Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Mẹ tôi !

Lời cảm ơn: Trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Tôi viết mấy dòng cảm nhận từ đáy lòng của mình và thay mặt gia đình, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành, tấm lòng tri ân và lời chúc sức khỏe nhân dịp năm mới Xuân Tân Mão 2011 đến tất cả đội ngũ y bác sĩ, những người làm công tác quản lý, các tổ chức từ thiện và cá nhân...đã tham gia chữa bệnh và giúp đỡ Mẹ chúng tôi nói riêng và những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo khác trong cơn bạo bệnh thời gian vừa qua. Những năm tháng vào nuôi Mẹ trong bệnh viện, tôi cảm nhận và chia sẻ với những áp lực công việc thật nặng nề của đội ngũ y tá, bác sĩ ở bệnh viện Ung bướu TP HCM. Họ tận tâm và chia sẻ với các bệnh nhân bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc. Cảm ơn bác sĩ An, cảm ơn y tá Thời, cảm ơn tất cả... đã cho cuộc đời những mùa xuân trọn vẹn...Một ai đó đã nói: " Đôi khi phép chia không cho ra thương nhỏ hơn, như là: Chia nụ cười - và nhận về vô số niềm vui... Chia vòng tay - và nhận về mênh mông ấm áp... Chia quan tâm - và nhận về bao la yêu thương... Chia yêu thương - và nhận về rất nhiều hạnh phúc !" Cảm ơn tất cả vì những điều đó! Thầm mong những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng cùng chia sẻ để những bệnh nhân không may mắn nơi đây bớt đi sự nhọc nhằn, giúp cho những giấc mơ và mùa Xuân trọn vẹn với mọi nhà...


MỘT MÙA XUÂN NỮA LẠI VỀ VỚI MẸ.

Vừa chạy xe về đến ngõ, đứa em gái tôi nước mắt đỏ hoe :

- Sao điện thoại anh không nghe máy, em vừa chở mẹ đi khám bệnh về. Các bác sĩ nói mẹ bị ung thư vòm họng giai đoạn hai, họ nói phải đi Sài Gòn gấp, nếu không bệnh tiến triển đến giai đoạn ba thì chết. - Nó nói trong nước mắt, và xoè tờ giấy “Tử thần” cho tôi xem.

- Thật vậy sao? Mọi chuyện đâu còn có đó, bình tĩnh…Mẹ đâu rồi ? - Tôi tự thầm trách mình một “Gã nghệ sỹ nữa mùa” ham chơi đến vô tâm! Lẽ ra sáng nay tôi định đưa mẹ đi khám bệnh nhưng lại đùn đẩy cho đứa em gái. Những cuộc chơi có lúc kéo dài đến tàn cuộc ngã nghiêng tôi mới trở về nhà.Tôi sững sờ, choáng váng…

- Thế mẹ đã biết chưa ? - Tôi hỏi.

- Mẹ biết rồi! Chuyện hệ trọng lúc đầu bác sĩ nói riêng với em thôi, nhưng không thể giấu được mẹ được, trước sau gì mẹ cũng biết mà…

Mẹ tôi ngồi lặng im thẩn thờ trong góc phòng căn phòng cấp bốn dột nát và ẩm thấp. Nước mắt mẹ như vỡ vụn chảy vào trong. Đôi mắt mẹ u buồn nhìn xa xăm. Tôi biết giờ này mẹ tôi đang nghĩ gì.

- Mẹ an tâm, để con nói em Tuyến đưa mẹ vào Sài Gòn khám lại xem sao. Có khi họ chẩn đoán nhầm !- Tôi cố động viên mẹ tôi bằng những lời nói dối nhưng thực sự trong lòng rối bời một cảm xúc thật lạ. Tôi biết cơ hội sống cho mẹ không còn nhiều, nhất là với căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ và tra tấn mẹ.

Tất thảy mọi người kể cả dâu, rể đều đã có mặt ở nhà đông đủ. Mọi người nhìn mẹ với con mắt đỏ hoe như sắp khóc. “ Trời gọi ai người đó thưa, biết làm sao được !”. Chẳng tránh được số mệnh, ung thư như một "Bản án tử hình" treo lơ lửng trên đầu mẹ rồi còn gì.

- Thôi bây giờ để mẹ nghỉ. Sáng ngày mai em Tuyến sẽ đưa mẹ vào Sài Gòn khám lại xem sao - Tôi phân công đứa em trai.

- Mẹ lại làm khổ các con. Đi cũng chết mà ở nhà cũng chết. Tốn tiền lắm con ơi, mà tiền đâu mà đi bây chừ…- Mẹ tôi nói bằng giọng Nghệ An đặc sệt, rồi thở dài.

- Tiền nong mẹ không phải lo, mẹ cứ yên tâm…Nếu mẹ không chữa thì chuyển qua giai đoạn ba thì chết, còn nước còn tát…Sáng mai mẹ đi Sài Gòn cùng với em -Tôi nói cho mẹ an tâm - Bây giờ Tuyến ra ga mua vé tàu cho kịp sáng mai đi sớm, còn anh ở ngoài này lo giấy tờ chuyển viện cho mẹ.

Ở đời chẳng trốn tránh được định mệnh. Một không khí nặng nề bao trùm tất thảy làm đảo lộn sự ấm áp, bình yên vốn mong manh. Cuộc đời dài rộng thế, thân phận con người thì nhỏ bé. Ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau vốn rất mong manh! Chẳng ai nói với nhau điều gì bầu không gian tĩnh mịch nặng trĩu , em gái tôi lặng lẽ sắp xếp đồ đạc cho mẹ. Một cuộc họp gia đình nhanh chóng diễn ra sau đó với sự phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong gia đình, kể cả đóng góp tiền nong cho những chuyến đi của mẹ - Tôi biết sẽ lâu dài - Mọi người đóng góp tùy khả năng kinh tế của mình để cùng lo cho mẹ. Tôi biết, nếu thực sự mẹ bị ung thư K vòm họng ở giai đoạn hai như bác sĩ ở bệnh viện Quảng Ngãi đã nói thì mọi chuyện không đơn giản chút nào. Thầm mong, một hy vọng rất mong manh…

******

Mẹ tôi là người Nghệ An - Một mẫu người phụ nữ truyền thống theo mẫu người phụ nữ phương Đông - Ba tôi là người Quảng Ngãi ( Đức Phổ) tập kết ra Bắc năm 1954 gặp “ Người con gái TNXP Xứ Nghệ ” rồi nên duyên vợ chồng. " Cha ở đàng trong, mẹ ở đàng ngoài '' khi còn nhỏ tôi rất thích bài thơ này do thấy cả hoàn cảnh của mình trong đó. Gia đình tôi vốn là quân nhân, nhiều thế hệ cùng đi lính, ba tôi đi bộ đội biền biệt theo các chiến trường ở miền Bắc. Mẹ tôi sống lặng lẽ với những vất vả và gian nan, hy sinh, chịu đựng, sau nhiều lần mang nặng đẻ đau Mẹ sinh được sáu người con. Ngày còn nhỏ mẹ thường dạy cho anh em chúng tôi tính tình ôn hoà, nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, mẹ thường dạy :"Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"...Đó là những bài học đầu tiên mẹ dạy anh em chúng tôi cách làm người và đối nhân xử thế.

Mẹ nói khi còn nhỏ tôi thuộc dạng " Khó nuôi ", thường xuyên "đau ốm dặt dẹo" quanh năm. Lúc tôi lên bốn tuổi ( 1972) trong một tai nạn ở nhà trẻ, tôi bị gãy tay phải bó bột và nhiễm trùng, ngày đó còn chiến tranh gian nan lắm mẹ tôi bảo : Mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi phải phẩu thuật nhiều lần do nhiễm trùng, do chiến tranh ở sơ tán nên xa bệnh viện, thuốc men và điều kiện y tế đều thiếu thốn và cả trình độ chuyên môn của bác sĩ ...Có những lúc, bác sĩ bảo phải cắt bỏ cái tay nếu không sẽ hoại tử, mẹ tôi khóc lóc van xin bác sĩ còn nước còn tát đừng cắt bỏ cánh tay của con tôi ...Sau nhiều lần phẩu thuật và nằm bệnh viện hơn một năm trời, may thay tôi vẫn còn giữ được cánh tay phải của mình dù không được như người bình thường nhưng dẫu sao còn may mắn. Sau này nghe ba tôi kể lại ngày đó mẹ tôi vất vả nhiều lắm. Mẹ thương tôi nhiều hơn vì mẹ bảo "tôi là người thiệt thòi nhất nhà! Tôi gánh cho những đứa khác trong nhà !" Tôi thương mẹ vì những hy sinh, vất vả vì “Lũ chúng tôi” khi còn thơ ấu. Cả cuộc đời Mẹ luôn khổ vì chồng, vì con cái.

Sau năm 1975 - Hơn 20 năm đất nước đau thương bị chia cắt và oằn mình dưới bom đạn - Ba tôi phục viên rồi chuyển nghành sang xây dựng, như những niềm mong mỏi sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc của những người tham gia kháng chiến, ba tôi đưa cả gia đình "Một tiểu đội" ngũ quỷ ( 6 người con: 5 trai, 1 gái ) trở về Quê Hương - Quảng Ngãi. Thời gian" Như thoáng chim bay". Sau hơn 20 năm xa Quê, khi đi là người trai tráng khi trở về mái tóc ba đã hoa râm vì màu thời gian. Ngày đất nước thống nhất ba trở về sau 20 năm xa Quê, tưởng mong gặp được người thân. Nhưng " Người xưa nay còn đâu ": Người mất, người hy sinh trong chiến tranh, người phiêu bạt tứ xứ ...Gia tài ba mang về xứ Quảng là " Lũ chúng tôi". - "Đó là gia tài quý nhất của ba mẹ !"- Ba vẫn thường nói như vậy với chúng tôi.

Những ngày tháng sau giải phóng thật khổ và cơ cực. Để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi học…Bố mẹ tôi vất vả trăm bề. Đó là cả những ngày vất vả và cực nhọc của mẹ. Mẹ tôi ngày làm việc cơ quan, tối làm rất nhiều việc bán thời gian: Làm mành trúc, làm hàng thủ công mỹ nghệ, bán gánh hàng rong vào ban đêm ở rạp chiếu bóng Hòa Bình, chạy chợ... Những tháng ngày tần tảo, vất vả thức khuya dậy sớm làm một người phụ nữ xinh đẹp như mẹ tôi già sọm hẳn đi, bàn tay mẹ trở nên thô ráp và nhăn nheo, những nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt của mẹ. Trong cái thời bao cấp " Đói thối mồm" đó, Mẹ tôi ngày đi làm, tối tần tảo và đảm đang làm thêm nhiều công việc khác cũng không đủ trang trãi nuôi sáu "Cái tầu há mồm" đang tuổi ăn tuổi lớn. Khổ lắm ! Tem phiếu lương thực, thực phẩm chỉ đủ ăn trong vòng nữa tháng cầm hơi, còn lại là độn toàn mì , bo bo và cả ăn cháo... Những ngày bao cấp với những kỷ niệm buồn đau... Cơ cực và đói khổ, có cả những " Cơn đói " cồn cào không ngủ được, có những cái lạnh thấu xương vì không đủ ấm, quần áo anh em tôi mặc vá víu chẳng mấy chốc đã chật chội vì sức trẻ. Mẹ làm đủ mọi thứ tìm kế sinh nhai, nuôi dưỡng đàn con nhỏ, với niềm tin hy vọng con mình sẽ nên người và có cuộc sống mới tốt hơn cuộc sống của mẹ. Những đêm tối, mẹ trở mình vì đàn con đói khổ và nheo nhóc. Những khi Trời trở gió có đứa bị đau, Mẹ ngồi thức cả đêm dài vì lo cho con. Chú Khâm ở cạnh nhà, bà con ở quê thỉnh thoảng cho vài ký gạo, bao củ lang khô, bát canh cua…để chia sẻ và giúp đỡ, vì thấy gia đình tôi quá vất vả và cơ cực. Ngày đó mọi người đều khổ cả nên mọi người hồn nhiên, phác thực và tốt bụng với nhau hơn thì phải ! Thế nhưng thật lạ, anh em chúng tôi mặc dù ăn uống kham khổ nhưng đứa nào cũng to con và cao lớn, trông như những " Vệ sĩ thứ thiệt". Cũng chính vì thế, nên sau này hai anh và em tôi đi bộ đội đều được tuyển vào những " Lực lượng đặc biệt ". Ba tôi thường tự hào vì điều đó. Những người xung quanh xóm bảo với mẹ tôi : “ Trời nuôi con nhà chị !”. Mẹ chỉ cười hiền lành, khuôn mặt thật phúc hậu và rạng ngời hạnh phúc vì những đứa con của Mẹ trong bần hàn, cơ cực rồi cũng đã đến tuổi trưởng thành.

Thế rồi, anh em tôi lần lượt vào đời thoát ly gia đình để đỡ đần cho cha mẹ, hai anh lớn của tôi đều đi bộ đội ở chiến trường K. May mắn thay, sau bao năm lăn lộn ở chiến trường K khốc liệt, hai anh tôi đều nguyên vẹn trở về nhà. Mẹ thầm thì" Ông bà phù hộ độ trì cho gia đình !".Tôi và em trai làm đủ nghề lao động chân tay kể cả lao động nặng nhọc nhất để phụ giúp gia đình, có đứa phải nghỉ học giữa chừng vì kinh tế gia đình khó khăn trong thời bao cấp, có đứa đi học CĐ-ĐH xa nhà…Nhìn mái tóc nhuốm bạc của ba mẹ theo dòng thời gian vì những lo toan, muộn phiền trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn vì con cái. Cho đến mãi sau này tôi càng thương ba mẹ nhiều hơn, càng nghĩ nhiều hơn về đấng sinh thành của mình với khoảng đời cơ cực và gian nan.

Lũ chúng tôi lớn lên, trưởng thành rồi lập gia đình mới thấu hiểu được tấm lòng của cha mẹ với con cái. Căn nhà ba mẹ tôi đang ở được ngăn làm hai, một vài đứa có gia đình riêng phải thuê nhà ở với lận đận và long đong cảnh nhà thuê. Nghèo là hèn! Hèn lắm. Anh em tôi cố “Quẩy đạp” mong thoát khỏi cảnh nghèo khó, gian nan nhưng rồi cũng vô vọng. Tôi vài lần cố thử thời vận bằng cuộc mưu sinh ở Sài Gòn, thuê nhà mặt phố mở dịch vụ quảng cáo, in lụa...nhưng rồi cũng thất bại trong sự thụ động và cầu toàn. Những ý tưởng, những dự định, sự năng động tan biến trong một giấc mơ huyền hoặc. Cam chịu với cuộc sống đã an bài, tự an ủi và vỗ về chính mình “ Nghèo tiền, nghèo bạc chứ không nghèo Tâm là được rồi !”

Tôi biết, trong nhà sáu người con có đứa ngỗ ngược, bất hiếu, nói lời không phải làm ba mẹ buồn lòng. Có đứa còn chì chiết cả ba mẹ vì " Sự lương thiện" nên nghèo vì thế mà con cái khổ, sự xung đột giữa quan niệm sống, nếp nghĩ và ý thức hệ giữa các thế hệ trong gia đình cũng là những nguyên nhân gây mâu thuẩn... Ô hay! Nghèo đâu phải là cái tội ? Có ai muốn " Nghèo" kia chứ ?...Anh em tôi mất đoàn kết cũng vì những xung đột trong quan niệm sống và lối tư duy khác biệt... Tôi luôn đứng về phía ba mẹ. Tôi biết, ba tôi nhói đau và khổ tâm, mẹ tôi trào nước mắt mỗi khi đêm về. Đây là điều ba mẹ tôi buồn lòng nhất trong cuộc đời. Mẹ thở dài “ Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài…Ba mẹ sinh con nhưng Trời sinh tính… Với ba mẹ điều quan trọng nhất là anh em hòa thuận, đoàn kết, đùm bọc nhau là cuối đời ba mẹ đã viên mãn rồi.”

Năm 2003, ba tôi mất trong một cơn bạo bệnh, lần đó anh em chúng tôi cũng không lo được cho ba một cách trọn vẹn nhất nên vẫn còn nhiều day dứt. Điều duy nhất chúng tôi chỉ làm được theo nguyện vọng của ba trước khi chết là đưa ba về quê nằm cạnh ông bà tổ tiên. Trước khi mất ba tôi nói: “ Ba mẹ nghèo nên con cái khổ, chẳng có gì để lại cho con cái ngoài cái lý lịch trong sạch của gia đình. Các con hãy tự hào vì điều đó. Hãy sống như thế hệ của ba mẹ đã từng sống như thế! Hãy sống với cái Tâm trong sáng của mình và không hổ thẹn với cuộc đời. ” Lời dạy của ba tôi vẫn theo tôi đi suốt cả cuộc đời. Một ký ức đẹp nhưng đau buồn lăn tăn luôn sống trong tâm tưởng của tôi, rất thánh thiện...

Sau khi ba tôi mất, mẹ hụt hẫng một thời gian rồi cũng quen với cuộc sống mới. Mẹ siêng đi lễ chùa hơn vì con cái đã lớn không còn nhiều vướng bận. Người về già vốn thế, họ luôn tin vào tâm linh và mong muốn trở về với nguồn cội. Vợ chồng tôi dành nhiều thời gian về thăm mẹ. Khi thì mua cho mẹ ít quà, khi thì tấm áo, lúc thì cho mẹ ít tiền…Mẹ vui lắm, mẹ vui vì được con cái quan tâm. Niềm vui của mẹ “ Như đứa trẻ được quà”. Người già vốn như con trẻ! Rồi mẹ lại sử dụng số tiền đó mua quà cho bầy cháu nội, ngoại của mẹ. Chẳng dành cho mình một chút gì. Thấy mẹ vui mỗi khi được con cái quan tâm lòng tôi cảm thấy ấm áp nhiều hơn.

Thương mẹ, nhiều năm đi biền biệt theo chồng về xứ Quảng chỉ một lần duy nhất về thăm quê, một vài lần tôi gợi ý cho tiền và đưa mẹ về thăm quê ở Nghệ An, về thăm mồ mả ông bà ngoại, các cậu và dì… Hay tổ chức mừng thọ cho Mẹ. Mẹ đều gạt đi “ Đi tốn kém của các con. Mẹ già rồi, đi đường xá xa xôi mỏi mệt lắm, hơn nữa con để dành tiền mà mua đất làm nhà, không lẽ ở nhà tập thể mãi thế sao !”.Tính mẹ tôi vốn thế, gần như cả cuộc đời mẹ luôn luôn hy sinh vì chồng, vì con cái. Đến tận bây giờ Mẹ tôi vẫn giữ nếp nghĩ của" Thời bao cấp" với cả sự chất phác, đôn hậu và thánh thiện. Tôi thương mẹ! Một mẫu người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những vất vả, gian nan, và đức hy sinh thầm lặng vì con cháu. Kể cả sau này khi con cái đã lập gia đình, mẹ vẫn dõi theo cuộc sống riêng tư của từng người con. Mẹ thương con và kỳ vọng nhiều ở con cái, mong muốn con cái của mẹ được hạnh phúc trọn vẹn. Mẹ khổ tâm kể cả khi con cái đã lớn, mẹ lo lắng khi con cái bị vấp ngã trong cuộc đời, mẹ buồn đến cả bỏ ăn khi vợ chồng của một đứa con nào đó cãi cọ hay mâu thuẩn nhau…Mẹ vui một cách hồn nhiên với niềm vui của con cháu trong nhà.

Trong tâm hồn mỗi con người đều có một " Khoảng lặng", đó là nơi con người sống thực với chính mình...Cho đến bây giờ ngày càng lớn tuổi hơn, có gia đình, có con…với những sự trãi nghiệm sâu sắc, biết lắng nghe và thấu hiểu mọi thế thái nhân tình, tôi càng nghĩ nhiều đến gia đình của tôi ngày xưa, nghĩ đến ba và mẹ. Khi tôi đã kịp nếm trải tất cả mọi thứ kể cả ngọt ngào và cay đắng, đã trải nghiệm và trưởng thành để hiểu cuộc đời trầm luân dâu bể như thế nào thì cũng là lúc tôi bắt đầu biết cảm thông cho mẹ, thương mẹ nhiều hơn vì cả cuộc đời mẹ là dành cho đàn con thân yêu của mình.

Kí ức như đông cứng lại ! Trong một phần nhỏ của ký ức gian nan, khổ cực nhất, thỉnh thoảnh vẫn tràn về làm làm tâm hồn tôi tê dại, ấy là lúc tôi nghĩ đến ba mẹ và người thân xung quanh …Len lỏi trong lòng có cả những niềm đau và tình thương vô bờ với công ơn sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ. Chợt nhớ lại câu ca “Mẹ già như chuối chín cây...” tự dưng nước mắt tôi rưng rưng.

******

Khoa học là khoa học! Làm sao có sự nhầm lẫn kia chứ. Mẹ tôi bị ung thư thật rồi. Đứa em trai từ bệnh viện ung bướu TP HCM điện thoại nóng cho tôi hay. Nỗi đau như một khối đá hoá thạch trong tâm hồn tôi. Số phận mẹ tôi đã an bài.

Sau lần đầu tiên em trai tôi đưa mẹ từ Sài Gòn trở về, mẹ tôi khác hẳn. Mẹ ít nói hơn, trầm tư hơn. Mẹ đã bình tâm, không còn sợ hãi phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã. Tôi cố " Tư vấn" cho mẹ nhưng bất lực đến vụng về. Tôi biết mẹ rất buồn.

- Mẹ biết, bệnh của mẹ là bệnh nan y, dù chữa cũng không bớt nên thôi con ạ, sẽ tốn kém tiền bạc của con cái, anh em đứa nào cũng vất vả cả…nên thôi: Nếu chết mẹ sẽ chết ở nhà, không đi đâu hết - Mẹ nói giọng trầm đục.

- Mẹ cứ đi không phải lo gì hết! Còn nước còn tát mà. Mẹ đi chữa bệnh rồi sẽ khỏi thôi mà, Mẹ cố sống với con cháu vài năm nữa cho vui mẹ ạ! - Tôi cố động viên mẹ nhưng cổ họng tắc nghẹn.

- Nếu mẹ không đi thì anh em con cảm thấy day dứt vì không lo được cho mẹ. Dù thế nào đi nữa anh em con cũng sẽ lo cho mẹ đến tận cùng. Còn nếu mẹ vẫn cương quyết không đi chữa bệnh thì con sẽ đưa mẹ về quê Ngoại thăm mồ mả ông bà tổ tiên và người thân, vì đã lâu mẹ không về quê mà. Mẹ đồng ý không để con sắp xếp công việc ? - Tôi nói.

Mẹ ngồi lặng im. Nhìn mẹ, tôi không khỏi xót xa và thương mẹ đến vô cùng.

Anh em tôi xúm lại khuyên nhủ nhiều lần, có đứa còn giận dỗi cả mẹ. Rồi mẹ cũng quyết định đi thật. Bạn bè thâm giao, hàng xóm xung quanh, người thân cùng đến chia sẻ và động viên: Người cho quà, người cho chút tiền đi uống nước…với cả tấm lòng nhưng ai cũng ái ngại cho Mẹ. Mẹ cảm động lắm! Mẹ cần lắm nhưng yêu thương, bù đắp...một sự sẻ chia không giới hạn của con cái và mọi người xung quanh. Người già vốn dĩ thế !

Sắp xếp công việc giảng dạy trong trường, lận “ Trong lưng” mười mấy triệu , khoác trong mình cái áo da đen cũ nát và cái quần bạc màu vai đeo balô bộ đội trông dáng vẻ bụi bặm hơn là một “Giáo Thứ” thường ngày, tôi đưa mẹ vào Sài Gòn lần thứ hai với tâm trí rối bời và lo lắng. Tất thảy, mọi việc đều phải làm lại từ đầu : Khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm máu, tim mạch…đến phác đồ điều trị: Hóa trị và xạ trị.

Mẹ nằm điều trị ở tầng bốn. Vào đây mới thấy ranh giới giữa cái chết và sự sống thật mong manh. Nằm cùng giường với mẹ tôi là một cô sinh viên xinh xắn mới tốt nghiệp ĐH kinh tế đi làm chừng vài tháng thì phát hiện bị ung thư máu, cạnh giường là bà Năm bị ung thư đại tràng…đầu ai cũng trọc không một sợi tóc. Mỗi người một hoàn cảnh, một thân phận chẳng ai giống ai. Vào đây xem như tận cùng của cái chết. Một cái chết được báo trước. Người bệnh bị ung thư nằm chật như nêm. Mùi mồ hôi, mùi thuốc tẩy, mùi ete thật khó chịu…Người khỏe vào đây nhìn thấy đã muốn đau! Tất cả nhuốm một màu ảm đạm, lạnh lẽo đến chết chóc. Mỗi lần vào nhập viện và điều trị, căn phòng mẹ tôi nằm lại có một giường trống: Một người nào đó đã ra đi…Thật thương xót! Vào đây mới thấy áp lực công việc thật nặng nề đối với đội ngũ y tá, bác sĩ ở bệnh viện ung bướu TP HCM. Họ tận tâm và chia sẻ với các bệnh nhân bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc...Người quen của tôi và học trò nghe tin vào thăm mẹ và chia sẻ. Mẹ tôi cảm động và vui lắm vì cảm thấy ấm áp. Tôi thương mẹ vô cùng :

- Mẹ có đau không? Mẹ cảm thấy trong người như thế nào?- Tôi nắm lấy bàn tay mẹ như là một phần của thân thể, của cuộc sống của mình.

- Mẹ thấy bình thường thôi, chờ thứ sáu “Vào thuốc” rồi về nhà con nhé. Mẹ đã lấy chổi quét ở hành lang trước cửa phòng và trãi chiếu ở đó, tối con ra đó ngủ, khi nào cần mẹ gọi. Buổi tối không có gì con xuống dưới khuôn viện bệnh viện ngồi cho thoáng, thỉnh thoảng lên với Mẹ thôi. Tiền bạc cẩn thận con nhé …- Mẹ bảo. Tôi biết Mẹ sợ tôi buồn nên nói thế.

- Con xuống dưới mẹ nhé, khi nào cần mẹ gọi, ở trên này ngột ngạt quá - Tôi nói.

- Ừ ! Con đi đi - Mẹ nói và nhìn tôi trìu mến.

Như những bà mẹ khác, mẹ luôn quan tâm và lo lắng cho con cái cả lúc bị đau.” Người đau lại lo cho người khỏe”- Tôi thầm nghĩ. Vào nuôi mẹ trong bệnh viện Ung bướu TP HCM để giành giật sự sống cho mẹ, không chỉ tôi mà nhiều người nhà bệnh nhân khác phải chấp nhận cuộc sống vạ vật nơi ghế đá, khuôn viên bệnh viện. Người ốm nằm đã khổ, người thân đi nuôi bệnh cũng chẳng sung sướng gì! Khuôn mặt ai nấy đều phờ phạc vì mệt mõi, lo lắng và mất ngủ. Trên ghế đá, một người đàn ông gầy gó, khắc khổ quấn chăn quanh người nằm ngủ ngon lành. Thỉnh thoảng một vài con chuột chạy qua gặm chiếu chăn, thậm chí gặm cả chân người nằm đó nhưng ông vẫn ngủ khá say. Không gian khá yên tĩnh vì nhiều người đã quá mệt mõi, thỉnh thoảng bị xé toang bởi tiếng ồn của xe cấp cứu, tiếng bác sĩ, tiếng khóc của người nhà bệnh nhân : “ Lại một người nữa ra đi! Tội nghiệp. Thôi đi cho nhẹ nhõm… ” - Ai đó lẩm bẩm. Không gian như chùng xuống, im ắng đến lạ thường. Thương cho một kiếp nhân sinh ! Xót xa cho một thân phận con người !

Tôi lang thang đi khắp bệnh viện không chủ định, ghế đá chẳng còn một chỗ trống. Người nhà bệnh nhân trãi chiếu nằm la liệt. Vào đây nhiều lần nên ai tôi cũng thấy như quen biết…Những lúc rãnh rỗi tôi thường xuống đây ngồi đọc báo, có khi là đánh cờ tướng với những người nhà đi nuôi bệnh nhân, cũng chỉ để giết thời gian nhàn rỗi.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM chẳng có khu nhà dành cho người nhà bệnh nhân vì khuôn viên quá chật hẹp, và hơn nữa là sự quá tải của bệnh viện, người dân từ mọi nơi đổ về : Từ miền Trung xa xôi, từ đồng bằng sông Cửu Long, và cả người dân ở nước bạn Campuchia…cũng qua đây để chữa bệnh. Mỗi giường bệnh phải nằm từ 2 đến 3 người xoay đầu vào nhau. Không chỉ riêng tôi mà những người nhà đi nuôi bệnh nhân đều chui cả xuống gầm giường để ngủ, cả hành lang bệnh viện cũng đầy rẫy người nhà đi nuôi bệnh nhân, họ sinh hoạt và ngủ dưới chân cầu thang, cạnh một thùng rác… Họ chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Sinh hoạt, ngủ vạ vật đâu đó để tiết kiệm… 50.000 nghìn đồng. “Mỗi ngày 50.000 nghìn, 1 tháng là một con số không nhỏ với người lao động phổ thông. Trong khi đó, mỗi tháng đã phải chi tiêu trăm khoản cho người nhà ở viện, nào thuốc thang, nào ăn uống cho người nhà ốm đau nằm đó...

- Ngồi xuống đây uống nước em, em đi nuôi ai à ?- Một người phụ nữ nhỏ thó, với khuôn mặt khắc khổ nói với tôi bằng giọng Nam Bộ.

- Dạ, em đi nuôi mẹ chị à, mẹ em bị ung thư vòm họng giai đoạn hai - tôi đáp.

- Tội nghiệp bà già! Mình khỏe thì đành ngủ ở đây cũng được em à, mỗi tháng cũng bớt được một khoản kha khá, thôi thì giảm được khoản nào hay khoản ấy. - Chị chia sẻ. Nhìn sâu trong đôi mắt chị tôi thấy cả sự đồng cảm lẩn khuất.

- Chị cũng vào nuôi mẹ à ? - Tôi hỏi.

- Không chị vào nuôi anh và hai đứa trẻ…- Đôi mắt chị u buồn.

- Anh bị đau sao hả chị ? - Tôi tò mò

- Anh là nạn nhân của chất độc da cam em ạ, khi con trẻ đi bộ đội ở chiến trường K đóng quân trong những cánh rừng bạt ngàn ở Campuchia, bị ảnh hưởng bởi nguồn nước do chất độc da cam còn sót lại thời chống Mỹ. Khi trở về lập gia đình sáu năm sau mới biết bị nhiễm chất độc Đioxin. Hai đứa trẻ lần lượt ra đời đều bị chứng bệnh như thế, bệnh viện cũng chỉ nói chung chung thế thôi. Cả gia đình chị sống trong bệnh viện này đã gần mười năm nay nhờ tiền của Hội cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ, những nhà hảo tâm…- Chị Lan nghẹn ngào tâm sự.

Trong bóng tối lờ mờ tôi thấy khuôn mặt của chồng chị Lan thật khinh khủng. Toàn bộ mặt và cơ thể người là những khối u to nhỏ mọc dày đặc chồng lấn nhau. Anh nằm lặng im, mặt quay vào trong tường với cả sự cam chịu của một kiếp người. Những đứa nhỏ con anh vẫn chơi đùa với những bệnh nhân nhí trong một khoảng sân nhỏ trong bệnh viện một cách hồn nhiên và vô tư. Tiếng cười đùa của lũ trẻ khiến không gian thêm ấm áp. Tôi muốn nói một điều gì đó với chị nhưng cổ họng tắc nghẹn…

Nhìn ra ngoài cổng bệnh viện là một khoảng sáng trắng của ánh đèn về đêm Sài Gòn. Trái ngược với những thân phận nhỏ bé trong khuôn viên bệnh viện ngoài cổng kia là một thế giới hoàn toàn khác, sôi động, ồn ào và xô bồ, đầy rẫy sự bon chen...của người đời. Đêm Sài Gòn...Trong những vũ trường sôi động, quán Bar sang trọng nào đó có những cô teen, cậu quý tử vẫn mải mê thâu đêm suốt sáng với những cuộc chơi ném tiền và tương lai của mình qua cửa sổ...

Đêm Sài Gòn...Là những góc khuất cuộc đời, là những đêm không ngủ của những người cơ nhỡ, những lao động nhập cư, những mảnh đời đầy đau khổ và nước mắt của đồng loại trong cái bệnh viện nhỏ bé này...Nếu có thể, dù chỉ một lần đến nơi đây để cảm nhận và trải nghiệm, hẳn chúng ta sẽ ngẫm nghĩ ra nhiều điều tưởng chừng như rất giản đơn về ý nghĩa của cuộc sống.

******

…Vượt quảng đường hơn 800 km, anh em tôi phải thay phiên nhau đưa mẹ đi Sài Gòn nhiều lần để chữa bệnh. Kể từ khi lấy chồng chưa bao giờ Mẹ có những chuyến đi xa như thế. Những chuyến đi xa đầy âu lo và bất trắc...Sau lần vào thuốc hóa trị lần thứ sáu, tóc mẹ rụng hết, những cục hạch nổi ở vòm họng bắt đầu di căn thì phải. Mẹ nằm vật vã trên giường, khuôn mặt xanh xao, ốm yếu…Người quen, bạn bè của mẹ, những quan hệ xã hội của anh em chúng tôi tranh thủ đến thăm mẹ lần cuối cùng với cả tấm lòng.

- Mẹ biết... Mẹ sẽ không qua khỏi. Có gì con lo cho em nhé, nếu mẹ chết đưa mẹ về quê nằm cạnh ba là mẹ mãn nguyện rồi…Không được xây mộ cho mẹ tốn kém con nhé…- Mẹ thều thào trong hơi thở đứt quảng.

- Mẹ cứ lo xa, không sao đâu mẹ. Mẹ sống thêm một ngày cho con cháu vui, cố lên mẹ nhé…- Tôi nắm lấy tay mẹ, cố trấn an mẹ nhưng lòng đầy lo lắng.

Một nỗi lo sợ mơ hồ trong tôi “ Liệu mẹ có qua khỏi cơn bạo bệnh không ?”. Thì thôi, lo cho mẹ trọn vẹn đến đâu hay đến đó. Mệnh trời tránh sao khỏi !

Tôi sắp xếp công việc trong nhà, tranh thủ lúc mẹ tỉnh, tôi bàn với mẹ việc hôn nhân cho đứa em. Mẹ đồng ý và giao hết trách nhiệm cho tôi. Nhiều “ Cú điện thoại nóng” được gọi ra Bắc cho những người bà con phía ngoại vào thăm mẹ lần cuối cùng và dự đám cưới của cháu. Dì Lương, dì Hương từ Hà Tây, Hải Dương xa xôi “hội quân” về Nghệ An, cùng dì Toàn, mợ Khiển lục tục khăn gói vào thăm mẹ lần cuối. Các dì, mợ ôm mẹ khóc vì thương chị vất vả và đớn đau…Mẹ tôi hàn huyên tâm sự với các dì và mợ... Người gội đầu cho Mẹ, người đi chợ mua đồ ăn bồi dưỡng cho Mẹ nhưng mẹ nào có ăn được gì đâu “ Các em vào thăm chị và dự đám cưới của cháu là chị vui rồi. Nếu chết chị cũng thấy mãn nguyện.” Mọi người đều khóc khi nghe mẹ nói. Dì Lương ( Vốn là bác sĩ ) trao đổi với đứa em gái tôi về một vài phương thuốc Nam để kết hợp chữa bệnh cho Mẹ. Tôi xúng xính trong bộ Vest đi “ Đàm phán” với phía nhà gái trong một ngày trời mưa tầm tả. Một “ Đám cưới chạy tang” được tổ chức tại nhà hàng Cẩm Thành liền ngay sau đó, tất nhiên là đầy đủ mọi nghi lễ từ : Thăm nhà, đám hỏi…đến đám cưới được tổ chức trong một thời gian ngắn. Bà con ở Đức Phổ ra khá đông, tôi mời vợ chồng bác Năm ( Bà con trong Nội ) làm chủ hôn cho đám cưới của em trai út của tôi.

Ngày đám cưới của em tôi, mặc dù đang là mùa mưa nhưng thời tiết rất đẹp…Chú rể bảnh bao trong bộ Vest, cô dâu xúng xính tươi cười trong bộ đồ áo cưới. Nghi lễ được tổ chức tại nhà một cách truyền thống. Hạnh phúc như vỡ òa! Trong ngày " Đám cưới chạy tang" của em tôi, Mẹ tôi khóc vì hạnh phúc của con, các dì đều khóc, mọi người xung quanh hàng xóm đều xúc động…Tôi cố nén những giọt nước mắt chực trào ra. Tôi biết, hôm nay Mẹ rất vui vì hạnh phúc của đứa con trai út của mẹ nay 38 tuổi cũng đã yên bề gia thất. Mọi người đều vui với niềm vui chung của cả gia đình.

- Ô hay! Hôm nay ngày vui của em sao Mẹ lại khóc.- Tôi nói đùa với Mẹ. Mẹ chỉ cười

- Các dì và mợ rất vui và xúc động khi còn khó khăn nhưng các cháu lo được cho mẹ và em trọn vẹn như thế này là tốt rồi, trong các chị em gái mẹ cháu là người khổ nhất vì con đông, vì hoàn cảnh…Mẹ vất vả và hy sinh nhiều lắm, dì biết thế nên các cháu phải thương mẹ nhiều hơn. Anh em cố đùm bọc, hòa thuận, bảo ban nhau mà sống cho mẹ cháu vui…- Dì Lương nắm tay tôi nói.

Sau đám cưới em tôi hơn một tuần, các dì và mợ bịn rịn chia tay " Đại gia đình chúng tôi" rồi trở về Bắc. Tôi lại sắp xếp công việc đưa mẹ lội ngược vào Nam…Lần này phác đồ điều trị khác với liều thuốc mạnh hơn rất nhiều được các bác sĩ áp dụng điều trị cho Mẹ. Tôi rùng mình khi thấy những lọ thuốc độc 0,5 ml lít hết màu xanh rồi đến màu hồng lần lượt tiếp tục được truyền vào cơ thể Mẹ tôi, kết hợp với uống thuốc Tây với liều lượng rất cao. Mẹ tôi khi thì nằm thiêm thiếp, lúc vật vã vì đau trên giường bệnh.Tính mạng Mẹ như ngàn cân treo sợi tóc, những ngày nằm viện thể trạng Mẹ gầy sút gần chục ký, da dẻ xanh xao, ho tức ngực nhiều, không ăn uống gì được, chỉ uống sữa và nước. Bác sĩ điều trị nói cho tôi biết tiên lượng bệnh của Mẹ rất xấu, có nguy cơ khó qua khỏi...Khả năng là chín phần chết một phần sống. Điều này làm cho tôi không tránh khỏi mủi lòng cho bệnh tật hiểm nghèo của Mẹ mà trong lòng ngổn ngang bao suy nghĩ...Tôi nhìn mẹ, quằn quại trong đau đớn mà như đứt từng khúc ruột.

Tôi tay chân lóng ngóng đến vụng về, chỉ biết xoa tay xoa chân cho Mẹ, khi nào hoảng quá thì cầu cứu bác sĩ trực. Nhiều phương án được dự kiến trong đầu tôi, kể cả trường hợp xấu nhất xảy đến cũng đã được tính đến...
...Những lần vào thuốc hóa trị sau này, biết được hoàn cảnh khó khăn của Mẹ, bệnh viện đã miễn giảm toàn bộ tiền thuốc cho Mẹ. Phải mất một năm trời, anh em chúng tôi thay phiên nhau đưa Mẹ đi Sài Gòn mười mấy lần, uống đủ loại thuốc Đông tây kết hợp với vào thuốc hóa trị, xạ trị bệnh mẹ tôi dần thuyên giảm. Mặc dù phác đồ điều trị của mẹ còn dài nhưng mẹ cương quyết không đi Sài Gòn " Đi làm gì kia chứ, để truyền thuốc độc vào người mẹ à ! Nếu chết mẹ chết ở nhà thôi. "- Mẹ nói. Anh em chúng tôi chuyển qua chữa bệnh cho Mẹ bằng thuốc Nam, thuốc Bắc...Ai chỉ loại thuốc gì cũng tìm về cho mẹ. Mẹ uống đủ loại thuốc...Mẹ đã khỏe nhiều hơn trước, tóc mẹ đã mọc lại dày hơn.

Mẹ tôi như người từ cõi chết trở về. Thật kỳ diệu! Mọi người mừng vui không kể xiết. Anh em tôi đều bất ngờ và kinh ngạc đến tột cùng. Chẳng lý giải được vì sao ???

- Trời ,Phật, tổ tiên ông bà phù hộ con ơi! Ở hiền rồi sẽ gặp lành mà, ông bà xưa nói có sai đâu…- Mẹ luôn nói với chúng tôi và mẹ tin cuộc đời nhân quả sẽ như thế.- Mẹ nói giọng xứ Nghệ.

- Ngày trước mẹ vất vả nhiều vì anh em chúng con rồi. Mẹ cố sống thêm vài năm nữa với con cháu cho vui mẹ nhé. Mẹ còn chờ ẳm cháu Nội của Mẹ nữa chứ - Tôi nói đùa với mẹ trong niềm vui.

- Ừ ! Mẹ cũng mong được như thế. Còn nữa tháng nữa là đến Tết rồi con nhỉ! Thời gian trôi nhanh thật. Mẹ như cây mai già cỗi kia thôi, khi nào ông Trời gọi thì mẹ đi về gặp ba con và ông bà tổ tiên. Thế thôi…số mạng hết cả thôi con ạ. - Mẹ cười mãn nguyện và chỉ cây mai vàng trước ngõ nhà tôi.

Ngoài sân, một cây mai già cỗi sừng sững như một tượng đài của mùa xuân. Cây mai nay đã quá già cỗi. Nó đã chứng kiến những biến cố trong gia đình chúng tôi và gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời với mọi người trong nhà. Mùa Xuân này cây mai không còn trổ bông như những mùa xuân trước. Nó đã quá già cỗi, nhưng từ trong những vỏ cây sần sì và những cành cây khẳng khiu đó như một sức sống mãnh liệt trường tồn, một nguồn nhựa vẫn lặng thầm chảy lặng lẽ. Từ những nguồn nhựa đó một vài bông mai vàng hé nở khoe sắc thắm, những chồi non nhú lên xanh mơn mởn mang lộc xuân đến làm đẹp cho đời.

Một mùa xuân nữa lại về với cuộc đời, với mọi nhà, với mọi người…Một mùa xuân nữa lại về với… Mẹ. "Thế thái nhân tình rồi cũng thế, lòng ta thoang thoảng cánh mai vàng". Cảm ơn cuộc đời ! Cảm ơn Mẹ ! Một mùa Xuân nữa lại về với Mẹ...

Quảng Ngãi, 25/01/2011

QHN

TB : Ghi chép tặng Mẹ tôi.







Hình1: Mẹ tôi ( Đứng giữa ) cùng các dì Hương, dì Lương, dì Toàn và mợ Khiển




Hình 2: Ngày đám cưới em trai tôi tại nhà hàng Cẩm Thành





Hình 3 : Dì Hương và dì Lương vào dự đám cưới của em trai tôi.

Bờ môi xa hun hút cải hoa vàng...



Bờ môi xa hun hút cải hoa vàng…

Những giọt mua phùn đậu xuống bờ vai ta mang theo bao niềm hung-cát của tử vi ngày. Ta thắp một mồi thuốc, trỏ khói vào mây, vân vê từng nét khói cuộn xoáy trong lòng bàn tay gân guốc. Lạnh nheo nhuốm cả trời. Nóng khô róm cả họng. Ta ghim ánh mắt vào cõi yêu mù lòa, sõng sượt ánh nhìn cảm thức, bờ môi xa hun hút cải hoa vàng...

Em choàng tỉnh giấc dậy thì lao vụt đến ta, ngấu nghiến quỳnh hương xọac đêm tan tác gió, vành trăng nghiêng ngả chui tọt vào mây khóc tức tưởi điệu man tình. Mái tóc bờm xờm cỏ rối phủ mặt ta nỗi cô đơn hỏang lạnh, bỗng vén rèm hiền triết ngạo lên không mấy nụ cười trịn nắng, cỏ cây im bặt, sông núi tấu bài hoan ca dìu em trú ở tay ta.

Những giọt mưa giụi mắt túi bụi vào nắm ken đóng bánh gạch vồ, em lõm bõm cài xuân, cuốn đông phong luồn qua cổ, hai đứa dựa nhau nhìn trời đất tất tưởi cạn yêu thương...

Art viết ngày 17/01/2011

Tử vi tình…

Những đóng khép của lòng tua tủa xơ gai, cơn khát lại vùng lên từ thăm thẳm ruột gan hun hút. Con quỷ mở mắt từ trong vòm ngực, há toác cái miệng ra ngậm lấy nỗi buồn. Ta chống gậy tình khập khểnh bước đi, em nhắn vội những dòng tin chát chúa.Tử vi tình hờ hững giữa bàn tay.

Này người. Nơi đây, trái tim ta đã hoàn toàn phá sản. Ta đã từng thế chấp nốt những giòng máu yêu thương để vay cho mình những ngày nhớ nhung tạm bợ, nhưng ngân hàng tình em chẳng cho đáo hạn, ta đã bị siết nợ những lỗi lầm. Còn gì đây những vờn yêu quyến luyến, còn gì đâu những nặng nhẹ của lòng. Vờ như chẳng biết, vờ như không hay, vờ như cả hai bờ tóc đã chuyển màu từ đen sang trắng. Cứ vờ thế cho tử vi tình còn vài điều đáng ngẫm, toạc toàng toang nghe lạnh khắp trăm miền.

Này người. Những sang trọng giả vờ nơi đầu môi chót lưỡi, có mặc sức được hơn thua trong dâu bể ngút ngàn? Người đến rồi đi để lại những dư tình, ta nào biết cõi người xum xuê đến vậy, nên lỡ tiêu những vụn tình không chì chiết, cho tháng rộng ngày dài bớt đi những mênh mông.

Này người. Tản văn rụng những mỹ từ thánh hóa, lấp liếm trong lời những ngôn ngữ đẩy đưa chơi. Ta làm thế như chẳng còn cách khác, người Can Chi tượng số với trời.

Cuộc tạm trú nửa chừng long lóc ấy, cơn đau từ vô thủy vô chung ùa lại một lần. Tim óc nhịn biết bao điều vểnh ngược, bánh đúc ngậm ken xỉ vả hờn ghen kèo cột tung hoành. Ta ngồi đó cười gằn cùng tuế nguyệt, nhếch mi nhìn bầy tinh tú vởn vơ trôi. Lòng bất động trước phù du thường biến, tạ ơn em dâu bể cũng ngậm ngùi.

Tử vi tình chốt hạ bị ù khan. Ta đền làng bằng 30 năm trái tim không ngơi nghỉ. Cuộc đen đỏ tráo trở thị phi tình-nghĩa thỏa hiệp cơn hề ngúng nguẩy, lá số riêng chung đốt cùng xiêm áo đẩy đưa ma. Này là quẻ, này là cung, này là hào, này là số; này là tình, này là nghĩa, này là phú, này là bần... mớ bảy mớ ba thượng hạ vàng thau tấm cám, cứ hãy về đây, cứ hãy dồn đây, trái tim ta đủ rộng để chứa chẳng những là em mà đủ chứa cả trăm chiều kích lẫn thần tiên phật thánh bủa vây em. Nhá!



Arts viết ngày 13/01/2011



Từ bữa lòng ta thành nghĩa địa…

Em ngớn bút lùa ngữ ngôn nhão nhẹt lên decktop, òa vào với cơn tan tác heo may mấy kỷ niệm lờn vờn chó sủa với ma trơi, đóa quỳnh hương dội ngược gió đông phong, căn phòng lạnh chỏng gọng đôi phụ tử.

Từ bữa lòng ta thành nghĩa địa, yêu thương từ đó chẳng quay về. Mấy củ khoai nướng bỗng hóa thành lựu đạn, nổ rát lòng nhau từ em buông thả câu lời, ta hùa với con quỷ ngủ trong lòng chợt thức, hích cuộc ố ngôn vô ái ngữ đã đời. Nghẹn chúm chụm chui tọt vào cuống họng, gió và mưa quần quật cõi xơ lòng.

Kiếp tu non ăn vã mất ba phần, phần còn sót em quẳng cho gà cươi thay thóc mót. Nhặt nhạnh trong tư tâm vài lời không nghiêm cẩn, em đổ loang ra vỉa người những nhiếc móc ỉ ôi đau. Ta trở thành kẻ đi nhặt ve-chai lời em trên từng kênh sóng, đem về lên men ủ lạnh trái tim mòn. Cầu phúc đức trá hình thành nụ hôn lơ lẳng, phật thánh thiêng thì ban nốt cho nhau.

Ba vạn sáu nghìn đen đỏ trước sau, nhắm mắt là xong cuộc tử sinh nhọc nhằn bom đạn. Lời em tấu với gió mưa chai sạn, đã dựng bia ngăn vách chợ trời. Ừ, thế thái. Ờ nhân tình / Phất phay phèo phọt hợm mình hợm ta.

Ăn cho lắm vào cho tăng nghiệp chướng, học cho lắm vào để chữ nghĩa nhiếc thêm chua. Thân-tâm-ý đẽo gọt nhân văn thành hình thù viên đạn, bè bạn nhè nhau toang hoác chiến trường. Hề, tam giáo! Hề, nhân bản!

Arts viết ngày 12/01/2011


Ngàn năm sót lại bây giờ

Ta thức dậy với một nỗi bừng tái găm siết tự đáy ruột, từng cụm tế bào rộp vỉa nhảy loạn xạ. Căn phòng trống tênh toang hoác gió, toang hoác lạnh, toang hoác buồn. Kỷ niệm chập chờn như ma trơi, hiện tại bùng nhùng như chó sủa. Bao nỗi bi thống của lòng lại ùa lên choán phủ lấy vòm họng. Những điếu thuốc như từng cây nhang cắm lên miệng, tựa hồ những cây nhang cắm lên nấm mộ xuân thì.

Vồ vập những trang viết của Martin Heidegger, ta nghiến ngấu từng chùm hiện sinh bão giật, đánh lừa mình qua từng sát na nhọc nhằn bom đạn. Yêu đương nở sau ngày tan tác, thịt da đau xơ xác cội cành, và em một cõi xuân xanh, nhập nhoằng dư ảnh bên vành vạnh xiêu. Chỉ muốn cúi gục xuống, lắng nghe từng viền máu nóng vươn qua lồng ngực, hòa tấu cùng tim bản lưu thủy hành vân đưa tiễn những nụ tình. Năm tháng chòng chành tuổi tác, hai màu sợi tóc đang thỏa hiệp đen trắng nhường nhau. Ta chỉ biết ngồi nhìn những sợi khói thoát hình, tan rữa như vô thường hoán kiếp, kéo theo từng âm ba ngày cũ xạc xào như đêm gió bấc mơn lay. Chẳng còn những bàng bạc của biển rộng sông dài, của núi cao vực thẳm. Chỉ còn đây những tường vách bao phủ lấy dung nhan vật vời khất nợ dư tình. Chữ nghĩa thập thò như trò xắc đĩa, ký tự rụng rơi hỗn loạn như rêu. Đâu rồi những Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir. Franz Kafka, Albert Camus, hay Lão, Khổng, Trang, Mao... túm tụm một trời, đi đâu cả rồi?

Ta ngồi đây ghì víu từng thổn thức, chắp ghép từng vụn vữa nơi niềm tin đã bị thánh hóa, thành những chập chờn trong cái đầu nặng trịch những suy tư. Ngàn năm sót lại bây giờ / Chông chênh ngực gió hững hờ nghe tim...

Arts viết ngày 10/01/2011


Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ…

Chiều. Cái màu xám của chiều luôn làm ta nhớ đến những bức tranh thủy mặc, với gam màu xám choán hết các không gian huyễn tượng. Ta ngồi đó, mắt ghim vào con đường tấp nập người và người. Điếu thuốc cháy xẹm cả nỗi niềm. Những giọt buồn chẳng gạt mà cứ rơi mãi xuống lòng. Từng đàn người nối nhau hối hả lao đi, họ về hay đi, đi hay về nhỉ, ta làm sao biết được. Họ trở về nhà sau một ngày làm việc, để rồi sớm dậy lại đi đến một ngày mới lại như mọi ngày. Những điệp khúc của nỗi buồn tương tự nhau xoắn thành một chuỗi vô minh. Ta ngồi đó, hệt một trái núi khiêm cung. Hơi thở cũng khiêm cung, ánh mắt cũng khiêm cung, như đã từng khiêm cung trước trái tim em thánh hiền từ bi vô nhiễm.

Giọng Tuấn Ngọc bỗng trầm quyện với gió bấc lao xao, ta nghe trong chút vàng phai của những chiếc lá vàng có gì như âm ba của ngày xưa cũ... "Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời. Đừng đợi ngày mai có khi tôi thành mây khói. Cát bụi tìm nhau mà biết tìm người. Rộn ràng bao nỗi đau, nghẹn ngào bao nỗi vui. Dịu dàng bao nỗi đau, nghẹn ngào bao nỗi vui...". Ta thắp cho mình một mồi thuốc xì gà, trông thật sang trọng và sáo rỗng. Ta muốn hút xì gà. Ta muốn đủ khói cho buồng phổi bao la được thỏa cơn ứ nghẹn. Rồi từ tốn đưa từng sợi khói huyễn du tan ra với trời. Cái cảm giác ấy, chỉ thật sự sung sướng khi ta ngồi nghe Sơn hát: "Rồi một ngày, tay người đã thả mây bay cho đường dài...".

Chiều. Cái bàng bạc của trời chiếu thẳng xuống vạt lời vô thanh của ta, khiến ta im bặt. Không còn những rộn ràng hay nghẹn ngào nào nữa. Sự thinh nín tuyệt đối. Chỉ có những viền âm thanh phát ra từ các thành mạch máu, chảy qua tim, vờn lên não, rồi co dúm lại dưới chân đáy của từng tế bào. Ta dùng ý để nói chuyện với chúng cho tròn lễ nghĩa, và chúng kể cho ta nghe câu chuyện của nỗi vui niềm đau hối hả giành nhau từ khước khuôn mặt của kẻ đơn tình. "Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ. Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời. Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi. Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người...".

Chiều. Nỗi bi thống thúc lên vòm họng, cơn yêu chếnh choáng thèm nhà. Nhà. Khái niệm này ai đó đã từng nói ta nghe. Rằng chốn ấy tựa nương cho êm ấm phủ đầy, cho xuân mãn càn khôn phúc mãn đường. Hình như có lần ta từng tin như vậy. Nhưng chiều nay, ta ngồi đây, cơn chếnh choáng lại xui ta nghĩ khác. " Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ. Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại. Đừng đợi ngày mai có khi tôi nằm xuôi tay. Trôi dạt về đâu chốn nào tựa nương...". Chốn nào ư? Chốn này ư?

Chiều. Ta giơ tay chấm vào ngực mình, vẽ lên trời vòng bát quái tiên thiên. Quẻ Vị tế tuôn trào một dòng sông trước mặt. Ta ngồi lần từng Hào, vuốt ve những ý nghĩa của Dịch Kinh, vời chư tiên thánh nâng cốc chúc mừng em vểnh hông về nẻo khác...

Trịnh Tuấn Arts viết ngày 08/01/2011

Calligraphy Arts

Hình tượng hoa Sen trong văn hóa Việt Nam



Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Từ bao đời nay, Hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hoá của người Việt. Ngắm hoa sen chúng ta có thể thấy và nhận ra hình ảnh con người Việt Nam
Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong. Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng, nhụy vàng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm bén mảng tới. Qua bao ràng buộc để đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, khai nụ kết hoa, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian.
Sự hình thành của sen diễn ra theo qui luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ - hoa - hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục. Vì vậy, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Bông hoa sen cũng tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ
Từ ý nghĩa tâm linh ấy, bông hoa này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, trở thành hình tượng trong kiến trúc và điêu khắc của người Việt xưa, trong nghệ thuật, trong văn học, ẩm thực…
Cho đến tận hôm nay, khi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên họ gặp là bông sen vàng trên những chuyến bay của Vietnamairline, hình ảnh biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.
Biểu tượng Hoa sen trên Trang tin điện tử Bộ Văn hoá – Thông tin (Cinet) - kênh thông tin tuyên truyền chính thức về văn hoá Việt Nam - cũng chính là để thêm một lần khẳng định: “Hoa sen – Con người Việt, Tâm hồn Việt, Văn hoá Việt”.

1. Hình tượng hoa sen trong văn học nghệ thuật
Khi nói đến Sen, Là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng thuộc câu ca dao:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Khi xưa, Mạc Đĩnh Chi khi đứng trước vua Trần Anh Tông đã thể hiện rõ phẩm chất của mình qua bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc): Vì hoa sen vốn có tiết tháo thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; vả lại sen này lại trồng trong giếng ngọc nữa thì sen càng cao quý biết bao. Ông như sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao, huống chi ở phải vào một thời tốt đẹp, vua minh chánh thì người ông càng cao quý biết mấy. Sen quý nhưng phải có người sành mới biết thưởng thức…”
Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta:


"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"
...

2. Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống của người Việt

Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng. Sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ bố cục khác nhau, xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Đinh - Tiền Lê
Trên một số viên gạch lát nền cỡ lớn tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê, ngoài đề tài trang trí chim phượng còn có đề tài hoa sen. Đồ án về các hoa sen ở đây gồm 4 loại.
Loại hoa sen có 16 cánh thường được thể hiện nổi trên các viên gạch vuông cỡ lớn. Nhìn chính diện (từ trên xuống), họa tiết được bố cục chung dưới dạng một mặt tròn nằm giữa viên gạch, gồm 3 lớp. Lớp ngoài cùng là 16 cánh sen xếp đều nhau kết thành một vành tròn đều đặn. Lớp giữa gồm những vân xoắn đơn được xếp cùng chiều, nối lưng nhau thành một vành tròn thứ hai, có lẽ thể hiện nhụy hoa. Lớp trong cùng là một hình tròn điểm 13 chấm nổi, thể hiện hình gương sen với các hạt. Mười ba hạt sen được sắp xếp thành các cạnh từ trung tâm chạy ra 8 phía, cân đối, đều đặn. Các cánh sen không chạm thêm chi tiết gì ngoài một đường gờ nhỏ viền theo chu vi của cánh. Loại đồ án hoa sen 16 cánh này còn gặp nhiều ở thời kỳ sau, ở các tảng đá kê chân cột cho nên phần giữa và phần nhị hoa không chạm khắc gì và nó có nhiều nét tương đồng với các đồ án trang trí ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Loại hoa sen 14 cánh được trang trí trên một đài sen bằng đất nung, cao xấp xỉ 10,5cm. Đài sen hình tròn, trang trí một hình hoa 14 cánh ở giữa và bao quanh sen là đồ án hoa cúc dây và một băng các chấm tròn. Trong trường hợp này, sen cũng bố cục theo lối nhìn chính diện từ trên xuống, được chia thành 3 lớp như kiểu hoa sen 16 cánh. Lớp thứ hai làm nhụy hoa ở đây rất hẹp, các nhụy được thể hiện như những đường gạch chéo nhỏ. Lớp trong cùng (gương sen) đã có số ụ tròn (thể hiện hạt sen) nhiều tới 21 hạt, gồm một hạt tương đối to ở giữa và 20 hạt nhỏ bao quanh thành 2 vòng (vòng trong 8 và ở vòng ngoài là 12). Đồ án này khắc họa khá tỉ mỉ. Các hạt sen ở giữa đều được thể hiện kép bằng 2 vòng tròn đồng tâm còn trong lòng các cánh sen không những có gờ viền quanh mà còn điểm cả vân lá. Phía ngoài hoa sen là một băng hoa dây mảnh kiểu dây leo tay mướp (có nhiều vào các thời sau). Ngoài cùng là những hình chấm tròn to, mỗi chấm được bao quanh bằng hai đường tròn đồng tâm như kiểu các hạt sen ở giữa.
Loại hoa sen 8 cánh cũng được thể hiện theo lối nhìn chính diện từ trên xuống. Ngoài 8 cánh chính, có 8 cánh phụ ken giữa từng cặp cánh chính. Họa tiết này được trang trí trên mặt hai loại gạch, một có dạng vuông, cỡ 34 x 34cm và một có dạng hình chữ nhật, cỡ 74cm x 34cm. Loại gạch vuông hoa sen bố cục ở giữa, còn loại chữ nhật thì người ta phân đôi viên gạch, hai hoa sen trang trí hai phía. Hoa sen cánh to và ngắn, trong lòng cánh có đường viền. Phần hình tròn thể hiện gương sen ở giữa, với 9 chấm tròn thể hiện hình ảnh của các hạt sen được bố cục với một hạt to ở giữa và 8 hạt nhỏ hơn phân đều ra các phía thành một vòng tròn. Đáng chú ý là giữa cánh sen và gương sen không có lớp nhụy sen như hai đồ án trên mà chỉ là một băng để trơn.
Loại hoa sen số cánh không cố định khá đa dạng, được trang trí ở đầu các ngói ống giọt gianh. Có loại cánh sen thon dài, mũ sen vát; có loại nhỏ, ngắn; có loại to mập; có loại dài có đường gờ xen giữa hai cánh. Số lượng cánh cũng không cố định, có loại 7 cánh , có loại 8, 9 cánh, tất cả đều cách điệu đơn giản, chỉ có cánh sen và đài gương. Có khi đài gương cũng không có hạt sen.
4 loại đồ án hoa sen trên là những đồ án khá đẹp, chứng tỏ tuy các thời Đinh - Tiền Lê ngắn ngủi nhưng cũng đã sáng tạo ra những sản phẩm có dấu ấn đặc trưng trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Lý
Đây là thời kỳ mà Phật giáo phát triển mạnh, được coi như quốc giáo và trang trí hoa sen được ứng dụng rất nhiều với các đài hoa sen, các bệ tượng Phật bằng hoa sen, các kiến trúc hình hoa sen. Những tảng đá kê chân cột cho đến diềm cửa tháp, diềm bệ tượng và cả đồ gốm... hễ đâu có điều kiện thích hợp là nghệ nhân dùng ngay hoa sen để trang trí. Đặc biệt các công trình liên quan đến Phật giáo thì đề tài hoa sen càng được sử dụng nhiều.
Loại đồ án hình hoa sen đỡ chân cột: Do yêu cầu chống mối mọt và ẩm thấp nên các chân cột đều được kê đá. Tận dụng điều đó, các nghệ nhân đã trang trí các cánh sen viền quanh, tạo cảm giác như toàn bộ ngôi chùa được dựng trên các đóa hoa sen. Hoa sen chân cột có phần giống với hoa sen trên các viên gạch ở thời Đinh - Lê, được bố cục các cánh thành một vòng tròn theo kiểu nhìn chính diện từ trên xuống. Hoa bao gồm 16 cánh chính và 16 cánh phụ. Điều khác nhau là các đồ án này của thời Lý không thể hiện phần nhị sen và gương sen, có lẽ vì cột che khuất. Đáng chú ý là lòng của các cánh sen thời Lý ở các di tích liên quan tới vua, thường được chạm thêm đôi rồng dâng chầu lá đề. Nét chạm tỉ mỉ tinh tế, tôn thêm vẻ cao quý của cánh sen. Loại đồ án này còn thấy trên một số đồ gốm men ngọc thời này.
Loại đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng, là hình các đài sen trong tư thế nhìn nghiêng, như đài sen làm bệ đỡ cho các chân chim phượng, trong các đồ án phượng múa ở các thành bậc (ở chùa bà Tấm, Hà Nội), hoa sen làm bệ đỡ cho các vật thiêng bố cục trong hình lá đề, hoặc trong các đồ án dàn nhạc, thiên thần, về rồng chầu (ở chùa Phật Tích)... Trong đó các đài sen thường đỡ các lá đề.
Loại đồ án hoa văn hoa sen kết hợp hoa dây và hoa thiêng khác thành băng dọc ở diềm cửa tháp hay ở bệ tượng, nay còn thấy ở di tích chùa Long Đọi, tháp Chương Sơn. Nghệ nhân bố cục thay đổi một hoa sen lại đến một hoa cúc, được thể hiện trong những vòng tròn của hoa dây. Cả vòng tròn này lại gần như tiếp tuyến nhau và chỗ gặp nhau là hình các thiên thần nhỏ bé đang trong động tác múa. Những hoa dây ở đây mang tính chất ước lệ, trên thực tế lá sen, lá cúc đã cách điệu khác hẳn thực tế. Bố cục của đồ án hoa sen trong các trường hợp này thường theo kiểu nhìn nghiêng hơi chếch để thấy cả gương sen với hạt sen. Các cánh sen cũng chia làm hai lớp như loại đồ án đài sen đỡ vật thiêng, nhưng lớp dưới của nó vừa làm đài đỡ vừa biến thành một vòng tròn ôm trọn lấy cả phần trên của gương sen. Tuy cách điệu khá cao nhưng đồ án hoa văn sen này được xếp vào loại có bố cục chuẩn nhất, cân đối và đơn giản trong đường nét mà vẫn mô tả được cái dáng vẻ riêng của hoa sen.
Loại đồ án hoa sen trên gốm men ngọc được trang trí trong lòng một chiếc bát men ngọc (hiện vật trưng bày của Bảo tàng lịch sử Hà Nội). Bát vào loại nhỏ, có màu men ngà hơi chuyển sang màu vàng nâu sẫm. Nghệ nhân gốm khắc chìm hình hoa văn lên đất, sau đó tráng men và đem nung. Đó cũng là kỹ thuật phổ biến của các đồ gốm men ngọc thời Lý. Các hoa sen được thể hiện theo lối nhìn nghiêng, trang trí ở trong lòng bát. Cuống hoa quay vào tâm bát, cứ một bông hoa sen lại một bông hoa cúc, chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Tổng cộng có 3 hoa sen và 3 hoa cúc. Hoa sen gồm nhiều cánh, nở rộng ra 2 phía với bố cục tuân thủ sự cân xứng trong toàn bộ đồ án trang trí.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Trần
Sang thời Trần, đề tài hoa sen vẫn được kế tục khai thác như trong tạo hình thời Lý. Đáng chú ý, trên một số gốm hoa nâu thời này xuất hiện các đồ án hoa sen với phong cách hiện thực sinh động. Một điều duy nhất để phân biệt là: các hoa văn trong lòng cánh sen thời Lý đôi khi có hình rồng, hoặc hoa dây, mà thời Trần hoàn toàn không có. Cánh sen thời Trần thường chỉ chạm thêm một đường gờ chìm viền theo mép cánh và ở trung tâm mỗi cánh đôi khi được điểm các hạt tròn trong một bố cục cân xứng khá chặt chẽ.



Đài Sen thế kỷ 11-12
Đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng thời Trần khá phong phú như đồ án đỡ chân chim phượng trên trán bia chùa Tổng (Hưng Yên), đỡ các hình lá đề trong đồ án ở chùa Thái Lạc, chùa Dâu (Bắc Ninh), ở các chân cột, cốn, nhất là ở cửa chùa Thái Lạc, đài sen đỡ phía dưới các tượng phỗng, một đề tài chuẩn của thời kỳ này. Trên các bệ tượng Phật của thời Trần đều chạm thành những đài sen lớn. Cánh sen có 2 hoặc ba lớp, xen kẽ nhau, thể hiện thành những khối nổi, không còn chỉ là hoa văn nữa. Tuy nhiên cũng có những bệ lớp phía dưới cùng lại chỉ chạm nông thành một viền hoa văn trang trí, các cánh sen được chạm nối tiếp nhau vòng quanh bệ, hình thức thường to khoẻ, chen khít dăng thành hàng dài nhiều khi thì bố cục nghiêng mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là cánh sen vẹo. Trong lòng các cánh sen thường chạm thêm những hình hoa kết hợp bởi các ô tròn.
Đồ án hoa sen cách điệu thành hoa dây được sử dụng khá nhiều trên kiến trúc của chùa Thái Lạc. Và có lẽ đây cũng là ngôi chùa duy nhất có đồ án trang trí này. Hoa sen chạy dài phía dưới đôi rồng đang trịnh trọng dâng chầu lá đề, hay uốn lượn phía trên các “tầng mây”, nơi có hình các tiên nữ đầu người mình chim đang vừa múa vừa dâng hoa.
Hoa văn hoa sen trên gốm hoa nâu: Gốm hoa nâu được ra đời vào cuối thời Lý và phát triển mạnh ở thời Trần, gồm nhiều loại, kiểu dáng khác nhau. Có loại to như chậu, ang, thạp. Có loại nhỏ như bát, đĩa, liễn,... Hiện vật ngày nay còn lại ở một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật hoặc các bảo tàng địa phương ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tây.v.v... Một số khác nằm ở các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Trên các đồ gốm này thường được chia thành ô hoặc thành băng để trang trí bằng cách dùng bút vẽ lên xương đất, sau đó tráng men và kẻ vạch rồi mới đem nung. Đề tài trang trí gồm nhiều loại mà trong đó hoa sen chiếm số lượng lớn. Hoa văn hoa sen có loại đơn giản, chỉ vẽ vạch mấy nét mà thành, như trường hợp một chiếc âu trong sưu tập của Bảo tàng quốc gia Bỉ, phần lớn chúng được vẽ theo lối nhìn nghiêng... Từ một cuống hoa ở dưới vươn lên rồi tiếp đến các cánh hoa đổ ra hai phía bọc quanh một đài gương ở giữa. Hai cánh trên cùng đang ôm lấy gương sen, hai cánh tiếp nở vươn rộng ra hai bên và hai cánh dưới cùng đổ xuống phía dưới. Đơn giản như vậy nhưng vì các cánh sen này không bị gò bó trong một khuôn mẫu đăng đối nào nên trông rất sinh động. Nét bút của nghệ nhân ở đây tung hoành thoải mái. Khi thì nhấn mạnh tạo một mảng đậm cho một cánh sen, lúc lại nâng cao lướt nhẹ mô tả một chi tiết của cuống hoa hay của búp sen. Mỗi ô một hoa, mỗi hoa một kiểu dáng, thường đứng riêng lẻ một mình hoặc kết hợp với một vài cây cỏ và búp sen. Đặc biệt có đồ án trên một chiếc tháp gốm của Bảo tàng Hải Dương, nghệ nhân còn vẽ thêm nhiều búp sen và lá sen nhiều kiểu dáng, có lá bố cục theo lối nhìn chính diện từ trên xuống thành cả mảng tròn to, thấy rõ cả chi tiết các gân lá. Ở một liễn men nâu ở Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, hoa sen lại bố cục thành hoa dây uốn lượn cong tròn đều. Cứ mỗi ô trống là một hoa sen, bố cục theo lối nhìn nghiêng, cánh hoa đổ ra hai phía như ở các đồ gốm hoa nâu khác. Dây hoa này có nhiều lá, có lá như một cánh sen, có lá lại giống lá của hoa cúc trông rất sinh động.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Lê sơ
Vào thời Lê sơ, đạo Phật bị hạn chế, các chùa tháp không phát triển, nhưng hoa sen vẫn là loại đề tài được chú ý nhiều. Hoa sen không những được trang trí trên các bệ tượng Phật, trên các chân tảng cột chùa mà còn ở các thành bậc cung điện của triều đình và trên cả các bia tiến sĩ ở Văn Miếu.
Đồ án hoa sen ở mặt ngoài thành bậc các cung điện như ở bậc điện Kính Thiên (Hà Nội), điện Lam Kinh (Thanh Hóa), Văn Miếu (Hà Nội). Mặc dù dưới hình thức cuộn vòng của hoa dây, nhưng trung tâm vẫn là bông hoa sen. Hoa sen thể hiện theo kiểu nhìn nghiêng, thấy rõ cả từng lớp của hoa. Trong cùng là một búp hoa còn xếp kín chưa nở. Tiếp đó là các lớp cánh sen toả đều ra hai bên như bố cục hình nan quạt. Vì được cách điệu cao nên ở đây khó nhận ra các cánh sen quen thuộc.
Ở thành bậc điện Lam Kinh đồ án hoa sen cũng giống như ở thành bậc điện Kính Thiên. Đáng chú ý là có một số đồ án ở giữa không phải là chùm cánh, mà lại là cả một đài sen tạo thành một mảng to như hình lá sen, còn ở giữa là các hình xoắn cách điệu. Trên thành bậc cửa Văn Miếu (Hà Nội), các cánh sen vẫn thể hiện theo lối vân xoắn, gương sen ở giữa vẫn chạm lối nhìn nghiêng. Rõ ràng cả hoa sen của 3 thành bậc đều có chung một phong cánh thể hiện. Đó là lối vân xoắn cách điệu cao, đường nét chạm rành mạch sắc nét.
Đồ án hoa sen ở diềm bia: Một số bia thời Lê sơ như các bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội - 1484), bia chùa Cao (Hà Tây - 1505)... đều có trang trí hình hoa sen xen lẫn các hoa khác. Bố cục hoa sen theo kiểu nhìn nghiêng, còn các cánh hoa thì phần lớn đang chụm lại che kín đài gương, ở trên là 3 lớp cánh đang xếp sát nhau, phía dưới cũng có 3 cánh nhỏ đã nở rộng. Đó là trường hợp hoa sen diềm bia chùa Cao. Còn ở diềm bia Văn Miếu bố cục cũng như vậy nhưng có phần đơn giản hơn. Ở giữa là hai cánh sen ôm lấy đài gương, phía ngoài có 5 cánh nở đều ra các phía, giống hoa sen bệ chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh - thế kỷ XVII)


Bộ Tam Thế chùa Khám Lạng
Hoa sen trên bệ tượng Phật: Các bệ tượng Phật thời Lê sơ, như bệ các chùa Khám Lạng (Bắc Giang - 1432), chùa Cao (Hà Tây-1505)... đều có trang trí cánh sen . Kiểu cách và chi tiết của các hoa văn này gần giống với các cánh sen trên các bệ thời Trần. Đặc biệt ở chùa Khám Lạng, ngoài các cánh sen to, còn có lớp cánh sen được chạm theo kiểu xếp gối lên nhau chỉ thấy nửa hình, cứ thế mà thành băng dài. Lối bố cục gối lên nhau này cũng đã thấy có ở thời Trần. Ở chùa Cung Kiệm, dưới chân bệ đá của tượng Phật niên đại 1449, còn thể hiện một đóa hoa sen nổi trên sóng nước, chạm theo lối nhìn hơi chếch nghiêng, các cánh sen nở vây quanh một búp sen ở giữa, lá phía ngoài hình sóng, bố cục đơn giải, ít chi tiết.


Hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Việt là một đề tài rất phong phú, được thể hiện ở rất nhiều các hình thức trang trí mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống, mà còn mang giá trị tinh thần vô giá với người Việt. Chính vì vậy hình tượng hoa sen không chỉ là cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân xưa, mà ngày nay các họa sĩ hiện đại vẫn có nhiều tác phẩm thành công với đề tài hoa sen, qua nhiều cách nhìn và ngôn ngữ tạo hình khác nhau, nhưng đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.
3. Hoa sen trong văn hoá ẩm thực Việt Nam:
Từ ảnh hưởng của hoa sen trong đời sống tinh thần mà người dân Việt Nam đã đưa sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực.
Các bộ phận trên bông hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm một hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen. Sen hồ Tịnh Tâm của Cố đô Huế ngày xưa được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hoà, hương còn rất đượm. Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà, trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.
Chè sen Huế với hạt sen tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, xoi tim rồi đem chưng cách thủy, chưng với đường phèn thì hương mới thơm. Chè sen được múc trong bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như “mắt trâu”, chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng nở lươm tươm. Trong các dịp lễ tết hay kỵ giỗ, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu trong lễ phẩm. Cúng xong, chỉ một bát thôi là đã thưởng thức đủ cái “quốc hồn quốc túy” của xứ Huế rồi!
Ngoài ra, người Huế còn dùng sen để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong các món ăn truyền thống Huế. Cách nấu cơm sen cũng hết sức cầu kỳ, chỉ có những người phụ nữ Huế thực thụ tính tình điềm đạm có bản sắc “tôn nữ” mới nấu được cơm sen. Trong những món ăn “bát bửu”, cơm sen xuất hiện với một phong cách rất Huế. Những ai muốn thưởng thức món cơm sen Huế hãy đến cố đô vào mùa sen nở. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn thượng vị từ sen Huế mang nhiều hương sắc và hương vị đậm đà.
Còn một nét đặc biệt nữa là người miền Bắc thường dùng dùng lá sen để gói cốm. Hương đồng, cỏ nội quấn quyện với hương đồng cỏ nội. Những hạt cốm xanh màu ngọc thạch trở nên dẻo và thơm lâu hơn khi nằm trong lòng chiếc lá sen tươi. Hương thơm dìu dịu của lá sen hoà quyện với hương cốm. Thật là một sự kết hợp hài hòa tuyệt vời mà bất cứ ai đã thưởng thức còn nhớ mãi.


CINET
(Tổng hợp theo: www.vanhoanghethuat.org.vn; danangpt.vnn.vn)

Hình tượng hoa sen trong văn hóa Việt Nam


Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Từ bao đời nay, Hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hoá của người Việt. Ngắm hoa sen chúng ta có thể thấy và nhận ra hình ảnh con người Việt Nam
Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong. Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng, nhụy vàng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm bén mảng tới. Qua bao ràng buộc để đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, khai nụ kết hoa, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian.
Sự hình thành của sen diễn ra theo qui luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ - hoa - hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục. Vì vậy, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Bông hoa sen cũng tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ
Từ ý nghĩa tâm linh ấy, bông hoa này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, trở thành hình tượng trong kiến trúc và điêu khắc của người Việt xưa, trong nghệ thuật, trong văn học, ẩm thực…
Cho đến tận hôm nay, khi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên họ gặp là bông sen vàng trên những chuyến bay của Vietnamairline, hình ảnh biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.
Biểu tượng Hoa sen trên Trang tin điện tử Bộ Văn hoá – Thông tin (Cinet) - kênh thông tin tuyên truyền chính thức về văn hoá Việt Nam - cũng chính là để thêm một lần khẳng định: “Hoa sen – Con người Việt, Tâm hồn Việt, Văn hoá Việt”.

1. Hình tượng hoa sen trong văn học nghệ thuật
Khi nói đến Sen, Là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng thuộc câu ca dao:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Khi xưa, Mạc Đĩnh Chi khi đứng trước vua Trần Anh Tông đã thể hiện rõ phẩm chất của mình qua bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc): Vì hoa sen vốn có tiết tháo thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; vả lại sen này lại trồng trong giếng ngọc nữa thì sen càng cao quý biết bao. Ông như sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao, huống chi ở phải vào một thời tốt đẹp, vua minh chánh thì người ông càng cao quý biết mấy. Sen quý nhưng phải có người sành mới biết thưởng thức…”
Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta:


"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"
...
2. Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống của người Việt

Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng. Sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ bố cục khác nhau, xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Đinh - Tiền Lê
Trên một số viên gạch lát nền cỡ lớn tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê, ngoài đề tài trang trí chim phượng còn có đề tài hoa sen. Đồ án về các hoa sen ở đây gồm 4 loại.
Loại hoa sen có 16 cánh thường được thể hiện nổi trên các viên gạch vuông cỡ lớn. Nhìn chính diện (từ trên xuống), họa tiết được bố cục chung dưới dạng một mặt tròn nằm giữa viên gạch, gồm 3 lớp. Lớp ngoài cùng là 16 cánh sen xếp đều nhau kết thành một vành tròn đều đặn. Lớp giữa gồm những vân xoắn đơn được xếp cùng chiều, nối lưng nhau thành một vành tròn thứ hai, có lẽ thể hiện nhụy hoa. Lớp trong cùng là một hình tròn điểm 13 chấm nổi, thể hiện hình gương sen với các hạt. Mười ba hạt sen được sắp xếp thành các cạnh từ trung tâm chạy ra 8 phía, cân đối, đều đặn. Các cánh sen không chạm thêm chi tiết gì ngoài một đường gờ nhỏ viền theo chu vi của cánh. Loại đồ án hoa sen 16 cánh này còn gặp nhiều ở thời kỳ sau, ở các tảng đá kê chân cột cho nên phần giữa và phần nhị hoa không chạm khắc gì và nó có nhiều nét tương đồng với các đồ án trang trí ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Loại hoa sen 14 cánh được trang trí trên một đài sen bằng đất nung, cao xấp xỉ 10,5cm. Đài sen hình tròn, trang trí một hình hoa 14 cánh ở giữa và bao quanh sen là đồ án hoa cúc dây và một băng các chấm tròn. Trong trường hợp này, sen cũng bố cục theo lối nhìn chính diện từ trên xuống, được chia thành 3 lớp như kiểu hoa sen 16 cánh. Lớp thứ hai làm nhụy hoa ở đây rất hẹp, các nhụy được thể hiện như những đường gạch chéo nhỏ. Lớp trong cùng (gương sen) đã có số ụ tròn (thể hiện hạt sen) nhiều tới 21 hạt, gồm một hạt tương đối to ở giữa và 20 hạt nhỏ bao quanh thành 2 vòng (vòng trong 8 và ở vòng ngoài là 12). Đồ án này khắc họa khá tỉ mỉ. Các hạt sen ở giữa đều được thể hiện kép bằng 2 vòng tròn đồng tâm còn trong lòng các cánh sen không những có gờ viền quanh mà còn điểm cả vân lá. Phía ngoài hoa sen là một băng hoa dây mảnh kiểu dây leo tay mướp (có nhiều vào các thời sau). Ngoài cùng là những hình chấm tròn to, mỗi chấm được bao quanh bằng hai đường tròn đồng tâm như kiểu các hạt sen ở giữa.
Loại hoa sen 8 cánh cũng được thể hiện theo lối nhìn chính diện từ trên xuống. Ngoài 8 cánh chính, có 8 cánh phụ ken giữa từng cặp cánh chính. Họa tiết này được trang trí trên mặt hai loại gạch, một có dạng vuông, cỡ 34 x 34cm và một có dạng hình chữ nhật, cỡ 74cm x 34cm. Loại gạch vuông hoa sen bố cục ở giữa, còn loại chữ nhật thì người ta phân đôi viên gạch, hai hoa sen trang trí hai phía. Hoa sen cánh to và ngắn, trong lòng cánh có đường viền. Phần hình tròn thể hiện gương sen ở giữa, với 9 chấm tròn thể hiện hình ảnh của các hạt sen được bố cục với một hạt to ở giữa và 8 hạt nhỏ hơn phân đều ra các phía thành một vòng tròn. Đáng chú ý là giữa cánh sen và gương sen không có lớp nhụy sen như hai đồ án trên mà chỉ là một băng để trơn.
Loại hoa sen số cánh không cố định khá đa dạng, được trang trí ở đầu các ngói ống giọt gianh. Có loại cánh sen thon dài, mũ sen vát; có loại nhỏ, ngắn; có loại to mập; có loại dài có đường gờ xen giữa hai cánh. Số lượng cánh cũng không cố định, có loại 7 cánh , có loại 8, 9 cánh, tất cả đều cách điệu đơn giản, chỉ có cánh sen và đài gương. Có khi đài gương cũng không có hạt sen.
4 loại đồ án hoa sen trên là những đồ án khá đẹp, chứng tỏ tuy các thời Đinh - Tiền Lê ngắn ngủi nhưng cũng đã sáng tạo ra những sản phẩm có dấu ấn đặc trưng trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Lý
Đây là thời kỳ mà Phật giáo phát triển mạnh, được coi như quốc giáo và trang trí hoa sen được ứng dụng rất nhiều với các đài hoa sen, các bệ tượng Phật bằng hoa sen, các kiến trúc hình hoa sen. Những tảng đá kê chân cột cho đến diềm cửa tháp, diềm bệ tượng và cả đồ gốm... hễ đâu có điều kiện thích hợp là nghệ nhân dùng ngay hoa sen để trang trí. Đặc biệt các công trình liên quan đến Phật giáo thì đề tài hoa sen càng được sử dụng nhiều.
Loại đồ án hình hoa sen đỡ chân cột: Do yêu cầu chống mối mọt và ẩm thấp nên các chân cột đều được kê đá. Tận dụng điều đó, các nghệ nhân đã trang trí các cánh sen viền quanh, tạo cảm giác như toàn bộ ngôi chùa được dựng trên các đóa hoa sen. Hoa sen chân cột có phần giống với hoa sen trên các viên gạch ở thời Đinh - Lê, được bố cục các cánh thành một vòng tròn theo kiểu nhìn chính diện từ trên xuống. Hoa bao gồm 16 cánh chính và 16 cánh phụ. Điều khác nhau là các đồ án này của thời Lý không thể hiện phần nhị sen và gương sen, có lẽ vì cột che khuất. Đáng chú ý là lòng của các cánh sen thời Lý ở các di tích liên quan tới vua, thường được chạm thêm đôi rồng dâng chầu lá đề. Nét chạm tỉ mỉ tinh tế, tôn thêm vẻ cao quý của cánh sen. Loại đồ án này còn thấy trên một số đồ gốm men ngọc thời này.
Loại đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng, là hình các đài sen trong tư thế nhìn nghiêng, như đài sen làm bệ đỡ cho các chân chim phượng, trong các đồ án phượng múa ở các thành bậc (ở chùa bà Tấm, Hà Nội), hoa sen làm bệ đỡ cho các vật thiêng bố cục trong hình lá đề, hoặc trong các đồ án dàn nhạc, thiên thần, về rồng chầu (ở chùa Phật Tích)... Trong đó các đài sen thường đỡ các lá đề.
Loại đồ án hoa văn hoa sen kết hợp hoa dây và hoa thiêng khác thành băng dọc ở diềm cửa tháp hay ở bệ tượng, nay còn thấy ở di tích chùa Long Đọi, tháp Chương Sơn. Nghệ nhân bố cục thay đổi một hoa sen lại đến một hoa cúc, được thể hiện trong những vòng tròn của hoa dây. Cả vòng tròn này lại gần như tiếp tuyến nhau và chỗ gặp nhau là hình các thiên thần nhỏ bé đang trong động tác múa. Những hoa dây ở đây mang tính chất ước lệ, trên thực tế lá sen, lá cúc đã cách điệu khác hẳn thực tế. Bố cục của đồ án hoa sen trong các trường hợp này thường theo kiểu nhìn nghiêng hơi chếch để thấy cả gương sen với hạt sen. Các cánh sen cũng chia làm hai lớp như loại đồ án đài sen đỡ vật thiêng, nhưng lớp dưới của nó vừa làm đài đỡ vừa biến thành một vòng tròn ôm trọn lấy cả phần trên của gương sen. Tuy cách điệu khá cao nhưng đồ án hoa văn sen này được xếp vào loại có bố cục chuẩn nhất, cân đối và đơn giản trong đường nét mà vẫn mô tả được cái dáng vẻ riêng của hoa sen.
Loại đồ án hoa sen trên gốm men ngọc được trang trí trong lòng một chiếc bát men ngọc (hiện vật trưng bày của Bảo tàng lịch sử Hà Nội). Bát vào loại nhỏ, có màu men ngà hơi chuyển sang màu vàng nâu sẫm. Nghệ nhân gốm khắc chìm hình hoa văn lên đất, sau đó tráng men và đem nung. Đó cũng là kỹ thuật phổ biến của các đồ gốm men ngọc thời Lý. Các hoa sen được thể hiện theo lối nhìn nghiêng, trang trí ở trong lòng bát. Cuống hoa quay vào tâm bát, cứ một bông hoa sen lại một bông hoa cúc, chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Tổng cộng có 3 hoa sen và 3 hoa cúc. Hoa sen gồm nhiều cánh, nở rộng ra 2 phía với bố cục tuân thủ sự cân xứng trong toàn bộ đồ án trang trí.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Trần
Sang thời Trần, đề tài hoa sen vẫn được kế tục khai thác như trong tạo hình thời Lý. Đáng chú ý, trên một số gốm hoa nâu thời này xuất hiện các đồ án hoa sen với phong cách hiện thực sinh động. Một điều duy nhất để phân biệt là: các hoa văn trong lòng cánh sen thời Lý đôi khi có hình rồng, hoặc hoa dây, mà thời Trần hoàn toàn không có. Cánh sen thời Trần thường chỉ chạm thêm một đường gờ chìm viền theo mép cánh và ở trung tâm mỗi cánh đôi khi được điểm các hạt tròn trong một bố cục cân xứng khá chặt chẽ.



Đài Sen thế kỷ 11-12
Đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng thời Trần khá phong phú như đồ án đỡ chân chim phượng trên trán bia chùa Tổng (Hưng Yên), đỡ các hình lá đề trong đồ án ở chùa Thái Lạc, chùa Dâu (Bắc Ninh), ở các chân cột, cốn, nhất là ở cửa chùa Thái Lạc, đài sen đỡ phía dưới các tượng phỗng, một đề tài chuẩn của thời kỳ này. Trên các bệ tượng Phật của thời Trần đều chạm thành những đài sen lớn. Cánh sen có 2 hoặc ba lớp, xen kẽ nhau, thể hiện thành những khối nổi, không còn chỉ là hoa văn nữa. Tuy nhiên cũng có những bệ lớp phía dưới cùng lại chỉ chạm nông thành một viền hoa văn trang trí, các cánh sen được chạm nối tiếp nhau vòng quanh bệ, hình thức thường to khoẻ, chen khít dăng thành hàng dài nhiều khi thì bố cục nghiêng mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là cánh sen vẹo. Trong lòng các cánh sen thường chạm thêm những hình hoa kết hợp bởi các ô tròn.
Đồ án hoa sen cách điệu thành hoa dây được sử dụng khá nhiều trên kiến trúc của chùa Thái Lạc. Và có lẽ đây cũng là ngôi chùa duy nhất có đồ án trang trí này. Hoa sen chạy dài phía dưới đôi rồng đang trịnh trọng dâng chầu lá đề, hay uốn lượn phía trên các “tầng mây”, nơi có hình các tiên nữ đầu người mình chim đang vừa múa vừa dâng hoa.
Hoa văn hoa sen trên gốm hoa nâu: Gốm hoa nâu được ra đời vào cuối thời Lý và phát triển mạnh ở thời Trần, gồm nhiều loại, kiểu dáng khác nhau. Có loại to như chậu, ang, thạp. Có loại nhỏ như bát, đĩa, liễn,... Hiện vật ngày nay còn lại ở một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật hoặc các bảo tàng địa phương ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tây.v.v... Một số khác nằm ở các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Trên các đồ gốm này thường được chia thành ô hoặc thành băng để trang trí bằng cách dùng bút vẽ lên xương đất, sau đó tráng men và kẻ vạch rồi mới đem nung. Đề tài trang trí gồm nhiều loại mà trong đó hoa sen chiếm số lượng lớn. Hoa văn hoa sen có loại đơn giản, chỉ vẽ vạch mấy nét mà thành, như trường hợp một chiếc âu trong sưu tập của Bảo tàng quốc gia Bỉ, phần lớn chúng được vẽ theo lối nhìn nghiêng... Từ một cuống hoa ở dưới vươn lên rồi tiếp đến các cánh hoa đổ ra hai phía bọc quanh một đài gương ở giữa. Hai cánh trên cùng đang ôm lấy gương sen, hai cánh tiếp nở vươn rộng ra hai bên và hai cánh dưới cùng đổ xuống phía dưới. Đơn giản như vậy nhưng vì các cánh sen này không bị gò bó trong một khuôn mẫu đăng đối nào nên trông rất sinh động. Nét bút của nghệ nhân ở đây tung hoành thoải mái. Khi thì nhấn mạnh tạo một mảng đậm cho một cánh sen, lúc lại nâng cao lướt nhẹ mô tả một chi tiết của cuống hoa hay của búp sen. Mỗi ô một hoa, mỗi hoa một kiểu dáng, thường đứng riêng lẻ một mình hoặc kết hợp với một vài cây cỏ và búp sen. Đặc biệt có đồ án trên một chiếc tháp gốm của Bảo tàng Hải Dương, nghệ nhân còn vẽ thêm nhiều búp sen và lá sen nhiều kiểu dáng, có lá bố cục theo lối nhìn chính diện từ trên xuống thành cả mảng tròn to, thấy rõ cả chi tiết các gân lá. Ở một liễn men nâu ở Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, hoa sen lại bố cục thành hoa dây uốn lượn cong tròn đều. Cứ mỗi ô trống là một hoa sen, bố cục theo lối nhìn nghiêng, cánh hoa đổ ra hai phía như ở các đồ gốm hoa nâu khác. Dây hoa này có nhiều lá, có lá như một cánh sen, có lá lại giống lá của hoa cúc trông rất sinh động.
Hoa sen trong mỹ thuật thời Lê sơ
Vào thời Lê sơ, đạo Phật bị hạn chế, các chùa tháp không phát triển, nhưng hoa sen vẫn là loại đề tài được chú ý nhiều. Hoa sen không những được trang trí trên các bệ tượng Phật, trên các chân tảng cột chùa mà còn ở các thành bậc cung điện của triều đình và trên cả các bia tiến sĩ ở Văn Miếu.
Đồ án hoa sen ở mặt ngoài thành bậc các cung điện như ở bậc điện Kính Thiên (Hà Nội), điện Lam Kinh (Thanh Hóa), Văn Miếu (Hà Nội). Mặc dù dưới hình thức cuộn vòng của hoa dây, nhưng trung tâm vẫn là bông hoa sen. Hoa sen thể hiện theo kiểu nhìn nghiêng, thấy rõ cả từng lớp của hoa. Trong cùng là một búp hoa còn xếp kín chưa nở. Tiếp đó là các lớp cánh sen toả đều ra hai bên như bố cục hình nan quạt. Vì được cách điệu cao nên ở đây khó nhận ra các cánh sen quen thuộc.
Ở thành bậc điện Lam Kinh đồ án hoa sen cũng giống như ở thành bậc điện Kính Thiên. Đáng chú ý là có một số đồ án ở giữa không phải là chùm cánh, mà lại là cả một đài sen tạo thành một mảng to như hình lá sen, còn ở giữa là các hình xoắn cách điệu. Trên thành bậc cửa Văn Miếu (Hà Nội), các cánh sen vẫn thể hiện theo lối vân xoắn, gương sen ở giữa vẫn chạm lối nhìn nghiêng. Rõ ràng cả hoa sen của 3 thành bậc đều có chung một phong cánh thể hiện. Đó là lối vân xoắn cách điệu cao, đường nét chạm rành mạch sắc nét.
Đồ án hoa sen ở diềm bia: Một số bia thời Lê sơ như các bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội - 1484), bia chùa Cao (Hà Tây - 1505)... đều có trang trí hình hoa sen xen lẫn các hoa khác. Bố cục hoa sen theo kiểu nhìn nghiêng, còn các cánh hoa thì phần lớn đang chụm lại che kín đài gương, ở trên là 3 lớp cánh đang xếp sát nhau, phía dưới cũng có 3 cánh nhỏ đã nở rộng. Đó là trường hợp hoa sen diềm bia chùa Cao. Còn ở diềm bia Văn Miếu bố cục cũng như vậy nhưng có phần đơn giản hơn. Ở giữa là hai cánh sen ôm lấy đài gương, phía ngoài có 5 cánh nở đều ra các phía, giống hoa sen bệ chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh - thế kỷ XVII)


Bộ Tam Thế chùa Khám Lạng
Hoa sen trên bệ tượng Phật: Các bệ tượng Phật thời Lê sơ, như bệ các chùa Khám Lạng (Bắc Giang - 1432), chùa Cao (Hà Tây-1505)... đều có trang trí cánh sen . Kiểu cách và chi tiết của các hoa văn này gần giống với các cánh sen trên các bệ thời Trần. Đặc biệt ở chùa Khám Lạng, ngoài các cánh sen to, còn có lớp cánh sen được chạm theo kiểu xếp gối lên nhau chỉ thấy nửa hình, cứ thế mà thành băng dài. Lối bố cục gối lên nhau này cũng đã thấy có ở thời Trần. Ở chùa Cung Kiệm, dưới chân bệ đá của tượng Phật niên đại 1449, còn thể hiện một đóa hoa sen nổi trên sóng nước, chạm theo lối nhìn hơi chếch nghiêng, các cánh sen nở vây quanh một búp sen ở giữa, lá phía ngoài hình sóng, bố cục đơn giải, ít chi tiết.


Hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Việt là một đề tài rất phong phú, được thể hiện ở rất nhiều các hình thức trang trí mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống, mà còn mang giá trị tinh thần vô giá với người Việt. Chính vì vậy hình tượng hoa sen không chỉ là cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân xưa, mà ngày nay các họa sĩ hiện đại vẫn có nhiều tác phẩm thành công với đề tài hoa sen, qua nhiều cách nhìn và ngôn ngữ tạo hình khác nhau, nhưng đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.
3. Hoa sen trong văn hoá ẩm thực Việt Nam:
Từ ảnh hưởng của hoa sen trong đời sống tinh thần mà người dân Việt Nam đã đưa sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực.
Các bộ phận trên bông hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm một hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen. Sen hồ Tịnh Tâm của Cố đô Huế ngày xưa được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hoà, hương còn rất đượm. Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà, trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.
Chè sen Huế với hạt sen tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, xoi tim rồi đem chưng cách thủy, chưng với đường phèn thì hương mới thơm. Chè sen được múc trong bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như “mắt trâu”, chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng nở lươm tươm. Trong các dịp lễ tết hay kỵ giỗ, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu trong lễ phẩm. Cúng xong, chỉ một bát thôi là đã thưởng thức đủ cái “quốc hồn quốc túy” của xứ Huế rồi!
Ngoài ra, người Huế còn dùng sen để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong các món ăn truyền thống Huế. Cách nấu cơm sen cũng hết sức cầu kỳ, chỉ có những người phụ nữ Huế thực thụ tính tình điềm đạm có bản sắc “tôn nữ” mới nấu được cơm sen. Trong những món ăn “bát bửu”, cơm sen xuất hiện với một phong cách rất Huế. Những ai muốn thưởng thức món cơm sen Huế hãy đến cố đô vào mùa sen nở. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn thượng vị từ sen Huế mang nhiều hương sắc và hương vị đậm đà.
Còn một nét đặc biệt nữa là người miền Bắc thường dùng dùng lá sen để gói cốm. Hương đồng, cỏ nội quấn quyện với hương đồng cỏ nội. Những hạt cốm xanh màu ngọc thạch trở nên dẻo và thơm lâu hơn khi nằm trong lòng chiếc lá sen tươi. Hương thơm dìu dịu của lá sen hoà quyện với hương cốm. Thật là một sự kết hợp hài hòa tuyệt vời mà bất cứ ai đã thưởng thức còn nhớ mãi.


CINET
(Tổng hợp theo: www.vanhoanghethuat.org.vn; danangpt.vnn.vn)



Đôi mắt trẻ thơ



( Ảnh chỉ mang tính minh họa )


…Nó đến lớp học hôm nay với tâm trạng thật lạ: Không vui, không buồn, không uể oải. Hôm nay có lẽ là buổi học cuối cùng của nó ở ngôi trường tiểu học này. Ngồi trong lớp học nhưng đôi mắt nó nhìn bao quát như muốn thâu tóm tất cả những hình ảnh quen thuộc : Ngôi trường, dãy bàn học, hình ảnh cô giáo, và những lũ bạn trong lớp - Kể cả những đứa đã từng chọc ghẹo nó. Thật lạ là nó chẳng có cảm giác ghét bỏ, hay còn giận chúng nó như những ngày trước đó. Những ngày sau nó sẽ không còn gặp chúng nó nữa…Một cảm giác buồn xâm chiếm tâm hồn nó.

- Hôm nay là ngày Noel, bạn có được tặng quà không? - Bé Thảo hỏi.

- Không! - Nó trả lời khô khốc với vẻ mặt buồn xa xăm.

Điều lạ nhất với nó có lẽ lũ trẻ trong lớp gần đây đã không còn trêu chọc nó nữa. Còn nhớ cách đây không lâu, trong giờ ra chơi lũ trẻ xóm lại bàn tán trò chuyện với nhau. Thằng Long béo khoe: “ Bố tớ là bộ đội nhé, bố tớ có cây súng rất dài !”. Con Thảo chen vào: “ Mẹ mình làm giám đốc oai lắm nhé! đi đâu cũng có xe otô đưa đón, mình muốn cái gì mẹ cũng mua.”. Thằng Minh lí lắc tham gia góp chuyện: “ Chẳng bằng bố tớ đâu nhé! Bố tớ làm bác sĩ nhiều tiền lắm, nhà tớ ở bốn tầng, đi đâu bố cũng lái xe đưa tớ đi. Sướng lắm nhé! ”…Đứa nào cũng tranh nhau kể về bố mẹ của mình. Lũ trẻ luôn luôn tự hào về bố mẹ của chúng, như thể bố mẹ của chúng là nhất trên đời ! Nhưng với nó, nó chẳng biết bố nó là ai cả, một vài lần hỏi mẹ, nó thấy mẹ nó khóc. Mẹ luôn lảng tránh câu hỏi của nó :“ Lớn lên con sẽ hiểu !” Thương mẹ, nó không bao giờ hỏi nữa. Nó mới chỉ biết bố qua những gì mẹ kể, nghe mẹ kể lại nó vẫn khóc! nó khóc vì tại sao bố mẹ nó thương nhau nhưng lại không ở với nhau, vì cái cảm giác thiếu vắng cha không gì có thể bù đắp nổi ấy … Nó thèm một vòng tay ấm áp và che chở của cha biết bao - một người cha mà nó tưởng tượng...và nó biết chắc rằng cha cũng thương yêu và nhớ nó lắm, nó biết thế....Còn mẹ làm nghề gì nó cũng chẳng biết. Nó định khoe với chúng nó: “ Mẹ tớ đẹp và xinh lắm nhé ! Rất đẹp! ” nhưng không dám, vì sợ…Một nỗi sợ mơ hồ! Lũ trẻ chóng quên nhưng lại hay nhớ...Chúng nhớ tất cả những gì người lớn vô tư nói với nhau.

Nó sợ lũ bạn sẽ trêu chọc và diểu cợt nó như những lần trước…Chẳng biết đứa nào xướng lên : “ Mẹ thằng Thảo là cave …là chân dài nhé! Nhà nó ở xóm cave…!”.Thế là lũ trẻ a dua theo: “ Nghỉ chơi với thằng Thảo, mẹ nó là cave ! ” “ Lêu…Lêu…là cave !” Nó bật khóc vì ấm ức.Với suy nghĩ của nó, từ "cave" thật khó nghe, mặc dù chẳng hiểu cave là gì, tại sao mọi người lại diểu cợt và khinh bỉ như thế nhỉ? Mẹ nó và mọi cô gái sống ở " Xóm cave " đều là người tốt nhưng tại sao mọi người xung quanh lại luôn xa lánh, ghẻ lạnh với họ, nhưng nó lờ mờ hiểu ra rằng cave đồng nghĩa với nhơ nhớp, bẩn thỉu và vô liêm sỉ. Không như thế làm sao lũ bạn lại cười cợt, chế diễu và khinh miệt như thế ? Người lớn nói được thì trẻ con cũng có thể bắt chước, thỉnh thoảng cái từ cave đáng khinh bỉ lại được lũ trẻ nhắc đến một cách hồn nhiên và vô tư. Mỗi lần như thế, nó thường co rúm người lại lầm lì và cô độc. Nó không muốn trò chuyện với đứa nào trong lớp, đôi khi cả với mẹ nó, nó cũng giận cả mẹ nhưng chẳng hiểu vì cái gì.

Lũ trẻ ở trong lớp không bao giờ chơi với nó thật, nhiều khi nó muốn được tham gia vào những trò chơi bắn bi, trốn tìm cùng chúng nó…Thế nhưng, thấy nó là lũ trẻ lảng tránh, nên nó thường đứng ngắm nhìn lũ trẻ chơi qua cửa sổ với đôi mắt buồn hiu.

Cũng có lần nó đánh lộn với thằng Minh lí lắc ở trong lớp vì dám trêu chọc “ Mẹ nó là cave !” Lần đó cả hai đứa đều bị cô giáo phạt. Thằng Minh lí lắc thì khóc hu... hu..., còn nó hai con mắt ráo hoảnh, lạnh lùng như không có chuyện gì xảy ra “ Ai bảo dám nói mẹ của nó là cave kia chứ! ”. Sau lần đó, cô giáo tìm đến dãy nhà trọ gặp mẹ nó để trò chuyện. Nó sợ bị mẹ đánh nên trốn ra ngoài hiên đứng. Hình như mẹ nó khóc khi nghe cô giáo nói thì phải, Nó chẳng hiểu hai người nói những gì…nhưng thỉnh thoảng, nó nghe cô giáo nó nói “… Nào là đứa trẻ tự kỷ…tổn thương tâm hồn…Rồi tương lai…” Cô giáo nói với vẻ quan trọng lắm. Nó sợ…sợ bị mẹ đánh như một vài lần trước, nên bật khóc từ bao giờ.

Mẹ nó nhìn nó trân trân với đôi mắt đỏ hoe. Mẹ nó chẳng thấy nó khóc bao giờ nên thật sự ngạc nhiên, ngoài những lần ăn mấy cái tát vào mặt vì…lười học. Nó nhìn mẹ qua nước mắt, mẹ hôm nay cũng thật lạ: Mẹ làm sao mà ngây như phỗng thế …Mẹ nhẹ nhàng đến bên nó, ôm nó vào lòng vỗ về: " Mẹ xin lỗi con! Con trai khóc là xấu nhé, ai lại khóc thế bao giờ kia chứ…” Đôi mắt mẹ nó đỏ hoe, nó thấy thương mẹ quá !...

Mãi suy nghĩ vẫn vơ, nó không để ý cô giáo đã bước đến bên cạnh nó tự lúc nào:

- Cô xin thông báo với cả lớp một thông tin quan trọng. Tập thể lớp 3A chúng ta gồm 40 thành viên gắn bó với nhau từ đầu năm học đến nay, rất tiếc từ ngày mai sẽ thiếu vắng một thành viên trong lớp, bạn Nguyễn Hoàng Thảo vì điều kiện gia đình nên sẽ chuyển trường vào miền Nam…- Cô giáo chậm rãi nói, lũ trẻ lặng im phăng phắc, có đứa ngoái đầu nhìn nó, không khí lớp học chùng xuống.

-…Bạn Thảo luôn là con ngoan, trò giỏi, luôn là người bạn tốt với mọi người đúng không ? Các con có thương bạn Thảo không? Có nhớ về bạn Thảo không ? Thỉnh thoảng các con viết thư thăm hỏi và cùng thi đua học tập với bạn Thảo nhé ! Các con có nhớ bạn Thảo không ?

- Thưa cô có ! thưa cô có ! - cả lớp nhao nhao.

- Bạn nào có thể hát tặng bạn Thảo một bài hát nào ? - Cô giáo hỏi.

Một vài cánh tay rụt rè, rồi cả rừng cánh tay giơ lên “ Em cô! Em cô!..Thưa cô! em xin hát tặng bạn Thảo một bài hát.” Một vài đứa nghêu ngao hát. Cả lớp vỗ tay rần rần…Có đứa nhìn nó với cặp mắt ươn ướt như muốn khóc. Chưa bao giờ nó thấy xúc động và được quan tâm như thế…Nó nhìn bé Thảo, Long béo, Minh lí lắc và mọi người trong lớp với một cái nhìn trìu mến, ấm áp, thân thương. Rất đỗi thân thương !

- Oh ! Ông già Noel…- Lũ trẻ hú lên khoái trá.Cả lớp nhốn nháo nhìn ra cửa lớp

- Không phải ông già Noel thật đâu nhé! Mẹ tớ bảo ông già Noel phải đi xe trượt với sáu con tuần lộc mới phải…Thằng Minh ( Biệt hiệu Minh lí lắc) thì thầm tỏ vẻ hiểu biết.

- Oh ! Ông già Noel tặng quà…Tất cả cười hồn nhiên và sung sướng, nó cũng cười - những nụ cười hiếm hoi, vì ít khi nó cười như thế - Cả lớp học xôn xao, ồn ào như vỡ chợ, có đứa còn nhoài cả người ra cửa để đếm ông già Noel “ Một ông già Noel,… hai ông già Noel…” Các ông già Noel nhanh chóng tỏa đi các lớp. Cô giáo cố gắng vãn hồi trật tự của lớp học bằng cây thước gõ liên tục lên bàn nhưng vẻ mặt cô cũng rất vui vì không khí của ngày lễ giáng sinh.

Một ông già Noel còn trẻ tiến đến gần lớp học của nó, ngước nhìn bảng lớp học 3A, trò chuyện với cô giáo của nó, rồi bước vào phòng trịnh trọng đứng giữa lớp:

- Ta là ông già Noel, nhân dịp giáng sinh ta xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các con cùng gia đình. Chúc mọi người sức khỏe, an lành, ngập tràn hạnh phúc trong đêm giáng sinh… Lũ trẻ lặng im, hồi hộp không phải lắng nghe những gì ông già Noel nói mà chăm chăm chú nhìn vào túi quà màu đỏ trên vai ông già Noel đang vác trên vai.

- Ông già Noel vào nhà tặng quà phải chui qua ống khói kia…Họ đóng giả đấy mà !- Một đứa khác phụ họa, nhưng tất cả đều lạc lõng trong niềm vui hồn nhiên. Chúng nó cũng chẳng cần quan tâm ông già Noel là giả hay thật. Chúng tin ông già Noel là người thật phác thực, yêu trẻ, tốt bụng và luôn quan tâm đến mọi đứa trẻ.Và ông đang đứng hiện hữu ở trước lớp với một con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi đấy chứ .

- Cháu nào là : Nguyễn Hoàng Thảo nhỉ ? - Ông già Noel hỏi, mọi con mắt đổ dồn về phía nó, nó ngượng ngùng đứng dậy.

- Ta là ông già Noel ! Ta trân trọng chào cháu Nguyễn Hoàng Thảo. Nhân dịp giáng sinh ta chúc cháu luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời bố mẹ, và hiếu thảo với mọi người xung quanh. Đây là quà của cháu !…Ông già Noel bước đến xoa đầu nó, vỗ về nó và trao cho nó một hộp quà màu đỏ. Mọi con mắt của lũ trẻ trong lớp đổ dồn nhìn nó với con mắt ganh tỵ. Nó thật sự ngạc nhiên! Hình như ông già Noel biết được những nỗi buồn đau trong tâm hồn của nó thì phải, những nỗi buồn vô tình gặm nhấm tuổi thơ của nó trong những ngày qua.

- Ông già Noel ơi ! Cho cháu quà ! - Một vài đứa gào lên, giơ tay ra van xin

- Ông già Noel ơi ! Cho cháu quà với ! cháu là học sinh giỏi mà…! Sao cháu không có quà ! - Có đứa van nài - lớp học lao xao, lũ học sinh đứng hết cả dậy. Có đứa đứng cả trên ghế, những cánh tay chìa ra với đôi mắt mở to hồn nhiên đến đáng yêu.

Nhưng ông già Noel dường như không nghe thấy thì phải, ông chào cô giáo và vẫy tay chào cả lớp rồi " Lạnh lùng" lên xe máy rồ ga chạy vụt đi như để chạy trốn " lòng tin hồn nhiên " của lũ trẻ. Lũ trẻ ngoái nhìn theo đầy tiếc nuối…

Cũng may, Ông già Noel này may mắn đến trong giờ học. Lúc sáng một ông già Noel khác già hơn cũng đến tặng quà cho một vài đứa trong lớp của nó, nhưng chẳng may ông đến đúng giờ ra chơi. Sau khi tặng quà xong, lũ trẻ bám quanh vòng trong vòng ngoài: Có đứa vặt râu ông xem có phải là ông già Noel thật hay không, đứa khác nắm quần áo xô đẩy, có đứa lấy kính của ông, đứa khác còn nghịch ngợm đưa tay giật lấy những túi quà trong bao tải của ông…Phải khó khăn và may mắn lắm khi nhờ bác bảo vệ “giải cứu” ông già Noel mới thoát khỏi lũ “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” với quần áo xộc xệch, râu tóc phờ phạc…Lũ trẻ cười ngả nghiêng khi nhìn ông lên xe máy : Tạch,…tạch…tạch…chạy mất hút, không dám ngoái đầu nhìn lại - Chợt nhớ chuyện khi sáng, nó cười một mình.

Chưa bao giờ nó vui như thế ! Ngày hôm nay sao ấm áp và an lành, Ông già Noel thật tốt bụng và quan tâm đến nó. Đôi mắt nó trong veo và lung linh một cách đáng yêu. Cô giáo nó hình như cũng rất vui với niềm vui của nó, cô nhìn nó với ánh mắt đầy trìu mến ." Ước gì cô giáo là mẹ nó nhỉ! ” - Nó thầm mong ước.




Tan trường, lũ trẻ như đàn ong vỡ tổ túa ra từ các lớp học với vẻ mặt hân hoan. Mẹ nó vừa đỗ xịch chiếc xe tay ga trước cổng trường, ngạc nhiên nhìn nó ôm hộp quà đỏ trên tay :

- Ai tặng cho con thế hả Thảo ? Mẹ nó hỏi với sự ngạc nhiên.

- Dạ, ông già Noel mẹ ạ ! - Nó khoe với mẹ.

- Ai ngoan mới được tặng quà. Con mở xem ông già Noel tặng con cái gì nào! - Mẹ nó nói.

- Dạ ! Thưa mẹ.- Nó hồi hộp mở hộp quà. Mắt nó sáng lên, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc “ Một con gấu Bông rất đẹp và một cuốn truyện cổ tích Grim ” kèm theo một tấm thiệp chúc mừng Noel với những dòng chữ viết rất quen thuộc như lần sinh nhật trước đây của nó :

“ Merry Christmast Noel 2010: Chúc mừng giáng sinh an lành và ấm áp ! Chúc hai mẹ con Hoàng Thảo sức khỏe và hạnh phúc. Mong Hoàng Thảo luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời bố mẹ và hiếu thảo với mọi người !

Ký tên : Ông già Noel”


Nhìn con với vẻ mặt hồn nhiên và vô tư chị thấy đau xót và thương con vô cùng. Chị giận mình vô tâm, ích kỷ và nông nỗi nên hoàn cảnh cứ xô đẩy chị trượt dài trên con đường đó. Chị nhẹ nhàng hôn lên trán con.

- Mẹ ! Con thương mẹ nhiều lắm. Hôm nay là ngày Noel kia mà, sao mẹ lại khóc? - Nó hỏi hồn nhiên .

- Con mẹ ngoan lắm ! Mẹ có khóc đâu nào, hạt bụi nào bay vào mắt mẹ đó. Ông già Noel thật tốt bụng phải không con ! - Chị quay đi cố giấu những giọt nước mắt chực trào ra…

Cả cuộc đời này chị sống cũng không thể bù đắp hết tình cảm và sự thiệt thòi tình cảm cho con. Chị muốn bắt đầu lại từ đầu nhưng con đường hoàn lương của chị sao mà khó khăn đến thế. Trước đây, chị không dám từ bỏ vì nghĩ rằng xã hội đã xem những người như chị là một loại người bỏ đi. Sẽ chẳng có người đàn ông nào vị tha, cảm thông để chấp nhận và yêu thương một người như chị. Chị phân vân và do dự…và cũng không đủ can đảm dám từ bỏ công việc đang làm vì không biết đi đâu, làm gì để mưu sinh. Nhưng bây giờ có lẽ suy nghĩ của chị đã khác. Khác rất nhiều sau lần trò chuyện cùng cô giáo. Một sự thay đổi lớn lao sau những giằng xé của nội tâm và thực tế nghiệt ngã của cuộc đời trong những đêm mất ngủ...Chị suy nghĩ rất nhiều và chị đã quyết định phải thay đổi cuộc sống hiện tại, dẫu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống…

Nhìn những dòng chữ trên tấm thiệp, chị thấy nét chữ rất quen thuộc như đã gặp đâu đó. Hình như người này đã tặng quà trong dịp sinh nhật của con chị thì phải. Còn ai vào đây nữa nhỉ! Chị thì thầm “ Cảm ơn cô giáo vì tất cả ! Cảm ơn cô rất nhiều vì những gì cô đã làm cho cháu ! ”... Dù khó khăn hay nhọc nhằn chị sẽ bắt đầu lại cuộc sống mới của mình, không phải vì chị mà vì chính “ Mặt trời bé con của chị !”…

Quảng Ngãi,25/12/2010

Nguyễn Hữu Quang-PDU