nhưng không khỏi. Biết làm sao được khi số phạn đã an bài như vậy. Cháu quá thiệt thòi với bạn bè cùng trang lứa. Chúng tôi luôn lo lắng cho tương lai của cháu ngày mai, không biết sẽ ra sao? Khi cháu vào lớp một, vợ chồng cho cháu đi học, mọi người xung quanh ái ngại, bà Ngoại cháu càm ràm bảo tôi ác: Con bé nó thế học hành để làm gì? tội nghiệp! Tôi biết là bà Ngoại thương cháu nên nói thế thôi. Thật tình, khi thấy những đứa trẻ khác đi học mình lại thấy buồn và xót xa, hơn nữa cháu đã quá thiệt thòi không lẽ mình lại tước đoạt cả cơ hội học tập của cháu. Điều ngạc nhiên với tôi và cả mọi người xung quanh là cháu biết chấp nhận hoàn cảnh với sự cam chịu nhưng không yếu đuối, buồn phiền, tự ti…Lắm lúc cháu còn động viên cả mẹ vì sợ mẹ buồn : Con không sao đâu mẹ! Trong nhà cháu là người con ngoan, hiếu thảo, luôn phấn đấu vươn lên với nghị lực phi thường. Cháu quan niệm khuyết tật về thể xác nhưng không bao giờ được nghèo về tâm hồn và trí tuệ. Cháu là tấm gương cho hai em gái sau này luôn noi theo chị. Cháu được như ngày nay vợ chồng tôi cũng rất vui mừng vì cháu đã chiến thắng được bản thân mình. Những ngày này cháu rất vui, nó đang hân hoan chờ đón ngày nhập trường với một tâm trạng háo hức…” Nhìn vào ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và yêu thương của chị. Tôi biết anh chị đang rất vui.
Nếu một lần về Quảng Ngãi, gặp cô gái trong bài Entry và chia sẻ với những khó khăn, sức chịu đựng, nghị lực vươn lên hoàn cảnh bất hạnh của Yến để tồn tại và khẳng định bản thân trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống và nghị lực không mệt mỏi của cô gái đặc biệt này.
Mặc dù những gì Yến làm được cũng chỉ mới bước đầu để nhen nhóm trong cô một ngọn lửa hy vọng vào này mai nhưng quá thừa để thể hiện ý chí vươn lên đáng khâm phục của một con người mang số phận bất hạnh đã kiên trì vật lộn với nỗi đau thân xác, vượt lên số phận để tự khẳng định mình và trở thành người hữu ích trong xã hội.
...Sau cơn Bão, cánh diều lại cao vút trên bầu trời với ước mơ xanh. Một niềm tin sau cơn Bão! Hãy cố gắng nhiều em nhé, mọi người luôn bên cạnh em.
Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh lấp lánh niềm vui của Yến mà cảm thấy ấm áp trong lòng : “ Chào em, tân SV trường ĐH Phạm Văn Đồng…”
Quảng Ngãi,12/9/2011
NHQ-ART
TB : Bạn có thể ghé thăm nhân vật trong bài Entry theo đường dẫn sau
http://vn.360plus.yahoo.com/hongyen24484
Mail: hongyen24484@yahoo.com
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011
Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011
Phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( Mỹ thuật - Âm nhạc) cho HS phổ thông.
Trong nhà trường phổ thông, việc giảng dạy mỹ thuật- âm nhạc ( MT-ÂN) nhằm bồi dưỡng cho học sinh kiến thức và năng lực thẩm mỹ, giúp học sinh tri giác được cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống, đồng thời khơi dậy ở các em năng khiếu, sự hứng thú hoạt động, trí tưởng tượng phong phú và năng lực sáng tạo, với mục tiêu “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho HS thông qua văn học, nghệ thuật và các môn học khác, xây dựng quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, bồi dưỡng năng lực thưởng thức và sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo ra thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng và phong phú…”( Trích nghị quyết của Bộ chính trị về CCGD)
GD thẩm mỹ ở trường phổ thông hiện nay đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, vì vậy vấn đề được đặt ra trong quá trình dạy học MT-ÂN là nên tiến hành như thế nào để đạt được kết quả cao nhất, hay nói cách khác là làm thế nào để phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( TNNT) cho học sinh phổ thông.
Sự TNNT ở HS tiểu học là sự tiếp nhận trực tiếp mang tính” Trực giác thực tiễn” được nhà tâm lý học nghệ thuật A.Vallon gọi là “ Hình thức đầu tiên của việc thông hiểu nghệ thuật…”. Sự tiếp nhận này diễn ra ở trẻ em một cách tự nhiên, dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự hứng thú ở trẻ em bởi xét cho cùng trẻ em dù ở bất cứ đâu cũng đều giống nhau ở sự hồn nhiên, trong sáng, yêu thiên nhiên, thích màu sắc rực rỡ cho nên các em thích được vẽ, được ca hát như là một bản năng tự nhiên. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường, hoàn cảnh sống HS ở các vùng nông thôn, miền núi và HS ở thị xã, thành phố tuy có cùng một độ tuổi nhưng lại khác biệt trong TNNT.
Ảnh: Thiếu nhi Quảng Ngãi trong cuộc thi vẽ tranh về "Biển đảo quê hương" ngày 2/9/2011
Ở các lớp đầu cấp tiểu học, khi trẻ em bắt đầu học đọc, học viết, tư duy ngôn ngữ bằng lời nói khác với tư duy thị giác. Tư duy thị giác ở độ tuổi này phát triển mạnh, làm thay đổi quan hệ của các em đối với thế giới( Trong đó có nghệ thuật).Hình thức tiếp nhận bằng trực quan bị hình thức tiếp nhận mới bằng khái niệm lấn át, các em quen dần thói quen tiếp nhận trực tiếp. Vì vậy nhiệm vụ của GV là thông qua ngôn ngữ nghệ thuật ( MT-ÂN) giúp cho HS tiểu học có thói quen tiếp nhận các thông tin nghệ thuật trực tiếp ở cấp độ giác quan cảm xúc, như rèn luyện tri giác bằng thị giác, quan sát nhiều, vẽ như mắt đã nhìn thấy theo cảm tính chủ quan của trẻ ( Đối với mỹ thuật ); Nghe nhiều, có thói quen tiếp nhận bằng cảm xúc và thông qua các giác quan tương ứng, góp phần hình thành tư duy âm nhạc( Đối với âm nhạc).
Thực tiễn cho thấy, ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài ( Lời ru ngọt ngào, âm điệu du dương của một bản nhạc,vẻ đẹp của một bông hoa, một bức tranh đẹp,...) ở trẻ đã được nảy sinh như một bản năng vì lúc nào, hay ở đâu đi nữa... đứa trẻ đều muốn thâu tóm tất cả thế giới xung quanh vào đôi mắt và đôi tai của mình. Sớm tiếp xúc với những cái đó sẽ giúp cho việc hình thành trong các em những ấn tượng tươi mát, nảy sinh nhu cầu về cái đẹp.Tuy nhiên,do đặc điểm tâm sinh lý của HS tiểu học nên sự TNNT ở các em trong giai đoạn này vẫn còn nhiều điểm giống với sự tiếp nhận của trẻ em ở độ tuổi tiền học đường. Chẳng hạn trong hội họa, các em thích màu sắc rực rỡ, thích vẽ theo lối ước lệ, hoàn toàn cảm tính; Còn trong âm nhạc, sự TNNT là bằng thính giác, bằng ngôn từ, trẻ thích ca hát và hát theo cảm tính, hoàn toàn không chú ý đến nhịp điệu, tiết tấu cũng như sự diễn cảm trong bài hát.
Nhu cầu về cái đẹp biểu hiện sự phát triển của HS ở các giai đoạn là rất khác nhau. Với học sinh THCS và đấu cấp PTTH, thông qua TNNT, nhiều em đã có thể cảm thụ được vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật bằng phương tiện đặc trưng của MT-ÂN để nắm bắt được nội dung tư tưởng của bức tranh, bài hát mà không cần có sự”Giải mã” của người lớn. Nguyên nhân cơ bản là HS lứa tuổi này đã trưởng thành về mặt trí tuệ, tư duy liên tưởng phát triển, óc tưởng tượng phong phú hơn trước, đồng thời có khả năng và có nhu cầu lĩnh hội, lí giải tính phức tạp, toàn vẹn, tính mâu thuẩn, sự hài hòa của thực tiễn và nghệ thuật. Như vậy, giai đoạn từ THCS đến PTTH đã có một " Khoảng cách thẩm mỹ” trong việc TNNT ở các em.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Cần sớm đầu tư thích đáng cho môi trường thẩm mỹ, môi trường nghệ thuật vì giáo dục nghệ thuật là một hình thái cao của giáo dục thẩm mỹ thông qua TNNT mà hai môn học: Âm nhạc- Thính giác và hội họa - Thị giác là những giác quan, kênh thông tin tiếp nhận quan trọng gắn liền với ý thức hệ, đến nhận thức của con người. Chính thị giác và thính giác là những “ Cửa sổ tâm hồn” qua đó cái đẹp, cái bi, cái hài, cái tuyệt tác…nhập vào ý thức, tác độngvào toàn bộ nếp tư duy và tình cảm của mỗi con người. Sự phát triển của năng lực TNNT của HSPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
* Để phát triển năng lực TNNT của HSPT phần lớn tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật ở các trường phổ thông .Vai trò của giáo viên nghệ thuật hết sức quan trọng , họ là những người quản trò , thiết kế các cuộc chơi và cũng là người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng trẻ thơ . Đây là chiếc cầu nối giữa HSPT và nghệ thuật . Vì vậy , giáo viên dạy MT - AN phải là những người yêu nghề , yêu trẻ đồng thời hiểu được tâm sinh lý của đối tượng, biết cách gợi mở và “ Kích hoạt ” khả năng TNNT ở mỗi cá thể.
* Sự tiếp nhận nghệ thuật của con người thường mang tính cảm xúc . Điều này biểu hiện ở trẻ em dễ hơn người lớn , vì trẻ em dễ xúc động vì vậy để phát triển năng lực TNNT chúng ta cần hiểu được đặc điểm tâm sinh của HSPT qua giảng dạy tạo cho học sinh những cảm xúc tích cực . Qua đó tác động định hướng , thị hướng thẩm mỹ cho mỗi em.
* Phát triển năng lực TNNT cho HSPT là nhằm giúp HS nhận thức , cảm thụ và giáo giục cái đẹp cho HS . Đồng thời các em phải biết tự mình làm ra sản phẩm mỹ thuật ( Vẽ tranh theo đề tài, vẽ tự do, gấp xếp…) theo sự hướng dẫn của GV. Đây cũng là năng lực cần được tự bồi dưỡng trong quá trình lĩnh hội và TNNT.
* Vai trò của trí tưởng tượng trong quá trình TNNT hết sức quan trọng, những hình tượng nghệ thuật mà HS tiếp nhận hàng ngày mặc dù không có chủ định vẫn được lưu giữ như một bảo tàng và chỉ xuất hiện biến hóa khi các em tiếp nhận cảm thụ hoặc sáng tạo nghệ thuật, làm cơ sở cho việc phát triển óc tưởng tượng, sáng tạo trong học tập bộ môn MT-ÂN dưới sự hướng dẫn của giáo viên.Giáo viên chính là người nghệ sĩ đầu tiên dẫn dắt các em bước vào thế giới bao la của cái đẹp để nuôi dưỡng những bài học đầu tiên về đạo đức, tình cảm nhân văn,...
Từ phân tích trên có thể nhận thấy ý tưởng giáo dục HS về “ Trí - Đức - Thể - Mỹ” là một ý tưởng lớn trong mỹ dục, là một bộ phận không thể tách rời giáo dục MT- ÂN ở trường phổ thông nhằm giúp HS hiểu thấu đáo bản chất của cái đẹp trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, góp phần hình thành trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư tưởng và tình cảm đẹp. Giáo dục thẩm mỹ là quyền lợi tinh thần mà các em cần được hưởng thụ thông qua hình thức giáo dục MT-ÂN trong trường phổ thông.
Cái đẹp trong đời sống con người và tự nhiên là hết sức phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục lớn lao: Một óc thẩm mỹ tốt hay xấu, một thị hiếu lành mạnh hay thấp hèn, một cách hành xử cao thượng hay phi văn hóa... đều bắt nguồn từ sự tiếp xúc với cái đẹp ngay từ khi còn nhỏ.Do đó, vấn đề phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật cho học sinh, đưa cái đẹp vào cuộc sống là trách nhiệm của mọi người, cộng đồng và xã hội.
Sự TNNT của HSPT góp phần vào sự phát triển nhân cách HS một cách hoàn thiện. Cần xem giáo dục thẩm mỹ như" Một món nợ lớn đối với thế hệ trẻ" nhằm hoàn thiện và giáo dục tình cảm đạo đức, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực trí tuệ...cho học sinh phổ thông. Giáo dục nhân cách phát triển toàn diện cho HSPT hôm nay, chính là tạo tiền đề cho tương lai đất nước trong thế kỷ XXI.
Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 4 năm 2001
Nguyễn Hữu Quang - PDU
(Bài viết trong tạp chí NCKH Giáo dục - II /2001)
Tài liệu tham khảo:
1- Sự phát triển tâm lý trẻ em- A. Vallon - NXB GD 1977
2- Tâm lý học và sự tiếp nhận nghệ thuật - P.M Yakobson - NXB GD 1977
Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011
"Tây Nguyên...Trôi."
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa
Trong các câu chuyện cổ của người Tây Nguyên, đặc biệt là các trường ca, rất hay nhắc đến biển. Có nhiều cách lý giải, ví dụ như đấy là khát vọng, nhưng điều này không vững vì phải thấy thì mới... khát vọng chứ. Cách nữa là do tạo sơn gì đấy nên biển hóa Cao nguyên, mà dấu tích vẫn còn trong cổ tích... vân vân... liệu có một trường hợp này xảy ra không: trăm năm nữa, trong một văn bản nào đó, người ta giải thích về Tây Nguyên: Nơi đây từng có... rừng.
Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng, thậm chí có thông tin là rừng đã kịp... hết. Cách đây hai chục năm, chỉ ra khỏi nội ô Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... ta đã lạc vào rừng. Bây giờ cả ngày đi trên đường Hồ Chí Minh chang chang nắng chỉ gặp những đoàn xe khổng lồ chở gỗ từ Lào, Campuchia về. Muốn dừng xe dưới bóng mát nghỉ mà không có cây. Rừng như chỉ còn trong cổ tích...
Sẽ ra sao nếu Tây Nguyên không còn rừng?
Cổ tích Việt nói rằng mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, năm mươi con ở lại cùng cha, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Dằng dặc thời gian, tháng năm, thăng trầm dâu bể, năm mươi người con ấy làm nên một phần đất Việt. Họ sống cùng rừng, chết cùng rừng, hòa quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một văn hóa rừng bền vững và đậm chất nhân văn, hợp quy luật và hợp lẽ sống.
Văn hóa rừng ấy giờ đang trôi về biển, trên những chuyến xe khổng lồ rùng rùng lún đất suốt ngày đêm đưa sản vật về xuôi, mà nhất là gỗ. Để trơ lại những khu rừng... không cây.
Văn hóa rừng ấy giờ đang được... thay máu. Người ta quan niệm cao su, cà phê, bạch đàn... cũng là rừng và thế là hàng chục ngàn héc ta rừng được phá để... trồng cao su, cà phê... mà người ta không biết rằng những cái cây trơ trọi kia có thể nó làm ra đồng tiền ngay trước mắt, nhưng nó không có đời sống, nó vô tri vô giác, nó không phải là nơi đất lành chim đậu, không có những tầng những vỉa, những bí ẩn tâm linh, những phập phồng thức mở để rừng là lá phổi của hành tinh và là mái nhà của con người.
Văn hóa rừng ấy còn đang bị thủy điện giết chết. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mới đây nhất, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền. Không phải ngẫu nhiên mà bà con Tây Nguyên ở nhà sàn. Nó phù hợp với tập tính và môi trường sống mà phải những ai am hiểu mới biết. Tương nhà bê tông nền xi măng vào, sự khác biệt cách sống khiến cho người ở bức bối như người ở nhờ, và nhỡn tiền là sự mất vệ sinh khi bà con vẫn có thói quen hút thuốc và nhổ, uống rượu cần giữa nhà, thậm chí đi chân đất... những thói quen ấy được giải quyết rất nhẹ nhàng khi bà con ở nhà sàn, có cầu thang như một trạm nghỉ, có bếp lửa giữa nhà và sàn bằng le, nứa... có kẽ hở, nước rượu cần, nước rửa tay, thức ăn rơi vãi... đều rơi xuống gầm sàn và sàn vẫn khô, sạch...
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa, với cái gì cũng phong cho lễ hội như "lễ hội cồng chiêng", "lễ hội đâm trâu", "lễ hội rượu cần"... trong khi nó chỉ là một thành tố của lễ hội, người ta phục dựng những cái ấy theo ý chí của người... Kinh. Cũng như thế, người ta phong văn hóa cho đủ thứ, từ nhà rông văn hóa, làng buôn văn hóa, đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, "thập cẩm" văn hóa... mà chính người phong ấy có khi không hiểu văn hóa là gì? Các hội diễn, các lễ hội... của người Tây nguyên là do ý chí của người Kinh, do người Kinh đạo diễn, trong khi đồng bào, những chủ thể ấy lại trở thành... khách. Toàn bộ lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai năm nào là cuộc biểu dương âm nhạc Nguyễn Cường và các nghệ sĩ múa người Kinh. Các chủ nhân của chiêng, đồng bào dân tộc đến từ mấy chục tỉnh thành trên cả nước "được" vây quanh sân khấu trong bóng tối, gõ chiêng trên nền nhạc... Nguyễn Cường. Người ta đề cao "văn hóa" rượu cần bằng cách trước khi uống rượu tây, uống bia, mang rượu cần ra mời khách trước trong nhà hàng muôn muốt trắng với dao nĩa ly tách mà không biết rằng, cách ly ra khỏi làng, rượu cần chỉ còn là... nước lã. Cũng như thế, bứng cồng chiêng mang ra phố dưới ánh sáng đèn màu trên sân khấu vuông loằng ngoằng dây điện là một cách để chiêng diệt vong nhanh nhất...
Vì thế, tôi thấy Tây Nguyên đang... trôi...
VĂN CÔNG HÙNG
Nguồn ST
http://vanconghung.blogspot.com/2011/08/tay-nguyen-troi.html
Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011
Khi "Nhà văn chơi blog"
Mình chơi blog từ năm 2007. Trước đó thì chẳng biết blog là cái gì. Vào mạng chủ yếu để check mail, xem qua loa vài tờ báo, thế thôi. Một hôm nghe đứa học trò chat với mình, nói thầy không lập cái blog cho vui. Mình hỏi blog là cái gì, nó bảo đó là trang web cá nhân dùng để giao lưu với mọi người. Khi đó mình nghĩ chắc blog cũng na ná trò chơi điện tử, người ta bày ra cho tụi trẻ chat chit giết thời gian.
Thế nên mới có câu:
"Mẹ ơi chớ đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Thôi đừng có đánh bài lờ
Dẹp ngay bờ lóc tao nhờ, được không?"
...Thời đó còn Yahoo 360, mình thấy có mấy ông nhà văn cũng lập blog, nghĩ bụng mấy ông này buồn cười, khi không lại bờ lóc bờ leo, rõ là dở hơi chập mạch, hi hi. Thế rồi bỗng dưng mình nghiện blog từ khi nào không biết. Con gái học lớp 9 lập cho mình cái blog, nói ba viết đi. Nó giục năm lần bảy lượt, nể con quá mới viết đại một entry ngắn. Viết xong post lên xong rồi cũng quên đi, không để ý.
Ba bốn ngày sau sực nhớ mới mở ra xem, có tới mấy chục cái còm (comments- phản hồi, nhận xét) đổ xuống không biết tự lúc nào, thật quá ngạc nhiên. Đa số các còm đều chào hỏi và bình luận, có những bình luận rất sâu sắc, chẳng khác gì một bài phê bình ngắn gọn súc tích của giới phê bình chuyên nghiệp.
Không ngờ văn học mạng có tính tương tác hay đến vậy.
Xưa có một truyện ngắn đăng lên, giỏi lắm có vài cái thư bạn đọc, vài ba cú điện thoại bạn bè động viên chia sẻ. Thường thì ít khi nhận được những bình luận từ bạn đọc, tác phẩm đăng lên cứ như lọt thỏm vào hư vô, chẳng biết thiên hạ có đọc không, người ta khen chê thế nào. Văn học mạng hoàn toàn khác, chỉ cần mình post bài lên, vài phút sau đã thấy vài chục người, vài trăm người, thậm chí vài ngàn người vào đọc. Chừng một giờ sau bắt đầu nhận được vài chục cái còm, nếu cái mình viết có chút gì đó thú vị thì còm đổ xuống rào rào, một ngày có tới cả vài trăm comments, đặc biệt có entry số còm đổ xuống cả ngàn, không thèm nói ngoa.
Mình nhớ khi viết xong entry : “ Kỹ niệm nhỏ với Võ đại tướng” đã một giờ sáng. Nghĩ bụng giờ này chắc chẳng có ma nào đọc nhưng mình vẫn post bài lên. Đi nằm chừng một tiếng, chợt nhớ ra có sai vài từ. Khó ngủ, mình dậy mở máy sửa lại. Chẳng ngờ đã có hơn ba trăm cái còm đổ xuống với rất nhiều chiều ý kiến khác nhau.
Choáng. Vừa mừng vừa sợ, không thể tưởng tượng nổi thiên hạ quan tâm đến bài viết này đến như thế.
Từ đó entry nào của mình cũng có từ một đến vài trăm còm. Hạnh phúc của nhà văn là được bạn đọc đón đợi và chia sẻ, hơn ba chục năm cầm bút chưa khi nào mình mới được tận hưởng hạnh phúc của nhà văn như thời này. Đã quá trời.
Nhất là hoản cảnh của mình, từ ngày bị nạn suốt ngày ru rú ngồi nhà. Vợ đi làm con đi học, rất nhiều khi mình đơn độc giữa bốn bức tường. May có blog, ngày ngày mình ngồi nghe tiếng lao xao của bạn đọc xa gần qua các comments, vui đáo để. Nhờ thế mình viết nhiều hơn, hay dở chưa bàn, nhưng 4 năm mình viết blog, số trang viết gấp đôi số trang viết 30 năm cầm bút của mình cộng lại. Thật tuyệt vời.
Bây giờ thì nghiện rồi, nghiện nặng. Lắm khi mệt mỏi quá cũng muốn bỏ nhưng không cách sao bỏ được. Nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog thì không thể. Đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vào blog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu pv (lượt người truy cập). Thấy nhiều người còm, pv tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng. Xưa mới mở blog, những ngày đầu thấy pv một, hai trăm đã sướng củ tỉ. Một ngày có một, hai trăm lượt người vào đọc cái của mình đâu phải chuyện đùa. Đến khi pv lên đến một ngàn/ ngày thì tâm hồn treo ngược cành cây. Đến bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc mơ.
Sau một thời gian ú ớ mù mờ, coi mạng méo là thứ tào lao, văn học mạng là đồ vớ vẩn, đến bây giờ hầu hết các nhà văn đều đã thành thạo vào mạng.
Ai cũng có một ngày vài giờ lướt mạng. Ngồi nhậu với nhau chỉ nói chuyện thông tin nhặt được trên mạng. Người nào không biết mạng tự nhiên bị chõi ra, cứ quê quê thế nào ấy. Nói thực các nhà văn xa rời mạng méo bị lạc hậu rất nhanh, nói chuyện gì cũng thấy quê quê cũ cũ, viết lách lại càng cũ mèm. May thay số này không nhiều, có lẽ chỉ chiếm 1% các nhà văn Việt đương thời.
Các nhà văn có blog cũng nhiều lắm, chắc đến hơn một phần ba số hội viên Hội nhà văn. Một thời gian dài các nhà văn không mặn mà với blog lắm. Cũng như mình ngày xưa, nhiều nhà văn cho blog là trò vô bổ của mấy ông đồ gàn, mấy lão dở hơi. Thậm chí có người cho là chỉ có bọn háo danh mới lập blog để khoe văn, nhà văn đàng hoàng không bao giờ chơi blog. Xưa Thùy Linh thấy mình, thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến), thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) chơi blog nó lườm nguýt bỉu môi, nói mấy ông này dở hơi, càng già càng hóa rồ. Ngồi nhậu đâu nghe tụi mình nói chuyện blog là nó vằn mắt lên, nói mấy ông hết chuyện để nói rồi à. Thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) cũng thế, thấy mình chơi blog nó nhắn tin, nói để thời gian kiếm tiền nuôi vợ con anh ơi.
Hi hi bây giờ cả hai đều là những con sâu nghiện blog. Thùy Linh mới lập blog được hai tháng nay. Lúc đầu thấy ít người vào cũng hơi buồn, đến entry “Sexy tất cả trừ lòng yêu nước” pv tăng vù vù là mê luôn. Ngày ngày đọc cả núi bản thảo kịch bản, thỉnh thoảng lại mò vào blog xem pv tăng bao nhiêu, có ai còm không. Rời công sở về nhà chưa kịp cơm nước gì, mò vào blog re còm (reply- trả lời comments).
Ăn xong chưa kịp rửa bát, vội vàng thả mâm đó lại mò vào blog re còm. Nửa đêm “ru” chồng ngủ xong là lẻn dậy viết bài. Trước đây cả năm Thùy Linh cũng chỉ viết một hai bài, từ ngày có blog nó viết liên tù tì, tuần vừa rồi nó chơi bốn năm bài, bài nào bài nấy rất công phu kĩ lưỡng.
Thằng Vinh thì khỏi nói, cứ post xong bài là nó nhắn tin loạn cả lên, nói vừa lên bài đấy, vào đọc đi, nhớ còm nhé. Nó phục còm và pv từ sáng đến tối. Một hôm mình đến chơi nhà nó, thấy nó nửa đêm vẫn còn ngồi thu lu phục còm. Mình cười, nói giờ này người ta ngủ hết rồi chẳng còn ai còm cho mày nữa đâu. Nó cười hì hì, nói không, còn thằng Thuận Nghĩa ở bên Đức, nó thường còm cho em giờ này. Thằng này còm dài, đã lắm. Rồi nó ngâm nga:
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chờ còm còn khổ hơn trâu.
Hi hi nửa đêm nó gọi điện cho mình thì thào rất nghiêm trọng, nói anh ơi hạnh phúc vô biên… năm ngàn năm ngàn. Mình tưởng nó kiếm được năm ngàn đô, té ra blog cu cậu hôm đó pv đạt năm ngàn, chết cười.
Cũng chẳng bằng Phạm Ngọc Tiến. Đêm hôm rét mướt nó vẫn không chịu chui vào chăn ôm vợ cho ấm, cứ ngồi nhìn trân trân lên màn hình. Vợ nó ngạc nhiên, nói anh làm gì mà không đi ngủ. Nó lầu bầu, nói em ngủ trước đi, anh đang căng thẳng đây này. Vợ nó hỏi sao. Nó nói còn mười phút nữa là 12 giờ đêm, pv anh thiếu 2 khách nữa đầy 500, chờ mãi chẳng thấy ma nào vào, điên thế chứ. Vừa dứt lời thì có 4 khách vào, nó nhảy cẩng lên, nói a ha mơ được ước thấy, bố mày vượt mức kế họach rồi. Vợ nó ôm bụng cười rũ.
Có đêm đến 3 giờ sáng nó gọi điện. Mình giật mình hoảng hốt tưởng nhà nó có chuyện gì. Nó rầu rỉ nói vợ ốm con đau tao chẳng thèm gọi cho mày đâu, nhưng chuyện này thì tao phải gọi.
Mình nói chuyện gì, nó bảo vừa đổ về chục còm, sướng rêm nhưng tòan còm “phản động” mày ạ. Mình nói thế thì xóa đi.
Nó thở ra, nói xóa dễ thế thì tao chẳng hỏi mày. Chờ mãi mới kiếm được chục còm, xóa cái còm nào tiếc đứt ruột cái đó, loại còm này bỏ thì thương vương thì tội, tức thế chứ. Nó hạ giọng rầu rĩ, nói người ta bảo cấm có sai:
"Bầm ra ruộng cấy bầm run
Con chơi bờ lóc còn run hơn bầm. Hi hi."
Nguyễn Quang Lập
Nguồn: Quechoa blog
http://chiaseketnoi.com/2462/nha-van-choi-blog-nguyen-quang-lap.html
Nghề mẫu khoả thân và gam trầm cuộc đời
(Tin tuc) - Vẽ người mẫu khỏa thân là môn học quan trọng không thể thiếu được của các trường mỹ thuật, là niềm cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm… Có thể nói rằng người mẫu khỏa thân đã góp phần làm nên nền mỹ thuật. Thế nhưng, nghề người mẫu cũng rất nhọc nhằn, bấp bênh và bạc bẽo.
Xưa nay vì định kiến xã hội nên họ phải dấu diếm ngay cả với gia đình, bạn bè về nghề của mình. Cuộc đời những người làm nghề mẫu khỏa thân cũng lắm nỗi đoạn trường, mang nhiều uẩn khúc xót xa.
Sướng khổ nào mấy ai hay
Ngoài các trường mĩ thuật, kiến trúc... sử dụng người mẫu khoả thân cho môn học hình hoạ, điêu khắc thì nhiều họa sĩ cũng sử dụng người mẫu khoả thân để sáng tác. Không có con số thống kê cụ thể về số lượng người mẫu khoả thân hiện nay nhưng có lẽ cũng không nhiều lắm (Theo một số họa sĩ thì khoảng trên dưới 100 người). Phần lớn họ đều là nữ giới có tuổi đời từ 18- 50. Nghề người mẫu khoả thân không yêu cầu tuyệt đối về sắc đẹp và vóc dáng, dĩ nhiên càng hoàn mĩ càng tốt. Nhưng người mẫu khoả thân phải toát lên được những hình khối, đường nét, góc cạnh độc đáo nào đó và có thần thái để người vẽ có cảm hứng sáng tạo.
Một tiết học vẽ khoả thân ở lớp tại chức do trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội mở ở Nghệ An
Chị P nhà ở Mai Động (Hà Nội) có thâm niên 20 năm trong nghề cho biết: "Để làm được nghề này việc đầu tiên là vượt qua được "cửa ải"... xấu hổ. Tôi nhớ lần đầu tiên ngồi mẫu ở Trường Đại học Mĩ Thuật ở Yết Kiêu, tuy đã được chuẩn bị về tâm lý rồi nhưng bắt đầu cởi quần áo tôi thấy sợ run bắn lên. Hàng chục con mắt nhìn vào tôi thấy rợn cả da thịt, tinh thần và cơ thể nó mất phương hướng rồi tê cứng lại, mất cảm giác. Xong đợt ngồi mẫu đó là cảm giác lo sợ xâm chiếm lấy tôi, sợ gia đình và bạn bè biết được. Cầm những đồng tiền bồi dưỡng lúc ấy tôi khóc nức nở và nghĩ sẽ không bao giờ bước chân vào đó nữa. Nhưng, như một duyên nợ, tôi đã gắn bó với nghề hơn 20 năm như một định mệnh".
Theo chị P, nhìn bề ngoài nghề này có vẽ dễ dàng nhưng để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp cũng không hề đơn giản. Có một số người đã bỏ ngay từ đầu vì không vượt được cửa ải đầu tiên và những khó khăn như: Tạo dáng, đứng, ngồi, quỳ hoặc nằm hàng tiếng đồng hồ. Có những bài thi tốt nghiệp môn điêu khắc phải ngồi đến vài tháng... bất kể thời tiết khắc nghiệt. Trời mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt chỉ có một đống lửa nhỏ bên cạnh nhưng họ vẫn phải khoả thân để ngồi. Việc làm mẫu còn gây đau cơ thể vì tư thế bất động, và các người mẫu phải khoẻ mạnh mới kham nổi nghề này.
Nhiều người đã không bỏ nghề mẫu khỏa thân vì miếng cơm, manh áo
"Có lúc tôi nghĩ các mạch máu đông cứng lại, bởi tư thế bất động, khiến máu không chảy được. Tôi từng bị đau kinh khủng, một số tư thế khó khăn lắm. Bạn hãy tự tưởng tượng bạn ngồi bên phải, thân xoay sang một bên. Cổ tay bạn đau ghê gớm, mông và thắt lưng cũng đau lắm "Làm nhiều rồi quen chứ ban đầu ngồi mẫu xong về toàn thân đau ê ẩm phải bóp dầu, có chị Ng đồng nghiệp với tôi ngồi lạnh quá về cả lạnh nằm ốm cả tháng", Chị P tâm sự.
Tuy là một nghề đặc biệt và vất vả cũng rất đặc biệt nhưng nhiều người đã không bỏ nghề vì miếng cơm, manh áo... Và càng ngày có nhiều nguời tình nguyện bước vào nghề này. Chị H một người mẫu có thâm niên cho biết: "Trước đây bọn chị tiền công không ăn thua, không xứng với công lao động đổ ra đâu em ạ, nhưng mấy năm trở lại đây tiền công cũng có đỡ hơn. Nếu như thực hiện đủ ngày công theo hợp đồng thì được 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Có một số chị em trẻ, có dáng chuẩn thu nhập 2- 3 triệu đồng/ tháng chưa kể chạy sô cho các trường và các hoạ sĩ tự do thì thu nhập cao hơn nhiều."
Tuy nghề mẫu khoả thân ngày nay có thu nhập đỡ hơn nhưng nghề này cũng không thoát khỏi quy luật đào thải khốc liệt của nó. Những người mẫu trẻ hơn, có dáng người chuẩn tất nhiên họ có được hợp đồng là chuyện rất dễ dàng, và những người mẫu già bị đào thải đó là điều không thể tránh khỏi.
Gam trầm những phận đời
Chị L, một cựu người mẫu cho các trường Mỹ Thuật ở Hà Nội cho biết: Ngày ấy chỉ vì yêu nghệ thuật nên chị đồng ý làm người mẫu khoả thân. Lúc đầu ngượng và khó chịu nhưng làm riết rồi thì quen. Chị làm được 6 năm thì bỏ nghề. Sau đó chị lấy chồng nhưng khi biết chị từng làm nghề người mẫu khoả thân thì người chồng đuổi chị ra khỏi nhà. Không chồng, không nghề nghiệp, như một định mệnh chị lại quay về trường tiếp tục làm nghề người mẫu khoả thân.
Chị chia sẻ: "Chồng bỏ là một nỗi đau, nhưng còn nỗi đau nữa đó là người đời họ nhìn mình bằng một ánh mắt khác, định kiến lắm. Khó có một người chồng nào chấp nhận cho vợ cởi quần áo cho thiên hạ nhìn lắm! Nhưng hình như cái nghề đó nó vận vào thân như một định mệnh. Nên tôi cũng chả trách ai".
Từ khi chị bước và nghề mới 17 tuổi mang vẻ đẹp thanh xuân căng tràn sức sống ai cũng thích nhìn. Nhưng những thăng trầm của cuộc đời đã làm cho chị chóng tàn phai nhan sắc. Và sự nghiệt ngã của nghề đó là sự đào thải, nhường chỗ cho sự trẻ trung hơn, đẹp hơn. Và bây giờ chị là một bà già tóc bạc bán nước ở một quán cóc ven đường, sống thui thủi một mình...
Những người vì yêu mến nghệ thuật đến với nghề người mẫu khoả thân như một sự tự nhiên như chị L là số ít. Phần lớn là do hoàn cảnh nghèo túng và thất nghiệp nên họ đã đến với nghề này. Chị N nhà ở ngoại thành chồng mất để lại 2 đứa con nhỏ nên hơn chục năm nay chị vừa làm người mẫu vừa nuôi con ăn học.
Chị tâm sự: "Hai đứa con tôi đã lớn nhưng tôi dấu không cho các cháu biết nghề này. Nghề ngồi mẫu khoả thân vẫn còn nhiều định kiến lắm. Tôi giấu nhưng rồi cuối cùng khu phố nơi tôi ở ai cũng biết. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt khác như là sự khinh bỉ. Tôi phải sống thui thủi, khép kín. Khổ lắm chú ạ. Đây là một nghề thị phi và lắm tai tiếng. Hơn chục năm nay tôi chứng kiến hầu hết những người làm nghề này ai cũng có số phận thật hẩm hiu. Tình duyên, chồng con đều trắc trở... và thu nhập từ nghề này cũng bạc bẽo lắm !"...
Trường hợp chị M ở Thanh Trì, Hà Nội cũng rất cám cảnh. Vào nghề từ năm 17 tuổi, có thâm niên 20 năm trong nghề, chị có thu nhập khá nhờ chạy sô làm người mẫu cho các trường đại học mĩ thuật. Tình duyên trắc trở đến năm 35 tuổi chị mới lấy chồng. Mới cưới nhau được vài năm thì chồng mất để lại chị đứa con gái và khoản nợ rất lớn. Chị phải làm việc cật lực để nuôi con và trả nợ cho chồng. Khi trả hết nợ thì tuổi xuân không còn. Và chị phải chuyển nghề. Hiện nay chị đi bán vé số dạo và sống một mình buồn bã cô đơn nơi góc phố nhỏ Thanh Trì.
Hiện nay một số trường Mĩ Thuật ở Hà Nội và TP. HCM có một số biên chế cho người mẫu, còn hầu hết là họ làm theo hợp đồng tính theo giờ. Có một nguyên tắc về danh dự và đạo đức nghề nghiệp là không tiết lộ tên tuổi, danh phận và cả chụp hình khi làm việc với người mẫu. Chính điều này giúp bảo vệ nhân thân người làm mẫu, nhưng cũng là bức tường bao làm người mẫu mãi vô danh. Mà vô danh thì rất khó mà cải thiện việc thu nhập. Nghề người mẫu khoả thân là một nghề lương thiện và khó nhọc - Họ hy sinh cho nghệ thuật nhưng cuộc sống và cuộc đời của họ như một gam trầm mang nhiều uẩn khúc xót xa.
TAGS: nguoi mau, nghe nguoi mau, truong my thuat, nguoi mau nu, tin tuc, tin hot, tin hay
http://vn.360plus.yahoo.com/quangmt69/article?mid=679&prev=681&next=677
Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011
Cô gái câm và một giấc mơ…!
Đến với cù lao An Phú
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, ngược về phía Bắc sau đó rẽ xuống phía Đông có một thôn nhỏ – Thôn An Phú, thuộc xã Tịnh An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nơi đây có những số phận con người đã và đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sự đùa cợt của tạo hóa, gây cho người khác nhiều điều trắc ẩn về cuộc đời của họ.
Sau gần 20 phút đi xe con qua những con đường ngoằn ngoèo trong xóm, chúng tôi phải để xe bên này sông Trà Khúc, xuống thuyền máy để đến cù lao An Phú .Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa mưa lũ, cả thôn An Phú giống như một ốc đảo nên mọi người thường gọi là cù lao An phú. Người dân ở cù lao An Phú sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây thôn An Phú vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng những thân phận cá nhân thì không phải “ngày một ngày hai” có thể giải quyết được và hơn nữa ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Con người ở đây sống hiền hòa, hiếu khách, và nhân hậu…Thế nhưng, cuộc đời đã không công bằng với họ.Đằng sau những mái tranh nghèo bên dòng sông Trà hiền hòa là những thân phận, cảnh nghèo gieo neo… và rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để sẻ chia và đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở cái cù lao nhỏ bé này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp tình cờ trên đường cũng là một thanh niên mặt mũi sáng sủa, lanh lợi khoảng 28 tuổi, chúng tôi hỏi nhà Thoa, anh trò chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm …Số phận trêu ngươi ! Cả cái thôn nhỏ bé nhưng rất nhiều hộ gia đình có người bị câm, chưa có một số liệu chính xác về người câm, điếc ở cù lao này nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ : Có gia đình một người, có gia đình hai người, như gia đình cô Thoa có đến ba người đều bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh…mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả , thiệt thòi mà những người dân ở đây phải gánh chịu.
Số phận trêu ngươi
Thoa đón chúng tôi trước ngõ.Em cười và chào chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm với đôi mắt vui mừng như đón một người thân lâu ngày trở về. Nhưng nhìn vào đôi mắt đó tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa.
Trong căn nhà cấp bốn, ông Bùi Quang Hưng – Bố của Thoa – trầm ngâm, buồn bã cho biết :” Cả thôn này rất nhiều người bị câm điếc bẩm sinh, phần lớn đều là người họ Bùi : Có hộ một người, có hộ hai người, riêng gia đình tôi là 3 người . Ngày đứa con đầu lòng sinh ra vợ chồng tôi mừng lắm khi thấy đứa bé trông xinh xắn và khỏe mạnh, nhưng khi nó lớn lên mới biết nó bị câm, bị điếc. Rồi đến đứa thứ hai cũng cũng bị câm, điếc như vậy.Bao nhiêu lần sinh là bao nhiêu hi vọng có đứa con bình thường biết bi bô cất tiếng gọi cha, gọi mẹ, nhưng mỗi lần sinh là mỗi lần vợ chồng tôi lặng người trước một sự thật đau đớn .Vợ chồng tôi buồn ghê lắm chú ạ! Tôi động viên bà, bà an ủi tôi.Chúng tôi vẫn mong những lần sinh sau sẽ có được những đứa con khỏe mạnh để nương tựa khi tuổi già, lần sinh thứ ba vợ tôi sinh đôi .Xót xa thay đứa chị là bé Thoa cũng bị câm, điếc.Đứa kia may mắn hơn như người bình thường hiện cháu là SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cả gia đình tôi năm người con thì có đến ba đứa bị câm, điếc bẩm sinh chú ạ! Sao “ Ông Trời” nỡ bắt tội chúng tôi ! …”
Tôi tranh thủ đi một vòng quan sát và tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô bé. Gia cảnh gia đình thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.Ông Hưng làm nghề nông và mộc, vợ vì sức khỏe yếu nên chỉ trông mong vào thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ ven đường, căn nhà cấp bốn mới được ông Hưng vay mượn tiền để sửa chữa, từ khi có căn nhà vững chãi khi mưa nắng ông không còn phải lo nhất là ở nơi cù lao đấy bão, lụt như miền đất xứ Quảng này. Điều mà ông Hưng lo lắng nhất là những đứa con câm, điếc đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống phía trước họ ra sao ? Ông cũng không thể biết được, cũng không thể che chở và bao bọc cho con mãi được. Điều lạ là gia đình ông Hưng cũng chưa nhận được bất kỳ một sự trợ giúp và hỗ trợ nào từ các tổ chức đoàn thể và xã hội cho con cái ông có thể hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi trò chuyện cùng Thoa. Ngôn ngữ mà Thoa trò chuyện với chúng tôi là cử chỉ, điệu bộ, có khi còn dùng tay kết hợp với nét mặt, miệng, đầu…và dùng cả cây viết để diễn đạt ý nghĩ của mình.Khi hỏi về cuộc sống đời tư và những ước muốn, Thoa cười có ẩn chứa những nét buồn và tâm sự bằng cử chỉ và điệu bộ: ” Em mong muốn được vẽ, vẽ là sở thích và cả niềm đam mê của em…”.Khi nào không diễn tả được thì mỗi dòng chữ loằng ngoằng , ngắn gọn của Thoa lại thay thế. Trên những nét chữ còn rõ sự vụng về ấy, là công việc, là cuộc sống, là tâm tư của một cô gái câm . Thoa viết chậm, vì thế nên rất ít viết, chủ yếu trả lời qua thái độ, cử chỉ và qua đôi mắt. Thật lạ !Đôi mắt của một cô gái câm ở chốn cù lao An Phú không u buồn mà luôn rực sáng.
Chia sẻ với tôi, bà Kiều Thị Thu – Mẹ của Thoa – tâm sự với giọng buồn buồn: “ Nhà có ba đứa con bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, hai đứa lớn đều đi làm thuê hái café ở Đaklak, còn bé Thoa ở nhà : Khi còn nhỏ, nó là người sáng dạ và tôi thật sự ngạc nhiên khi cháu không đi học nhưng có thể giao tiếp với người bình thường bằng chữ viết.Cháu rất thích vẽ, mọi người trong xóm cần vẽ đều nhờ đến nó. Khi cháu 18 tuổi, nhờ người quen giới thiệu cháu được thầy Thái ( Họa sỹ, GV mỹ thuật trường ĐH Phạm Văn Đồng ) nhận làm học trò.Cháu không quản ngại đường sá đi lại rất vất vả xa xôi phải vượt qua những trảng cát, qua đò, đi xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến nơi học vẽ… Từ ngày cháu đi học vẽ đời sống tâm lý, tình cảm cháu thay đổi rất nhiều, mặc dù có nhiều khó khăn đường sá xa xôi nhưng thấy cháu yêu thích vả lại cháu đã quá thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện cho cháu đi học vẽ .Cũng có lúc, Thoa phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền mua vật liệu vẽ …Gia đình tôi luôn xem thầy Thái như ân nhân của cháu…”
Ở nhà ngoài thời gian phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, Thoa rất thích vẽ, cô vẽ bằng tất cả những vật liệu gì có thể tìm thấy trong nhà.Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những “cuộc chơi”. Đối với Thoa vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì cô có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên như muốn trãi bày những tâm sự và ước muốn của mình . Đôi khi Thoa thả lòng mình vào trong bức tranh và say mê nhìn ngắm sản phẩm của mình .Hội họa đã giúp cô truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ, màu sắc… Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ của cô được chuyển tải vào trong đó
Bà lục một số bài vẽ của Thoa đem cho chúng tôi xem, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy em thật sự có năng khiếu hội họa.Qua các phương tiện ngôn ngữ của hội họa như đường nét, màu sắc…Mỗi gam màu, đường nét trên mỗi bức tranh như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của Thoa với mong muốn được trãi lòng mình ra với mọi người, với cuộc đời.…
Theo bà Thu cho biết ngoài thời gian học vẽ cô đã hoàn thành khóa đào tạo nghề thêu nghệ thuật do tổ chức hổ trợ và phát triển Đức ( German Development Service ) tổ chức tại Quảng Ngãi ( từ 2/5/2009 đến 2/8/2009 ) nhưng rồi cô cũng không có một cơ hội để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình.
Nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của cô.Thời gian học vẽ của cô kéo dài gần 3 năm liên tục dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Thái. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong vấn đề truyền đạt nhưng cô đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản của hội họa. Những bài vẽ của Thoa rất lạ, màu rất đẹp và cả ý tưởng cũng rất mới mẻ- gây cả sự ngạc nhiên cho chính thầy Thái và tôi – Những bài vẽ mà ngay cả SV cao đẳng sư phạm mỹ thuật năm thứ ba cũng khó có thể vẽ được như vậy, Thoa được làm quen với các chất liệu hội họa, các thể loại tranh, tập sao chép tranh bằng chất liệu sơn dầu, và bước đầu cô cũng đã bắt đầu biết sáng tác những bức tranh theo cảm xúc của mình… Một hướng đi mới đã mở ra cho cô cho dù vẫn còn xa xăm …Như vậy, Thoa mong muốn được sống bằng nghề vẽ hoặc thêu, nhưng ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi điều đó thực sự khó khăn và khó hơn là còn thiếu những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ…để giấc mơ cô gái câm trở thành hiện thực.
Trong cái xóm nhỏ này, có rất nhiều thân phận cuộc đời của những con người bị thiệt thòi ở nơi đây, họ lặng lẽ sống như một sự cam chịu số phận trớ trêu. Theo tôi biết những năm trước tỉnh Quảng Ngãi chưa có trường khuyết tật dành cho trẻ chuyên biệt và không phải trường hợp nào cũng có điều kiện được đi học tại trường khuyết tật do qui mô của nhà trường còn hạn chế nên sự thiệt thòi của họ càng nhiều hơn . Phần lớn những người khuyết tật ở đây chưa bao giờ được đến trường nên khả năng giao tiếp, nhận thức trong ứng xử với những người xung quanh của họ rất hạn chế, vì thế họ dễ mặc cảm, luôn có tâm lý thích sống co rúm lại. Thanh niên ở đây và các vùng lân cận đến tuổi lập gia đình họ rất sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và truyền kiếp ! Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng, cuộc sống vất vả, nghèo khó của người khuyết tật và những cố gắng của các họ để tồn tại trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân ở chốn cù lao này.
Nhưng có lẽ Thoa là người đặc biệt hơn cả vì đã dám vượt qua những khó khăn của số phận, hoàn cảnh để mong muốn hòa nhập cộng đồng và khẳng định bản thân mình với một ước mơ giản đơn.
Cần lắm những tấm lòng…
Trước khi ra về, ông Hưng và những người hàng xóm cầm lấy tay chúng tôi với lời cầu mong một ngày nào đó các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ có kết luận về những trường hợp như nhiều gia đình ở xóm cù lao An Phú này. Lúc đó, chắc có lẽ gia đình ông Hưng và bao người câm điếc khác sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời. Chia tay họ mà lòng chúng tôi trĩu nặng và cũng thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những con người không may mắn ở đây nói chung và Thoa nói riêng bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho giấc mơ của cô gái không còn quá xa xăm…
01/12/2010
NHQ-PDU
Ảnh 1,2: Nguyến Thị Kim Thoa, năm 18 tuổi
Ảnh 3: Nguyến Thị Kim Thoa,cùng 3 chị em gái đều bị câm ( Thoa đứng giữa)
Từ trung tâm TP Quảng Ngãi, ngược về phía Bắc sau đó rẽ xuống phía Đông có một thôn nhỏ – Thôn An Phú, thuộc xã Tịnh An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nơi đây có những số phận con người đã và đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sự đùa cợt của tạo hóa, gây cho người khác nhiều điều trắc ẩn về cuộc đời của họ.
Sau gần 20 phút đi xe con qua những con đường ngoằn ngoèo trong xóm, chúng tôi phải để xe bên này sông Trà Khúc, xuống thuyền máy để đến cù lao An Phú .Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa mưa lũ, cả thôn An Phú giống như một ốc đảo nên mọi người thường gọi là cù lao An phú. Người dân ở cù lao An Phú sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây thôn An Phú vô cùng khó khăn, đời sống lạc hậu, mặt bằng dân trí rất thấp. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng những thân phận cá nhân thì không phải “ngày một ngày hai” có thể giải quyết được và hơn nữa ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Con người ở đây sống hiền hòa, hiếu khách, và nhân hậu…Thế nhưng, cuộc đời đã không công bằng với họ.Đằng sau những mái tranh nghèo bên dòng sông Trà hiền hòa là những thân phận, cảnh nghèo gieo neo… và rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để sẻ chia và đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở cái cù lao nhỏ bé này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp tình cờ trên đường cũng là một thanh niên mặt mũi sáng sủa, lanh lợi khoảng 28 tuổi, chúng tôi hỏi nhà Thoa, anh trò chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm …Số phận trêu ngươi ! Cả cái thôn nhỏ bé nhưng rất nhiều hộ gia đình có người bị câm, chưa có một số liệu chính xác về người câm, điếc ở cù lao này nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ : Có gia đình một người, có gia đình hai người, như gia đình cô Thoa có đến ba người đều bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh…mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đến đây mới thấu hiểu những nỗi gian lao, vất vả , thiệt thòi mà những người dân ở đây phải gánh chịu.
Số phận trêu ngươi
Thoa đón chúng tôi trước ngõ.Em cười và chào chúng tôi bằng ngôn ngữ của người câm với đôi mắt vui mừng như đón một người thân lâu ngày trở về. Nhưng nhìn vào đôi mắt đó tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa.
Trong căn nhà cấp bốn, ông Bùi Quang Hưng – Bố của Thoa – trầm ngâm, buồn bã cho biết :” Cả thôn này rất nhiều người bị câm điếc bẩm sinh, phần lớn đều là người họ Bùi : Có hộ một người, có hộ hai người, riêng gia đình tôi là 3 người . Ngày đứa con đầu lòng sinh ra vợ chồng tôi mừng lắm khi thấy đứa bé trông xinh xắn và khỏe mạnh, nhưng khi nó lớn lên mới biết nó bị câm, bị điếc. Rồi đến đứa thứ hai cũng cũng bị câm, điếc như vậy.Bao nhiêu lần sinh là bao nhiêu hi vọng có đứa con bình thường biết bi bô cất tiếng gọi cha, gọi mẹ, nhưng mỗi lần sinh là mỗi lần vợ chồng tôi lặng người trước một sự thật đau đớn .Vợ chồng tôi buồn ghê lắm chú ạ! Tôi động viên bà, bà an ủi tôi.Chúng tôi vẫn mong những lần sinh sau sẽ có được những đứa con khỏe mạnh để nương tựa khi tuổi già, lần sinh thứ ba vợ tôi sinh đôi .Xót xa thay đứa chị là bé Thoa cũng bị câm, điếc.Đứa kia may mắn hơn như người bình thường hiện cháu là SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cả gia đình tôi năm người con thì có đến ba đứa bị câm, điếc bẩm sinh chú ạ! Sao “ Ông Trời” nỡ bắt tội chúng tôi ! …”
Tôi tranh thủ đi một vòng quan sát và tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô bé. Gia cảnh gia đình thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.Ông Hưng làm nghề nông và mộc, vợ vì sức khỏe yếu nên chỉ trông mong vào thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ ven đường, căn nhà cấp bốn mới được ông Hưng vay mượn tiền để sửa chữa, từ khi có căn nhà vững chãi khi mưa nắng ông không còn phải lo nhất là ở nơi cù lao đấy bão, lụt như miền đất xứ Quảng này. Điều mà ông Hưng lo lắng nhất là những đứa con câm, điếc đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống phía trước họ ra sao ? Ông cũng không thể biết được, cũng không thể che chở và bao bọc cho con mãi được. Điều lạ là gia đình ông Hưng cũng chưa nhận được bất kỳ một sự trợ giúp và hỗ trợ nào từ các tổ chức đoàn thể và xã hội cho con cái ông có thể hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi trò chuyện cùng Thoa. Ngôn ngữ mà Thoa trò chuyện với chúng tôi là cử chỉ, điệu bộ, có khi còn dùng tay kết hợp với nét mặt, miệng, đầu…và dùng cả cây viết để diễn đạt ý nghĩ của mình.Khi hỏi về cuộc sống đời tư và những ước muốn, Thoa cười có ẩn chứa những nét buồn và tâm sự bằng cử chỉ và điệu bộ: ” Em mong muốn được vẽ, vẽ là sở thích và cả niềm đam mê của em…”.Khi nào không diễn tả được thì mỗi dòng chữ loằng ngoằng , ngắn gọn của Thoa lại thay thế. Trên những nét chữ còn rõ sự vụng về ấy, là công việc, là cuộc sống, là tâm tư của một cô gái câm . Thoa viết chậm, vì thế nên rất ít viết, chủ yếu trả lời qua thái độ, cử chỉ và qua đôi mắt. Thật lạ !Đôi mắt của một cô gái câm ở chốn cù lao An Phú không u buồn mà luôn rực sáng.
Chia sẻ với tôi, bà Kiều Thị Thu – Mẹ của Thoa – tâm sự với giọng buồn buồn: “ Nhà có ba đứa con bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, hai đứa lớn đều đi làm thuê hái café ở Đaklak, còn bé Thoa ở nhà : Khi còn nhỏ, nó là người sáng dạ và tôi thật sự ngạc nhiên khi cháu không đi học nhưng có thể giao tiếp với người bình thường bằng chữ viết.Cháu rất thích vẽ, mọi người trong xóm cần vẽ đều nhờ đến nó. Khi cháu 18 tuổi, nhờ người quen giới thiệu cháu được thầy Thái ( Họa sỹ, GV mỹ thuật trường ĐH Phạm Văn Đồng ) nhận làm học trò.Cháu không quản ngại đường sá đi lại rất vất vả xa xôi phải vượt qua những trảng cát, qua đò, đi xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ nhà đến nơi học vẽ… Từ ngày cháu đi học vẽ đời sống tâm lý, tình cảm cháu thay đổi rất nhiều, mặc dù có nhiều khó khăn đường sá xa xôi nhưng thấy cháu yêu thích vả lại cháu đã quá thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện cho cháu đi học vẽ .Cũng có lúc, Thoa phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền mua vật liệu vẽ …Gia đình tôi luôn xem thầy Thái như ân nhân của cháu…”
Ở nhà ngoài thời gian phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, Thoa rất thích vẽ, cô vẽ bằng tất cả những vật liệu gì có thể tìm thấy trong nhà.Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những “cuộc chơi”. Đối với Thoa vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì cô có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên như muốn trãi bày những tâm sự và ước muốn của mình . Đôi khi Thoa thả lòng mình vào trong bức tranh và say mê nhìn ngắm sản phẩm của mình .Hội họa đã giúp cô truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ, màu sắc… Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ của cô được chuyển tải vào trong đó
Bà lục một số bài vẽ của Thoa đem cho chúng tôi xem, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy em thật sự có năng khiếu hội họa.Qua các phương tiện ngôn ngữ của hội họa như đường nét, màu sắc…Mỗi gam màu, đường nét trên mỗi bức tranh như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của Thoa với mong muốn được trãi lòng mình ra với mọi người, với cuộc đời.…
Theo bà Thu cho biết ngoài thời gian học vẽ cô đã hoàn thành khóa đào tạo nghề thêu nghệ thuật do tổ chức hổ trợ và phát triển Đức ( German Development Service ) tổ chức tại Quảng Ngãi ( từ 2/5/2009 đến 2/8/2009 ) nhưng rồi cô cũng không có một cơ hội để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình.
Nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của cô.Thời gian học vẽ của cô kéo dài gần 3 năm liên tục dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Thái. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong vấn đề truyền đạt nhưng cô đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức cơ bản của hội họa. Những bài vẽ của Thoa rất lạ, màu rất đẹp và cả ý tưởng cũng rất mới mẻ- gây cả sự ngạc nhiên cho chính thầy Thái và tôi – Những bài vẽ mà ngay cả SV cao đẳng sư phạm mỹ thuật năm thứ ba cũng khó có thể vẽ được như vậy, Thoa được làm quen với các chất liệu hội họa, các thể loại tranh, tập sao chép tranh bằng chất liệu sơn dầu, và bước đầu cô cũng đã bắt đầu biết sáng tác những bức tranh theo cảm xúc của mình… Một hướng đi mới đã mở ra cho cô cho dù vẫn còn xa xăm …Như vậy, Thoa mong muốn được sống bằng nghề vẽ hoặc thêu, nhưng ở một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi điều đó thực sự khó khăn và khó hơn là còn thiếu những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ…để giấc mơ cô gái câm trở thành hiện thực.
Trong cái xóm nhỏ này, có rất nhiều thân phận cuộc đời của những con người bị thiệt thòi ở nơi đây, họ lặng lẽ sống như một sự cam chịu số phận trớ trêu. Theo tôi biết những năm trước tỉnh Quảng Ngãi chưa có trường khuyết tật dành cho trẻ chuyên biệt và không phải trường hợp nào cũng có điều kiện được đi học tại trường khuyết tật do qui mô của nhà trường còn hạn chế nên sự thiệt thòi của họ càng nhiều hơn . Phần lớn những người khuyết tật ở đây chưa bao giờ được đến trường nên khả năng giao tiếp, nhận thức trong ứng xử với những người xung quanh của họ rất hạn chế, vì thế họ dễ mặc cảm, luôn có tâm lý thích sống co rúm lại. Thanh niên ở đây và các vùng lân cận đến tuổi lập gia đình họ rất sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và truyền kiếp ! Đến nơi đây, chứng kiến những khó khăn, sức chịu đựng, cuộc sống vất vả, nghèo khó của người khuyết tật và những cố gắng của các họ để tồn tại trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân ở chốn cù lao này.
Nhưng có lẽ Thoa là người đặc biệt hơn cả vì đã dám vượt qua những khó khăn của số phận, hoàn cảnh để mong muốn hòa nhập cộng đồng và khẳng định bản thân mình với một ước mơ giản đơn.
Cần lắm những tấm lòng…
Trước khi ra về, ông Hưng và những người hàng xóm cầm lấy tay chúng tôi với lời cầu mong một ngày nào đó các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ có kết luận về những trường hợp như nhiều gia đình ở xóm cù lao An Phú này. Lúc đó, chắc có lẽ gia đình ông Hưng và bao người câm điếc khác sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời. Chia tay họ mà lòng chúng tôi trĩu nặng và cũng thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những con người không may mắn ở đây nói chung và Thoa nói riêng bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho giấc mơ của cô gái không còn quá xa xăm…
01/12/2010
NHQ-PDU
Ảnh 1,2: Nguyến Thị Kim Thoa, năm 18 tuổi
Ảnh 3: Nguyến Thị Kim Thoa,cùng 3 chị em gái đều bị câm ( Thoa đứng giữa)
Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011
Giới thiệu tranh của họa sĩ Lê Ngọc Tường
ARTIST LE NGOC TUONG - TEL :0914230975
Born in 1970 in Ha Noi .
Graduated from Fine Arts Industrial University in Hue 1998 .
Professor in paintings of Fine Arts Industrial University in Hue .
Group exhibition :
2002 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville, France
2003 Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore .
2005 Exhibition at Alliance Francaise de Malaysia, Kuala Lumpur
Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore
2006 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville , France
Exhibition at Galerie Anh Tuyet in Toulouse, France
Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore
Exhibition at Galerie Keller , Zurich
2007 : Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France
Exhibition at Dragonfly Design Decor in Washington DC, USA
Exhibition at Towson University in Maryland, USA
Exhibition at Gallery Brigitte in Virginia, USA
Exhibition at Drama Centre National Library in Singapore
Exhibition at Alliance Francaise in Singapore
Exhibition at Tours in France
2008 Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France
Exhibition at Alliance Francaise in Singapore
His works were chosen and collected in Singapore , Italy , France , USA , Korea, Zurich , Malaysia , Australia , Japan
Born in 1970 in Ha Noi .
Graduated from Fine Arts Industrial University in Hue 1998 .
Professor in paintings of Fine Arts Industrial University in Hue .
Group exhibition :
2002 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville, France
2003 Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore .
2005 Exhibition at Alliance Francaise de Malaysia, Kuala Lumpur
Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore
2006 Exhibition at Salon d'Automne International de Luneville , France
Exhibition at Galerie Anh Tuyet in Toulouse, France
Exhibition at Alliance Francaise de Singapour, Singapore
Exhibition at Galerie Keller , Zurich
2007 : Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France
Exhibition at Dragonfly Design Decor in Washington DC, USA
Exhibition at Towson University in Maryland, USA
Exhibition at Gallery Brigitte in Virginia, USA
Exhibition at Drama Centre National Library in Singapore
Exhibition at Alliance Francaise in Singapore
Exhibition at Tours in France
2008 Exhibition at Salon d’Automne International in Luneville, France
Exhibition at Alliance Francaise in Singapore
His works were chosen and collected in Singapore , Italy , France , USA , Korea, Zurich , Malaysia , Australia , Japan
Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011
Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.
Nghệ thuật với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc.
1. Những quan điểm cơ bản
Ngay ở thời cổ đại, Platon đã nhận thấy sự tác động của nghệ thuật vào thế giới tình cảm của con người. Ông đặc biệt chú ý đến sự tác động của bi kịch, - cái, mà theo ông làm ảnh hưởng xấu đến tình cảm công dân trong vương quốc cộng hòa lý tưởng mà ông xây dựng. Bởi, khi đề cập đến sự hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, Platon nêu lên quan điểm quí phái của mình: Nữ thần nghệ thuật không được phép đem lại sự thích thú cho bất cứ ai, mà chỉ đem lại cho hạng người ưu tú nhất, đã từng kinh qua một qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn. Nếu gạt bỏ tính chất duy tâm, thần bí trong quan niệm này, thì chúng ta thấy cái ẩn dấu đằng sau “qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn” trong quan niệm của Platôn, thì ông đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn, đó là chủ thể thưởng thức phải có một trình độ giáo dục nhất định. Ngược lại, Arixtốt đã coi nghệ thuật như là phương tiện thanh lọc tình cảm con người. Sự cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật làm con người trở nên cao quí, làm cho tâm hồn con người trở nên thanh khiết(chữ Hy Lạp: Katarxix)hơn, tác phẩm nghệ thuật có thể giải phóng tâm hồn con người khỏi một tình cảm tầm thường, thấp hèn, mọi cái xấu và cái tiêu cực. Sở dĩ ông nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật với hoạt động đạo đức, vì ông thấy được nhân thức nghệ thuật là một cơ chế tổng hợp cảm xúc, mà trước hết là đạo đức. Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng lý tưởng đạo đức của ông là một kiểu “hoạt động trầm tư của lý trí”, - hoạt động này hình như không không theo đuổi một mục đích thực tiễn rõ rệt nào cả.
Ở phương Đông cổ đại, Khổng tử cho rằng nghệ thuật có khả năng kiểm soát cảm xúc, căn cứ vào một tiêu chuẩn đạo đức và mỹ học nhất định, rằng nghệ thuật phải đem lại cho con người niềm thích thú và tươi vui. Trong “Luận ngữ”[1], say sưa với một bài dân ca, Khổng tử ra lời tán thưởng của mình : “Tính chất đoan chính của bài ca gợi nên ở con người sự thỏa mãn đầy đủ, một niềm khoái lạc chân chính”. Ong cũng khẳng định rằng nghệ thuật có thể là một phương tiện tốt để giáo dục đạo đức. Đặc biệt, ông chú ý rất nhiều tới mặt nhận thức của nghệ thuật, bởi nghệ thuật có khả năng mở rộng thêm mọi sự hiểu biết của con người về cuộc sống, để mang lại cho con người những kiến thức mới. Ong nói: “Vì sao mà thanh niên ít học thi ca nhỉ?” – ông hỏi. “Thi ca gợi cảm cho con người, gìn giữ cho y khỏi lặp lại nhưng sai lầm của kẻ khác, dạy cho y cách xây dựng quan hệ với những kẻ khác, chỉ cho y cách đánh vào thứ chính trị ngu ngốc, soi sáng cho y về cách ăn ở trong nhà với cha mẹ, khuyên bảo y cách đối xử ở cung đình với quốc vương, và ngoài ra, học thi ca, có thể hiểu biết được nhiều thảo mộc và cầm thú”[2].
Ở một hình thức khác, trong lý luận nghệ thuật của đạo Bàlamôn, quan trọng bậc nhất là học thuyết về “Raxa”- về những cảm xúc, với ý nghĩa cao đẹp và thâm thúy của danh từ này. “Raxa” là sức mạnh chói lọi bởi sự an lạc của ý thức, khi mà ý thức không gặp trở ngại nào nữa để tự biểu hiện; niềm an lạc này biểu hiện qua tình yêu và qua những cảm xúc. Hơn thế nữa “raxa” còn được coi là niềm hưng phấn tới cực độ, biểu lộ ra bằng nhiều cảm xúc. Tám cảm xúc được coi là lẽ thường tình:
1. Tình yêu;
2. Tâm hồn cao thượng;
3. Sự phẫn nộ;
4. Niềm vui sướng;
5. Nỗi kinh ngạc;
6. Sự sầu bi;
7. Sự bình thản;
8. Sự bất mãn;
Tác phẩm nghệ thuật phải chủ động thể hiện vai trò đặc thù của nó là khêu gợi “raxa”; và người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật phải có khả năng thấu hiểu “raxa”, cảm xúc nó, thức tỉnh nó trong bản thân mình. Sở dĩ như vậy, bởi người An độ tự cho mình là một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên và vũ trụ, do đó các loại hình nghệ thuật đều nhằm đến mục đích tối thượng là tạo điều kiện giúp vào việc gợi nên một “raxa” thích hợp để đạt tới sự tự giải phóng – sự tự do.
Thời kỳ trung cổ, trong khoảng thời gian đầu tiên, sau khi phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã tan rã, chúng ta nhận thấy một sự sụp đổ của nền kinh tế, nền kỹ thuật, nền thương mại, của các thành thị và của các nền văn hoá. Ph. Angghen đã có nhận xét rằng: “Thời trung cổ đã từng phát triển trên một cơ sở hoàn toàn nguyên thủy. Nó đã xóa hoàn toàn nền văn minh cổ đại, vốn triết học, chính trị học và pháp luật cổ đại, để xây dựng lại tất cả mọi mặt, ngay từ bước đầu. Điều duy nhất mà nó mượn của thế giới cổ đại đã chết, là Cơ đốc giáo và một số thành thị đã bị phá hủy tới phân nửa và đã mất hết tất cả văn minh trước kia của chúng. Kết quả (kết quả của tình trạng ấy, N.D thêm), - như thường xảy ra ở tất cả giai đoạn mở đầu quá trình phát triển, - là độc quyền về học vấn do các giáo sĩ nắm, và cũng chính do đấy mà bản thân học vấn này chủ yếu mang tính chất thần học”[3]. Cho nên, đặc điểm nổi bật của tổ chức chính trị xã hội thời kỳ này là hệ thống phức tạp về đẳng cấp của xã hội phong kiến và nhà thờ. Cũng chính vì vậy, đời sống tinh thần thời kỳ này là sự thống trị tuyệt đối của thần học, nghệ thuật chính thống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo. Trong nghệ thuật, người ta đã tìm cách cố gắng biện luận cho thế giới đồ vật có quyền được làm khách thể, thể hiện trực tiếp quyền lực của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, theo Tômát Đacanh[4]: “Mọi sinh vật được sinh ra đều làm Chúa vui sướng, bởi vì mọi thứ đang tồn tại đều theo ý Chúa”. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng về nghệ thuật trong thời kỳ này xét về vai trò của nó trong thế giới tình cảm là sự hoà quyện giữa tình cảm nghệ thuật – tình cảm tôn giáo mà thực chất là xúc cảm về tâm linh.
Với một mức độ khái quát hơn, Hêghen đã đứng trên quan điểm lịch sử để giải quyết sự tác động của nghệ thuật đối với thế giới tình cảm của con người. Ông nêu lên một ý tưởng hết sức độc đáo: Chúng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật có nhiệm vụ biến cái hiện tượng trên tất cả các điểm và bình diện của nó thành con mắt, nó sẽ là nơi trú ẩn của tâm hồn và là biểu hiện của tinh thần. Nếu tước bỏ yếu tố duy tâm trong tư tưởng đó, thì nhận xét của Hêghen thật sắc xảo: hoạt động thẩm mỹ, trong đó có hoạt động nghệ thuật liên quan trực tiếp đến cái “Tôi” tinh thần, và có trách nhiệm tự do bên trong của chủ thể. Và ông nhấn mạnh: “…sức mạnh đặc thù của nghệ thuật là ở chỗ nghệ thuật thức tỉnh ở ta mọi tình cảm, làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập những nội dung khác nhau của cuộc sống, và gợi lên những cảm nghĩ này bằng cái vẻ giống thực lừa dối chúng ta”[5].
Trong sự phát triển của mỹ học mácxít, nhiều nhà khoa học gắn rất chặt nghệ thuật với tâm lý học. N.X.Vưgốtxki – nhà tâm lý học nghệ thuật, đã nhấn mạnh rằng sự khảo sát mácxít về nghệ thuật, nhất là các hình thức phức tạp nhất của nó, cần phải bao gồm cả sự nghiên cứu tác động tâm sinh lý của tác phẩm nghệ thuật. Sau N.X. Vưgotxki, thì Lêôntiép và P.V. Ximônốp, v.v... đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Điều đó có lý do của nó, bởi vì trong khi xét đến các cấp độ của hình tượng nghệ thuật thì tâm lý là một cấp độ hết sức quan trọng.
Những vấn đề trình bày trên đây cho thấy cần phải nghiên cứu bản chất của cảm xúc, sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ và vai trò của nghệ thuật trong thế giới tình cảm của con người.
2. Cảm xúc – cảm xúc nghệ thuật
Cảm xúc (theo tiếng la tinh êmôxêô - tôi cảm động, tôi xúc động) đó là sự rung động từ phía bản thân con người đối với hiện thực, cũng như sự rung động của trạng thái chủ quan nảy sinh trong qúa trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong qúa trình thỏa mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, cũng như các hoạt động ý chí khác, trong cảm xúc biểu hiện đặc biệt rõ nét tính tích cực của sự phản ánh tâm lý. Nếu so sánh mối liên hệ về hoạt động tâm lý giữa con người và động vật, thì chúng ta thấy ở động vật cũng có những mầm mống của cảm xúc.
Ở thời đại mình, Đácuyn đã giải thích một cách khoa học bản chất của các hành động diễn cảm (biểu hiện cảm xúc) của con người và động vật. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, ở con người đằng sau kích thích của cảm xúc, không chỉ có yếu tố sinh lý mà có cả kinh nghiệm của lịch sử loài người, là tất cả những kinh nghiệm của những quan hệ xã hội, bao gồm cả sự tự nhận thức cá nhân.
Đácuyn đã chỉ rõ rằng các biểu hiện bên ngoài của cảm xúc là những động tác diễn cảm cảm của con người xuất hiện không theo dự định trước mà mang tính chất cố định với những dấu hiệu thường gặp đối với những cảm xúc khác nhau. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc, bản chất và phân loại cảm xúc, ông đã xây dựng nên ba nguyên tắc cơ bản của toàn bộ lý thuyết sinh vật học về cảm xúc và biểu hiện bên ngoài của nó. Đó là các nguyên tắc:
1. Nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích;
2. Nguyên tắc đối lập;
3. Nguyên tắc hành động do cơ cấu của hệ thần kinh quyết định
Trong ba nguyên tắc biểu hiện bên ngoài của cảm xúc nói trên thì nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích chiếm vị trí cơ bản trong lý thuyết di truyền học của cảm xúc. Nguyên tắc đó có liên quan trực tiếp với các tư tưởng của học thuyết tiến hoá của Đáuyn về nguồn gốc của loài người. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nguyên tắc này có thể được coi là một trong những cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu cảm xúc nghệ thuật dưới góc độ tâm lý học nghệ thuật hay không? Rằng, nhân thức nghệ thuật có phải là một cơ chế tổng hợp cảm xúc nói chung của con người?
Trong hệ thống những cảm xúc của con người thông qua sự tác động của nghệ thuật, không chỉ đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, được thể hiện với tích cách là một cảm nghĩ - cảm xúc, mà còn là cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người. Cố nhiên, không chỉ có nghệ thuật, mà các hình thái khác của nhận thức cũng có khả năng tổng hợp cảm xúc của con người. Nhưng chỉ có điều ở nghệ thuật thì khả năng ấy diễn ra thông qua hệ thống hình tượng toàn vẹn – cảm tính như là một qui luật của tình cảm. Điều này có thể được xác định thông qua tính mục đích của hoạt động con người, khi con người khách thể hóa tính mục đích của mình ở trong đối tượng phản ánh. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: “Trong lịch sử xã hội, nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những người có ý thức, hành động có suy nghĩ có nhiệt tình và theo đuổi những mục đích nhất định”[6]. Sự khách thể hóa này của mục đích được thực hiện dưới hình thức ý nghĩa của khách thể. Khi ý nghĩ cá nhân liên tưởng tới một ý nghĩa nào đó của xã hội làm nảy sinh cảm nghĩ về giá trị của tình huống hay của khách thể, điều đó làm cho chủ thể của tư duy tri giác được tình huống hay khách thể với tích cách thế giới quan cá nhân. Khi nhấn mạnh tính tích cực của cảm xúc và nhận thức, Ph. Angghen còn chỉ ra rằng ý chí được xác định bởi sự say mê, hoặc sự ngẫm nghĩ cũa con người. Như vậy, cảm xúc như là sự rung động ở nơi tâm hồn con người bởi sự tác động nào đó của hiện thực và nó có đặc điểm là mang tính chủ quan.
Trong tâm lý học hiện đại vẫn chưa có được một sự phân loại cảm xúc nào được công nhận rộng rãi. Song người ta có thể phân chia chúng một cách chính xác hơn thành các loại cảm xúc khác nhau, trên cơ sở các thành phần, các dấu hiệu đặc trưng về cường độ của rung động tâm lý, những cái thể hiện về mặt tâm trạng thông qua tình cảm của con người. Căn cứ vào nội dung và nguyên nhân phát sinh sự rung động, tâm trạng của cảm xúc con người, mà tình cảm được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, tình cảm sinh học nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học, còn tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm tôn giáo, v.v… thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người. Trong đó, tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ là nhóm tình cảm cấp cao. Với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc, thì trước hết và chủ yếu là sự tác động của nghệ thuật vào nhóm tình cảm cấp cao đó.
3. Cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật
Cơ chế tác động của nghệ thuật vào tình cảm của con người theo lẽ tự nhiên vươn tới khoái cảm thẩm mỹ và nó là một trong những nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển của nghệ thuật cũng như đối với sự phát triển thế giới tình cảm của con người. Nhưng tại sao khoái cảm thẩm mỹ với tư cách là yếu tố cái đẹp lại có khả năng tác động mạnh mẽ như một cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người? Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất của mỹ học - tâm lý học; và cho đến nay về vấn đề đó vẫn chưa có một quan điểm thống nhất nào có tính thuyết phục. Cái đẹp vẫn thường được quan niệm như một sự hài hòa, như một sự hoàn chỉnh, có khả năng điều tiết những ham mê và tình cảm của con người. Thật vậy, cái chân – cái thiện – cái mỹ là những phương tiện tốt nhất để con người đạt được sự hài hòa, hoàn chỉnh các phẩm chất cao qúi nhất của tâm hồn, trong đó, sự tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật mang lại cho con người một một khoái cảm tinh thần – một sự tổng hợp cảm xúc.
- Thứ nhất, các tình cảm thẩm mỹ thể hiện trong hoạt động nghệ thuật đều có ảnh hưởng một cách tích cực, thậm chí có thể tối ưu hoá mọi quá trình tâm sinh lý của con người, phát huy mọi năng lực nhận thức của con người, kể cả trong khoa học. Nghệ thuật tác động vào tình cảm và trí tuệ, đem lại cho con người loại “tri thức” mà không một khoa học nào có thể đem lại. Đây không chỉ là cảm thụ tính thực tế, đây còn là tri thức về cuộc đời, sự xâm nhập những điều bí ẩn của tồn tại con người. Bởi lẽ, cái đẹp đưa chúng ta tới gần chân lý hơn và chân lý là một điều kiện của cái thiện. Sự hiểu biết, sự hiền minh là một trong những cội nguồn của khoái cảm thẩm mỹ, và đến lượt nó khoái cảm thẩm mỹ do nghệ thuật đem lại là điều kiện giúp cho con người nắm bắt được tri thức. Rõ ràng, nghệ thuật đem lại cho người cảm thụ một loại trí tuệ hòa với tình cảm, một loại tình cảm hòa với trí tuệ hoặc có thể gọi là tình cảm trí tuệ.
Bản chất phức tạp bởi những mâu thuẫn và tính sinh động của cuộc sống con người là một cái gì đó rất khó cho phép chúng ta đưa vào những khái niệm lôgíc trừu tượng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học có khả năng nghiên cứu sâu sắc hơn những qui luật và những phương diện khác nhau của cuộc sống; nhưng biết đến qui luật của cuộc sống chưa có nghĩa là thể nghiệm đúng những bí ẩn của cuộc sống con người, nếu khoa học không quan tâm hơn nữa đến tình cảm trí tuệ của cái đẹp.
Tình cảm trí tuệ do sự hưởng thụ nghệ thuật, giúp cho con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn của cuộc sống. Nghệ thuật đạt đến điều này bằng cách trình bày những qui luật khái quát những tình huống hình tượng nghệ thuật cụ thể. Tình cảm trí tuệ được thực hiện thông qua chức năng nhận thức của nghệ thuật chính là lý tưởng thẩm mỹ - xã hội được thể hiện ở nội dung tư tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật chân chính có khả năng cung cấp cho con người về những giá trị của chính bản thân cuộc sống.
- Thứ hai, trong nghệ thuật, việc phản ánh những quan hệ đạo đức giữa người với người, phong thái đạo đức của cá tính có một ý nghĩa to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật được gọi là bức hoạ về nhân cách, về phong tục. Người HyLạp cổ đại đã xây dựng khái niệm “con người cao quí” (Kalox - Kagatox) - Khái niệm chung đúc hữu cơ cái thiện (lòng dũng cảm) với cái đẹp. Đối với người Hy Lạp cổ đại, cái đẹp được coi là một đức hạnh. Cái đẹp nâng con người lên trở thành cao qúy. Nó làm xuất hiện ở con người những sở thích, nguyện vọng, niềm tin, ước mơ, sự đam mê cuồng nhiệt và nó cũng có thể làm lay chuyển thói quen tâm lý, lòng tin cố hữu vào những tập tục đã lạc hậu của nếp sống cũ, định hướng giáo dục và cổ vũ lối sống mới tốt đẹp hơn. Về phương diện này, có thể nói cái đạo đức không những là nhân tố tất yếu của cái đẹp, mà bản thân cái đẹp cũng là một phương tiện giáo dục đạo đức đối với con người. Các tác phẩm nghệ thuật không những chỉ tái hiện phạm vi đạo đức, mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định lý tưởng đạo đức.
Do ảnh hưởng của những tình cảm thẩm mỹ, nghệ thuật có khả năng diễn giải và hình thành cá tính con người về mặt xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, khi thì chú ý tác động đến tình cảm, khi thì tác động đến trí tuệ, nhưng kết quả của sự tác động này bao giờ cũng rất toàn vẹn, bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần. Trên cơ sở đó nghệ thuật có khả năng làm thức tỉnh trong cá nhân con người những cảm xúc phong phú, gắn liền với sự thống nhất nội tại bên trong cái “Tôi”của họ. Chính trong qúa trình này, nghệ thuật tạo điều kiện cho con người nhận thức ý nghĩa cuộc sống của mình.
Nhận thức bằng phương tiện nghệ thuật có một yếu tố đặc biệt, là nó bao gồm một chuỗi liên tục các khâu: tự ý thức về bản thân, nhận thức về những người khác, về cuộc sống, về hiện thực, từ đó mỗi cá nhân nhận ra bản thân mình trong những khía cạnh muôn mầu, muôn vẻ của cuộc sống; đồng thời khẳng định năng lực, phẩm chất và tự điều chỉnh hành vi của mình về mặt nhân cách.
- Thứ ba, trên cơ sở những dấu hiệu đặc trưng của các rung động cảm xúc, nghệ thuật vừa thể hiện là phương tiện nhận thức và đồng thời là phương tiện giao tiếp xã hội. Trong các phương diện này, nghệ thuật gắn bó trực tiếp với các nhu cầu thẩm mỹ và cảm xúc thẩm mỹ, gắn bó với thế giới tinh thần con người trong chừng mực các nhu cầu thẩm mỹ không thể nào thỏa mãn bởi bất kỳ một hoạt động tinh thần nào khác, mà phải chính là nghệ thuật. Bởi vì, khi tác động vào thế giới tình cảm, nghệ thuật mang lại cho con người cảm xúc về tính nhậy cảm đối với cái đẹp của các đường nét, hình dáng, âm thanh, mầu sắc, v.v., của hiện thực cuộc sống được khái quát hóa, điển hình hóa bằng hình tượng (nghệ thuật) ở các tác phẩm nghệ thuật. Và qua đó, từ các tình cảm thẩm mỹ của con người xuất hiện những năng lực rung cảm và sự hòa quyện giữa các cảm xúc, để con người có khả năng cảm thụ cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cuộc sống và trong nghệ thuật.
Các cảm xúc thẩm mỹ có khả năng tự tiếp nối, kết hợp và đan xen vào hệ thống những cảm xúc nói chung của con người một cách tinh tế và hết sức phức tạp. Niềm tin và khát vọng, nụ cười và nước mắt, tình yêu và lòng căm thù, thiện cảm và ác cảm, hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, v.v... tất cả những cảm xúc này thông qua tình cảm thẩm mỹ đều được nghệ thuật kết hợp một cách độc đáo, bổ sung, cân bằng, hạn chế và thanh lọc lẫn nhau để con người biết sống xứng đáng với chính mình vì một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.
Thật vậy, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ. Trong nghệ thuật chứa đựng những đặc tính, những phẩm chất, những nhu cầu và khả năng cao nhất, hoàn thiện nhất đối với sự hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Dưới các hình thức khác nhau, thì mỗi con người đều tham gia hoạt động nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong chính những hoạt động xã hội của mình. Cho nên, được hoà vào thế giới nghệ thuật, đặc biệt tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật là hình thức tốt nhất để phát huy những tư chất, năng khiếu thẩm mỹ, hình thành và phát triển tri thức thẩm mỹ, văn hoá thẩm mỹ, thì sẽ trở thành những chủ thể thẩm mỹ đích thực. Nghệ thuât có khả năng to lớn trong sự tác động tình cảm, tư tưởng con người, giúp con người tự xây dựng cho mình những tư tưởng đúng, tình cảm đẹp, làm cơ sở cho hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, hướng tới một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.
Khi tác động vào con người thì nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới tình cảm của con người. Cho nên, trong giáo dục thẩm mỹ, chiếm vị trí hàng đầu là xây dựng văn hoá thẩm mỹ của các cảm quan và quá trình đó phải kể đến vai trò của nghệ thuật. Quá trình này cũng phải được tiến hành thông qua sự tác động tình cảm của cả thiên nhiên, xã hội mà quan trọng hơn là có sự góp phần tác động trực tiếp của các tác phẩm nghệ thuật.
Ưu thế của nghệ thuật trong sự tác động của nó tới người cảm thụ là ở chỗ, nó cảm hoá người cảm thụ bằng cái đẹp thông qua hình tượng chân – thiện – mỹ. Cho nên, giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật là một hình thức không chỉ mang tính hấp dẫn bởi tính đặc thù của nó mà còn có khả năng đi vào lòng người, khơi dậy nơi tầng sâu của ý thức, tâm hồn con người cái sức mạnh tiểm ẩn của con người. Do đó, nó đi vào tâm hồn con người một cách tự nguyện và cũng như chính sự tự nguyện của con người khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ hướng theo cái đẹp mà nghệ thuật khẳng định, định hướng hoặc mang lại. Nếu nghệ thuât là công cụ sắc bén của giáo dục thẩm mỹ, thì giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật giúp cho con người sử dụng công cụ đó để làm phong phú thế giới tinh thần của mình và hoàn thiện mình một cách tốt nhất.
Như vậy, nghệ thuật tái tạo và chiếm hữu một cách tinh tế thế giới và cuộc sống hiện thực, đồng thời hình thành một thế giới độc đáo của đời sống tinh thần, nó bao chứa sự thống nhất nội tại những cá tính của con người. Nhưng sự tái hiện đặc thù thế giới hiện thực với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật chỉ được thể hiện thông qua nguồn năng lượng xã hội đã được tích lũy, đồng thời nó chỉ được gìn giữ thông qua những kinh nghiệm xã hội của loài người. Về mặt này, nghệ thuật đóng vai trò là một trí nhớ xã hội.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Khổng Tử: Luận ngữ, chương Thái Hà, đoạn 15.
[2] Như trên, chương Dương Hoá, đoạn 8.
[3] C. Mác và Ph. Angghen: Toàn tập (tiếng Nga), tập 7, M. 1956, tr. 360.
[4] Thomas d’ Aquin (1225 – 1274), Nhà thần học đạo Thiên chúa.
[5] Hêghen: Mỹ học, tập 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 121.
[6] C. Mác & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 647 – 648.
Đào Duy Thanh GV trường ĐH Luật TPHCM--------------------------------------------------------------------------------
1. Những quan điểm cơ bản
Ngay ở thời cổ đại, Platon đã nhận thấy sự tác động của nghệ thuật vào thế giới tình cảm của con người. Ông đặc biệt chú ý đến sự tác động của bi kịch, - cái, mà theo ông làm ảnh hưởng xấu đến tình cảm công dân trong vương quốc cộng hòa lý tưởng mà ông xây dựng. Bởi, khi đề cập đến sự hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, Platon nêu lên quan điểm quí phái của mình: Nữ thần nghệ thuật không được phép đem lại sự thích thú cho bất cứ ai, mà chỉ đem lại cho hạng người ưu tú nhất, đã từng kinh qua một qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn. Nếu gạt bỏ tính chất duy tâm, thần bí trong quan niệm này, thì chúng ta thấy cái ẩn dấu đằng sau “qúa trình giáo dục đến nơi đến chốn” trong quan niệm của Platôn, thì ông đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn, đó là chủ thể thưởng thức phải có một trình độ giáo dục nhất định. Ngược lại, Arixtốt đã coi nghệ thuật như là phương tiện thanh lọc tình cảm con người. Sự cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật làm con người trở nên cao quí, làm cho tâm hồn con người trở nên thanh khiết(chữ Hy Lạp: Katarxix)hơn, tác phẩm nghệ thuật có thể giải phóng tâm hồn con người khỏi một tình cảm tầm thường, thấp hèn, mọi cái xấu và cái tiêu cực. Sở dĩ ông nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật với hoạt động đạo đức, vì ông thấy được nhân thức nghệ thuật là một cơ chế tổng hợp cảm xúc, mà trước hết là đạo đức. Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng lý tưởng đạo đức của ông là một kiểu “hoạt động trầm tư của lý trí”, - hoạt động này hình như không không theo đuổi một mục đích thực tiễn rõ rệt nào cả.
Ở phương Đông cổ đại, Khổng tử cho rằng nghệ thuật có khả năng kiểm soát cảm xúc, căn cứ vào một tiêu chuẩn đạo đức và mỹ học nhất định, rằng nghệ thuật phải đem lại cho con người niềm thích thú và tươi vui. Trong “Luận ngữ”[1], say sưa với một bài dân ca, Khổng tử ra lời tán thưởng của mình : “Tính chất đoan chính của bài ca gợi nên ở con người sự thỏa mãn đầy đủ, một niềm khoái lạc chân chính”. Ong cũng khẳng định rằng nghệ thuật có thể là một phương tiện tốt để giáo dục đạo đức. Đặc biệt, ông chú ý rất nhiều tới mặt nhận thức của nghệ thuật, bởi nghệ thuật có khả năng mở rộng thêm mọi sự hiểu biết của con người về cuộc sống, để mang lại cho con người những kiến thức mới. Ong nói: “Vì sao mà thanh niên ít học thi ca nhỉ?” – ông hỏi. “Thi ca gợi cảm cho con người, gìn giữ cho y khỏi lặp lại nhưng sai lầm của kẻ khác, dạy cho y cách xây dựng quan hệ với những kẻ khác, chỉ cho y cách đánh vào thứ chính trị ngu ngốc, soi sáng cho y về cách ăn ở trong nhà với cha mẹ, khuyên bảo y cách đối xử ở cung đình với quốc vương, và ngoài ra, học thi ca, có thể hiểu biết được nhiều thảo mộc và cầm thú”[2].
Ở một hình thức khác, trong lý luận nghệ thuật của đạo Bàlamôn, quan trọng bậc nhất là học thuyết về “Raxa”- về những cảm xúc, với ý nghĩa cao đẹp và thâm thúy của danh từ này. “Raxa” là sức mạnh chói lọi bởi sự an lạc của ý thức, khi mà ý thức không gặp trở ngại nào nữa để tự biểu hiện; niềm an lạc này biểu hiện qua tình yêu và qua những cảm xúc. Hơn thế nữa “raxa” còn được coi là niềm hưng phấn tới cực độ, biểu lộ ra bằng nhiều cảm xúc. Tám cảm xúc được coi là lẽ thường tình:
1. Tình yêu;
2. Tâm hồn cao thượng;
3. Sự phẫn nộ;
4. Niềm vui sướng;
5. Nỗi kinh ngạc;
6. Sự sầu bi;
7. Sự bình thản;
8. Sự bất mãn;
Tác phẩm nghệ thuật phải chủ động thể hiện vai trò đặc thù của nó là khêu gợi “raxa”; và người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật phải có khả năng thấu hiểu “raxa”, cảm xúc nó, thức tỉnh nó trong bản thân mình. Sở dĩ như vậy, bởi người An độ tự cho mình là một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên và vũ trụ, do đó các loại hình nghệ thuật đều nhằm đến mục đích tối thượng là tạo điều kiện giúp vào việc gợi nên một “raxa” thích hợp để đạt tới sự tự giải phóng – sự tự do.
Thời kỳ trung cổ, trong khoảng thời gian đầu tiên, sau khi phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã tan rã, chúng ta nhận thấy một sự sụp đổ của nền kinh tế, nền kỹ thuật, nền thương mại, của các thành thị và của các nền văn hoá. Ph. Angghen đã có nhận xét rằng: “Thời trung cổ đã từng phát triển trên một cơ sở hoàn toàn nguyên thủy. Nó đã xóa hoàn toàn nền văn minh cổ đại, vốn triết học, chính trị học và pháp luật cổ đại, để xây dựng lại tất cả mọi mặt, ngay từ bước đầu. Điều duy nhất mà nó mượn của thế giới cổ đại đã chết, là Cơ đốc giáo và một số thành thị đã bị phá hủy tới phân nửa và đã mất hết tất cả văn minh trước kia của chúng. Kết quả (kết quả của tình trạng ấy, N.D thêm), - như thường xảy ra ở tất cả giai đoạn mở đầu quá trình phát triển, - là độc quyền về học vấn do các giáo sĩ nắm, và cũng chính do đấy mà bản thân học vấn này chủ yếu mang tính chất thần học”[3]. Cho nên, đặc điểm nổi bật của tổ chức chính trị xã hội thời kỳ này là hệ thống phức tạp về đẳng cấp của xã hội phong kiến và nhà thờ. Cũng chính vì vậy, đời sống tinh thần thời kỳ này là sự thống trị tuyệt đối của thần học, nghệ thuật chính thống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo. Trong nghệ thuật, người ta đã tìm cách cố gắng biện luận cho thế giới đồ vật có quyền được làm khách thể, thể hiện trực tiếp quyền lực của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, theo Tômát Đacanh[4]: “Mọi sinh vật được sinh ra đều làm Chúa vui sướng, bởi vì mọi thứ đang tồn tại đều theo ý Chúa”. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng về nghệ thuật trong thời kỳ này xét về vai trò của nó trong thế giới tình cảm là sự hoà quyện giữa tình cảm nghệ thuật – tình cảm tôn giáo mà thực chất là xúc cảm về tâm linh.
Với một mức độ khái quát hơn, Hêghen đã đứng trên quan điểm lịch sử để giải quyết sự tác động của nghệ thuật đối với thế giới tình cảm của con người. Ông nêu lên một ý tưởng hết sức độc đáo: Chúng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật có nhiệm vụ biến cái hiện tượng trên tất cả các điểm và bình diện của nó thành con mắt, nó sẽ là nơi trú ẩn của tâm hồn và là biểu hiện của tinh thần. Nếu tước bỏ yếu tố duy tâm trong tư tưởng đó, thì nhận xét của Hêghen thật sắc xảo: hoạt động thẩm mỹ, trong đó có hoạt động nghệ thuật liên quan trực tiếp đến cái “Tôi” tinh thần, và có trách nhiệm tự do bên trong của chủ thể. Và ông nhấn mạnh: “…sức mạnh đặc thù của nghệ thuật là ở chỗ nghệ thuật thức tỉnh ở ta mọi tình cảm, làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập những nội dung khác nhau của cuộc sống, và gợi lên những cảm nghĩ này bằng cái vẻ giống thực lừa dối chúng ta”[5].
Trong sự phát triển của mỹ học mácxít, nhiều nhà khoa học gắn rất chặt nghệ thuật với tâm lý học. N.X.Vưgốtxki – nhà tâm lý học nghệ thuật, đã nhấn mạnh rằng sự khảo sát mácxít về nghệ thuật, nhất là các hình thức phức tạp nhất của nó, cần phải bao gồm cả sự nghiên cứu tác động tâm sinh lý của tác phẩm nghệ thuật. Sau N.X. Vưgotxki, thì Lêôntiép và P.V. Ximônốp, v.v... đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Điều đó có lý do của nó, bởi vì trong khi xét đến các cấp độ của hình tượng nghệ thuật thì tâm lý là một cấp độ hết sức quan trọng.
Những vấn đề trình bày trên đây cho thấy cần phải nghiên cứu bản chất của cảm xúc, sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ và vai trò của nghệ thuật trong thế giới tình cảm của con người.
2. Cảm xúc – cảm xúc nghệ thuật
Cảm xúc (theo tiếng la tinh êmôxêô - tôi cảm động, tôi xúc động) đó là sự rung động từ phía bản thân con người đối với hiện thực, cũng như sự rung động của trạng thái chủ quan nảy sinh trong qúa trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong qúa trình thỏa mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, cũng như các hoạt động ý chí khác, trong cảm xúc biểu hiện đặc biệt rõ nét tính tích cực của sự phản ánh tâm lý. Nếu so sánh mối liên hệ về hoạt động tâm lý giữa con người và động vật, thì chúng ta thấy ở động vật cũng có những mầm mống của cảm xúc.
Ở thời đại mình, Đácuyn đã giải thích một cách khoa học bản chất của các hành động diễn cảm (biểu hiện cảm xúc) của con người và động vật. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, ở con người đằng sau kích thích của cảm xúc, không chỉ có yếu tố sinh lý mà có cả kinh nghiệm của lịch sử loài người, là tất cả những kinh nghiệm của những quan hệ xã hội, bao gồm cả sự tự nhận thức cá nhân.
Đácuyn đã chỉ rõ rằng các biểu hiện bên ngoài của cảm xúc là những động tác diễn cảm cảm của con người xuất hiện không theo dự định trước mà mang tính chất cố định với những dấu hiệu thường gặp đối với những cảm xúc khác nhau. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc, bản chất và phân loại cảm xúc, ông đã xây dựng nên ba nguyên tắc cơ bản của toàn bộ lý thuyết sinh vật học về cảm xúc và biểu hiện bên ngoài của nó. Đó là các nguyên tắc:
1. Nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích;
2. Nguyên tắc đối lập;
3. Nguyên tắc hành động do cơ cấu của hệ thần kinh quyết định
Trong ba nguyên tắc biểu hiện bên ngoài của cảm xúc nói trên thì nguyên tắc thói quen liên tưởng hữu ích chiếm vị trí cơ bản trong lý thuyết di truyền học của cảm xúc. Nguyên tắc đó có liên quan trực tiếp với các tư tưởng của học thuyết tiến hoá của Đáuyn về nguồn gốc của loài người. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nguyên tắc này có thể được coi là một trong những cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu cảm xúc nghệ thuật dưới góc độ tâm lý học nghệ thuật hay không? Rằng, nhân thức nghệ thuật có phải là một cơ chế tổng hợp cảm xúc nói chung của con người?
Trong hệ thống những cảm xúc của con người thông qua sự tác động của nghệ thuật, không chỉ đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, được thể hiện với tích cách là một cảm nghĩ - cảm xúc, mà còn là cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người. Cố nhiên, không chỉ có nghệ thuật, mà các hình thái khác của nhận thức cũng có khả năng tổng hợp cảm xúc của con người. Nhưng chỉ có điều ở nghệ thuật thì khả năng ấy diễn ra thông qua hệ thống hình tượng toàn vẹn – cảm tính như là một qui luật của tình cảm. Điều này có thể được xác định thông qua tính mục đích của hoạt động con người, khi con người khách thể hóa tính mục đích của mình ở trong đối tượng phản ánh. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: “Trong lịch sử xã hội, nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những người có ý thức, hành động có suy nghĩ có nhiệt tình và theo đuổi những mục đích nhất định”[6]. Sự khách thể hóa này của mục đích được thực hiện dưới hình thức ý nghĩa của khách thể. Khi ý nghĩ cá nhân liên tưởng tới một ý nghĩa nào đó của xã hội làm nảy sinh cảm nghĩ về giá trị của tình huống hay của khách thể, điều đó làm cho chủ thể của tư duy tri giác được tình huống hay khách thể với tích cách thế giới quan cá nhân. Khi nhấn mạnh tính tích cực của cảm xúc và nhận thức, Ph. Angghen còn chỉ ra rằng ý chí được xác định bởi sự say mê, hoặc sự ngẫm nghĩ cũa con người. Như vậy, cảm xúc như là sự rung động ở nơi tâm hồn con người bởi sự tác động nào đó của hiện thực và nó có đặc điểm là mang tính chủ quan.
Trong tâm lý học hiện đại vẫn chưa có được một sự phân loại cảm xúc nào được công nhận rộng rãi. Song người ta có thể phân chia chúng một cách chính xác hơn thành các loại cảm xúc khác nhau, trên cơ sở các thành phần, các dấu hiệu đặc trưng về cường độ của rung động tâm lý, những cái thể hiện về mặt tâm trạng thông qua tình cảm của con người. Căn cứ vào nội dung và nguyên nhân phát sinh sự rung động, tâm trạng của cảm xúc con người, mà tình cảm được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, tình cảm sinh học nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh học, còn tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm tôn giáo, v.v… thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người. Trong đó, tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ là nhóm tình cảm cấp cao. Với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc, thì trước hết và chủ yếu là sự tác động của nghệ thuật vào nhóm tình cảm cấp cao đó.
3. Cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật
Cơ chế tác động của nghệ thuật vào tình cảm của con người theo lẽ tự nhiên vươn tới khoái cảm thẩm mỹ và nó là một trong những nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển của nghệ thuật cũng như đối với sự phát triển thế giới tình cảm của con người. Nhưng tại sao khoái cảm thẩm mỹ với tư cách là yếu tố cái đẹp lại có khả năng tác động mạnh mẽ như một cơ chế tổng hợp cảm xúc của con người? Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất của mỹ học - tâm lý học; và cho đến nay về vấn đề đó vẫn chưa có một quan điểm thống nhất nào có tính thuyết phục. Cái đẹp vẫn thường được quan niệm như một sự hài hòa, như một sự hoàn chỉnh, có khả năng điều tiết những ham mê và tình cảm của con người. Thật vậy, cái chân – cái thiện – cái mỹ là những phương tiện tốt nhất để con người đạt được sự hài hòa, hoàn chỉnh các phẩm chất cao qúi nhất của tâm hồn, trong đó, sự tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật mang lại cho con người một một khoái cảm tinh thần – một sự tổng hợp cảm xúc.
- Thứ nhất, các tình cảm thẩm mỹ thể hiện trong hoạt động nghệ thuật đều có ảnh hưởng một cách tích cực, thậm chí có thể tối ưu hoá mọi quá trình tâm sinh lý của con người, phát huy mọi năng lực nhận thức của con người, kể cả trong khoa học. Nghệ thuật tác động vào tình cảm và trí tuệ, đem lại cho con người loại “tri thức” mà không một khoa học nào có thể đem lại. Đây không chỉ là cảm thụ tính thực tế, đây còn là tri thức về cuộc đời, sự xâm nhập những điều bí ẩn của tồn tại con người. Bởi lẽ, cái đẹp đưa chúng ta tới gần chân lý hơn và chân lý là một điều kiện của cái thiện. Sự hiểu biết, sự hiền minh là một trong những cội nguồn của khoái cảm thẩm mỹ, và đến lượt nó khoái cảm thẩm mỹ do nghệ thuật đem lại là điều kiện giúp cho con người nắm bắt được tri thức. Rõ ràng, nghệ thuật đem lại cho người cảm thụ một loại trí tuệ hòa với tình cảm, một loại tình cảm hòa với trí tuệ hoặc có thể gọi là tình cảm trí tuệ.
Bản chất phức tạp bởi những mâu thuẫn và tính sinh động của cuộc sống con người là một cái gì đó rất khó cho phép chúng ta đưa vào những khái niệm lôgíc trừu tượng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học có khả năng nghiên cứu sâu sắc hơn những qui luật và những phương diện khác nhau của cuộc sống; nhưng biết đến qui luật của cuộc sống chưa có nghĩa là thể nghiệm đúng những bí ẩn của cuộc sống con người, nếu khoa học không quan tâm hơn nữa đến tình cảm trí tuệ của cái đẹp.
Tình cảm trí tuệ do sự hưởng thụ nghệ thuật, giúp cho con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn của cuộc sống. Nghệ thuật đạt đến điều này bằng cách trình bày những qui luật khái quát những tình huống hình tượng nghệ thuật cụ thể. Tình cảm trí tuệ được thực hiện thông qua chức năng nhận thức của nghệ thuật chính là lý tưởng thẩm mỹ - xã hội được thể hiện ở nội dung tư tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật chân chính có khả năng cung cấp cho con người về những giá trị của chính bản thân cuộc sống.
- Thứ hai, trong nghệ thuật, việc phản ánh những quan hệ đạo đức giữa người với người, phong thái đạo đức của cá tính có một ý nghĩa to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật được gọi là bức hoạ về nhân cách, về phong tục. Người HyLạp cổ đại đã xây dựng khái niệm “con người cao quí” (Kalox - Kagatox) - Khái niệm chung đúc hữu cơ cái thiện (lòng dũng cảm) với cái đẹp. Đối với người Hy Lạp cổ đại, cái đẹp được coi là một đức hạnh. Cái đẹp nâng con người lên trở thành cao qúy. Nó làm xuất hiện ở con người những sở thích, nguyện vọng, niềm tin, ước mơ, sự đam mê cuồng nhiệt và nó cũng có thể làm lay chuyển thói quen tâm lý, lòng tin cố hữu vào những tập tục đã lạc hậu của nếp sống cũ, định hướng giáo dục và cổ vũ lối sống mới tốt đẹp hơn. Về phương diện này, có thể nói cái đạo đức không những là nhân tố tất yếu của cái đẹp, mà bản thân cái đẹp cũng là một phương tiện giáo dục đạo đức đối với con người. Các tác phẩm nghệ thuật không những chỉ tái hiện phạm vi đạo đức, mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định lý tưởng đạo đức.
Do ảnh hưởng của những tình cảm thẩm mỹ, nghệ thuật có khả năng diễn giải và hình thành cá tính con người về mặt xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, khi thì chú ý tác động đến tình cảm, khi thì tác động đến trí tuệ, nhưng kết quả của sự tác động này bao giờ cũng rất toàn vẹn, bao gồm toàn bộ thế giới tinh thần. Trên cơ sở đó nghệ thuật có khả năng làm thức tỉnh trong cá nhân con người những cảm xúc phong phú, gắn liền với sự thống nhất nội tại bên trong cái “Tôi”của họ. Chính trong qúa trình này, nghệ thuật tạo điều kiện cho con người nhận thức ý nghĩa cuộc sống của mình.
Nhận thức bằng phương tiện nghệ thuật có một yếu tố đặc biệt, là nó bao gồm một chuỗi liên tục các khâu: tự ý thức về bản thân, nhận thức về những người khác, về cuộc sống, về hiện thực, từ đó mỗi cá nhân nhận ra bản thân mình trong những khía cạnh muôn mầu, muôn vẻ của cuộc sống; đồng thời khẳng định năng lực, phẩm chất và tự điều chỉnh hành vi của mình về mặt nhân cách.
- Thứ ba, trên cơ sở những dấu hiệu đặc trưng của các rung động cảm xúc, nghệ thuật vừa thể hiện là phương tiện nhận thức và đồng thời là phương tiện giao tiếp xã hội. Trong các phương diện này, nghệ thuật gắn bó trực tiếp với các nhu cầu thẩm mỹ và cảm xúc thẩm mỹ, gắn bó với thế giới tinh thần con người trong chừng mực các nhu cầu thẩm mỹ không thể nào thỏa mãn bởi bất kỳ một hoạt động tinh thần nào khác, mà phải chính là nghệ thuật. Bởi vì, khi tác động vào thế giới tình cảm, nghệ thuật mang lại cho con người cảm xúc về tính nhậy cảm đối với cái đẹp của các đường nét, hình dáng, âm thanh, mầu sắc, v.v., của hiện thực cuộc sống được khái quát hóa, điển hình hóa bằng hình tượng (nghệ thuật) ở các tác phẩm nghệ thuật. Và qua đó, từ các tình cảm thẩm mỹ của con người xuất hiện những năng lực rung cảm và sự hòa quyện giữa các cảm xúc, để con người có khả năng cảm thụ cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cuộc sống và trong nghệ thuật.
Các cảm xúc thẩm mỹ có khả năng tự tiếp nối, kết hợp và đan xen vào hệ thống những cảm xúc nói chung của con người một cách tinh tế và hết sức phức tạp. Niềm tin và khát vọng, nụ cười và nước mắt, tình yêu và lòng căm thù, thiện cảm và ác cảm, hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, v.v... tất cả những cảm xúc này thông qua tình cảm thẩm mỹ đều được nghệ thuật kết hợp một cách độc đáo, bổ sung, cân bằng, hạn chế và thanh lọc lẫn nhau để con người biết sống xứng đáng với chính mình vì một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.
Thật vậy, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ. Trong nghệ thuật chứa đựng những đặc tính, những phẩm chất, những nhu cầu và khả năng cao nhất, hoàn thiện nhất đối với sự hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Dưới các hình thức khác nhau, thì mỗi con người đều tham gia hoạt động nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong chính những hoạt động xã hội của mình. Cho nên, được hoà vào thế giới nghệ thuật, đặc biệt tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật là hình thức tốt nhất để phát huy những tư chất, năng khiếu thẩm mỹ, hình thành và phát triển tri thức thẩm mỹ, văn hoá thẩm mỹ, thì sẽ trở thành những chủ thể thẩm mỹ đích thực. Nghệ thuât có khả năng to lớn trong sự tác động tình cảm, tư tưởng con người, giúp con người tự xây dựng cho mình những tư tưởng đúng, tình cảm đẹp, làm cơ sở cho hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, hướng tới một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.
Khi tác động vào con người thì nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới tình cảm của con người. Cho nên, trong giáo dục thẩm mỹ, chiếm vị trí hàng đầu là xây dựng văn hoá thẩm mỹ của các cảm quan và quá trình đó phải kể đến vai trò của nghệ thuật. Quá trình này cũng phải được tiến hành thông qua sự tác động tình cảm của cả thiên nhiên, xã hội mà quan trọng hơn là có sự góp phần tác động trực tiếp của các tác phẩm nghệ thuật.
Ưu thế của nghệ thuật trong sự tác động của nó tới người cảm thụ là ở chỗ, nó cảm hoá người cảm thụ bằng cái đẹp thông qua hình tượng chân – thiện – mỹ. Cho nên, giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật là một hình thức không chỉ mang tính hấp dẫn bởi tính đặc thù của nó mà còn có khả năng đi vào lòng người, khơi dậy nơi tầng sâu của ý thức, tâm hồn con người cái sức mạnh tiểm ẩn của con người. Do đó, nó đi vào tâm hồn con người một cách tự nguyện và cũng như chính sự tự nguyện của con người khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ hướng theo cái đẹp mà nghệ thuật khẳng định, định hướng hoặc mang lại. Nếu nghệ thuât là công cụ sắc bén của giáo dục thẩm mỹ, thì giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật giúp cho con người sử dụng công cụ đó để làm phong phú thế giới tinh thần của mình và hoàn thiện mình một cách tốt nhất.
Như vậy, nghệ thuật tái tạo và chiếm hữu một cách tinh tế thế giới và cuộc sống hiện thực, đồng thời hình thành một thế giới độc đáo của đời sống tinh thần, nó bao chứa sự thống nhất nội tại những cá tính của con người. Nhưng sự tái hiện đặc thù thế giới hiện thực với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc của nghệ thuật chỉ được thể hiện thông qua nguồn năng lượng xã hội đã được tích lũy, đồng thời nó chỉ được gìn giữ thông qua những kinh nghiệm xã hội của loài người. Về mặt này, nghệ thuật đóng vai trò là một trí nhớ xã hội.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Khổng Tử: Luận ngữ, chương Thái Hà, đoạn 15.
[2] Như trên, chương Dương Hoá, đoạn 8.
[3] C. Mác và Ph. Angghen: Toàn tập (tiếng Nga), tập 7, M. 1956, tr. 360.
[4] Thomas d’ Aquin (1225 – 1274), Nhà thần học đạo Thiên chúa.
[5] Hêghen: Mỹ học, tập 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 121.
[6] C. Mác & Ph. Angghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 647 – 648.
Đào Duy Thanh GV trường ĐH Luật TPHCM--------------------------------------------------------------------------------
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)