Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân!




Nửa đêm.

Mò vào mạng check mail lần cuối.

Nhận được một bức thư thật dài và cảm động của một học viên.

Trong thư, cậu ta tâm sự: “Em đã từng đứng trên bục giảng, từng nói với học sinh của mình về các kỹ năng sống, trong đó em đã nói với bọn trẻ phải biết tự tin trong cuộc sống, biết sống với chính mình và biết vượt qua mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, cũng chính trên cái bục giảng ấy, em đã có sự mặc cảm về xuất thân của mình khi những học trò của mình nói “mấy thằng thợ xây” đang gây ồn ào ở công trình thi công gần trường học. Em đã lặng đi như chết khi chợt nhớ lại cách đây 7 năm mình cũng đã từng là thợ xây, và hiện tại cha mình ở nhà cũng là một thợ xây. Vậy mà các cậu ấm trong lớp mình lại gọi các bác lao động kia là “thằng thợ xây”. Nhờ được tiếp xúc với cô mà em đã dám “ngẩng mặt với đời” vượt qua mặc cảm, sống với ý nghĩa đích thực của cuộc đời…”.



Đọc những dòng tâm sự này làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm. Để trả nghĩa cho cô giáo chủ nhiệm con trai hồi lớp 3, tôi đã “có nhời” nhờ một đệ tử ruột của mình “đặc cách” cho cháu họ của chồng cô giáo (sau hỏi ra mới biết là họ hàng bắn ca nông đại bác mấy ngày cũng không tới), tốt nghiệp trường SP ngoại ngữ, vào làm việc tại một công ty tài chính của nước ngoài, nơi đệ tử ruột của tôi làm Sếp. Tôi năn nỉ đệ tử: “Này em, gắng làm phúc chút nha. Mẹ con bé này là nông dân (về sau mới biết là “nông dân trồng rau” bên Gia Lâm, hic), bố xuất ngũ làm bảo vệ. Nó là con trưởng và học hành khá khẩm nhất nhà. Mình tạo cơ hội cho nó để sau nó còn làm chỗ dựa và dẫn dắt các em”. Đệ tử của tôi cũng thuộc túyp người nghe đến hai chữ nông dân là thấy mủi lòng, người nhũn như bún, vội lập bập “Vâng, bác nói thế làm sao em từ chối được”. Học ngoại ngữ thì biết quái gì về tài chính mà làm. Tuy nhiên, may mắn cho con bé là đệ tử của tôi đã cử người hướng dẫn nhiệt tình từng ly từng tí và dần dần cô bé đã bắt đầu quen với công việc. Thế nhưng, cái mặc cảm là “con nông dân” đã giết chết con bé. Nó đã choáng váng đến nghẹt thở khi vào làm ở một công ty sang trọng với những nhân viên ăn mặc lịch lãm. Sự thân thiện của Sếp, sự cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ của các đồng nghiệp cũng không cứu nổi con bé. Nó đã không tự bước qua được cái ám ảnh tâm lý nặng nề “mình là con nông dân, con của đẳng cấp dưới”. Sau gần hai tháng, khi thời gian học việc đã có kết quả khá khả quan, bỗng nhiên tôi nhận được một email rất dài của cô bé: “Cô ơi, cháu không biết phải nói gì nữa cả. Trên đời này, ngoài bố mẹ cháu ra chưa ai lo và giúp đỡ cho cháu như cô. Nhưng hôm nay cháu phải thành thật xin lỗi cô vì cháu đã quyết định thôi việc ở công ty. Cháu không vượt qua được áp lực tâm lý rất nặng nề mỗi khi bước vào cơ quan. Cháu luôn bị ám ảnh về tầng lớp xuất thân của cháu và cháu thấy mình không thể phù hợp với môi trường làm việc ở đó. Các bạn cháu cũng bảo “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa” thôị. Và cháu đã quyết định đi sang Đức làm Aupair * rồi cô ạ………………”
Đọc xong bức thư tôi đã rất giận. Sao có cái giống đâu mà ngu đến thế hả giời. Thế mà cũng tốt nghiệp đại học đấy. Đã “gang” miệng ra và đổ cơm vào cho mà còn không tự nhai, tự nuốt được thì có chết cũng là đáng đời thôi. Con nông dân thì làm sao? Con nông dân thì không có quyền hay không thể ngửa mặt lên được với đời à? Mày ngu thế thì chỉ đi làm OSIN cho thiên hạ là đáng rồi con ạ.

Điên ruột.

Hôm sau, ngay lúc vừa bước chân vào giảng đường (với gần 100 sinh viên) tôi hỏi luôn:

- Trong giảng đường này, những em nào là con nông dân?

Lúc đầu lác đác những cánh tay rụt rè giơ lên, sau đó có đến già nửa hội trường.

- Có ai mặc cảm mình là con nông dân?

Những ánh mắt nhìn nhau không mấy tự tin cho lắm.

Nhưng không ai trả lời.

- Làm sao mà phải tự ti vì là con nông dân. Các em thậm chí còn nên hãnh diện với mọi người là bố mẹ mình thuộc thành phần “sạch sẽ” nhất ở trong cái xã hôi này (nào có tham nhũng hay chấm mút được của ai cái gì ngoài món đặc sản “mồ hồi” và “thắt lưng buộc bụng” mà chẳng "sạch sẽ"). Nhưng tất nhiên là chỉ khi bố mẹ các em không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất quá liều thôi đấy nhé – tôi hóm hỉnh “bồi” thêm. Phải hãnh diện là cha mẹ mình nghèo khó, mình không có điều kiện được luyện ở các “lò lớn lò bé” như các bạn khác nhưng mình vẫn ngẩng cao đầu đường hoàng bước chân vào cổng trường đại học chứ.

Mặc cảm vì xuất thân nghèo khó (thường đi liền với hèn) là tâm lý rất phổ biến ở nhiều người, bởi thế việc nói những điều này với bọn trẻ (sinh viên) cũng không phải là thừa.

Đúng thế, dám chắc không phải là thừa.

Bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện với hai cô bé sinh viên làm phục vụ tại một quán ăn đêm vỉa hè ở Huế cách đây mấy năm.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng núi của Thanh Hóa, hai cô bé vào học ngành văn ĐHSP Huế với giấc mộng trở thành nhà báo. Nhà nghèo, cha mẹ là nông dân, quanh năm làm vẫn không đủ ăn chứ đừng nói đến chuyện nuôi con đi học đại học, nên phải đi làm thêm buổi tối. Xin việc cũng khó nên đành đi bưng bê ở quán ăn đêm với tiền công khá rẻ mạt. Các cô bé kể, đi làm thế này tuy vất vả nhưng bọn cháu không ngại, chỉ sợ nhỡ may bạn bè bắt gặp thì ngượng và tủi thân lắm. Tôi bảo: sao phải ngượng với bạn bè? Mình sống bằng sức lao động của mình, có ăn cắp, ăn trộm hay ăn xin ai đâu mà phải ngượng. Đúng ra các cháu phải hãnh diện và tự hào với bạn bè là mình đã tự nuôi sống được bản thân và công việc học hành của mình chứ. Nghe thấy thế hai cô bé bảo: “Cô ơi, cô là người duy nhất nói với chúng cháu như thế. Mọi người không ai nghĩ như vậy đâu cô ạ. Cảm ơn cô đã động viên và tiếp thêm nghị lực cho bọn cháu”.
Trước khi chào ra về tôi còn dặn dò hai cô bé: “Các cháu cố lên nhé, nhưng gắng đừng để làm thêm ảnh hưởng nhiều đến công việc học hành. Nếu thích thử sức với nghề báo thì khi viết được bài gì hay hay cứ gửi cho cô theo địa chỉ email …. , cô sẽ tìm cách gửi đăng giúp”.

Và tôi mong các sinh viên, học viên của tôi dám ngẩng cao đầu với thiên hạ mà nói rằng:

Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân….

-----------------

* Aupair: giúp việc



23h55, ngày 30.06.2010


N.Thị Phương Hoa - PGS,TS trường ĐHQG Hà Nội

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Kỷ niệm ngọt ngào…!

( Kỷ niệm ngọt ngào…Hay: Tự truyện của thầy Nguyễn Văn Vẽ .)
Cho đến bây giờ trên quảng đường xa xôi vạn dặm vượt thời gian, mỗi năm đến ngày 20/11 lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại những " kỷ niệm ngọt ngào" khó quên trong cuộc đời làm giáo viên của mình. Kỷ niệm đó lắng sâu trong ký ức tôi như một bảo tàng của tất cả những gì đáng nâng niu, trân trọng và hồn nhiên như một "xã hội trẻ em" đầy cá tính và vui nhộn. Nó là cái đẹp mỹ học - cái đẹp thuần khiết nhất như khi tôi mở tập đồng thoại Andecxan tâm hồn nông cạn bỗng ngập tràn ánh sáng .…

Ngày đó, tôi còn là một giáo viên dạy học ở một trường tiểu học ở ngoại ô, và những "Mặt trời bé con" của tôi là những chú nhóc, những cô bé tóc còn khét mùi nắng, chân đi đất , áo không đủ mặc nhưng lại hồn nhiên đến dễ thương, vô tư đến đáng yêu và hiếu học. Ngày đâù tiên khi tôi cầm QĐ xuống trường,ông hiệu trưởng trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi như trên trời rơi xuống ,tôi dạy môn mỹ thuật ở tiểu học-như người đóng vai phụ,chẳng có HS nào ở lớp bị ở lại lớp hay bị phàn nàn vì môn học tôi cả,ngoài vai phụ còn là diễn viên đóng thế .Này nhé nếu trường có GV nữ nào đau ốm hay nghỉ thai sản (đại khái là có lý do) tôi dạy luôn từ vẽ đến tiếng việt,toán,thủ công...suốt buổi học hôm đó,kể cả những môn học chẳng phải sở trường của tôi,cũng may kiến thức tự nhiên và xã hội không đến nỗi tồi nên tôi đáp ứng được mức "đạt yêu cầu.!" -" Chỉ cần đọc thông ,viết thạo,nhân chia cộng trừ là được thôi mà!"-Tôi tự nhủ

Tôi còn nhớ những ngày dạy đầu tiên, lũ học trò nhìn tôi với cặp mắt hiếu kỳ và lạ lẫm,

- Ê ! Thầy giáo mới chúng mầy ơi! Tiếng học trò lao xao.

- Em chào thầy ạ ! - Một giọng nói trong trẻo, đầy nghịch ngợm cắt ngang một ý tưởng thoáng qua trong đầu .

Tôi ngoảnh lại một mái tóc đuôi gà biến mất sau ô cửa, tôi mỉm cười thấy tự tin và đầy vinh dự. Thế rồi không biết từ lúc nào tôi đã nhập vào thế giới trẻ em đó với tất cả tình yêu thương và niềm đam mê nghề nghiệp.Trong các giờ dạy tôi đóng vai như người quản trò thiết kế các cuộc chơi…Cuộc sống sẽ mất đi hứng thú nếu thiếu những cuộc chơi. Đối với các em vẽ là trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, vì các em có thể bi bô ngôn ngữ ấy theo một bản năng tự nhiên nhưng lại là trò chơi khó khăn vì mỗi em phải tự tìm kiếm những hình và màu như những ký hiệu ẩn dụ. Sự nhận biết và cá tính của mỗi em được thể hiện trên mỗi bức tranh. Đôi khi tôi bắt gặp những đôi mắt tròn xoe khi lũ trẻ say mê nhìn ngắm sản phẩm của chúng . Vâng ! Có thể có một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ được chuyển tải vào trong đó.Chẳng bao lâu tôi trở nên thân thiết, học trò gọi tôi bằng cái tên trìu mếm " Thầy vẽ " lâu rồi thành quen mọi người trong trường kể cả giáo viên đồng nghiệp đều gọi tôi là thầy vẽ, nhiều khi tôi cảm tưởng mọi người chẳng biết tên thật của tôi là gì? Có người nhầm lẫn : Nguyễn Văn Vẽ, hay gọi tôi bằng cái tên trìu mếm họa sĩ Nguyễn Văn Vẽ…Và tôi vẫn cam chịu như là sự cam chịu nghề nghiệp.

Thế rồi ngày 20/11 đầu tiên cũng đến, tôi dậy sớm hơn mọi ngày để dọn dẹp lại căn phòng và chờ đợi, một sự chờ đợi đầy hồi hộp và hãnh diện " Ừ ! Tôi cũng sẽ có học trò đến thăm như mọi giáo viên khác, chắc sẽ có nhiều hoa lắm…Và tôi sẽ mang một bó hoa đến tặng bác Thành - là thương binh làm bảo vệ trường - bác chẳng có học sinh nào đến thăm cả…"-Tôi nghĩ thầm và sắp xếp một kế hoạch trong đầu.

Chưa bao giờ tôi thấy thời gian dài như vậy, nhìn đồng hồ tôi bắt đầu lo âu, phía bên kia nhà cô giáo dạy toán trường THPT học sinh đến tấp nập, ồn ào, xô bồ.v.v…Cảm nhận cả nụ cười mãn nguyện của cô giáo tôi thấy thất vọng và hụt hẫng…


- Em chào thầy ạ ! Em chào thầy vẽ ạ ! - Tiếng học sinh xôn xao kéo tôi trở về với thực tại, tôi nhận ra các cậu học trò lớp 4A.

- Các em vào nhà đi !- Tôi vồn vã và tất cả ríu rít như đàn chim, Hùng hai tay lúng túng đặt bó hoa cỏ dại lên bàn.

- Thưa thầy ! Hôm nay ngày nhà giáo Việt Nam… chúng em có mua vài quyển sổ tặng thầy làm kỷ niệm ngày 20/11…Chúc thầy luôn vui, khoẻ…- Bé Lan vụng về diễn đạt và đặt gói tặng phẩm trên bàn.

Tôi cảm ơn các em và mời các em uống nước, trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, động viên các em học tập và giúp đỡ gia đình. Như cảm nhận được sự quan tâm và chia sẻ tất cả trở nên mạnh dạn và cởi mở hơn. Ngồi chơi một lát các em xin phép ra về .

Tiễn các em ra ngõ và quay vào nhà, bất chợt

- Thưa thầy !... Một cậu học trò nhỏ rụt rè.

- Vào đây em, em đi một mình thôi sao ? Tôi ngạc nhiên nhận ra chú nhóc Minh ( Biệt hiệu : Minh lí lắc)

- Thưa thầy ! Em…em…- Minh lí lắc lúng túng giải thích và móc túi quần lấy ra tờ bạc 5.000đ nhàu nát, vuốt cho phẳng và đặt lên bàn…Em có chút ít tình cảm gửi đến thầy nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11…

(Tôi nghĩ: À, thì ra cu cậu này ngủ dậy muộn nên không kịp đến để góp tiền mua quà với các bạn đây mà,thảo nào - Trông cậu có vẻ bối rối! và đây là cách xử lý của cậu !!!)

Tôi mỉm cười ngạc nhiên, nhìn Minh một cách nghiêm túc :

- Tình cảm của em là đáng trân trọng, thầy cảm ơn nhưng em không phải làm như vậy, chỉ mong em luôn học giỏi chăm làm, vâng lời bố mẹ đó là món quà quí nhất gửi đến các thầy cô giáo ! Tôi vừa nói vừa nhét tờ 5000đ vào túi quần Minh nhưng vô vọng .

- Các bạn trong lớp đều thế cả, nếu thầy không nhận thì em không về ! Minh quả quyết chỉ gói quà trên bàn .

Tôi cố gắng thuyết phục Minh một lần nữa nhưng vẫn không được.

Có vẻ Minh lí lắc đang hờn dỗi, tôi bối rối nhìn tờ giấy bạc đặt trên bàn " Khó thật, nếu không thuyết phục được thì phải thỏa hiệp thôi "- Tôi nghĩ thầm - Lúc này tôi lại chuẩn bị đến trường để dự buổi toạ đàm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.



…Sau đó tôi chở cậu bé ra quày văn phòng phẩm mua một hộp màu vẽ và trao cho cậu bé hộp màu vẽ như một món quà tôi tặng, không quên dặn dò "Em cố gắng học thật giỏi và vẽ những mơ ước của em thành sự thật để bố mẹ,thầy cô vui nhé "Tôi thấy Minh cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh thật đáng yêu.

Đến hôm nay, là giáo viên giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp, đối tác của tôi là những chủ thể hoàn toàn khác, có cuộc sống tâm lý, tình cảm phong phú và phức tạp hơn nhiều nhưng những "Chuỗi kỷ niệm ngọt ngào" về một khung trời tuổi thơ luôn là một gia tài quí báu nhất ! Con đường mình đã đi qua là gia tài quí báu nhất của mình, chỉ có nhờ những con đường ấy mới có thể đi tiếp những con đường về sau…

CĐSP Quảng Ngãi: 20/11/2000)
Nguyễn Hữu Quang
(Truyện ngắn được viết dựa trên những kỷ niệm có trong ký ức của thầy giáo NHQ)

Tôi đọc và suy ngẫm, vậy tôi tồn tại !!!





…Thế giới mênh mông, sự vân động của nó cũng mênh mông. Mỗi chúng ta giống như một đơn vị nhỏ nhất của thời gian, là một tíc tắc - tíc tắc…Những ước mơ, nguyện vọng, thành bại, những vui sướng, đau khổ,…Tất cả gói trọn trong cái hữu hạn khoảng khắc : Tích tắc - tíc tắc. Các triết nhân xưa thường ngắm cái sọ người để suy ngẫm: Mưu bá đồ vương rút lại cũng chỉ là một cái sọ vô danh, mỏng mảnh.Tôi không ngắm sọ người mà thường suy tư trước cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn . Tích tắc - tíc tắc, hãy nhớ tới cái hữu hạn, cái ngắn ngủi, cái chóng qua của một kiếp người. Hãy mơ mộng trong cái hữu hạn ấy.Với cái vĩnh viễn, cái vô tận, cái trôi đi mãi mãi…thì mình có là cái gì, chẳng là cái gì cả, đừng nghĩ phải là cái gì đó mà khổ nhưng ta vẫn có thể là cái gì đó trong cái khoảng khắc ta đang sống, là một sức đẩy dẫu là yếu ớt vào cái dòng lưu chuyển chung, tôi vẫn nghĩ như thế, tôi vẫn sống như thế và tự xem là đủ. Mấy năm qua, tự xét mình tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về vật cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chảy ồ ạt, vĩnh viễn của lịch sử! Chúng ta chẳng là gì cả danh nhân, danh tướng còn chưa là cái gì (?)…Huống hồ một đơn vị rất vô nghĩa là mình (!)

Tôi vẫn nghĩ như thế, tôi vẫn sống như thế và tự xem là đủ… Tôi không ngắm sọ người mà thường suy tư trước những câu "ranh ngôn" của thế hệ @ rằng " Lương tâm không có răng ! Người xấu tưởng tượng ra lương tâm để hù dọa người tốt … để người tốt luôn cắn rứt lương tâm.Vốn dĩ thế- người tốt vốn cả tin- nên người tốt bị người xấu " ám sát"…" Phải trãi nghiệm thì mới biết và ngẫm nghĩ ... Tôi đọc và suy ngẫm, vậy tôi tồn tại ! Tích tắc - tíc tắc - Một đơn vị rất vô nghĩa trong cái hữu hạn ấy...

Giá trị cuộc sống



Đứa bé trai đến gần một ông già có vẻ ngoài rất thông thái. Ngước nhìn ông, cậu bé nói: "Cháu biết ông là một người rất sáng suốt, uyên thâm Ông có thể cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống?"
Ông già nhìn đứa bé đáp: "Suốt đời mình ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều này và có thể nói ngắn gọn chỉ trong bốn từ: - Đầu tiên là suy nghĩ . Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng. - Thứ hai là tự tin . Hãy tin tưởng bản thân bằng cách dựa vào những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống. -Thứ ba là ước mơ . Mơ ước những gì có thể thành hiện thực dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống.
Và cuối cùng là dám làm . Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta". Ông già đó chính là hoạ sĩ Walt Disney - Người bạn của trẻ em của thế giới.
(Hoathuytinh.com)