Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Đại học Phạm Văn Đồng: Chào em, tân sinh viên ...

Nhiều người lần đầu mới gặp Yến chắc hẳn cũng rất ngạc nhiên bởi cách nói chuyện hồn nhiên, yêu đời khiến không một ai dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy có thể nghĩ đây là một người con gái tật nguyền. Cô nói chuyện với mọi người miệng lúc nào cũng nở nụ cười rất tươi, Yến hát rất hay…Những bài hát là sự trải lòng của Yến với cuộc đời. Ấn tượng của tôi trong nhiều lần gặp Yến rất đặc biệt. Trông Yến không giống nhiều người khuyết tật khác. Cô luôn nhìn đời bằng ánh mắt của sự lạc quan và vui vẻ với đôi mắt long lanh. Tôi biết Yến trong một sự tình cờ …Và hình ảnh cô bé luôn đọng trong tôi với nhiều cảm xúc thật kỳ lạ.
Trải lòng cùng tôi, cô tâm sự : “…Em không biết mọi người nhìn em như thế nào nhưng em thấy mình vẫn còn cần phải cố gắng nhiều hơn. Mỗi người một cách nghĩ, một cách sống khác nhau, trước đây em sợ ánh mắt người khác nhìn mình lắm, em sợ họ sẽ thương cảm cho hoàn cảnh của em hơn là nhìn vào chính những khả năng em có thể làm được và giờ đây em đang từng bước thay đổi và hoàn thiện mình theo nhiều nghĩa khác nhau. Cảm ơn bố đã cho em đôi chân, Mẹ đã cho em đôi cánh. Em thấy mình may mắn hơn nhiều người vì có được một gia đình thương yêu và chia sẻ, có được những người bạn tốt luôn quan tâm,sát cánh và chia sẻ với em lúc khó khăn, điều quan trọng hơn trong em luôn tồn tại một niềm tin, nó giúp em vượt qua những mặc cảm, tự ti cố hữu, hay những phút yếu lòng. Một trong những âu lo lớn nhất của con người là đánh mất những gì mình đang có. Thật ra, em cũng lo lắng rất nhiều cho tương lai của mình, không biết sau này mình sẽ ra sao, mình sẽ làm gì để tự nuôi sống bản thân mà không cần nhờ ai trợ giúp và em nghĩ chỉ có con đường học vấn mới giúp em điều đó, em có thể sống nhờ vào cái đầu của mình vì tứ chi của em hầu như không còn khả năng vận động…Cuộc đời với em thật buồn, và cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác cho em, hoặc là đầu hàng số phận, cam chịu hoặc là chiến thắng chính bản thân mình. Em biết, là mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa...”Yến kể chuyện đời mình với tôi bằng những cảm xúc tận đáy lòng. Với một người bình thường để mưu sinh, sống một cuộc sống bình thường đã là khó, bản thân Yến điều đó lại còn khó hơn vì tứ chi của cô hầu như không còn khả năng vận động, tất cả các hoạt động của cô đều nhờ ở một cánh tay trái còn lại và sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, học tập vừa là cơ hội vừa là niềm vui duy nhất với Yến - Chính điều đó một phần giúp Yến có thêm nhiều động lực để luôn kỳ vọng vào ngày mai

“ Tàn tật tất nhiên là bất tiện…”
Sinh năm 1984, Lê Thị Hồng Yến- là con gái đầu trong gia đình ba chị em gái, bố là một CNVC , mẹ buôn bán ở chợ Quảng Ngãi, tuổi thơ của Yến không được trọn vẹn như những đứa trẻ khác…Từ nhỏ, khi mới lên một tuổi, Yến bị sốt bại liệt và dường như đó cũng là một định mệnh trớ trêu của số phận gắn cuộc đời của Yến với chiếc xe lăn. Năm đó, sốt bại liệt tràn lan như một cơn đại bệnh dịch quái ác - Bố mẹ Yến nói - Yến bị liệt chân tay co quắp lại, chỉ còn một cánh tay là còn có thể hoạt động được. Bố mẹ Yến lo lắng vô cùng, bỏ cả công việc đưa Yến đi chữa trị ở khắp nơi nhằm cứu vãn những gì có thể nhưng rồi không có kết quả khả quan, thôi thì xem như đây là số phận. " Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng có "Quà", thì thôi xem như cháu không may mắn nên chẳng có "Quà", thương con nhiều cũng đành chịu thôi, biết làm sao được khi số phận đã an bài."- Bố mẹ Yến thở dài kể về qúa trình chữa bệnh cho Yến khi còn nhỏ.
Tuổi thơ bất hạnh của Yến là một chuỗi ngày buồn vô tận với nhiều sự thiệt thòi. Chỉ học và học…Thế giới của cô bé dường như khép kín trong bốn bức tường chật hẹp và cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn như một định mệnh.
Trong những giấc mơ cổ tích, Yến vẫn hằng mơ một điều kỳ diệu...nhưng, vẫn chỉ là giấc mơ huyền hoặc, không thay đổi được hiện thực của chính mình. Kí ức tuổi thơ của Yến là những ngày buồn, khi còn nhỏ ngồi trên xe lăn nhìn lũ bạn cùng tuổi đang chơi đùa ngoài sân trường với đôi mắt buồn nhìn qua cửa sổ, cô bé ước ao có được một đôi chân lành lặn để được chạy nhảy, nghịch ngợm, vui chơi cùng chúng bạn.
Những lúc buồn , ngắm nhìn những cánh diều nhiều màu sắc, kích thước to nhỏ khác nhau bay lượn trên bầu trời qua ô cửa nhỏ hẹp, cô bé thả mình cùng cánh diều chở ước mơ bay cao vút trên bầu trời xanh trong một giấc mơ xa xăm trở thành “ Nhà thiết kế thời trang” trong tương lai.

Ngạo nghễ trên bầu trời là cánh diều mơ ước tuổi thơ…chở những giấc mơ của một cô bé không may mắn. Những cánh diều no gió chẳng chiếc nào giống chiếc nào - Là hình ảnh của tuổi thơ bình yên, trong sáng, hạnh phúc - luôn vút cao ngạo nghễ với nhiều độ cao khác nhau…Những cánh diều như những thân phận của con người. Một chiếc diều đứt dây, mất phương hướng, chao đảo rồi cắm đầu xuống đất…Làm cô bé buồn đến nao lòng.
Yến lớn lên mà không hiểu tại sao mình lại không được hưởng sự may mắn của số phận như bao đứa trẻ khác, Yến là người chịu nhiều thiệt thòi bởi số phận nghiệt ngã. Yến luôn bị mọi người nhìn với ánh mắt thương hại, Yến sợ nhất là những ánh mắt đó…Nó như đẩy cô bé vào tận cùng của sự yếu đuối và sự mặc cảm tự ti…
18 tuổi, cái tuổi hồn nhiên và đầy khát vọng của con người, Yến mãi mãi không được trãi qua. Khi các bạn cùng trang lứa lần lượt vào các giảng đường ĐH và mơ ước những điều lãng mạn nhất, tràn ngập hy vọng vào những điều tươi sáng trong tương lai, thì Yến gần như bế tắc và tuyệt vọng…Làm sao em có thể tự lo cho bản thân được khi không còn khả năng tự vận động...
Đôi khi cô trăn trở về cuộc sống của chính mình trong tương lai hay những dự cảm âu lo của bản thân về những gì sẽ đến với bản thân mình. Nước mắt Yến vỡ vụn chảy vào trong " Đáng lẽ ra em đã có thể sống rất khác…Con đường vào đời của em quá nhỏ hẹp…”
“…Nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh”
Khi còn nhỏ, nghệ thuật hội họa thực sự là niềm đam mê của Yến. Với mong ước trở thành " Nhà thiết kế thời trang", ngoài thời gian rảnh rỗi Yến còn vẽ rất nhiều : Những nàng tiên, những vườn hoa lung linh nhiều sắc màu, những bộ quần áo đẹp... Vẽ như một trò chơi cô độc mà cô vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thưởng ngoạn. Cô khao khát được miêu tả thế giới xung quanh bằng một bức tranh với những nét vẽ ngây ngô, mảng màu chấm phá một cách ngẫu hứng như những gam màu xám tối trong cuộc đời không may mắn của chính mình. Mỗi đường nét, mỗi hòa sắc trong tranh là biểu hiện của cả một giấc mơ xa xăm, những cảm nhận về thế giới xung quanh, những nỗi niềm tự sự và cả những kỳ vọng vào ngày mai của một cô gái không may mắn.

Học xong PTTH, Yến lại chọn thi vào ngành CĐSP Mỹ thuật vì một lẽ đơn giản, cô không thể tự mình vận động nếu không có sự trợ giúp của người thân, nhất là khi đi học xa nhà.Vì vậy, cô phải chọn cho mình một trường trong tỉnh ( Trường CĐSP Quảng Ngãi ). Năm đó Yến thi đậu với số điểm gần thủ khoa, nhưng nhà trường không tiếp nhận cô vào học vì trường CĐSP không nhận những SV bị khuyết tật.
Cô không nghĩ mình sẽ là một giáo viên trong hoàn cảnh đó, chỉ mong muốn được học những kiến thức cơ bản để vận dụng vào cuộc sống và hơn cả là cho những giấc mơ nuôi dưỡng từ thuở bé muốn trở thành nhà thiết kế thời trang, và quan trọng hơn cả là " Học để chung sống" và hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng, cô đã không bao giờ được tham gia vào những"Trò chơi" mà cô thích ngay từ nhỏ và cả bây giờ. Với cô, không có quyết định nào sai ...nhưng, con đường dẫn đến ước mơ của cô luôn chứa đựng không ít thử thách, có những lúc tưởng như cô sa vào bế tắc, hoang mang và cảm thấy bất an, đôi khi là cả sự do dự về những dự định của mình.
Đáng tiếc, cách đây 7 năm, Yến bị từ chối không thể vào học ngành CĐSP mỹ thuật mà mình yêu thích. Cô hoàn toàn không nghĩ mình sẽ là một giáo viên trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Nguyện vọng học tập chính đáng của cô gái tật nguyền bị chặn đứng bởi một bức tường vô hình, bởi những nguyên tắc tưởng chừng như có lý!Chẳng ai lúc đó, có thể nghĩ đến một vấn đề nhân văn hơn là cần tạo điều kiện cho cô được hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho cô được học tập. Bố mẹ Yến chạy khắp nơi để nhờ can thiệp cho em được vào học, thậm chí còn cam kết đóng học phí trong ba năm học và không yêu cầu phải phân công công tác sau này. Thế nhưng, cánh cửa vào đời vẫn bế tắc như chính cuộc đời của cô gái tật nguyền.
Cánh cửa vào đời của Yến tưởng như bị đóng kín… Số phận và hoàn cảnh luôn luôn muốn đùa cợt và muốn thử thách ý chí của một cô gái yếu đuối và bất hạnh. Cái rủi ro " Bất hạnh" bám vào số phận cô đến hai lần. Nó như một định mệnh muốn chối bỏ cũng không được, mà muốn cầu xin cũng không xong.Thậm chí trớ trêu, đôi khi những ước vọng nhỏ nhặt, bình thường vẫn là những cái gì xa vời vợi, tưởng ở trong tầm tay mà không nắm bắt được.

Tưởng rằng Yến sẽ " Sụp đổ" sau lần đó... nhưng thời gian cũng là liều thuốc tốt để chữa trị mọi nỗi đau thể xác và tinh thần… Yến nghĩ tốt hơn hết là hãy tự mình khẳng định mình với cuộc đời, tự mình tìm ra một hướng đi khác, để thấy cuộc sống mình có ý nghĩa, và học tập cũng là một cơ hội giúp Yến thực hiện ước mơ của mình.

Trực giác mách bảo cô rằng: Thôi nhé, đừng buồn ! Cứ xem như " Lỗi phần mềm"...Cần mau chóng " Lập trình lại tương lai" cho chính mình. Cô đặt mục tiêu mới cho mình và nổ lực biến chúng thành hiện thực. Một dự định mới được nhen nhóm trong sự thất bại của lần đầu. Yến chuyển sang học vi tính và ngoại ngữ ở trung tâm ngoại ngữ vào buổi tối, việc đi lại của Yến hoàn toàn dựa vào sự trợ giúp của bố mẹ và hai em gái. Ngoài thời gian học ở trung tâm, Yến lên mạng tự học ngoại ngữ qua mạng, tự mua các tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, băng đĩa ,… để luyện đọc, luyện nghe, rèn luyện ngữ pháp tiếng Anh. Hơn bốn năm sau, Yến hoàn tất chương trình C ngoại ngữ tiếng Anh.
Thế giới dường như mở rộng ra với cô. Khả năng tự học của Yến là đáng kính nể, ngoài thời gian học Yến đọc rất nhiều sách văn học. Cô tìm tòi những kiến thức cần bổ sung, những cái cần phải học để nâng cao sự hiểu biết và đọc sách, học tập qua mạng chính là một biện pháp hữu hiệu nhất giúp cô trải nghiệm và trao dồi kiến thức.
Một trong những tác phẩm văn học cô yêu thích nhất là quyển " Tôi không bất hạnh" của tác giả Hirotada Ototake, đây là quyển nhật ký viết về cuộc đời của một người bị cụt cả hai tay, hai chân lúc mới sinh, anh ta muốn trở thành một thầy giáo và đã phấn đấu vượt qua mọi trở ngại để trở thành một giáo viên cấp I của một trường nổi tiếng ở Nhật Bản. Quyển nhật ký được viết từ những chiêm nghiệm trong cuộc sống, giúp tác giả tìm về và sống trọn vẹn với những giá trị của bản thân. Đây cũng là một tác phẩm văn học được viết từ niềm tin, hy vọng, ý chí và nghị lực phi thường của một con người bất hạnh đã tự vươn lên tìm kiếm sự đổi thay cho cuộc đời mình.- Đây là một cuốn sách mà một người bạn của mẹ Yến đã tặng cho cô - Trong quyển sách này, cô học được nhiều thứ :"… Con người không ai hoàn hảo cả, và những người khuyết tật thì thay vì ngồi một chỗ than vãn hay phó mặc cho số phận, thì hãy hành động bằng chính khả năng mình có được để tìm kiếm hạnh phúc trong sự bất hạnh. Để thấy rằng cuộc đời mình còn có ý nghĩa …” Hình ảnh của thầy giáo Hirotada Ototake là nguồn động viên và khích lệ lớn lao đối với Yến, để thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
"Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh" cô đã sống với câu nói này suốt thời gian qua, và đã phần nào hiểu được cô cần gì, muốn gì, để xác định được mục tiêu trong cuộc sống cho mình. Hãy biết tạm thời lãng quên những âu lo của mình, biết chấp nhận một thực tế phủ phàng và vươn lên để tự khẳng định mình, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để cho tâm trạng buồn phiền của mình lan ra người xung quanh. Cái quyết định và làm thay đổi số phận của mình chính là trạng thái tâm lý, cần biết vượt qua sự mặc cảm, nỗi sợ hãi và ám ảnh của bản thân, nếu không mình sẽ "Chết " bởi chính sự mặc cảm. Cần biết trân trọng những gì đang có, lúc còn nhỏ thì có những lo lắng của tuổi nhỏ, giờ lớn lên suy nghĩ chín chắn hơn nhiều nên chẳng việc gì phải mặc cảm về bản thân. Hãy cứ sống hết mình đi đã...Hãy biết tạo cơ hội cho bản thân, nếu có cơ hội thì nắm lấy, và khi còn có đủ sức khỏe thì đừng chần chừ mà hãy sống cho ước mơ. Khó khăn lớn nhất của em là bị hạn chế trong vấn đề di chuyển và là bất lợi lớn nhất em gặp phải, nó cản trở em làm mọi thứ kể cả trong sinh hoạt thường ngày...Đây là những lời trải nghiệm cô tâm sự với tôi.
Những người xung quanh xóm rất yêu mến và quý trọng nghị lực của cô gái yếu đuối nhưng giàu ý chí và nghị lực, thấy được khả năng ngoại ngữ của cô, họ gửi con xin cô theo học kèm tiếng Anh. Lớp học đầu tiên hình thành chỉ vài ba học trò và một cô giáo bị liệt gần nữa người.
Một thời gian sau, được phụ huynh tín nhiệm, tiếng lành đồn xa…Lớp học tăng dần theo cấp số, đến vài chục… Học trò theo học ngày càng đông, Yến dạy anh văn nhiều nhóm từ lớp 3 đến lớp 7 mỗi nhóm khoảng 10 em. Cái duyên sư phạm đã đến với cô từ đó: Trở thành một cô giáo dạy ngoại ngữ. Căn nhà nhỏ của "cô giáo Yến " ở tổ 22, phường Nghĩa Lộ- TP Quảng Ngãi luôn ngập tràn niềm vui, đầy ắp tiếng cười và tiếng học bài của lũ học trò nhỏ. Từ những bài học kinh nghiệm của bản thân, cô cho biết thời gian sắp đến sẽ tiếp tục theo học lớp nghiệp vụ sư phạm, để tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu cần thiết nhằm cũng cố, cụ thể hóa, cũng như vận dụng những tri thức sẽ học về : Tâm lý học, PP dạy học,...vào trong một" Kịch bản dạy học" cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho lớp học anh văn tại gia. Những dự định của cô còn xa hơn thế...nhưng hoàn toàn có thể nằm trong một tương lai gần.

" Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh!" Cô đã tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc giản đơn của mình chính trong sự bất hạnh bằng sự nổ lực của cá nhân.




Hình 1: Yến cùng hai em gái.


Hình 2: " Cô giáo Yến" cùng các học trò trong lớp học tiếng anh tại nhà.


Hình 3: Chúc mừng sinh nhật cô Yến.


Hình 4: Du lịch Hội An(Quảng Nam)cùng bạn bè.


Hình 5: Thì thôi nhé, đừng buồn...


Hình 6: Yến cùng những người bạn thân

Chào em, tân SV trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Thời gian trôi thật nhanh ! Thấm thoắt đã 28 mùa xuân trôi qua. 28 sinh nhật buồn và kiến tạo niềm vui, hạnh phúc không mệt mỏi của một cô gái không may mắn nhưng giàu bản lĩnh, ý chí và nghị lực với “ Khát vọng sống” mãnh liệt.
Một khoảng thời gian quá ngắn trong một đời người nhưng lại quá dài với những gì cô đã trải qua …28 năm, quãng thời gian dài với tật nguyền đeo đẳng, những tưởng người con gái sẽ đầu hàng số phận. Nhưng không, số phận không khuất phục được khát vọng học tập của một cô giáo bị liệt ở nơi xứ Quảng này với 28 năm kiên trì vượt qua sự cản trở của số phận để vươn tới một ước mơ trong tương lai.
Ngày nối tiếp ngày Yến vẫn miệt mài tự học tiếng Anh qua mạng Internet, cô mong muốn học tiếng anh một cách có hệ thống để tiếp tục nâng cao trình độ với ước mơ trở thành một “ Nhà dịch thuật ” trong tương lai.
Tin vui đến với cô. Năm học 2011-2012 theo quy chế mới của Bộ GD – ĐT, đối với thí sinh bị khuyết tật không thể tự thực hiện các sinh hoạt cá nhân hằng ngày, Bộ GD – ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường đại học căn cứ vào học bạ, tình hình sức khỏe của thí sinh và yêu cầu của ngành học để xem xét cho các em vào học mà không phải trải qua kỳ thi đại học.
Yến được tuyển thẳng vào lớp đại học ngoại ngữ DTA 10 - Trường ĐH Phạm Văn Đồng, theo như nguyện vọng mà em hằng mong muốn. Niềm vui ngập tràn, hạnh phúc lan tỏa khắp nơi: Bố mẹ, người thân, hàng xóm và bạn bè xung quanh đều chia vui cùng em " Tân SV trường đại học Phạm Văn Đồng"
Cánh diều chở ước mơ của một cô gái tật nguyền trở thành " Nhà dịch thuật" trong tương lai đang mở ra. Một con đường đang chờ em ở phía trước. Dẫu biết con đường học vấn phía trước của cô vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn, gian nan…để biến ước mơ thành hiện thực, vẫn biết là còn quá xa để nói về một điều trong tương lai nhưng tôi chắc chắn tin rằng em sẽ đạt được những dự định của mình bởi mục đích và động cơ học tập mãnh liệt của cô. Chúng ta hãy chờ xem và cùng hy vọng...

Chị Cúc không giấu vẻ tự hào khi nói về con gái của mình : "…Thật tình, ngày trước khi cháu mới bị bệnh vợ chồng tôi buồn lắm, bỏ cả công việc đưa cháu đi chữa chạy khắp nơi thế nhưng không khỏi. Biết làm sao được khi số phạn đã an bài như vậy. Cháu quá thiệt thòi với bạn bè cùng trang lứa. Chúng tôi luôn lo lắng cho tương lai của cháu ngày mai, không biết sẽ ra sao? Khi cháu vào lớp một, vợ chồng cho cháu đi học, mọi người xung quanh ái ngại, bà Ngoại cháu càm ràm bảo tôi ác: Con bé nó thế học hành để làm gì? tội nghiệp! Tôi biết là bà Ngoại thương cháu nên nói thế thôi. Thật tình, khi thấy những đứa trẻ khác đi học mình lại thấy buồn và xót xa, hơn nữa cháu đã quá thiệt thòi không lẽ mình lại tước đoạt cả cơ hội học tập của cháu. Điều ngạc nhiên với tôi và cả mọi người xung quanh là cháu biết chấp nhận hoàn cảnh với sự cam chịu nhưng không yếu đuối, buồn phiền, tự ti…Lắm lúc cháu còn động viên cả mẹ vì sợ mẹ buồn : Con không sao đâu mẹ! Trong nhà cháu là người con ngoan, hiếu thảo, luôn phấn đấu vươn lên với nghị lực phi thường. Cháu quan niệm khuyết tật về thể xác nhưng không bao giờ được nghèo về tâm hồn và trí tuệ. Cháu là tấm gương cho hai em gái sau này luôn noi theo chị. Cháu được như ngày nay vợ chồng tôi cũng rất vui mừng vì cháu đã chiến thắng được bản thân mình. Những ngày này cháu rất vui, nó đang hân hoan chờ đón ngày nhập trường với một tâm trạng háo hức…” Nhìn vào ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và yêu thương của chị. Tôi biết anh chị đang rất vui.


Nếu một lần về Quảng Ngãi, gặp cô gái trong bài Entry và chia sẻ với những khó khăn, sức chịu đựng, nghị lực vươn lên hoàn cảnh bất hạnh của Yến để tồn tại và khẳng định bản thân trong cộng đồng mới cảm thông sâu sắc cuộc sống và nghị lực không mệt mỏi của cô gái đặc biệt này.
Mặc dù những gì Yến làm được cũng chỉ mới bước đầu để nhen nhóm trong cô một ngọn lửa hy vọng vào này mai nhưng quá thừa để thể hiện ý chí vươn lên đáng khâm phục của một con người mang số phận bất hạnh đã kiên trì vật lộn với nỗi đau thân xác, vượt lên số phận để tự khẳng định mình và trở thành người hữu ích trong xã hội.

...Sau cơn Bão, cánh diều lại cao vút trên bầu trời với ước mơ xanh. Một niềm tin sau cơn Bão! Hãy cố gắng nhiều em nhé, mọi người luôn bên cạnh em.

Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh lấp lánh niềm vui của Yến mà cảm thấy ấm áp trong lòng : “ Chào em, tân SV trường ĐH Phạm Văn Đồng…”

Quảng Ngãi,12/9/2011
NHQ-ART

TB : Bạn có thể ghé thăm nhân vật trong bài Entry theo đường dẫn sau

http://vn.360plus.yahoo.com/hongyen24484

Mail: hongyen24484@yahoo.com

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( Mỹ thuật - Âm nhạc) cho HS phổ thông.




Trong nhà trường phổ thông, việc giảng dạy mỹ thuật- âm nhạc ( MT-ÂN) nhằm bồi dưỡng cho học sinh kiến thức và năng lực thẩm mỹ, giúp học sinh tri giác được cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống, đồng thời khơi dậy ở các em năng khiếu, sự hứng thú hoạt động, trí tưởng tượng phong phú và năng lực sáng tạo, với mục tiêu “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho HS thông qua văn học, nghệ thuật và các môn học khác, xây dựng quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, bồi dưỡng năng lực thưởng thức và sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo ra thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng và phong phú…”( Trích nghị quyết của Bộ chính trị về CCGD)

GD thẩm mỹ ở trường phổ thông hiện nay đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, vì vậy vấn đề được đặt ra trong quá trình dạy học MT-ÂN là nên tiến hành như thế nào để đạt được kết quả cao nhất, hay nói cách khác là làm thế nào để phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật ( TNNT) cho học sinh phổ thông.

Sự TNNT ở HS tiểu học là sự tiếp nhận trực tiếp mang tính” Trực giác thực tiễn” được nhà tâm lý học nghệ thuật A.Vallon gọi là “ Hình thức đầu tiên của việc thông hiểu nghệ thuật…”. Sự tiếp nhận này diễn ra ở trẻ em một cách tự nhiên, dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự hứng thú ở trẻ em bởi xét cho cùng trẻ em dù ở bất cứ đâu cũng đều giống nhau ở sự hồn nhiên, trong sáng, yêu thiên nhiên, thích màu sắc rực rỡ cho nên các em thích được vẽ, được ca hát như là một bản năng tự nhiên. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường, hoàn cảnh sống HS ở các vùng nông thôn, miền núi và HS ở thị xã, thành phố tuy có cùng một độ tuổi nhưng lại khác biệt trong TNNT.



Ảnh: Thiếu nhi Quảng Ngãi trong cuộc thi vẽ tranh về "Biển đảo quê hương" ngày 2/9/2011

Ở các lớp đầu cấp tiểu học, khi trẻ em bắt đầu học đọc, học viết, tư duy ngôn ngữ bằng lời nói khác với tư duy thị giác. Tư duy thị giác ở độ tuổi này phát triển mạnh, làm thay đổi quan hệ của các em đối với thế giới( Trong đó có nghệ thuật).Hình thức tiếp nhận bằng trực quan bị hình thức tiếp nhận mới bằng khái niệm lấn át, các em quen dần thói quen tiếp nhận trực tiếp. Vì vậy nhiệm vụ của GV là thông qua ngôn ngữ nghệ thuật ( MT-ÂN) giúp cho HS tiểu học có thói quen tiếp nhận các thông tin nghệ thuật trực tiếp ở cấp độ giác quan cảm xúc, như rèn luyện tri giác bằng thị giác, quan sát nhiều, vẽ như mắt đã nhìn thấy theo cảm tính chủ quan của trẻ ( Đối với mỹ thuật ); Nghe nhiều, có thói quen tiếp nhận bằng cảm xúc và thông qua các giác quan tương ứng, góp phần hình thành tư duy âm nhạc( Đối với âm nhạc).

Thực tiễn cho thấy, ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài ( Lời ru ngọt ngào, âm điệu du dương của một bản nhạc,vẻ đẹp của một bông hoa, một bức tranh đẹp,...) ở trẻ đã được nảy sinh như một bản năng vì lúc nào, hay ở đâu đi nữa... đứa trẻ đều muốn thâu tóm tất cả thế giới xung quanh vào đôi mắt và đôi tai của mình. Sớm tiếp xúc với những cái đó sẽ giúp cho việc hình thành trong các em những ấn tượng tươi mát, nảy sinh nhu cầu về cái đẹp.Tuy nhiên,do đặc điểm tâm sinh lý của HS tiểu học nên sự TNNT ở các em trong giai đoạn này vẫn còn nhiều điểm giống với sự tiếp nhận của trẻ em ở độ tuổi tiền học đường. Chẳng hạn trong hội họa, các em thích màu sắc rực rỡ, thích vẽ theo lối ước lệ, hoàn toàn cảm tính; Còn trong âm nhạc, sự TNNT là bằng thính giác, bằng ngôn từ, trẻ thích ca hát và hát theo cảm tính, hoàn toàn không chú ý đến nhịp điệu, tiết tấu cũng như sự diễn cảm trong bài hát.

Nhu cầu về cái đẹp biểu hiện sự phát triển của HS ở các giai đoạn là rất khác nhau. Với học sinh THCS và đấu cấp PTTH, thông qua TNNT, nhiều em đã có thể cảm thụ được vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật bằng phương tiện đặc trưng của MT-ÂN để nắm bắt được nội dung tư tưởng của bức tranh, bài hát mà không cần có sự”Giải mã” của người lớn. Nguyên nhân cơ bản là HS lứa tuổi này đã trưởng thành về mặt trí tuệ, tư duy liên tưởng phát triển, óc tưởng tượng phong phú hơn trước, đồng thời có khả năng và có nhu cầu lĩnh hội, lí giải tính phức tạp, toàn vẹn, tính mâu thuẩn, sự hài hòa của thực tiễn và nghệ thuật. Như vậy, giai đoạn từ THCS đến PTTH đã có một " Khoảng cách thẩm mỹ” trong việc TNNT ở các em.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Cần sớm đầu tư thích đáng cho môi trường thẩm mỹ, môi trường nghệ thuật vì giáo dục nghệ thuật là một hình thái cao của giáo dục thẩm mỹ thông qua TNNT mà hai môn học: Âm nhạc- Thính giác và hội họa - Thị giác là những giác quan, kênh thông tin tiếp nhận quan trọng gắn liền với ý thức hệ, đến nhận thức của con người. Chính thị giác và thính giác là những “ Cửa sổ tâm hồn” qua đó cái đẹp, cái bi, cái hài, cái tuyệt tác…nhập vào ý thức, tác độngvào toàn bộ nếp tư duy và tình cảm của mỗi con người. Sự phát triển của năng lực TNNT của HSPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

* Để phát triển năng lực TNNT của HSPT phần lớn tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật ở các trường phổ thông .Vai trò của giáo viên nghệ thuật hết sức quan trọng , họ là những người quản trò , thiết kế các cuộc chơi và cũng là người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng trẻ thơ . Đây là chiếc cầu nối giữa HSPT và nghệ thuật . Vì vậy , giáo viên dạy MT - AN phải là những người yêu nghề , yêu trẻ đồng thời hiểu được tâm sinh lý của đối tượng, biết cách gợi mở và “ Kích hoạt ” khả năng TNNT ở mỗi cá thể.

* Sự tiếp nhận nghệ thuật của con người thường mang tính cảm xúc . Điều này biểu hiện ở trẻ em dễ hơn người lớn , vì trẻ em dễ xúc động vì vậy để phát triển năng lực TNNT chúng ta cần hiểu được đặc điểm tâm sinh của HSPT qua giảng dạy tạo cho học sinh những cảm xúc tích cực . Qua đó tác động định hướng , thị hướng thẩm mỹ cho mỗi em.

* Phát triển năng lực TNNT cho HSPT là nhằm giúp HS nhận thức , cảm thụ và giáo giục cái đẹp cho HS . Đồng thời các em phải biết tự mình làm ra sản phẩm mỹ thuật ( Vẽ tranh theo đề tài, vẽ tự do, gấp xếp…) theo sự hướng dẫn của GV. Đây cũng là năng lực cần được tự bồi dưỡng trong quá trình lĩnh hội và TNNT.

* Vai trò của trí tưởng tượng trong quá trình TNNT hết sức quan trọng, những hình tượng nghệ thuật mà HS tiếp nhận hàng ngày mặc dù không có chủ định vẫn được lưu giữ như một bảo tàng và chỉ xuất hiện biến hóa khi các em tiếp nhận cảm thụ hoặc sáng tạo nghệ thuật, làm cơ sở cho việc phát triển óc tưởng tượng, sáng tạo trong học tập bộ môn MT-ÂN dưới sự hướng dẫn của giáo viên.Giáo viên chính là người nghệ sĩ đầu tiên dẫn dắt các em bước vào thế giới bao la của cái đẹp để nuôi dưỡng những bài học đầu tiên về đạo đức, tình cảm nhân văn,...

Từ phân tích trên có thể nhận thấy ý tưởng giáo dục HS về “ Trí - Đức - Thể - Mỹ” là một ý tưởng lớn trong mỹ dục, là một bộ phận không thể tách rời giáo dục MT- ÂN ở trường phổ thông nhằm giúp HS hiểu thấu đáo bản chất của cái đẹp trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, góp phần hình thành trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư tưởng và tình cảm đẹp. Giáo dục thẩm mỹ là quyền lợi tinh thần mà các em cần được hưởng thụ thông qua hình thức giáo dục MT-ÂN trong trường phổ thông.

Cái đẹp trong đời sống con người và tự nhiên là hết sức phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục lớn lao: Một óc thẩm mỹ tốt hay xấu, một thị hiếu lành mạnh hay thấp hèn, một cách hành xử cao thượng hay phi văn hóa... đều bắt nguồn từ sự tiếp xúc với cái đẹp ngay từ khi còn nhỏ.Do đó, vấn đề phát triển năng lực tiếp nhận nghệ thuật cho học sinh, đưa cái đẹp vào cuộc sống là trách nhiệm của mọi người, cộng đồng và xã hội.

Sự TNNT của HSPT góp phần vào sự phát triển nhân cách HS một cách hoàn thiện. Cần xem giáo dục thẩm mỹ như" Một món nợ lớn đối với thế hệ trẻ" nhằm hoàn thiện và giáo dục tình cảm đạo đức, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực trí tuệ...cho học sinh phổ thông. Giáo dục nhân cách phát triển toàn diện cho HSPT hôm nay, chính là tạo tiền đề cho tương lai đất nước trong thế kỷ XXI.

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 4 năm 2001

Nguyễn Hữu Quang - PDU

(Bài viết trong tạp chí NCKH Giáo dục - II /2001)



Tài liệu tham khảo:

1- Sự phát triển tâm lý trẻ em- A. Vallon - NXB GD 1977

2- Tâm lý học và sự tiếp nhận nghệ thuật - P.M Yakobson - NXB GD 1977